Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Cao Bát
Bài tham luận của Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh đang làm nức lòng người dân lao động, giới tri thức Việt Nam vì sự thẳng thắn nhìn nhận vào thực trạng trì trệ cải cách chính trị tại Việt Nam hiện nay, vốn đang trở thành rào cản nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển đi lên của kinh tế và xã hội Việt Nam. Nhưng nếu nhìn vào chi tiết bản tham luận, có lẽ mức độ của nó cũng chỉ dừng lại ở “những điều trông thấy”. Chúng ta vẫn chưa nắm bắt được vấn đề thật sự mà hệ thống chính trị mà Việt Nam đang gặp phải là gì, và việc cải tổ hệ thống chính trị hiện nay cần phải làm những gì. Bài viết dưới đây nhằm đóng góp một phần giải pháp cho vấn đề nêu trên.
1. Luật hóa mối quan hệ tương quan giữa Đảng và Nhà Nước Việt Nam
Với Điều 4 Hiến Pháp Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chúng ta biết được vai trò “đầu tàu” của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong tổng thể bộ máy chính trị Việt Nam.
Nhưng Đảng gây ảnh hưởng lên sự vận hành của cơ quan nhà nước ra sao?
Thẩm quyền của Đảng đến đâu? Trong mối quan hệ nào Đảng được phép gây ảnh hưởng lên bộ máy nhà nước? Và nếu có thì thực hành như thế nào?
Có cần cơ chế kiểm soát hay không?
Hệ thống trách nhiệm của các cơ quan Đảng đến đâu? Ai xử lý?
Hay vấn đề tài chính vẫn thường xuyên được người dân và các nhà nghiên cứu đặt ra mỗi kỳ đại hội đảng. Tại sao một ngân sách công vốn cần được dùng cho các chính sách cộng đồng lại phải gánh chịu chi phí hoạt động và lương bổng cho cả một hệ thống chính trị từ Đảng, Hội, Đoàn chính thống là câu hỏi lớn.
Luật hoạt động Đảng Cộng Sản là một văn bản có thể tránh né, nhưng vấn đề thể chế không vì thế mà mất đi. Đảng Cộng Sản Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận mình chỉ có vai trò lãnh đạo, không phải là thống trị bộ máy nhà nước. Vậy nên, dùng Điều lệ Đảng hay Nghị quyết Đảng để điều chỉnh mối quan hệ giữa Đảng và Nhà Nước – một cách thẳng thắn – là phi pháp quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mô hình pháp chế mà chúng ta được cho là phải hướng đến.
2. Loại bỏ “căn cước Đảng” trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự
Chúng ta chắc chắn không còn duy trì được nguyên tắc “vừa hồng, vừa chuyên” nếu thật sự muốn cải cách toàn diện hệ thống chính trị. Sẽ không thể nào lý giải bằng những quy tắc logic pháp lý và kinh tế thông thường đối với việc Bộ Trưởng Bộ Công Thương lại cần phải là ủy viên Trung Ương Đảng, hay thậm chí các chức danh tư pháp thuần chất kỹ thuật như Thẩm Phán của một tòa thương mại lại phải là đảng viên?
Gần đây, sau khi rầm rộ tổ chức cuộc thi tuyển công khai vị trí hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội và một vị luật sư có tên tuổi trúng tuyển, Bộ Tư Pháp cũng đã hoãn vô thời hạn việc bổ nhiệm vị luật sư này để bổ nhiệm một chính khách có “nền tảng Đảng” cơ bản hơn.
Mô hình phân phối nhân sự này gây lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên chất xám có năng lực và kinh nghiệm đang rất muốn cống hiến cho nhà nước và xã hội; trong khi các cơ quan nhà nước cho là đang phải “vơ vét” tìm kiếm cán bộ đủ tiêu chuẩn “Đảng” để bổ nhiệm.
Thừa nhận và áp dụng rộng khắp việc tuyển dụng và bổ nhiệm các cá nhân xuất sắc về mặt chuyên môn, ở cấp độ địa phương lẫn trung ương, chắc chắn sẽ tạo được làn sóng cải cách, hoàn thiện cơ cấu cũng như tăng cường năng suất làm việc của cơ quan nhà nước.
3. Ngừng “Đảng hóa” các tổ chức dân sự
Khi nói đến hệ thống Hội, Đoàn tại Việt Nam, chúng ta không chỉ nói đến Đoàn Thanh Niên; hay Hội Phụ Nữ, Hội Nông Dân, Hội Người Cao Tuổi… vốn là các tổ chức chính trị nòng cốt tập hợp trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Hầu như mọi hiệp hội nghề nghiệp xã hội khác cũng có sự nhúng tay trực tiếp của Đảng như Đoàn Luật Sư, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu, thậm chí kể cả Hội Sinh Viên hay Hội Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng trong vụ bê bối Tân Hiệp Pháp mới đây… Quy trình “quốc hữu hóa” những tổ chức đáng lẽ phải được tự thân vận hành và phát triển cũng tương tự như quá trình tập trung và quốc hữu hóa kinh tế trước đây, làm mất đi tính sáng tạo và trách nhiệm xã hội vốn có của chúng.
Thay vì trở thành trung tâm ý tưởng, bảo vệ quyền lợi xã hội, tạo tiếng nói đối trọng, kiểm tra, giám sát, đóng góp vào quá trình hiệp thương, quản lý kinh tế… sự lệ thuộc kinh tế và ý thức hệ nghiễm nhiên biến các tổ chức này trở thành các những cánh tay nối dài của Đảng Cộng Sản.
