TED Talks – Vì sao quyền riêng tư quan trọng?

TED Talks – Vì sao quyền riêng tư quan trọng?
Edward Snowden. Ảnh:

Năm 2013, cả thế giới chấn động khi Edward Snowden, một cựu nhân viên CIA, tiết lộ Mỹ và các đồng minh đang giám sát toàn bộ thế giới mạng. Không gian từng được ca ngợi là có sức mạnh giải phóng và thúc đẩy dân chủ với sức mạnh vô tiền khoáng hậu đã bị biến thành một khu vực giám sát đại trà với quy mô cũng vô tiền khoáng hậu không kém. Từ đây, một cuộc tranh luận đã nổi lên khắp toàn cầu, và một câu hỏi được đặt ra: Tại sao quyền riêng tư lại quan trọng?

Bài viết trước: Ted Talks – Giám sát công cộng và “nhà tù tròn khép kín”

Chỉ có người xấu mới cần đến quyền riêng tư?

Có một cảm thức chung nổi lên trong cuộc tranh luận này, ngay cả ở những người khó chịu với biện pháp giám sát đại trà. Gần như tất cả đều đồng ý rằng sự xâm phạm trên quy mô lớn như cách Mỹ và các nước đồng minh đang làm không gây ra tổn hại thật sự nào. Lý do, theo họ, là chỉ có những người làm việc xấu mới cần che giấu và quan tâm đến quyền riêng tư.

Thế giới quan này xuất phát từ định đề rằng trên đời có hai kiểu người: người tốt và kẻ xấu. Kẻ xấu là những kẻ âm mưu tấn công khủng bố hay gây tội ác tàn bạo, và do đó có lý do để che giấu việc mình làm, có lý do để quan tâm đến quyền riêng tư. Ngược lại, người tốt là những người ngày ngày đến sở làm, khi tan tầm thì về nhà, nuôi dạy con cái, rồi ngồi xem TV. Họ sử dụng Internet không phải để lên kế hoạch cho những cuộc đánh bom, mà là để đọc tin tức, trao đổi công thức nấu ăn hay lên kế hoạch tổ chức giải đấu bóng cho con trẻ. Những người này chẳng làm gì sai, do đó họ chẳng có gì phải giấu giếm, chẳng có lý do gì phải sợ việc chính phủ kiểm soát mình.

Tuy nhiên, khi lập luận kiểu này, người ta quả thực đã tham gia vào cấp cao nhất của hành động tự hạ thấp mình. Họ đang nói “Tôi đồng ý biến tôi thành một người vô hại, chẳng đe dọa, thách thức ai và buồn tẻ đến độ quả thực tôi không sợ để chính phủ biết mình đang làm gì.” Ví dụ minh họa không thể phù hợp hơn cho kiểu suy nghĩ này có thể tìm thấy trong một cuộc phỏng vấn diễn ra năm 2009 với vị CEO suốt một thời gian dài của Google, ông Eric Schmidt. Khi được hỏi về những cách thức khác nhau mà công ty ông đang áp dụng khiến quyền riêng tư của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới bị xâm phạm, ông Schmidt đã đáp: “Nếu các vị đang làm việc mà các vị chẳng muốn ai biết, có lẽ ngay từ đầu các vị đừng làm việc ấy thì hơn.”

Những người hạ thấp quyền riêng tư không nhận ra yêu cầu riêng tư mà chính mình đòi hỏi

Có rất nhiều điều để nói về não trạng kiểu này. Trước nhất, cần khẳng định luôn một điều, những người nói như vậy, những người nói rằng quyền riêng tư không quan trọng lắm, không thực sự tin thế. Làm sao ta biết họ không tin? Đơn giản thôi, trong khi miệng thì họ nói quyền riêng tư không quan trọng, song tay thì họ thực hiện đủ mọi bước để bảo vệ quyền riêng tư của mình. Họ đặt mật khẩu cho đủ các tài khoản thư điện tử và tài khoản mạng xã hội, họ lắp khóa cửa phòng ngủ, rồi khóa cửa phòng tắm. Tất cả chỉ là để ngăn chặn người khác bước vào nơi mà họ coi là không gian riêng tư và biết được những điều mà họ không muốn người khác biết.

