Cuộc “xâm lăng” của chuẩn mực tư bản trong pháp lý xã hội chủ nghĩa – Phần 2

Cuộc “xâm lăng” của chuẩn mực tư bản trong pháp lý xã hội chủ nghĩa – Phần 2

Sau những cuộc tranh luận về mặt chính trị cũng như kinh doanh – thương mại, quá trình hội nhập với thế giới tư bản phương Tây đẩy các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như các học giả kinh tế chính trị Marxist giải quyết câu hỏi quan trọng đặc trưng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa – vai trò của quản lý nhà nước về kinh tế.

Kỳ trước:

Kỳ 5

Dịch giả: Étranger Nguyen

Dịch từ chương Changing Concepts of Socialist Law in Vietnamcủa tác giả John Gillespie

Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)

Các chú thích là của dịch giả. Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.

Nền kinh tế tuân theo mệnh lệnh từ Đảng

Sau Đại hội IV của Đảng Lao động Việt Nam năm 1976, quản lý kinh tế nhà nước theo phương pháp kế hoạch hóa của Liên Xô trở thành phương thức chủ đạo[1]. Các nhà quản lý của Nhà nước cần các công cụ hành chính để thực thi kế hoạch. Dựa trên việc kết nối giữa kế hoạch kinh tế và các sản phẩm kinh tế, vốn xuất phát từ Liên Xô, “quản lý nhà nước về kinh tế” đã thống nhất sự lãnh đạo của nhà nước về kinh tế và chính trị (Nguyễn Niên 1976: 34 – 6). “Quản lý nhà nước về kinh tế” đã chiếm hữu “tính Đảng”, qua đó đã đưa cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước một quyền lực rất lớn để điều chỉnh quá trình sản xuất hàng hóa của nền kinh tế (Hoàng Quốc Việt 1973:8 – 12; Lê Thanh Nghị 1975).

Tem phiếu hàng hóa – sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế chỉ huy tại Việt Nam. Ảnh: Zing.

Lời kêu gọi của các nhà nghiên cứu pháp luật những năm 1970 về việc pháp điển hóa và hệ thống hóa các kế hoạch chỉ huy bằng các bộ luật về kinh tế – đều bị từ chối. Các lãnh đạo của Đảng lập luận rằng những đặc quyền này là cần thiết để kết nối một cách có tổ chức đường lối kinh tế của Đảng với những điều chỉnh về kinh tế. “Quản lý nhà nước về kinh tế” đã cho Đảng và nhà nước một thứ đặc quyền trên cả luật pháp để điều khiển tới từng chi tiết của nền kinh tế.

Sự trỗi dậy của trường phái kinh tế mới

Sau “Đổi Mới”, sự căng thẳng giữa thị trường tự do mới hình thành và “quản lý nhà nước về kinh tế” đã trở nên gay gắt vượt trên những phát ngôn về pháp luật (Đoàn Trọng Truyến[2] 1997). Những góc nhìn trải rộng từ trường phái tân tự do[3] kiến nghị rằng nhà nước không nên can thiệp để ngăn cản sự thất bại của thị trường[4] tới những mô hình quản lý nhà nước chính thống[5]. Các nhà nghiên cứu theo trường phái tân tự do đòi hỏi một khung hành chính pháp lý thuận tiện dựa trên các cơ quan nhà nước năng động như là tòa án. Quan điểm này giới hạn sự can thiệp của nhà nước để sửa chữa những khuyết tật của thị trường và đồng thời bãi bỏ “cơ chế xin – cho” trong việc cung cấp giấy phép kinh doanh. Các quan điểm kinh tế tân tự do dựa trên những bằng chứng rõ ràng từ các dự án cải cách tư pháp được tài trợ từ nước ngoài, ví dụ như trong báo cáo “Đánh giá chi tiết về nhu cầu tư pháp” (Comprehensive Legal Needs Assessment – LNA)[6], cho rằng:

  • công dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
  • nhà nước chỉ được thực hiện những điều pháp luật quy định.
  • công dân cần có quyền lực lớn hơn để “biết, bàn và kiểm tra[7]” quyền lực nhà nước.

