Thư cuối tuần - 09/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Khi mà các khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa thuần khiết khó tìm được chỗ đứng trong một xã hội chưa được giải phóng hoàn toàn về tư tưởng, các nhà lãnh đạo Việt Nam trở lại con đường áp dụng kết hợp các giá trị của Nho giáo. Liệu đó có phải là một điều tốt lành hay sẽ là một thảm họa?
Dịch giả: Étranger Nguyen
Dịch từ chương “Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam” của tác giả John Gillespie
Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)
Các chú thích là của dịch giả. Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
Đường về của thuyết chính danh
Không giống với pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực tiễn quản lý của Liên Xô (tập trung dân chủ và làm chủ tập thể) đã được áp dụng và pha trộn một cách có ý thức với thực tế chính trị địa phương cũng như các quan điểm đạo đức. Sau khi thống nhất, các nhà lãnh đạo Đảng tại Việt Nam cũng sớm nhận ra rằng các tư tưởng bình đẳng[1] du nhập từ Liên Xô sẽ không dễ dàng thay thế được các giá trị tân Khổng giáo[2] và các thực tế về một xã hội có giai cấp (Hoàng Quốc Việt 1964). Trong khi các giới chức hữu quan vật lộn với việc áp dụng pháp chế xã hội chủ nghĩa vào công việc hàng ngày, thì bằng thực tế làm việc, họ đã hòa trộn các nguyên lý tổ chức của Liên Xô với các nền tảng đạo đức cổ truyền[3] để hòa nhập với quần chúng[4] (Thanh Duy 1997:27 – 8). Khi con người dễ dàng phản ứng với “tình cảm” hơn là nguyên lý pháp chế xã hội chủ nghĩa vô hồn, đạo đức cách mạng đã được dùng để vận động sự ủng hộ của công chúng (làm chủ tập thể).
Các lý thuyết gia của Đảng đã phát triển lý thuyết về “đạo đức cách mạng[5]” bằng cách thần thoại hóa sự liên tục giữa đạo đức cổ truyền với chủ nghĩa Marx – Lenin (Nguyễn Khắc Viện 1974). Đạo đức cách mạng cổ vũ các giá trị cộng đồng – quan điểm cho rằng con người là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, “kỷ luật tập thể” và “việc hoàn thành các nghĩa vụ xã hội giao phó”. Dù vậy, Khổng giáo và chủ nghĩa Marx – Lenin không hoàn toàn tương thích bởi vì chủ nghĩa duy vật của Marx đã bác bỏ hệ thống xã hội có giai cấp của Khổng giáo.
Tổng quát hơn, đạo đức cách mạng không chỉ chia sẻ những thế giới quan đạo đức tương tự nhau, mà còn là một phong cách hành chính có thể so sánh với những chính thể quân chủ truyền thống. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức của Đảng lãnh đạo (Nguyễn Khắc Viện 1974, Quang Can 2001). Ông [Hồ Chí Minh] phát biểu “có tài mà không có đức thì là người vô dụng”. Các lãnh đạo của Đảng được kỳ vọng sẽ “thể hiện kiến thức hơn người thường … hành động với sự sáng suốt và tầm nhìn xa và … nhìn xa trông rộng hơn người khác” (Song Thanh 1995:6). Một khi các lãnh đạo của Đảng đạt tới nền đạo đức cách mạng tầm cao – như một viên quan “biết tuốt” – họ có nghĩa vụ phải chỉ đạo và hướng dẫn những người có ít “tình cảm giai cấp” hơn.
Giống như những luật lệ của Khổng giáo, đạo đức cách mạng cá nhân hóa các quan hệ giữa nhà nước và cá nhân. Các nhà lý thuyết hướng tới mục tiêu “tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần của toàn dân” bằng việc sử dụng các mối quan hệ cá nhân giữa các cán bộ với những người có cảm tình với Đảng. Nếu quần chúng được giác ngộ về tình cảm giai cấp, họ sẽ coi Đảng là đỉnh cao của đạo đức cách mạng. Các cán bộ Đảng trong thực tế phàn nàn rằng quần chúng chỉ tuân theo những chỉ thị họ thích và phớt lờ những gì họ không ưa. Nhiều viên chức không xuất thân từ giai cấp công nhân và phải thường xuyên thể hiện rằng mình vẫn gần gũi với quần chúng.
Các nguyên tắc tổ chức cổ truyền và xã hội chủ nghĩa cuối cùng đã hội tụ trong ba lĩnh vực: đặt lợi ích công lên trên lợi ích cá nhân, cổ vũ việc nhà nước lãnh đạo xã hội và coi luật pháp chỉ là công cụ duy trì trật tự xã hội.
