Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Trương Tự Minh (lược dịch)
“Bất cứ khi nào bạn có một khoản tiền thuộc công quỹ thiếu tính giải trình và quá trình sử dụng minh bạch, tình trạng này gần như luôn luôn đồng nghĩa với tham nhũng.” – Đó là khẳng định của Afra Raymond, cây viết kinh tế, nhà hoạt động chống tham nhũng người Trinidad &Tobago trong một bài phát biểu nhận được nhiều sự chú ý thuộc chương trình TED Talks hồi năm 2012. Nhân dự thảo Luật tiếp cận thông tin được đưa ra xem xét tại Quốc hội kỳ này, Luật Khoa tạp chí chuyển đến bạn đọc nội dung có liên quan đến mối quan hệ giữa quyền tự do thông tin và nỗ lực chống tham nhũng trong phần chia sẻ của ông.
———–
Hôm nay tôi sẽ nói về tham nhũng. Tham nhũng được định nghĩa là việc bạn lạm dụng tín nhiệm để trục lợi riêng – riêng có thể hiểu là cá nhân bạn, người thân, bạn bè hay các đối tác làm ăn của bạn. Tuy nhiên, có một điều khác cũng cần phải làm rõ, đó là chúng ta vẫn còn nhiều lầm tưởng về tham nhũng. Có dũng khí thừa nhận điều đó, chúng ta mới thật sự thay đổi cách thức để giải quyết nó hiệu quả.
Trước hết, lầm tưởng đầu tiên là việc cho rằng tham nhũng không phải là một loại tội phạm. Trong các buổi họp mặt gia đình, bạn bè, chúng ta nói với nhau chuyện này chuyện kia có ở ngoài xã hội. Rồi câu chuyện đi đến vấn đề tội phạm, chúng ta nói ở Belmont tỷ lệ tội phạm thanh thiếu niên đang gia tăng, hay ở Diego và Marabella thì nạn trộm cướp ngày một nhiều. Không một ai nhắc đến tham nhũng. Đó là sự thật. Khi viên Cảnh sát Trưởng thành phố phát biểu trên truyền hình, bạn thường không thấy ông ta nói về tham nhũng bao giờ. Và chúng ta cũng gần như chắc chắn Bộ trưởng An ninh Quốc gia sẽ chẳng khi nào đề cập đến vấn đề này. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng tham nhũng là tội hình sự – cụ thể là tội phạm kinh tế – bởi đó là hành vi biển thủ tiền thuế của người dân. Tham nhũng có ở lĩnh vực công lẫn khu vực tư nhân. Vốn làm việc trong khối dân doanh, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng tham nhũng vẫn diễn ra trên diện rộng ở khu vực này, dù không liên quan đến nhà nước nhưng vẫn là những cách thức ngấm ngầm hối lộ và đút lót tương tự. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta sẽ chỉ tập trung nói về tham nhũng ở khu vực công mà phía tư nhân là một bên tham gia.
Lầm tưởng thứ hai rất nguy hiểm, và chúng ta cần phải phá vỡ và vô hiệu hóa nó. Đó là sự thoái thác cho rằng tham nhũng chỉ là một hiện tượng không đáng kể. Theo đó, người ta nói từ trước đến nay tỷ lệ tham nhũng chỉ vào khoảng 10 đến 15 phần trăm, nó sẽ luôn tiếp tục và giữ ở mức “ổn định” như thế, vì vậy mọi nỗ lực ban hành luật hay chính sách để chấm dứt hiện tượng cố hữu này là hoàn toàn thất bại. Ở đây tôi muốn khẳng định, một lần nữa đây lại là một ngộ nhận nguy hiểm. Lập luận trên là một kiểu ngụy biện nhằm đánh lừa công luận.