Có khá ít những văn bản pháp lý thể hiện sự ủng hộ đối với những quan điểm kinh tế tân tự do một cách rõ ràng. Một số nhỏ các nhà nghiên cứu hàn lâm về pháp luật ở Việt Nam đã bị thuyết phục rằng “quản lý nhà nước về kinh tế” đã thỏa hiệp với những quyền lợi thị trường tự do, ví dụ như quyền tự do kinh doanh (Phạm Duy Nghĩa 2002, 2000). Tuy nhiên, họ vẫn hoài nghi liệu việc xóa bỏ các quy định kinh tế để ngăn ngừa tệ quan liêu có phải là một chính sách đúng đắn cho một nước nghèo đang thử nghiệm những phương thức tạo ra sự phồn vinh vốn không dễ dàng. Thay vào đó, không thiếu học giả ủng hộ quan điểm của Keynes[8] rằng nhà nước nên tích cực tái phân phối của cải xã hội.

Các nhà bình luận khác thì lại ưa thích phong cách quản trị tích cực kiểu Nhật Bản[9]. Họ đồng ý với các quan điểm tân tự do rằng một hệ thống pháp luật trong sạch sẽ khuyến khích sự ổn định và dự đoán được của thị trường, nhưng cũng tin rằng tăng trưởng kinh tế đòi hỏi “nền tư bản sông Rhine”[10], trong đó nhà nước tích cực quản lý các nhà sản xuất (Vũ Tuấn Anh 1994: 253 – 4). Họ tin tưởng rằng sẽ có một vai trò cho “quản lý nhà nước về kinh tế” trong việc điều hành các xi nghiệp quốc doanh lớn cũng như quản lý chi tiết khu vực tư nhân. Trong hình dung của họ, pháp luật sẽ giới hạn việc thực thi các đặc quyền quản lý kinh tế của nhà nước.

Ở phía đối nghịch, hầu hết các nhà bình luận vẫn ủng hộ cho quan điểm chính thống “quản lý nhà nước về kinh tế”, quan điểm mà [từ trước đến nay] đã cung cấp cho nhà cầm quyền một dạng đặc quyền để quản lý kinh tế (Vũ Ngọc Nhung 1999). Họ nhấn mạnh vào tính tương thích giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường lai tạp – “nền sản xuất hàng hóa không đối nghịch với chủ nghĩa xã hội”. Họ cũng đồng thời coi “cuộc hôn nhân giữa khu vực tư nhân và “định hướng xã hội chủ nghĩa” là một dạng chiến lược, hơn là tình yêu đích thực” và “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một bước chuyển cần thiết trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội (Luu Ha Vi 1997:1 – 4). “Quản lý nhà nước về kinh tế” là một quan điểm cần thiết để đảm bảo nền kinh tế đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhiệt thành quyền lực

Sự nhiệt tình của Đảng dành cho “quản lý nhà nước về kinh tế” xem ra không bị giảm bớt bởi công cuộc đổi mới. Mặc dù Nghị quyết của Đại hội Trung ương V năm 2002 đã xác nhận sự phát triển của khu vực tư nhân, nhưng nó cũng đồng thời tái khẳng định rằng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đặt dưới sự quản lý của nhà nước”.

Có lẽ bởi sự nhạy cảm và liên quan trực tiếp tới quyền lực chính trị [của Đảng], mà các bài báo xuất bản công khai hiếm khi phê bình hay chỉ trích sự liên quan của của “quản lý nhà nước về kinh tế” trong nền kinh tế thị trường lai tạp. Ta cũng tìm thấy sự trầm lặng này trong các luận văn sau đại học không được xuất bản, trong đó các luận văn này thảo luận về ứng dụng của “quản lý nhà nước về kinh tế” trong các lĩnh vực thương mại mới xuất hiện như thị trường chứng khoán hay ngân hàng ngoại quốc.

