Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đức Việt
Đôi khi, tòa án phải đối mặt với tình huống mà can phạm rõ ràng là có tội, với đầy đủ chứng cứ do công tố viên cung cấp, nhưng toàn bộ chứng cứ đều có được nhờ bức cung, nhục hình và cưỡng chế trái pháp luật. Tòa án có thể kết tội can phạm dựa trên những chứng cứ đó hay không? Quyền im lặng chính thức được Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự sửa đổi thông qua trong đó ghi nhận “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” đã thật sự trọn vẹn?
Đòn roi làm vô hiệu hóa quyền im lặng
“Quyền im lặng” là một điều rất tiến bộ của pháp luật. Với quyền im lặng, người can phạm không bị buộc phải đưa ra bằng chứng, lời khai chống lại mình khi vướng vào vòng lao lý. Nó là bước tiếp theo của nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật hình sự.
Nhưng, tiếp theo của quyền im lặng đó là gì? Không ai phủ nhận rằng quyền im lặng sẽ khiến cho hoạt động của cơ quan điều tra, bên công tố gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, thông tin là một tài sản quý giá trong quá trình điều tra từ phía cảnh sát, công tố. Người can phạm từ chối khai báo tức là phe buộc tội phải lựa chọn những cách thức khác để thu thập chứng cứ, thông tin, nhằm giải quyết vụ việc.
Rất nhiều nơi, người ta giải quyết khó khăn đó bằng đòn roi, bằng nhục hình.
Trước nhục hình, quyền im lặng chỉ còn là quyền năng trên lý thuyết. Khó có ai có thể tiếp tục giữ im lặng khi chịu những hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Cảm giác bất lực, tuyệt vọng khiến con người ta buông xuôi. Cảnh sát nhiều nơi đã nhân danh những điều đẹp đẽ nhất, cao cả nhất để biện minh cho việc dùng nhục hình.
Thế nhưng, ai cũng sẽ phải công nhận rằng nhục hình là sai, vừa sai về đạo đức, vừa sai về pháp luật. Đó là hành vi vi phạm nhân quyền và tuyệt đối không được chấp nhận. Đó còn là con đường ngắn nhất dẫn đến oan sai. Những vụ việc oan sai gần đây có bao giờ thiếu vắng những lời kể khổ bị dùng nhục hình?
Sẽ rất ngây thơ nếu nghĩ rằng quyền im lặng sẽ hoàn toàn loại bỏ oan sai. Cũng sẽ rất phi thực tế nếu cho rằng có quyền im lặng thì nhục hình sẽ giảm. Ngay cả khi pháp luật coi nhục hình là tội phạm thì nó vẫn không bị triệt tiêu.
Bởi lẽ, khác với các tội phạm thông thường, động cơ của nhục hình đa số không phải vì vụ lợi mà đến từ niềm tin của cơ quan điều tra rằng người can phạm là hung thủ thực sự và sự nôn nóng muốn tìm ra thủ phạm hoặc ngăn chặn tội ác mới. Những bằng chứng, lời khai từ việc dùng nhục hình không phải lúc nào cũng là sai sự thật. Sự thật của vụ án đôi khi lại được tìm ra thông qua đòn roi.
“Quả trên cây sâu”
Để hoàn toàn triệt tiêu nhục hình, cần phải đánh vào động cơ của việc dùng nhục hình. Có như vậy thì quyền im lặng mới được bảo vệ.
Pháp luật hình sự nhiều nước trên thế giới tồn tại một khái niệm mang tên “quả trên cây sâu” (fruits of the poisonous trees) để chỉ những thông tin, vật chứng, lời khai được phe buộc tội sử dụng trước tòa nhưng lại được thu thập một cách bất hợp pháp. Luật hình sự Mỹ không cho phép tòa án xem những chứng cứ được thu thập bất hợp pháp là chứng cứ có thể trình tòa. Có nghĩa rằng, khi nghị án và khi tuyên án, tòa án không được phép sử dụng nó làm cơ sở cho phán quyết của mình.
Nguyên tắc này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1920 trong vụ án Silverthorne Lumber Co. v. United States được xử bởi Tối cao Pháp viện Hoa kỳ. Trong vụ án này, để buộc tội Silverthorne trốn thuế, các điều tra viên liên bang đã thu giữ sổ sách kế toán của Silverthorne và sao chép nó mà không được sự cho phép của công ty này cũng như không dựa trên bất cứ một trát đòi hay quyết định nào của tòa. Điều này vi phạm Tu chính án thứ Tư của Hiến pháp Hoa Kỳ trong đó chống lại hành vi khám xét không có trát hợp pháp của nhà nước. Tuy nhiên, sự thật vụ án đó là Silverthorne thực sự có trốn thuế và thể hiện rõ ràng trong sổ sách kế toán của công ty này. Vậy liệu một sai sót của nhà nước có xứng đáng để cho tòa án bỏ qua những chứng cứ do nhà nước trình lên, dẫn đến bỏ lọt tội phạm không?
Trước câu hỏi đó, Tối Cao Pháp viện đã quyết định cho ra đời nguyên tắc “quả trên cây sâu” nổi tiếng, trong đó cho rằng bất kỳ chứng cứ nào được thu thập một cách bất hợp pháp đều không được phép trình tòa. Tòa án có nghĩa vụ không xem xét những chứng cứ này. Tức là, khi tòa án đối mặt với một chứng cứ do phe buộc tội đưa ra, trước hết họ cần phải xem xét xem chứng cứ này có được thu thập một cách hợp pháp hay không. Nếu tòa án cho rằng việc thu thập chứng cứ là hợp pháp thì tòa án mới xem xét đến thông tin trong chứng cứ đó. Nếu tòa án cho rằng việc thu thập chứng cứ được tiến hành bất hợp pháp, tính xác thực và thông tin trong chứng cứ không cần (và không được) xem xét đến.
Cốt lõi của nguyên tắc là những lời khai, chứng cứ được thu thập thông qua nhục hình, bức cung chắc chắn không được phép sử dụng để buộc tội. Tòa án Nhân quyền Châu Âu trong phán quyết Gäfgen v. Germany năm 2010 cũng chấp nhận đây là nguyên tắc mà các quốc gia thành viên của Ủy hội Châu Âu (Council of Europe – có số thành viên nhiều hơn Liên minh Châu Âu – European Union) phải tuân theo.
Nguyên tắc này rất có lý trong việc bảo vệ can phạm cũng như quyền im lặng của họ và hạn chế nhục hình. Người dùng nhục hình bị xử lý như thế nào thực sự không quá quan trọng đối với can phạm. Cơ hội để có một phiên tòa công bằng kết thúc đối với can phạm khi điều tra viên quyết định dùng nhục hình. Những gì diễn ra sau đó với điều tra viên chỉ có ý nghĩa với cộng đồng mà thôi. Pháp luật về tố tụng hình sự có thể giải quyết cái bất cập đó nếu tòa án bị bắt buộc phải gạt bỏ những chứng cứ được thu thập trái pháp luật của bên buộc tội, kể cả chứng cứ thu thập do việc nhục hình mà ra.