Cũng nên xóa bỏ thế độc quyền của Đoàn Thanh Niên và Hội Sinh Viên trong các cơ sở trung học và trường đại học với tư cách là một phần của hệ thống quản lý; khuyến khích tự do hoạt động dân sự của các tổ chức, hội đoàn độc lập là cách tốt nhất để làm quen với một mô hình dân chủ thực thụ. Việc này đồng thời giúp nhà nước tận dụng được những ý kiến cải cách, tạo không gian chính trị nơi mà hiệu quả và khả năng hoạt động, bảo vệ công dân của các tổ chức dân sự được đặt lên hàng đầu sẽ quyết định sự thành công của tổ chức đó.
4. Tư nhân báo chí
Nghe có vẻ rất khó thực hiện, nhưng việc hình thành hệ thống doanh nghiệp tư nhân đối trọng với thành phần kinh tế quốc doanh có lẽ còn khó nghe hơn vào những năm 80. Thực tế hệ thống pháp luật về báo chí tại Việt Nam hiện nay đã tương đối quy củ và chi tiết, nếu chưa kể đến các văn bản kiểm soát báo chí một cách gián tiếp và có tính nghiêm khắc hơn như pháp luật hành chính hay pháp luật hình sự. Vì vậy, vấn đề không còn nằm ở việc bảo vệ chế độ ra sao, mà là bảo vệ quyền tự do báo chí ra sao.
Pháp luật báo chí cũng như hình sự, hành chính cần đặt ra các biện pháp bảo vệ phóng viên, nhà báo khỏi các cáo buộc phi lý từ một số cá nhân, nhóm lợi ích nắm quyền nhằm duy trì công cuộc phòng chống tham nhũng, nơi mà chỉ có giới này có đủ dũng khí và chuyên môn để theo đuổi. Các nguyên tắc bảo vệ nền tự do báo chí, hay ít nhất là tự do báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, như prior-restraint hay public official treatment đã từng được giới thiệu trong bài viết 4 án lệ định hình tự do báo chí tại Hoa Kỳ sẽ là những tham khảo vô cùng đáng giá.
5. Loại bỏ cơ chế “Đảng cử, dân bầu”
Cơ chế “Đảng cử, dân bầu” có thể nói là một thất bại hoàn toàn trong nỗ lực thực hiện hóa quy trình dân chủ tại Việt Nam. Các quyết định nhân sự vẫn còn nằm gọn trong tay Đảng và tiếng nói của người dân – nhìn vào thực tế – chỉ là hình thức.
Việc đổ lỗi cho “suy thoái đạo đức”, “đánh mất tinh thần cách mạng” sẽ không bao giờ giúp giải quyết triệt để mục tiêu kiểm soát và cân bằng quyền lực quá lớn của hệ thống vốn trước đây chỉ có thể trông chờ vào “sự sáng suốt” của Đảng. Điều gì sẽ xảy ra nếu một cơ quan hoặc một cá nhân lãnh đạo Đảng không đủ sáng suốt và phạm sai lầm? Đó chắc chắn phải là sự tham gia của nhân dân, hay ít ra là cơ chế dân chủ đại diện như Hội Đồng Nhân Dân và Quốc Hội trong quá trình chủ động lựa chọn, bầu, bãi nhiệm hay miễn nhiệm một vị trí cụ thể.
Vấn đề của hệ thống bầu cử, bãi nhiệm – miễn nhiệm này, nếu nói đơn giản hơn, chỉ là khái niệm “check and balance” rất đơn giản và phổ biến ở hầu hết các quốc gia pháp quyền. Tổ chức Đảng ở cơ sở và trung ương nắm quyền ứng cử, đề cử; sau đó nếu muốn xử lý mặt chức vụ của người này trước tiên cũng phải thông qua chức vụ Đảng của họ. Điều này có nghĩa là gần như nắm mọi quyết sách liên quan đến nhân sự đều do Đảng quyết định mà không thuộc thẩm quyền xử lý của bất kỳ chính thể đại diện nào. Đây là lỗ hổng pháp lý lớn nhất nếu muốn hướng tới một hệ thống có kiểm tra, giám sát.
6. Xóa bỏ hoàn toàn vị thế của doanh nghiệp nhà nước
Có lẽ sẽ có người nêu tên Viettel để khẳng định “thành công vang dội” của mô hình kinh tế nhà nước. Nhưng nếu thật sự so sánh tương quan nguồn tài lực mà Viettel đang nắm giữ (về số lượng bất động sản sở hữu, nguồn tài chính, cơ sở hạ tầng đáng lẽ phải được sử dụng cho mục đích quốc phòng), thành công của Viettel thật sự không đáng với những gì quốc dân phải bỏ ra.
Không chỉ gây bất bình trong phương thức quản trị, bổ nhiệm; hầu như các tập đoàn nhà nước ở mọi quy mô chỉ tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản thân hữu phát triển mạnh hơn tại Việt Nam mà không đóng góp thực tế gì cho mặt bằng năng suất lao động nói chung.
Nhìn chung, những biện pháp cải cách thể chế chính trị cần nhất quán và mạnh mẽ đi từ các nguyên tắc hệ thống (như Luật về Đảng, vấn đề căn cước Đảng hay doanh nghiệp nhà nước) cho đến tăng cường và bảo vệ quyền của các chính thể ngoài nhà nước (Hội, đoàn; báo chí và người dân) sẽ giúp thay đổi và duy trì sự ổn định của hệ thống chính trị tại Việt Nam trong một thời gian dài. Nhưng bản chất thật sự của mô hình đơn đảng hiện tại chắc chắn vẫn còn quá nhiều rủi ro bất ổn không thể loại trừ.