Thay vì đặt câu hỏi về sự hợp lý của nền kinh tế kế hoạch, các nhà nghiên cứu lại tìm kiếm những phương pháp để tăng cường sự quản lý của nhà nước. Những ý kiến ủng hộ cho quan điểm “quản lý nhà nước về kinh tế” cũng được tìm thấy trong các nghiên cứu học thuật. Mai Hữu Thức (2001:23 – 4) đã gián tiếp lập luận rằng “quản lý nhà nước về kinh tế” là cần thiết để thực hiện những mục tiêu kinh tế xã hội của Đảng. Hoàng Thế Liên[11], tác giả của “Báo cáo cải cách tư pháp”, – rõ ràng hơn – đã khuyến nghị sự cải cách các cơ quan tư pháp nhằm “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực quản lý kinh tế và tài chính” (Bộ Tư pháp 2002:40).

Bước tiến từ hội nhập

Các quan điểm ủng hộ hội nhập kinh tế quốc tế đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên các tư tưởng pháp lý. Tương phản với những bài báo rối rắm và khó hiểu về “quản lý nhà nước về kinh tế”, đã có nhiều tranh cãi sôi nổi liên quan tới vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Vào giữa những năm 1980, các nhà lãnh đạo của Đảng đã kết luận rằng việc tập trung buôn bán với khối Đông Âu cũng như các chiến lược thay thế việc nhập khẩu không thể tạo ra sự tăng trưởng như các nước láng giềng (Fforde 1999: 44 – 63).

Ngoại thương với các quốc gia thuộc khối chủ nghĩa xã hội và khước từ liên lạc với phương Tây tư bản không làm khá hơn tình trạng kinh tế quốc dân. Ảnh minh họa.

Năm 1986, Đảng đã chấp nhận “mở cửa”, áp dụng thận trọng các chính sách mở cửa nền kinh tế với thương mại quốc tế cũng như đầu tư từ các nước tư bản. Hầu hết các nhà bình luận Việt Nam đều cho rằng việc tái định hướng này là thiết yếu cho nền kinh tế hơn là những thay đổi mang tính nhận thức về thương mại tự do. Tuy nhiên, cũng có các ý kiến nhận ra nhân tố lớn nhất ảnh hưởng tới đường lối chính sách thương mại của Việt Nam trong tương lai là sự hội nhập của quốc gia vào các cơ chế kinh tế vùng và quốc tế. Tiến trình gia nhập WTO bắt buộc Việt Nam phải điều chỉnh toàn bộ hệ thống thương mại để phù hợp với những quy tắc của tổ chức này (Trần Thu Hằng 1999:121).

Gia nhập vào Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ năm 2001[12] trong một chừng mực nào đó đã che mờ việc gia nhập WTO đang đến gần, mặc dù việc gia nhập WTO đã được ấn định là vào năm 2006. Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ bao hàm hầu hết các điều kiện gia nhập WTO và một số điều khoản dự phòng yêu cầu Việt Nam thay đổi cấu trúc hành chính nhằm tăng cường năng lực hành chính của “quản lý nhà nước về kinh tế” và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà tư vấn pháp luật nước ngoài[13].

Những ý kiến quan ngại về hội nhập kinh tế quốc tế thì lại phân tán. Hầu hết các quan điểm từ phía chính phủ đều nhiệt tình tán dương sự hội nhập [mà không có tính phê phán] (Nguyen Minh Tu 1999). Vô số các nghiên cứu đã cố gắng thể hiện rằng việc hội nhập tăng cường tốc độ phát triển của kinh tế nội địa và giảm đói nghèo (Giang Chau 2003; Minh Khương 1999). Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 – 2010[14] – được đưa ra tại Đại hội IX năm 2001 – đã xác nhận quan điểm này.

Mối lo ngại về “thế lực nước ngoài”

Không phải tất cả các Đảng viên đều ủng hộ việc hội nhập kinh tế. Nguyễn Tấn Dũng, một thành viên của Bộ Chính trị, thận trọng cho rằng việc hội nhập và toàn cầu hóa sẽ làm xói mòn chủ quyền quốc gia.

