‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Nguyễn Hoài An (dịch)
Tại sao nền kinh tế Trung Quốc lại phát triển nhanh hơn hẳn Ấn Độ? Câu trả lời liệu có phải là sự “độc tài sáng suốt” khi nhà nước mạnh tay tiến hành các chương trình, chiến lược kinh tế, bất chấp những tiếng nói từ mọi phía? Có phải ở một giai đoạn nào đó của tiến trình phát triển đất nước, dân chủ phải lùi lại nhường chỗ cho sự toàn trị?
Mô hình kinh tế Thượng Hải: Cây đũa thần cho sự phát triển thần tốc của nền kinh tế Trung Quốc?
Trong 30 năm trở lại đây, nếu xét tốc độ tăng trưởng GDP, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Dù thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai đất nước bắt đầu gặp nhau, song nếu xét trong thời gian 30 năm, không có gì phải nghi ngờ về việc Trung Quốc đã xuất sắc vượt xa Ấn Độ.
Các bạn hãy thử nhìn vào hai bức hình này: một là khu Pudong của Thượng Hải, một là khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai. Ý tưởng ngầm ẩn sau hai bức ảnh này là chính quyền Trung Quốc có thể hành động trên luật pháp.
Chính quyền nước này có thể lập kế hoạch nhắm đến những lợi ích dài hạn, và trong tiến trình đó, tước đoạt đất đai của hàng triệu người – đó chỉ là một việc nhỏ như trở bàn tay. Trong khi đó, ở Ấn Độ, việc này là bất khả vì chính quyền phải lắng nghe ý kiến của người dân. Chính quyền bị ràng buộc bởi công luận. Ngay cả Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh, cũng phải gật đầu đồng ý với quan điểm này. Trong cuộc phỏng vấn trên một tạp chí tài chính của Ấn Độ, ông, một nhà kinh tế được đào tạo tại Oxford, người có những giá trị nhân bản, đã phải đồng tình với những chiến thuật áp lực cao của Thượng Hải.
Tôi xin phép được gọi mô hình phát triển kinh tế ở Trung Quốc, mô hình chú trọng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, cảng hàng không, đường cao tốc, cầu cống, v.v…, là mô hình Thượng Hải. Và để làm được những việc này, ta cần đến một chính phủ hành động quyết liệt, mạnh tay gạt phăng quyền sỡ hữu tư nhân. Ta không thể bị công luận trói buộc. Ta cũng cần một chế độ sở hữu nhà nước, đặc biệt là với đất đai, để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thật nhanh chóng. Với mô hình này, dân chủ sẽ là vật cản đường sự phát triển kinh tế, thay vì là yếu tố giúp điều tiết tăng trưởng kinh tế.
Cơ sở hạ tầng là khởi nguồn hay là kết quả của tăng trưởng?
Mô hình Thượng Hải dẫn đến một câu hỏi quan trọng: Vậy cơ sở hạ tầng quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế? Đây là một vấn đề chính yếu. Bởi nếu ta tin rằng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, khi đó lập luận của ta sẽ phải là một chính phủ quyết liệt là điều kiện cần để thúc đẩy kinh tế. Nếu ta tin rằng cơ sở hạ tầng không quan trọng như sự tin tưởng của nhiều người, thì khi đó ta sẽ thấy vai trò của một chính phủ mạnh tay không còn mấy quan trọng nữa.
Để minh họa cho câu hỏi này, tôi xin giới thiệu với bạn hai đất nước: Nước 1 và Nước 2. Với hệ thống đường sắt cũng lâu đời hơn, Nước 1 có ưu thế về hệ thống cơ sở hạ tầng hơn Nước 2. Do vậy, nếu tôi hỏi bạn “Nước nào là Trung Quốc và nước nào là Ấn Độ?”, nếu bạn tin theo quan điểm cơ sở hạ tầng, bạn sẽ trả lời: “Nước 1 chắc chắn là Trung Quốc. Còn nước 2 có lẽ là Ấn Độ.”