Chúng ta đã thấy rằng pháp chế xã hội chủ nghĩa và các nguyên lý tổ chức xã hội chủ nghĩa (ví dụ, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể) là những nguyên nhân tiềm năng cho các ý kiến khác biệt từ phía Việt Nam. Các luật sư Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô du nhập pháp chế xã hội chủ nghĩa vào một môi trường pháp lý mà trong đó các ảnh hưởng của Liên Xô đã được cụ thể hóa và [các luật sư này] bó hẹp sự hoạt động của mình hầu như chỉ trong các tổ chức học thuật tinh hoa. Mặc cho quyền lực chính trị và các giới hạn về nhận thức [của mình], các lập luận pháp lý của Liên Xô không hoàn toàn cách biệt khỏi các bài viết và phát biểu mang tính địa phương. Thông qua một quá trình thẩm thấu văn hóa chậm chạp, các lập luận pháp này dần dần cũng đã chấp nhận một số quan niệm tàn dư của chế độ phong kiến Việt Nam cũng như các quan niệm nhận thức pháp lý của Pháp. Lấy một ví dụ, thuật ngữ Hán Việt “pháp chế” đã được sử dụng để dịch một từ tiếng Nga mà nghĩa tương đương với “legality” (Đinh Gia Trinh 1964). Trong khi thuật ngữ “pháp chế” vẫn giữ nghĩa tiếng Nga của nó trong môi trường học thuật, thì trong các phát ngôn chính trị ý nghĩa của thuật ngữ này đã được đảo ngược trở về với ý nghĩa pháp lý cổ truyền – “bảo đảm sự tuân thủ luật pháp” bằng việc sử dụng luật pháp của đa số hoặc các chiến dịch giáo dục đạo đức.
Sự kết hợp lạ thường
Về phần mình, pháp luật Việt Nam đã mở rộng quá trình tiếp biến văn hóa[6] thông qua việc sử dụng luật pháp Liên Xô để thỏa mãn các cơ quan pháp luật Việt Nam (Nicholson 2001). Tuy nhiên, họ vẫn hài lòng với các vấn đề rất trừu tượng, cùng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật mà né tránh việc đề cập tới việc xây dựng một hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa riêng biệt cho Việt Nam.
Nhiều nhân tố khác nhau đã ngăn cản việc các nhà lập pháp Việt Nam tái cấu trúc ở tầm mức khái niệm hệ thống pháp luật Liên Xô cho các hoàn cảnh và tư tưởng của quốc gia [Việt Nam]. Chủ nghĩa Marx – Lenin đã tách luật pháp khỏi các mối liên hệ văn hóa. Nó cũng đồng thời giả định rằng một nền văn hóa vô sản toàn thế giới sẽ san bằng những khác biệt cục bộ giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Hầu hết các nhà lập pháp đã tin tưởng vào một hệ tư tưởng Xô viết không thể sai lầm, và cố gắng tìm các phương pháp để cho xã hội phù hợp với luật pháp, thay vì làm cho luật pháp phù hợp với xã hội. Họ đặt pháp luật xã hội chủ nghĩa vào trong một hệ thống nhận thức khép kín với rất ít những liên hệ với tư tưởng đạo đức và văn hóa địa phương.
Tương phản với pháp chế xã hội chủ nghĩa, những khái niệm tập trung dân chủ và làm chủ tập thể đã được hòa trộn với điều kiện chính trị quốc gia và những luận điểm đạo đức cổ vũ cho quan điểm Đảng “lãnh đạo” (Nguyễn Khánh Toàn 1964). Chúng nhấn mạnh sự phân cấp xã hội và các tình cảm cộng đồng, tương đồng và dễ dàng hòa trộn với đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh. Hơn nữa, chúng chủ yếu tập trung vào cán bộ Đảng và Nhà nước – nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nền văn hóa vô sản được du nhập từ nước ngoài. Cuối cùng, các nguyên tắc tổ chức của Liên Xô khởi tạo nên kiến trúc của Đảng và Nhà nước và các nguyên tắc của đạo đức cách mạng đã quy định cách hành xử của bộ máy công quyền.
Sự không tương thích giữa nền pháp chế nhập khẩu với những điều kiện về kinh tế và văn hóa của quốc gia không phải là một vấn đề lớn trong nền kinh tế kế hoạch, nơi mà nhà nước chủ yếu sử dụng một quyền lực không giới hạn để điều khiển xã hội. Pháp luật bắt đầu được coi trọng hơn kể từ Đại hội VI của Đảng vào năm 1986, khi đó đã chính thức thừa nhận “quốc gia cần được quản lý thông qua pháp luật chứ không phải các quy tắc đạo đức”. Cùng thời gian đó, các lực đẩy của thị trường vốn đã xói mòn các công cụ hành chính và bắt đầu khiến các quy tắc đạo đức bị bỏ qua. Sau nhiều thập kỷ đứng yên, các điều kiện bên ngoài đã bắt buộc dẫn tới các cuộc thảo luận giữa pháp chế xã hội chủ nghĩa và những cân nhắc mang tính địa phương.
Chú giải của người dịch
[1] Nguyên bản “egalitarian”, có thể dịch là chủ nghĩa bình quân
[2] Nguyên bản “neo – Confucian”, là các tư tưởng Khổng giáo thời Đường và Tống, thay vì Khổng giáo nguyên thủy thời Xuân Thu. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Neo-Confucianism
[3] Nguyên bản “pre – modern”
[4] Nguyên bản, tác giả viết “get in touch with the people (duong loi quan chung)”, tuy nhiên người dịch chọn dịch là “hòa nhập với quần chúng” để phù hợp với văn cảnh.
[5] revolutionary morality
[6] acculturation