Bầu cử Myanmar: Những câu hỏi quan trọng

Bầu cử Myanmar: Những câu hỏi quan trọng

Nguyễn Hoài An

Ngày 8 tháng 11 đã được xác định là ngày diễn ra cuộc bầu cử lịch sử của Myanmar. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức dưới thời chính phủ bán dân sự, được quân đội chống lưng của đất nước này. Sau những bê bối của cuộc bầu cử năm 2010 với tình trạng gian lận tràn lan, cuộc bầu cử tới đây dự kiến sẽ được tổ chức theo những quy trình minh bạch và nghiêm ngặt có sự tham gia của các giám sát viên quốc tế, và được kỳ vọng là cuộc bầu cử công bằng, tự do nhất trên đất nước này kể từ năm 1990, khi cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên diễn ra. Bởi tính chất quan trọng và ý nghĩa lịch sử lớn lao như vậy, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh cuộc bầu cử này.

Bà Aung San Suu Kyi có tranh cử tổng thống?

Trong cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên diễn ra năm 1990, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng thuyết phục, nhưng phe đảng quân phiệt cầm quyền của đất nước đã từ chối công nhận kết quả và chuyển giao quyền lực. Từ đó đến nay, đảng này vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Miến Điện. Đặc biệt, lãnh đạo đảng, bà Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hòa bình, được người dân coi như một vị anh hùng dân tộc và là chính trị gia được lòng người nhất.

Lãnh đạo đảng đối lập , bà Aung San Suu Kyi tại Quốc Hội Myanmar trong một buổi họp thường kỳ. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, theo hiến pháp hiện hành, bà Aung San Suu Kyi không được phép tranh cử vì người chồng quá cố và hai người con trai của bà đều mang quốc tịch Anh. Theo quy định của hiến pháp do các tướng lĩnh quân đội nước này soạn thảo, một người sẽ không được phép tranh cử tổng thống nếu trong gia đình có thành viên là người ngoại quốc.

Nhiều cuộc vận động đã được tiến hành yêu cầu quốc hội xóa bỏ quy định cấm bà Suu Kyi tham gia tranh cử, tuy nhiên yêu cầu này đã bị các thành viên quốc hội Myanmar bỏ phiếu bác bỏ vào tháng 6 vừa qua.

Tuy vậy, bà Suu Kyi xác nhận, bà sẽ tham gia tranh cử đại diện cho Kaw Mhu, một thị trấn nằm phía ngoài thủ đô Yangon.

“Đảng NLD sẽ tham gia tranh cử, nhưng triển vọng bà Suu Kyi trở thành tổng thống gần như bằng 0,” Aung Zaw, biên tập viên của tạp chí rất có ảnh hưởng ở Miến, The Irrawaddy, nhận định.

Ở Myanmar, tổng thống không do dân bầu trực tiếp, mà sẽ được các thành viên quốc hội lựa chọn sau cuộc bỏ phiếu.

Tương lai nào cho NLD?

Cho đến nay, NLD vẫn là đảng nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân nhất và là đối thủ chính của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử lần này. Trong cuộc bầu cử diễn ra năm 2010, đảng NLD đã tẩy chay, phản đối những quy định cấm bà Suu Kyi tranh cử. Tại những cuộc bầu cử phụ diễn ra sau đó vào năm 2010, đảng này luôn chiếm được đa số phiếu ủng hộ.

“Nếu cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng, NLD sẽ giành được đa số phiếu,” Zaw đánh giá. “Tuy nhiên, chưa chắc họ có thể thành lập được chính quyền.”

Vẫn theo quy định của hiến pháp, các tướng lĩnh quân đội được đảm bảo 25% số ghế trong số 664 ghế quốc hội, nhờ vậy họ không chỉ có ảnh hưởng lớn và “phi dân chủ” đối với sự hình thành chính phủ mới, mà còn có quyền phủ quyết mọi đề xuất sửa đổi hiến pháp do chính phủ quân phiệt soạn ra.

Theo quy định hiện hành, để được thông qua, một đề xuất sửa đổi hiến pháp phải nhận được hơn 75% phiếu ủng hộ từ cả hai viện của quốc hội, trước khi được đưa ra trưng cầu dân ý. Nhờ quy định này, quân đội, phe nắm giữ 25% ghế quốc hội, có quyền phủ quyết hiệu lực đối với bất kỳ đề xuất sửa đổi nào.

Một điểm khác cần lưu tâm là mặc dù người Myanmar rất quan tâm đến cuộc bầu cử năm 2015 và phần đông vẫn dành nhiều thiện cảm cho đảng NLD của bà Suu Kyi, nhưng nhiều điều đã thay đổi.

