TPP: Công đoàn độc lập – Cam kết quan trọng nhất của Việt Nam – Kỳ 2

TPP: Công đoàn độc lập – Cam kết quan trọng nhất của Việt Nam – Kỳ 2

Đức Việt

Khái niệm “công đoàn độc lập” được nhắc tới nhiều trên truyền thông và mạng xã hội khi Việt Nam đặt bút ký kết TPP. Không ít người đã coi đây là thành quả lớn nhất, “nhãn tiền” mà người lao động đạt được với TPP.

Quyền có công đoàn độc lập đại diện cho mình – bên cạnh tổ chức công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vẫn tồn tại bấy nay – tại sao lại quan trọng đối với người lao động? Công đoàn có phải là chuyện xa vời đối với giới công nhân, hoặc hàm chứa những rủi ro đối với chính quyền? Đó là một số câu hỏi mà bài viết này muốn đề cập tới.

Kỳ trước: TPP: Bảo vệ người lao động vì một nền thương mại công bằng – Kỳ 1

Quyền công đoàn có “xa rời quần chúng”?

Nhiều trí thức, nhà quan sát công khai bày tỏ sự vui mừng khi Việt Nam ký kết Hiệp định TPP, nhưng giới lao động thì dường như ít quan tâm tới sự kiện này. TPP có lẽ quá xa xỉ với họ, khi đòi hỏi cơm, áo, gạo, tiền quá đè nặng đời sống người công nhân. Cho dù, bên trong cái hiệp ước vĩ mô và dài dòng đó, Việt Nam đã chấp nhận một cam kết quan trọng: chấp nhận việc thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động ở cấp cơ sở, độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL).

Nói một cách khác, TPP đã đặt nền móng cho tương lai của “đa nguyên” trong lĩnh vực công đoàn [1], cho sự hiện diện của công đoàn độc lập tại Việt Nam. Nếu TPP được thực thi trọn vẹn, và công đoàn độc lập được thành lập tại Việt Nam, quyền lợi của người công nhân Việt Nam sẽ được bảo đảm hơn, tạo điều kiện để đời sống của họ được cải thiện đáng kể.

Nhận định trên có phần nói quá hay không? Rốt cuộc thì người công nhân không thể đổi quyền – một khái niệm có vẻ trừu tượng – để đổi lấy những thứ cụ thể như miếng cơm, manh áo, vé về quê trong dịp Tết… Như vậy, phải chăng công đoàn độc lập cũng là một thứ xa xỉ, “xa rời quần chúng” đối với người công nhân?

Pou-Yuen 1

Công nhân Pouyuen Việt Nam đình công để phản đối quy định mới về Bảo hiểm xã hội gần đây.

Có một lầm tưởng phổ biến ở Việt Nam là công đoàn chỉ xuất hiện khi người công nhân cần đấu tranh chính trị với giới chủ. Khái niệm công đoàn thường được hiểu và gắn với các cuộc biểu tình, bãi công, lãn công, những vụ đập phá máy móc… Sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, công đoàn còn được nhiều người xem như một tổ chức chính trị, một chính đảng tranh giành quyền lực.[2]

Một phần từ nhận thức đó mà chính quyền Việt Nam từ lâu cố gắng “đồng bộ hóa” tổ chức công đoàn của người công nhân dưới sự lãnh đạo của VGCL, một tổ chức đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam[3] và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Chưa ai thực sự đánh giá một cách khách quan và toàn diện về hiệu quả hoạt động của hệ thống công đoàn đó, nhưng trong thực tế, VGCL mang dáng dấp của một cơ quan nhà nước nhiều hơn là hình ảnh một tổ chức đại diện cho người lao động.