Trên thực tế, Nước 1 với hệ thống đường sắt lâu đời hơn thực ra chính là Ấn Độ. Còn Nước 2 là Trung Quốc. Đây là thực tế ít được biết tới về hai đất nước này. Đúng là ngày nay Trung Quốc có ưu thế cơ sở hạ tầng vượt trội hơn hẳn Ấn Độ. Tuy nhiên, suốt nhiều năm và cho đến tận cuối thập niên 1990, hệ thống cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở tình trạng yếu kém hơn hẳn so với hệ thống ở Ấn Độ. Ở các nước đang phát triển, phương tiện đi lại phổ biến nhất là đường sắt, và khi chiếm đóng Ấn Độ làm thuộc địa, người Anh đã xây dựng rất nhiều tuyến đường sắt ở đất nước này. Như vậy, rõ ràng là cơ sở hạ tầng không giải thích được lý do tại sao Trung Quốc xuất sắc hơn hẳn Ấn Độ trước giai đoạn cuối thập niên 1990.
Quả thực, nếu bạn nhìn vào chứng cứ trên khắp toàn cầu, bạn sẽ thấy các chứng cứ sẽ nghiêng về quan điểm: cơ sở hạ tầng thực ra là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế phát triển, chính phủ tích lũy được nhiều tài nguyên hơn, và có thể đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng.
Dân chủ có ngáng đường phát triển kinh tế?
Chúng ta cũng có thể tìm hiểu vấn đề một cách trực diện hơn. Dân chủ có cản đường sự phát triển kinh tế không?
Người ta thường so sánh Ấn Độ và Trung Quốc trong câu hỏi này. Tuy nhiên, nếu so sánh một cách tự nhiên hơn, ta nên so sánh giữa Ấn Độ và Pakistan. Hai nước này có sự tương đồng về địa lý, có cùng một lịch sử phức tạp. Và nếu so ra, thì dân chủ quả thật là hữu ích xét từ góc độ tăng trưởng kinh tế.
Vậy thì tại sao các nhà kinh tế lại có thiện cảm với các chính phủ độc tài? Một lý do cho điều này là Mô hình Đông Á. Ở Đông Á, chúng ta đã chứng kiến nhiều câu chuyện tăng trưởng kinh tế thành công như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore. Một số nền kinh tế kể trên đã trải qua thời kỳ độc tài trong lịch sử, và thời kỳ được cho là đã góp phần mang lại sự tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế.
Tuy nhiên, vấn đề với quan điểm này là ở chỗ nó giống như việc ta đi hỏi tất cả những người trúng số: “Anh đã bao giờ trúng số chưa?” Và tất cả đều trả lời: “Rồi, chúng tôi đã trúng số rồi.” Và rồi ta rút ra kết luận khả năng trúng số là 100%. Nguyên do là ta chẳng bao giờ buồn bước ra ngoài và hỏi những người cũng mua vé số nhưng phải ra về tay trắng.
Đối với mỗi chính phủ độc tài thành công ở Đông Á, lại có một chính phủ độc tài thất bại tương ứng. Hàn Quốc thành công, Bắc Hàn thất bại. Đài Loan thành công, nhưng Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông thì không. Miến Điện không thành công. Philippines không thành công. Nếu bạn nhìn vào những bằng chứng thống kê trên khắp toàn cầu, chẳng có gì thật sự củng cố cho quan điểm rằng chính phủ độc tài có ưu thế về hệ thống hơn so với chính phủ dân chủ trong công cuộc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, mô hình Đông Á có thiên kiến lựa chọn hàng loạt – người ta gọi nó là lựa chọn trên một biến phụ thuộc, cái bẫy mà chúng tôi luôn yêu cầu các sinh viên phải tránh xa.
Thế còn hệ thống chính trị của Trung Quốc thì sao? Không phải là hệ thống chính trị độc đảng đã tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sao? Câu trả lời thực ra vi tế hơn thế nhiều. Nó phụ thuộc vào lằn ranh phân biệt mà ta vạch ra giữa trạng thái cân bằng tĩnh và trạng thái cân bằng động của hệ thống chính trị. Ở trạng thái cân bằng tĩnh mà nói, Trung Quốc là một thể chế độc đảng, độc tài – đó là điều chẳng có gì phải bàn cãi. Nhưng ở phương diện cân bằng động, định chế nước này đã biến chuyển theo thời gian, trở nên bớt độc tài hơn và ngày càng dân chủ hơn. Khi ta giải thích thay đổi – chẳng hạn như sự tăng trưởng kinh tế, ta dùng những thứ đã thay đổi, thay vì dùng những cái thường hằng để giải thích cho thay đổi. Đôi khi, một tác dụng cố định có thể giải thích cho thay đổi, nhưng tác dụng cố định chỉ giải thích cho thay đổi trong mối quan hệ tương tác với những điều thay đổi mà thôi.