Chính ông Eric Schmidt, khi còn tại nhiệm ở Google, đã yêu cầu các nhân viên không được trao đổi, tiếp xúc với tạp chí trực tuyến CNET sau khi CNET cho đăng một bài báo đầy những thông tin riêng tư về Eric Schmidt, được thu thập hoàn toàn qua công cụ tìm kiếm Google cũng như các sản phẩm khác của công ty này.

Ta cũng có thể thấy điều này ở CEO của Facebook, Mark Zuckerberg. Trong bài phỏng vấn rất nổi tiếng năm 2010, vị CEO trẻ tuổi tuyên bố, quyền riêng tư không còn là một “quy chuẩn xã hội” nữa. Thế nhưng, chỉ mới năm trước thôi, Mark Zuckerberg và cô vợ mới cưới của anh ta đã mua không chỉ ngôi nhà họ ở, mà còn mua cả bốn ngôi nhà liền kề ở Palo Alto với tổng số tiền lên đến 30 triệu đô-la để đảm bảo họ có thể tận hưởng một không gian riêng tư, không bị ai nhòm ngó.

Quyền riêng tư – nhu cầu thiết thân của mỗi con người

Trong 16 tháng qua, khi tôi đi khắp thế giới trình bày về vấn đề này, lần nào cũng có người nói với tôi: “Tôi không lo lắm về chuyện xâm phạm quyền riêng tư vì tôi chẳng có gì phải giấu.” Mỗi lần như thế tôi đều làm đúng một việc. Tôi lấy bút ra, viết địa chỉ email của tôi, và nói: “Đây là email của tôi. Tôi muốn anh/chị làm việc này: khi về nhà, hãy gửi email cho tôi mật khẩu tất cả các tài khoản email của anh/chị, không phải chỉ những tài khoản công việc đẹp đẽ, đáng nể với tên anh/chị trên đó đâu nhé, tất cả các email ấy, bởi vì có thể tôi muốn ngó qua một chút những gì anh/chị làm trên mạng, đọc những gì tôi muốn đọc và đăng tải bất kỳ cái gì tôi thấy thú vị. Nói cho cùng thì anh/chị chẳng phải là người xấu, nếu anh/chị chẳng làm gì sai trái, anh/chị chẳng có gì cần phải giấu đúng không?”

Không một người nào làm theo đề nghị đó. Tôi kiểm tra đi kiểm tra lại email đó rất kỹ. Nó là một chốn hoàn toàn hoang vu. Và chuyện này có nguyên do của nó: Con người chúng ta, dù mạnh miệng bác bỏ tầm quan trọng của quyền riêng tư, nhưng trong tận sâu bản năng vẫn hiểu rõ tầm quan trọng sâu rộng của nó.

Đúng là con người chúng ta là những động vật có tính xã hội. Nói cách khác, chúng ta có nhu cầu cho người khác biết chúng ta đang làm gì, nói gì và nghĩ gì, đó là lý do tại sao chúng ta lại tự nguyện đăng tải thông tin về chúng ta trên mạng. Tuy nhiên, cũng có một nhu cầu thiết yếu không kém đối với một con người tự do, hạnh phúc, đó là có một nơi để lui về, tự do không bị ánh mắt người khác soi xét. Vì lẽ đó, tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự riêng tư. Tất cả chúng ta – chứ không phải chỉ có những tên khủng bố và kẻ tội phạm – đều có thứ muốn che giấu. Chúng ta sẵn sàng kể cho bác sĩ, luật sư, nhà tâm lý, người bạn đời hay người bạn thân của chúng ta nghe đủ điều chúng ta nghĩ và làm, song chúng ta lại sợ và thấy xấu hổ nếu để người khác biết được những chuyện đó. Ngày nào chúng ta cũng có những quyết định mà chúng ta sẵn lòng để người khác biết, lẫn những quyết định mà chúng ta muốn chôn chặt trong lòng. Người ta có thể dễ dàng tuyên bố họ không coi trọng quyền riêng tư, nhưng hành động của họ lại trái ngược với niềm tin đó.