Năm 2010, người dân đã nhìn thấy tiến trình bầu cử bị vấy bẩn như thế nào. Và hẳn nhiên nhiều người không quên, kết quả bầu cử đã bị “đánh cắp” như thế nào, và những người ủng hộ NLD đã bị giới chức quân đội trừng phạt, dẫn đến cảnh phải tháo chạy khỏi đất nước ra sao. Không chỉ có vậy, một số người hiện cũng nhận thấy NLD không phải lúc nào cũng đáp ứng được các kỳ vọng của họ về mặt chính trị. Vì vậy, họ hoặc sẽ không bỏ phiếu, hoặc sẽ có những kế hoạch phản ứng chính trị riêng, không phụ thuộc vào NLD nữa.

Còn ai khác sẽ tham gia tranh cử?

Dự kiến cuộc tổng tuyển cử tới đây sẽ có sự góp mặt đua tranh của nhiều đảng phái chính trị. Tuy nhiên, đảng cầm quyền, được quân đội chống lưng, đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) của Tổng thống Thein Sein và đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi sẽ là những đối thủ chính trong cuộc tranh cử này.

Tổng thống đương nhiệm Thein Sein được cho là sẽ tham gia tranh cử để giữ ghế thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, theo đánh giá của Zaw, thông tin Tổng thống Thein Sein có thể tham gia tranh cử đã khuấy động một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng, giữa một bên là phe cánh của tổng thống, và một bên là những người ủng hộ ông Shwe Mann, Chủ tịch Quốc hội và cũng là vị lãnh đạo đảng mới bị cách chức cách đây không lâu.

Cũng theo Zaw, mặc dù phe cánh của Chủ tịch Quốc hội có vẻ ngày càng nắm nhiều quyền lực hơn, nhưng phía quân đội, người chơi chính trên bàn cờ chính trị Myanmar – có vẻ thân cận với phe cánh của Tổng thống hơn.

“Tôi không nghĩ các tướng quân đội đã sẵn sàng chịu bại trận. Họ nắm trong tay cả sức mạnh kinh tế và chính trị, vì thế thật ngây thơ nếu tin rằng họ sẽ dễ dàng chịu thua.”

Những vấn đề nóng nào sẽ được chú ý tới?

Sự chuyển dịch đột ngột sang dân chủ của Myanmar sau hàng chục năm nằm dưới chế độ độc tài của chính phủ quân phiệt đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây bắt đầu xuất hiện những quan ngại về việc quốc gia này dường như đang thụt lùi trong chính cuộc cải cách của mình.

Cấu trúc của bộ máy chính phủ mới sẽ quyết định đường lối mà Myanmar sẽ đi theo trong tiến trình giải quyết những vấn đề tồn đọng từ lâu, cũng như nhịp độ của đất nước này khi theo đuổi nghị trình cải cách.

Một vấn đề mà đất nước giàu tài nguyên và đa dạng về sắc tộc này đã phải đương đầu suốt một thời gian dài là những cuộc xung đột dai dẳng giữa chính phủ với các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng biên giới và giữa các nhóm dân tộc với nhau. Nổi bật nhất là cuộc xung đột liên quan đến những người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine, nằm ở phía Tây Myanmar. Cộng đồng này không được nhà nước Myanmar thừa nhận. Họ sống trong tình trạng không chốn dung thân, không nơi thừa nhận, bị cả chính phủ lẫn các dân tộc theo Phật giáo, quốc giáo chính ở Myanmar, chối bỏ và đánh đuổi.

Sự căm ghét người Rohingya nói riêng, và người Hồi giáo nói chung, được giới tăng lữ Phật giáo quyền lực mang nặng tinh thần dân tộc và cực đoan của đất nước này khuấy động và đẩy lên cao. Nhóm này đã vận động chính phủ ban hành quy định pháp lý cấm kết hôn chéo giữa các tín ngưỡng tôn giáo, và áp dụng nhiều biện pháp phân biệt đối xử khác nhằm mục đích “bảo vệ” nền Phật giáo Miến Điện.

Ngoài ra, hiện tại, chính phủ Myanmar cũng đang nỗ lực đi đến một thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm dân tộc nổi loạn có vũ trang. Đầu năm nay, một cuộc giao tranh đã nổ ra ở khu vực Kokang, rồi tràn qua biên giới Trung Quốc,  gây ra thiệt hại về người.

Với việc mỗi dân tộc được đại diện bởi những nhóm chính trị khác nhau, nguyên vọng của các nhóm dân tộc đa dạng này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tới đây, cũng như các cuộc thương thuyết chính trị diễn ra sau đó.

Tổng hợp từ “November date set for landmark Myanmar elections: What’s at stake?”, CNN và “Myanmar’s Political Destination After The Myanmar Elections Unknown”, East Asia Forum

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.