Về mặt thay đổi chính trị, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc bầu cử ở làng xã. Họ đã tăng cường bảo đảm an ninh cho người sở hữu, cho những hợp đồng thuê đất dài hạn. Ngoài ra, nhiều cuộc cải cách tài chính, cách mạng khởi nghiệp đã diễn ra ở vùng nông thôn Trung Quốc. Đối với tôi, tốc độ thay đổi chính trị của nước này quá lề mề, quá nhỏ giọt. Cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số thách thức to lớn vì chưa đi nhanh và xa hơn trong cải cách chính trị. Tuy nhiên, hệ thống chính trị ở đất nước này đã di chuyển theo hướng tự do hơn, dân chủ hơn.
Bạn có thể áp dụng cái nhìn động học trên vào Ấn Độ. Trên thực tế, khi Ấn Độ phát triển với tỷ lệ tăng trưởng Hindu – khoảng 1-2%/năm – đó là khi Ấn Độ kém dân chủ nhất: chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, sở hữu và kiểm soát tất cả các đài truyền hình. Có một thực tế ít ai biết về Ấn Độ trong những năm 1990: Trong thời gian này, Ấn Độ không chỉ tiến hành cải cách kinh tế, mà còn tiến hành cải cách chính trị với hình thức làng xã tự chủ, tư hữu hóa truyền thông và ban hành các đạo luật tự do thông tin. Như vậy, có thể thấy góc nhìn động lực phù hợp với cả Trung Quốc và Ấn Độ xét về hướng đi.
Tại sao nhiều người vẫn tin rằng Ấn Độ là thảm họa tăng trưởng kinh tế? Một trong các lý do là vì họ luôn so sánh Ấn Độ với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc là siêu sao về tăng trưởng kinh tế. Nếu bạn là một cầu thủ bóng rổ chơi trong giải NBA, và bạn luôn bị so sánh với Michael Jordan, trông bạn sẽ chẳng mấy ấn tượng. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn là cầu thủ tồi. So sánh với siêu sao là một đối sánh tồi. Trên thực tế, nếu bạn so sánh Ấn Độ với một nước đang phát triển ở tầm trung khác, thậm chí trước giai đoạn tăng trưởng kinh tế gần đây của Ấn Độ (hiện Ấn Độ đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 8-9%), thì Ấn Độ vẫn xếp thứ 4 về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đó, quả thực, là một thành tích rất ấn tượng.
Chúng ta hãy nghĩ tới cuộc đấu tương lai: rồng với voi. Đất nước nào có đà tăng trưởng ở đây? Trung Quốc, tôi tin rằng, vẫn có những nền tảng thô tuyệt vời – chủ yếu là vốn xã hội, ý thức công dân mà bạn không tìm thấy ở Ấn Độ. Nhưng tôi cũng tin rằng Ấn Độ có đà tăng trưởng bền vững. Đất nước này có nền tảng dân chủ được cải thiện. Chính phủ đã đầu tư vào giáo dục cơ bản và sức khỏe cơ bản. Tôi tin rằng chính phủ cần làm nhiều hơn nữa, tuy nhiên, hướng đi mà nó đang theo đuổi là hướng đi đúng đắn. Ấn Độ có những điều kiện định chế phù hợp cho những bước tiến tăng trưởng kinh tế một cách vững chắc, trong khi Trung Quốc lại phải bắt đầu vật lộn với cuộc cải cách chính trị.
Tôi tin rằng cải cách chính trị là điều kiện bắt buộc nếu Trung Quốc muốn duy trì tăng trưởng. Và quan trọng là Trung Quốc phải cải cách chính trị, những lợi ích phát triển kinh tế phải được chia sẻ rộng khắp. Tôi không biết điều này có xảy ra hay không, nhưng tôi là một người lạc quan. Hy vọng là, năm năm nữa, tôi sẽ có cơ hội được đứng phát biểu trên TEDGlobal rằng cải cách chính trị sẽ diễn ra tại Trung Quốc.
Nguồn: “Does Democracy Stifle Economic Growth?”