Hai thông điệp nguy hại

Điểm cuối cùng tôi muốn nhận xét về não trạng này, đó là quan điểm cho rằng chỉ có những người làm việc sai trái mới có thứ phải giấu diếm, và do đó có lý do để lo lắng về quyền riêng tư, đưa đến hai thông điệp nguy hại. Đầu tiên, theo định nghĩa ấy thì những người quan tâm đến quyền riêng tư, những người mong muốn được riêng tư là người xấu. Đây là kết luận mà chúng ta có đủ mọi lý do cần tránh. Lý do quan trọng nhất là khi ta nói “làm việc xấu”, có lẽ ta muốn nói đến những việc như âm mưu tấn công khủng bố hay tham gia vào một tội ác. Khái niệm này hẹp hơn nhiều so với những gì mà nhà cầm quyền ngụ ý khi nói “làm việc xấu”. Đối với họ, “làm việc xấu” đơn giản có nghĩa là có hành động thách thức có ý nghĩa đối với chính quyền.

Một thông điệp khác, còn nguy hại hơn nữa do việc chấp nhận não trạng này đưa đến, đó là khi chấp nhận não trạng này, người ta đã thỏa hiệp với một cuộc mặc cả ngầm. Nếu ta sẵn lòng để bản thân vô hại vừa đủ, vừa đủ để không là mối đe dọa đối với nhà cầm quyền, thì khi đó và chỉ khi đó ta mới có thể tự do thoát khỏi mọi hiểm nguy của việc bị giám sát. Chỉ có những người bất đồng chính kiến, những người thách thức quyền lực mới là người cần phải lo lắng.

Có đủ lý do cho việc tại sao chúng ta cần tránh thông điệp này. Có thể, bây giờ ta không muốn phản kháng, nhưng một lúc nào đó trong tương lai ta có thể lắm chứ. Ngay cả nếu ta quyết định chẳng bao giờ muốn tham gia, thì ta vẫn cần phải thấy một thực tế: những người sẵn lòng và có khả năng kháng cự cũng như đối địch với nhà cầm quyền – những nhà bất đồng chính kiến, nhà báo và nhà hoạt động cùng một loạt những người phản kháng khác – chính là những người mang lại cho xã hội những điều tốt đẹp mà chúng ta cần gìn giữ. Quan trọng không kém, thước đo mức độ tự do của một xã hội không phải là ở việc xã hội đó đối đãi với những công dân tuân thủ, phục tùng như thế nào, mà là việc xã hội đó đối đãi với những người bất đồng chính kiến, những người cự tuyệt giáo điều chính thống ra sao.

Hệ thống giám sát đại trà đàn áp tự do của chúng ta theo đủ mọi hình thức. Nó làm thay đổi lựa chọn hành vi của chúng ta theo những lối mà chúng ta không hề hay biết. Nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa nổi tiếng Rosa Luxemburg từng nói: “Kẻ không bao giờ nhúc nhích sẽ chẳng nhận ra nổi xiềng xích trói buộc mình.” Chúng ta có thể thử ngồi im bất động, và coi những xiềng xích giám sát đại trà này là vô hình, nhưng những giới hạn ràng buộc mà nó trói buộc chúng ta sẽ không vì thế mà nhẹ bớt.

 Nguồn bài viết

Lược dịch từ bài nói chuyện Why Privacy Matters?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.