Tôi không muốn đem những chuyện hổ thẹn ở trong nước ra nói trước khán giả quốc tế, nhưng buộc lòng tôi phải chia sẻ. Bốn tháng trước[1], đất nước chúng tôi đã chứng kiến một đòn giáng mạnh vào nền pháp quyền. Chúng tôi gọi đó là màn xảo thuật ngoạn mục đằng sau “Section 34”. Đạo luật Hành chính Tư pháp (Administration of Justice Act) được thông qua âm thầm ngay vào dịp kỷ niệm 50 năm Quốc khánh của Trinidad & Tobago, trong đó có Mục 34 quy định các vụ án hình sự sẽ được tòa đình chỉ sau thời hạn 10 năm nếu vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử. Điều đáng nói là quy định này chỉ áp dụng với các loại tội phạm kinh tế như tham nhũng, gian lận tài chính hay rửa tiền. Một điều luật đáng ngờ được lặng lẽ thông qua vô cùng tiện lợi cho một cơ số người đang trong vòng nguy hiểm. Tôi muốn nói cụ thể đó là các quan chức và giới tài phiệt đã dính liệu trong vụ bê bối ở sân bay Piarco. Cuối thập niên 90, chúng tôi quyết định cải tạo lại sân bay về phía Đông của thủ đô khi đó đã bắt đầu xuống cấp. Toàn bộ dự án tiêu tốn khoảng 250 triệu đô la Mỹ. Một dự án khổng lồ với nhiều hoạt động mờ ám đằng sau quá trình đấu thầu và thi công. Và để bạn thấy rõ hơn điều ban nãy chúng ta đã nói về lầm tưởng thứ hai, hãy nghe Giám đốc Viện Công tố đã nói trong một thông cáo chính thức về vụ việc: trên tổng kinh phí 250 triệu đô la của dự án, có hơn 150 triệu đã bí mật chảy vào các tài khoản cá nhân ở nước ngoài. Đúng vậy, hơn 150 triệu đô tiền thuế của chúng tôi đã đi vào tài khoản một số người nào đó ở nước ngoài.
Bây giờ bạn cho phép tôi chuyển sang một câu chuyện khác có liên quan. Trong hơn ba năm rưỡi qua, tôi đã theo đuổi một chiến dịch nhằm tìm kiếm sự minh bạch và trách nhiệm trong vụ giải cứu tập đoàn tài chính CL Financial, một trong những ông trùm tài phiệt lớn nhất vùng Trung Mỹ. Tháng Giêng năm 2009, giữa cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, tập đoàn này đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong một động thái hào phóng chưa từng có tiền lệ, chính phủ Trinidad khi đó đã ký một thỏa thuận với cam kết sẽ chi trả toàn bộ các khoản nợ của tập đoàn này. Tôi có thể khẳng định mà không sợ nói ngoa với bạn rằng đó là một thỏa thuận vô tiền khoáng hậu không thể tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác. Mọi người bảo: “Thì cũng như giải cứu phố Wall ở Mỹ thôi mà,” nhưng tôi luôn phải nhấn mạnh hai sự việc là hoàn toàn khác nhau.
Khắp nơi trên thế giới người ta đã thấy nhiều phi vụ giải cứu giới tài chính từ phố Wall cho đến London, châu Âu và thậm chí cả châu Phi. Ở Nigeria, sáu ngân hàng thương mại lớn nhất nước này đồng loạt sụp đổ, tương tự tình thế ở Trinidad. Quả thật khá thú vị khi so sánh cách chính phủ Nigeria đã giải quyết rất hiệu quả so với cách nước chúng tôi đã làm. Không một chính phủ nào khác trên thế giới nhận chi trả cho một gói giải cứu tài chính vượt mức luật định. Chỉ có tại nơi đây. Và một cách tự nhiên, tiếp theo bạn sẽ thắc mắc: Lý do cho sự hào phóng này là gì? Chính phủ thật sự hào phóng đến thế sao? Hẳn phải có một nguyên cớ nào đó đằng sau, vì vậy tôi đã quyết định điều tra sự việc.
Tháng Năm năm nay[2], tôi gửi đơn yêu cầu cung cấp thông tin đến Bộ Tài chính. Theo quy định của Luật Tự do thông tin ban hành năm 1999, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình với người dân khi có yêu cầu. Tôi đã gửi họ hết thảy ba câu hỏi mà ở đây tôi sẽ trình bày ngắn gọn cho bạn dễ hiểu kèm phản hồi từ cơ quan này.
Câu hỏi thứ nhất: Tôi đề nghị được kiểm tra tài khoản của CL Financial. Bộ trưởng Tài chính khi đó đã xuất hiện ở khắp nơi tuyên bố lẫn trình bày cặn kẽ về kế hoạch giải cứu, bọn họ không thể trả lời với tôi rằng không có số liệu về tài khoản của tập đoàn này. Nhưng trái với suy đoán ban đầu, họ hồi đáp cho tôi bằng một câu hỏi ngược lại: Tôi yêu cầu cung cấp thông tin nhằm mục đích gì?