Độc lập về kinh tế và chủ quyền nghĩa là trước tiên không bị điều khiển hay phụ thuộc vào các thế lực nước ngoài trong các chính sác và đường lối phát triển kinh tế, trong các điều kiện kinh tế và/hoặc chính trị chúng mong muốn ta phải chấp nhận sự tư vấn, hợp tác song phương hoặc đa phương, những điều kiện sẽ gây hại cho chủ quyền và lợi ích quốc gia (Nguyễn Tấn Dũng 2002:3)[15].
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiệm từng có có một thời kỳ quan ngại về hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: Vietnamnet.

Ẩn dưới những quan ngại của ông là nỗi sợ hãi rằng hội nhập quốc tế sẽ ảnh hưởng tới khả năng của các doanh nghiệp nhà nước trong nhiệm vụ “cấu thành lực lượng sản xuất quan trọng và là công cụ của nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế vĩ mô”. Tổng quát hơn, lợi ích quốc gia (tức là, lương thực, năng lượng, môi trường và cơ sở kinh tế) và sự phát triển kinh tế được hỗ trợ bởi vốn và công nghệ nội địa cần được bảo hộ khỏi các ảnh hưởng từ nước ngoài. Những quan điểm kiểu này nhuốm màu sắc nặng nề của chủ nghĩa dân tộc và đã có ảnh hưởng sâu sắc tới thuật ngữ “phát huy nội lực”. Những quan điểm tự tin này cho rằng sự suy giảm chủ quyền quốc gia quan trọng hơn so với những lợi ích giả định từ thương mại và đầu tư quốc tế (Phạm Văn Chức 2002).

Vì những lý do khác nhau, các nhà kinh tế khác đã đặt dấu hỏi về khẳng định của chính phủ đề cao hội nhập kinh tế quốc tế (Trần Việt Phương 1999). Những nghiên cứu của họ cho thấy thương mại và đầu tư quốc tế có thể tăng bất bình đẳng xã hội, một chủ đề rõ ràng đã vắng bóng trong các văn bản của chính phủ. Thay vì tích cực chấp nhận toàn cầu hóa kinh tế, họ lý luận rằng những can thiệp được suy xét kỹ càng từ phía nhà nước có thể lường trước và làm giảm nhiều ảnh hưởng phụ. Những bài viết của họ không liên quan gì tới những nỗi sợ hãi nội tâm về vấn đề phụ thuộc nước ngoài vốn được diễn giải sinh động trên các phê bình chính trị.

Không gây ngạc nhiên, các báo cáo pháp lý của chính phủ đã đề cao đến mức hoàn toàn hội nhập kinh tế quốc tế. Báo cáo Tổng kết trong “Đánh giá chi tiết về nhu cầu tư pháp” – LNA[16] đã rất rõ ràng trong việc ủng hộ quan điểm này

Khái niệm hội nhập kinh tế quốc tế tích cực phải được thấm nhuần thông qua quá trình phát triển và hoàn thiện hệ thống tư pháp ở Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, từ lập pháp tới hành pháp, tới việc đào tạo cũng như phổ biến pháp luật. Hệ thống pháp luật Việt Nam không nên chỉ phản ánh những đặc thù của đất nước, mà còn phải thỏa mãn những tiêu chuẩn quốc tế nhằm giúp Việt Nam thực thi những cam kết quốc tế của mình dựa trên các nguyên tắc về độc lập dân tộc, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa (Bộ Tư pháp 2002:25)[17].

Thông qua kế hoạch hành động LNA, những lợi ích từ hội nhập quốc tế đã vượt qua những quan ngại, và qua đó đã cho phép giới lập pháp thay đổi để thỏa mãn những yêu cầu của BTA và WTO.

