Mô hình minh bạch thông tin tài chính của đảng phái chính trị tại Anh

Mô hình minh bạch thông tin tài chính của đảng phái chính trị tại Anh
View from the top of the Victoria Tower, the lesser known of the two towers of the Houses of Parliament, towards Big Ben, the River Thames and the London Eye

Nam Quỳnh

Bài trước: Kiểm soát đảng phái chính trị tại Vương Quốc Anh

Các đảng chính trị tại Anh theo luật bắt buộc phải nộp báo cáo chi tiêu hàng năm cho Hội Đồng và công khai tất cả các khoản đóng góp tài chính mà họ nhận được cho Hội Đồng.

Hội Đồng vừa giám sát vừa tư vấn cho các đảng chính trị để giúp họ đảm bảo không vi phạm các quy định về bầu cử và tài chính.

Đồng thời, vai trò quan trọng nhất của Hội Đồng có lẽ chính là đảm bảo công khai cho công chúng Anh các thông tin họ có được từ các đảng chính trị Anh.

Trang thông tin của Hội Đồng Bầu Cử Anh. Có thể được dùng để tra cứu thông tin và vấn đề tài chính của các đảng phái. Để làm việc này, Hội Đồng duy trì một trang web http://www.electoralcommission.org.uk/

popa2

Trang web có giao diện dễ nhìn và tiện dụng tạo điều kiện cho công chúng tra cứu các thông tin họ muốn về các đảng chính trị tại Anh, chủ yếu trong 5 loại thông tin:

Donations: nguồn đóng góp tài chính;

Loans: nguồn tiền đi mượn;

Spending: chi tiêu;

Registration Details: thông tin đăng ký;

Accounts: các bản kê khai kế toán.

popa1

Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài điều thú vị từ trang web này:

Năm 2014 Đảng Cộng Sản Anh (Communist Party of Britain) lỗ £7,367 (tương đương khoảng 24 triệu đồng Việt Nam)

popa3Nguồn thu chủ yếu của Đảng Cộng Sản Anh là tiền phí đảng viên (membership) và tiền đóng góp tài chính (donations). Họ có vẻ không có hoạt động gây quỹ (fundraising) nào, và trung thành với lý tưởng của mình, họ không dựa dẫm vào bất kỳ nguồn thu nhập từ tích lũy tư bản nào như thu nhập từ bất động sản (property and rental income) hay đầu tư (investments). Tuy nhiên họ có nguồn thu nhập hỗn hợp (miscellaneous income) không được giải thích rõ bao gồm những gì.

Chi tiêu cả năm 2014 của Đảng Cộng Sản Anh là £145,529 tương đương 4,8 tỷ đồng Việt Nam. Con số này trở nên quá nhỏ bé nếu được đặt bên cạnh con số 1,925 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước dành cho Văn phòng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam theo dự toán chi tiêu năm 2014 của Bộ Tài Chính Việt Nam[1].

So sánh này khập khiễng vì là so giữa một khoản chi tiêu thực với một khoản chi tiêu dự toán, nhưng nó cũng phần nào phản ánh sự khác biệt về tầm hoạt động của một đảng có 917 đảng viên nhiệt thành và một đảng có 4,4 triệu đảng viên kiên trung.

Khoản lỗ £7,367 không khiến Đảng Cộng Sản Anh rơi vào nợ nần vì họ vẫn còn một khoản tích lũy £18,395:

Năm 2014, Lao Động (Labour Party) ‘giàu’ hơn Bảo Thủ (Conservative Party) nhưng…

Bảo Thủ có tổng tài sản ròng là một con số âm hơn 5 triệu bảng:

popa5Lao Động có tổng tài sản ròng hơn 1 triệu bảng:

popa6

Mạnh vì gạo chưa chắc đã… nên cơm nên cháo. Đợt tổng tuyển cử năm nay diễn ra hồi tháng 05, Lao Động thua ê chề, mất 26 ghế Hạ Viện khiến lãnh đạo đảng là ông Ed Miliband phải từ chức.

Nhìn vào các nguồn thu của Lao Động và Bảo Thủ cũng có vài phát hiện thú vị:

Bảo Thủ:

popa7Lao Động:

popa8

Bảo Thủ gây quỹ (fundraising) không hiệu quả bằng Lao Động (£576,000 so với £1,231,000) nhưng Bảo Thủ nhận được các khoản đóng góp tài chính (donation) nhiều gần gấp ba Lao Động (£28,649,000 so với £10,953,000).

Bảo Thủ có truyền thống chơi thân và hay đưa ra các chính sách có lợi hơn cho giới tài phiệt, doanh thương và dân nhà giàu hơn là Lao Động. Phải chăng đấy là lý do cho sự khác biệt về mức đóng góp tài chính trên đây?

Chính xác. Bảo Thủ được giới doanh nghiệp và dân nhà giàu ‘chống lưng’ rất rõ:

Bảo Thủ:

popa9

Lao Động:

popa10

Trên đây là danh sách các nguồn đóng góp tài chính cho hai đảng trong suốt lịch sử từ khi có Hội Đồng Bầu Cử Anh.