Tiếp theo, tôi muốn tiếp cận danh sách đầy đủ thông tin các chủ nợ của CL Financial. Nhân đây, tôi cũng xin được nói rằng 3,5 tỉ đô la Mỹ là tổng giá trị được chính phủ lấy ra từ tiền thuế người dân để thanh toán cho các chủ nợ của CL Financial – một công ty tư nhân. Đó là một số tiền không nhỏ đối với một đất nước không lớn ở vùng Trung Mỹ như chúng tôi. Tôi muốn biết những ai sẽ bỏ túi 3,5 tỉ đô đó.
Đến đây, tôi sẽ tạm dừng để nói một chút về một trường hợp trước kia đã từng thành công khi sử dụng yêu cầu dựa trên Luật tự do thông tin, và bạn sẽ thấy động lực của tôi xuất phát từ đâu. Người đó hiện nay đã trở thành chính trị gia nhờ thành công trong nỗ lực phá một vụ tham nhũng lớn. Chúng tôi gọi đó là vụ bê bối “học bổng bí mật”. Khi đó, một gói hỗ trợ từ chính phủ trị giá gần 10 triệu đô chia thành nhiều chương trình học bổng đã được trao đi lặng lẽ đến những nguồn không xác định mà không qua đăng tuyển công khai, rộng rãi. Phát hiện ra có khuất tất, vị trên đã dựa trên cơ sở quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tự do thông tin để đưa ra tòa khiếu kiện. Kết quả ông giành chiến thắng và vụ việc được đưa ra ánh sáng. Tôi đã nghĩ đó quả là một tiền lệ tốt, bởi nếu sử dụng công cụ là Luật tự do thông tin để nhờ tòa án buộc phía cơ quan chính phủ có trách nhiệm phải công khai việc chi dùng 10 triệu đô công quỹ đã tỏ ra là một chiến thuật hữu hiệu, thì hẳn cũng sẽ có kết quả tương tự với 3,5 tỉ đô trong vụ mà tôi đang theo đuổi. Nhưng bạn biết đấy, câu trả lời tôi nhận được từ Bộ trưởng Tài chính chỉ ngắn gọn rằng thông tin tôi yêu cầu thuộc diện miễn công khai.
Câu hỏi thứ ba tôi dành cho ban giám đốc của CL Financial. Tôi muốn biết liệu họ đã kê khai tài sản cá nhân theo Luật Bảo vệ Lợi ích Công (Integrity in Public Life Act) hay chưa. Ở Trinidad & Tobago, chúng tôi có một nhóm các đạo luật làm khung pháp lý đảm bảo cho lợi ích chung của quốc gia, và Luật Bảo vệ Lợi ích Công là một phần trong đó. Theo quy định, các quan chức, nhân viên nhà nước cùng những người sử dụng tài sản công khác có nghĩa vụ khai báo tài sản và các nghĩa vụ cá nhân nhằm minh bạch hóa quá trình sử dụng tài sản công, qua đó hạn chế nguy cơ tham nhũng. Không quá ngạc nhiên khi tôi phát hiện ra bọn họ vẫn chưa tiến hành kê khai, thậm chí Bộ trưởng Tài chính còn chưa yêu cầu họ thực hiện.
Và đó cũng là điều chúng ta ít để ý tới, hay lầm tưởng thứ ba về tham nhũng. Bất cứ khi nào bạn có một khoản tiền thuộc công quỹ thiếu tính giải trình và quá trình sử dụng minh bạch, tình trạng trên gần như luôn luôn đồng nghĩa với tham nhũng. Điều này luôn đúng ở bất cứ nơi đâu, dù là Nigeria hay Alaska.
Tôi đã gửi đi những yêu cầu theo đúng quy định của luật, nhưng người ta đã phớt lờ. Chúng ta đang đối mặt với một tình huống mà những đảm bảo cơ bản về tính trách nhiệm và minh bạch đã bị bỏ qua. Dẫu vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục cuộc điều tra này. Tôi muốn nhận được một giải trình thỏa đáng từ phía Bộ Tài chính, và nếu cần thiết, tôi không ngần ngại đưa vụ việc ra tòa.
Để kết thúc phần trình bày của mình, tôi xin nhắc lại: tham nhũng là một loại tội phạm hình sự; tham nhũng hiện là một vấn nạn đang diễn ra trên diện rộng; và nó sẽ luôn luôn xuất hiện trong sự thiếu vắng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều cuối cùng, tôi mong ở các bạn một thái độ thẳng thắn và dũng khí để bạn và tôi, chúng ta cùng chung tay loại trừ nó nhằm tiến tới một xã hội ổn định và bền vững hơn.
Nguồn: https://www.ted.com/talks/afra_raymond_three_myths_about_corruption?language=en
[1] Tháng 11 năm 2011
[2] Tháng 05 năm 2012