Những phê bình của các nhà bình luận dành cho đường lối hội nhập của chính phủ thường tập trung vào những vấn đề kỹ thuật nhỏ hẹp. Một vài nhà bình luận đã đánh giá việc thay đổi pháp luật quốc gia là để thỏa mãn Quy tắc tối huệ quốc[18], Đãi ngộ quốc gia[19] và những điều kiện bảo hộ tài sản trí tuệ quốc tế do các yêu cầu của WTO (Trần Văn Nam 2002; Nguyễn Thành Tâm 2001). Một số khác thì mô tả việc thay đổi [pháp luật] là nhằm phục vụ các đòi hỏi của các hiệp định thương mại (Hoàng Phước Hiệp 2001). Những công trình của họ được phân biệt bằng việc miễn cưỡng kết nối giữa sự hài hòa của pháp luật với các luận điểm kinh tế quốc tế rằng pháp luật sẽ quyết định ai là kẻ thắng người thua. Chỉ có một số ít các nhà nghiên cứu pháp lý đã chất vấn các chính sách của chính phủ bằng việc đưa ra gợi ý rằng những điều chỉnh của pháp luật nên nhắm tới việc tối thiểu hóa sự suy sụp của nền kinh tế quốc gia (Phạm Duy Nghĩa 2001).

Để tổng kết, những chuyển dịch của tư tưởng kinh tế Marxist đã khiến cho việc du nhập pháp luật từ các nước tư bản về mặt lý thuyết trở nên dễ dàng hơn, nhưng cùng lúc đó vai trò của “quản lý nhà nước về kinh tế” trong nền kinh tế thị trường lai tạp vẫn chưa được giải quyết. Những tranh luận về mặt pháp lý phản ánh sự không chắc chắn này. Có sự lưỡng lự giữa việc sử dụng ngôn ngữ pháp lý tân tự do – vốn được du nhập từ nước ngoài – và những thông điệp nhập nhằng trong các văn kiện của Đảng và chính phủ về “sự lãnh đạo của Đảng” đối với nền kinh tế.

Ngoại trừ một vài tiếng nói dị biệt có tiếng (sẽ được thảo luận ở phần tiếp theo), những tranh luận về pháp luật hiếm khi coi sự không tương thích giữa thực tiễn và lý luận như là hệ quả của việc áp đặt khung pháp luật dựa trên quyền lên hệ thống pháp luật Sô viết đã có từ trước. Hầu hết các nhà nghiên cứu đương đại đều tập trung vào các vấn đề hẹp mang tính kỹ thuật chứ không mở rộng chủ đề thảo luận. Trong nỗ lực hủy bỏ văn hóa kinh doanh bản xứ như là những văn hóa hạng hai hoặc thậm chí không tồn tại, các nhà nghiên cứu giả thiết rằng sự hài hòa của luật quốc tế đơn giản chỉ là những điều chỉnh kỹ thuật giữa các hệ thống pháp luật [quốc gia]. Xa hơn nữa, việc vay mượn mà không xem xét được coi là sự thận trọng chính trị, bởi những nghiên cứu mang tính phê phán có thể ngầm phá hoại những chính sách của Đảng bằng việc đặt ra những câu hỏi đối với việc hội nhập quốc tế.

Đổi mới hệ thống pháp luật mà không có những phê bình cần thiết không phải là một vấn đề lớn trong nền kinh tế kế hoạch, bởi vì các viên chức pháp luật có thể xử lý những mâu thuẫn giữa luật pháp và thực tiễn bằng quyền lực của “quản lý nhà nước về kinh tế”. Cách làm này trở nên lỗi thời và khó áp dụng trong xã hội Việt Nam đương đại, khi các nhà đầu tư nước ngoài đã được chuẩn bị để sử dụng các quyền hợp pháp của họ được nêu ra trong các văn bản pháp luật. Các cuộc tranh luận pháp lý sẽ tập trung vào sự cạnh tranh giữa các quyền lực nằm trên pháp luật và các quyền hợp pháp, với những lý do chính trị, đạo đức và pháp lý căn bản nằm ẩn dưới những hướng tiếp cận này.