Có thể thấy Bảo Thủ đã nhận được một đóng góp khổng lồ hơn 176 triệu bảng từ 9744 khoản đóng góp cá nhân, trong khi Lao Động chỉ nhận được 59,9 triệu bảng từ 2516 khoản đóng góp cá nhân.

Nguồn đóng góp chính của Lao Động là từ các công đoàn (trade union) tại Anh, nhưng 8470 khoản đóng góp từ các công đoàn vẫn không địch lại 9744 khoản đóng góp cá nhân của bên Bảo Thủ.

Các công ty chỉ đóng góp cho Lao Động 1411 lần tổng trị giá 13,6 triệu bảng, trong khi Bảo Thủ đã nhận 4364 khoản đóng góp từ các công ty với tổng trị giá đóng góp lên đến 74 triệu bảng.

Thậm chí, người dân có thể điểm tên vài cá nhân và đơn vị đã từng ‘chi khủng’ cho Bảo Thủ:

popa11

Bốn triệu/tỷ phú góp mặt ở đây là: doanh nhân thừa kế cơ nghiệp dầu khí Getty Oil – Sir Paul Getty, doanh nhân và nghị sỹ Thượng viện Anh Lord Irvin Laidlaw, doanh nhân dịch vụ cá độ John Stuart Wheeler, và giám đốc một quỹ đầu tư Sir Michael Hintze.

Công ty góp hơn 2 triệu bảng cho Bảo Thủ vào năm 2006 là công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu và phân phối xe hơi International Motors.

Kết Luận

Xuất phát từ một vụ scandal chính trị gia nhận tiền đút lót từ cá nhân năm 1994, nền chính trị đa đảng của Anh Quốc đã ‘tự diễn biến’, chuyển mình để áp đặt những luật lệ và quy định nghiêm khắc nhằm giám sát và bảo đảm công khai minh bạch về mặt tài chính của các đảng phái chính trị tại nước này.

Sự có mặt của Hội Đồng Bầu Cử Anh đã giúp đưa các đảng chính trị tại Anh vào khuôn phép, bắt các đảng này phải đảm bảo chu toàn các công tác kiểm soát tài chính và công khai các sổ sách chi tiêu kế toán, cũng như công khai các nguồn tài chính của họ.

Các cá nhân và đơn vị đóng góp tài chính cho các đảng chính trị đều phải công khai danh tính cũng như số tiền đóng góp và đều phải được chứng minh là có lợi ích trực tiếp tại Anh thông qua việc có đăng ký hoạt động hoặc đăng ký đi bầu tại Anh.

Lợi ích lớn nhất của sự kiểm soát từ Hội Đồng Bầu Cử Anh trên lý thuyết chính là việc đảm bảo các chính trị gia người Anh cho dù có chức vụ trong chính phủ đương quyền hay không đều phải biết thân biết phận, nhìn trước nhìn sau tuân thủ luật lệ để không vì tham ăn táy máy mà đi tong sự nghiệp.

Nhìn rộng hơn, sự công khai minh bạch này giúp người dân Anh có thể biết rõ các đảng chính trị của họ đang nhận đóng góp, trợ giúp từ những thế lực, những nhóm lợi ích nào.

Trong một nền chính trị đa đảng nhuốm màu kim tiền như ở Anh, sự công khai minh bạch này là tuyệt đối cần thiết vì nó đặt các đảng chính trị vào thế luôn phải đảm bảo sự công tâm với tất cả các nhóm cử tri mà họ đại diện chứ không chỉ chăm chăm đi lo cho những ai cho họ nhiều tiền nhất. Việc chỉ đưa ra những quyết sách có lợi nhất cho những ai cho họ nhiều tiền nhất sẽ lập tức vấp phải sự phản đối tẩy chay của những nhóm cử tri khác.

Sự công khai minh bạch cũng góp phần làm chùn tay những nhà tài phiệt thích lũng đoạn chính trị. Tuy rằng phần nhiều bọn họ luôn biết cách trở nên tinh tế hơn bằng việc chia nhỏ các khoản đóng góp và đóng góp thông qua các công ty hay quỹ đầu tư khác nhau, hoặc tìm những cách lũng đoạn khác tinh vi hơn như bằng cách kiểm soát giới báo chí truyền thông như ông trùm Rupert Murdoch.

Như vậy, công khai minh bạch không hoàn toàn tẩy đi hết được những bẩn thỉu vốn có của thế giới chính trị đa đảng kim tiền nhưng ít ra, như thẩm phán Louis Brandeis từng nói:

“Sự công khai xứng đáng phải được giao phó nhiệm vụ cứu chữa các tệ nạn xã hội và công nghiệp. Người ta nói ánh nắng mặt trời là chất tẩy uế tốt nhất; và đèn điện là người cảnh sát hiệu quả nhất.”[2]

Tài liệu tham khảo

[1] http://datafile.chinhphu.vn/files/dlt/2013/12/07.pdf

[2] “Publicity is justly commended as a remedy for social and industrial diseases. Sunlight is said to be the best of disinfectants; electric light the most efficient policeman.” Louis Brandeis, “What Publicity Can Do” – Harper’s Weekly 1913. Nguồn: http://bit.ly/1Jmucc7.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.