Chú giải của người dịch

[1] Tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Kế_hoạch_5_năm_1976-1980_(Việt_Nam)

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đoàn_Trọng_Truyến

[3] Nguyên bản “neo – liberal”. Đây là một trường phái lớn trong kinh tế, cổ vũ cho thị trường tự do, không khuyến khích sự can thiệp của nhà nước vào thị trường, cũng như cổ vũ một chính phủ tối giản. Ví dụ, trường phái này kịch liệt lên án việc chính phủ của TT Obama thông qua khoản cứu trợ thị trường Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Neoliberalism

[4] Nguyên bản “market failures”, chỉ sự thất bại khi thị trường tự do không thể điều tiết hàng hóa và sức lao động như lý thuyết đòi hỏi. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Market_failure

[5] Phỏng vấn Nguyễn Đình Cuong, Giám đốc Phòng Thương mại CIEM (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) tháng 6 – 2002 và tháng 3 – 2003 (chú thích của tác giả).

Ghi chú của người dịch: tìm kiếm trên Internet không cho thấy kết quả nào liên quan tới Nguyen Dinh Cuong thuộc CIEM, mà chỉ có kết quả liên quan tới TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng. Tham khảo http://www.ciem.org.vn/gioithieu/cocau/banlanhdao.aspx

[6] Phần lớn báo cáo được viết năm 2002 bởi John Bentley và Theodore Parnell, cố vấn pháp lý của UNDP cho Bộ Tư pháp. (chú thích của tác giả)

[7] Thường được nhắc tới ở Việt Nam với khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tham khảo http://tapchiqptd.vn/zh/an-pham-tap-chi-in/dan-biet-dan-ban-dan-lam-dan-kiem-tra-tu-chu-truong-den-hien-thuc-o-nuoc-ta-hien-nay/3563.html?pageindex=652

[8] Học thuyết kinh tế của Keynes (1883 – 1946), nhà kinh tế học người Anh, khuyến khích sự tiêu thụ để tạo nên phồn vinh cho xã hội, cũng như khuyến khích việc nhà nước can thiệp vào thị trường. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Keynesian_economics

[9] Phỏng vấn với đại diện và điều phối pháp luật dài hạn của JICA Kawazu Shinsuke và chuyên gia pháp lý Takeuchi Tsutomu, Hà Nội, tháng Giêng năm 2002. Tổng quát hơn, xem Lawrence Tshuma (1999:75 – 96). (chú thích của tác giả).

[10] Còn được gọi là kinh tế thị trường xã hội (social market economy), là một sự kết hợp giữa kinh tế thị trường với các chính sách an sinh xã hội. Tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Social_market_economy hoặc tham khảo Nils Goldschmidt, “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở Đức: cội nguồn tư tưởng và thực tế ngày nay”, Tạp chí Triết học số tháng 7 – 2009, truy cập tại http://www.vjol.info/index.php/phil/article/viewFile/6217/5889

[11] Nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội. Tham khảo http://dsi.mpi.gov.vn/vietnam2035/12/4.html

[12] Tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Hiệp_định_Thương_mại_Việt-Mỹ

[13] Nghị quyết số 48/2001/QH.10 “Về việc phê chuẩn “Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại”” (chú thích của tác giả).

Toàn văn văn bản có thể tham khảo tại http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=22718&Keyword=48/2001/qh10

[14] Tham khảo toàn văn tại http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/noidungvankiendaihoidang?categoryId=10000714&articleId=10038387

[15] Người dịch dịch lại từ nội dung tiếng Anh.

[16] LNA Report – đã dẫn ở trên

[17] Người dịch dịch lại từ nội dung tiếng Anh.

[18] Nguyên bản “most favoured nation – MFN”, còn được dịch là Đãi ngộ tối huệ quốc. Vắn tắt, quốc gia được hưởng đãi ngộ tối huệ quốc tại một quốc gia khác sẽ được hưởng tất cả các ưu đãi mà quốc gia chủ nhà dành cho các quốc gia thứ ba. Ví dụ, nếu Việt Nam được hưởng quy chế này tại Mỹ, thì Việt Nam sẽ được hưởng tất cả quyền lợi cao nhất mà Mỹ đang dành cho các nước khác. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Most_favoured_nation

[19] Nguyên bản “national treatment”, có nghĩ là quốc gia chủ nhà sẽ đối xử hàng hóa hay dịch vụ của quốc gia được hưởng quy chế này như là hàng hóa hay dịch vụ nội địa. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/National_treatment

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.