Trong các vụ biểu tình, đình công đòi quyền lợi liên quan đến bảo hiểm xã hội hay đền bù khi doanh nghiệp đóng cửa, chúng ta thấy thiếu vắng sự tham gia của tổ chức công đoàn, cả ở cấp cơ sở lẫn cấp quận, những tổ chức đáng lý phải đứng về phía người lao động. Trong vụ việc 2.000 công nhân tụ tập tại cổng Công ty Yupoong khi doanh nghiệp Hàn Quốc quyết định tạm ngừng kinh doanh, đại diện công đoàn của BQL KCN Đồng Nai lại đứng lên giải thích về quyết định này của doanh nghiệp, nhằm xoa dịu công nhân [4]. Mục đích của những cán bộ công đoàn ấy có thể là tốt, nhưng hình ảnh này dễ dàng khiến người lao động nghĩ rằng người đối thoại với họ thực ra đang bảo vệ cho doanh nghiệp, chứ không phải cho công nhân.

Không thể phủ nhận rằng vai trò của VGCL trong một số hoạt động của doanh nghiệp là đáng kể, như khi xử lý kỷ luật người lao động, hay thông qua nội quy lao động tại cơ sở. Nhưng do thiếu tính đại diện cho người lao động nên hoạt động của tổ chức này bị hạn chế. Xét cho cùng, các cán bộ của VGCL từ cấp quận trở lên đều là công chức nhà nước chứ không phải là công nhân.

Chính vì thế, một công đoàn độc lập, có tính đại diện, không liên kết, chính là điều mà người công nhân cần. Những quyền năng dân sự của họ đúng là không thể đánh đổi được bánh mì hay vé Tết về quê, nhưng nó sẽ đem lại một tương lai rõ ràng và chủ động hơn cho người lao động.

Công đoàn như một nhu cầu tự thân

Nhìn lại lịch sử, tổ chức công đoàn không nhất thiết xuất phát từ một nhu cầu chính trị của công nhân, mà nó xuất phát từ nhu cầu dân sự, quyền được liên kết với nhau vì mục đích chung. Mục đích đó có thể đơn giản mang tính phòng vệ, như việc bảo vệ người công nhân khỏi bị giới chủ sa thải hay kỷ luật lao động một cách vô cớ.

Công đoàn cũng có thể xuất phát từ nhu cầu mang tính chủ động, như việc thương lượng thỏa ước lao động tập thể với giới chủ, hay mang tính tấn công, như bãi công, biểu tình đòi quyền lợi. Phải nhìn nhận nhu cầu công đoàn là một nhu cầu dân sự, xuất phát từ những đòi hỏi rất gần gũi với đời sống công nhân, chứ không phải để phục vụ cho một mục đích chính trị nào.

Như đã kết luận ở kỳ trước, người viết tin rằng quyền của người dân nói chung và của công nhân nói riêng quan trọng hơn các lo ngại về sự mất ổn định khi các quyền này bị lợi dụng. Đúng là quyền công đoàn, cũng như bất kỳ quyền chính trị, dân sự, xã hội, văn hóa, kinh tế nào khác đều có nguy cơ bị lạm dụng gây ảnh hưởng xấu. Tuy nhien, một Nhà nước minh bạch – như những gì TPP đòi hỏi – phải là một Nhà nước biết định hướng và dung hòa sao để có thể thực thi quyền đó ở tối đa, chứ không phải là hạn chế nó hay định nghĩa nó theo cách khác đi.

Nếu hiểu như vậy thì quyền công đoàn sẽ không còn là một chủ đề nhạy cảm ở những quốc gia như Việt Nam nữa.

Có lẽ cũng xuất phát từ nhận thức như trên mà Việt Nam đã chấp nhận đề xuất của Mỹ trong việc cho phép công đoàn độc lập được phép hoạt động ở Việt Nam trong tương lai gần, song song với VGCL.

Quyền công đoàn – cam kết quan trọng nhất của Việt Nam

Cần phải nói rõ rằng thỏa thuận về công đoàn độc lập không nằm trong Chương 19 của TPP. Chương 19 của TPP chỉ ghi nhận các quyền chung và có tính cách lặp lại công ước của ILO, đó là các quốc gia thành viên phải tôn trọng quyền tự do liên kết của công nhân.[5]

Cam kết về quyền công đoàn nằm khá tách biệt trong Bản Kế Hoạch Đẩy Mạnh Quan Hệ Thương Mại và Lao Động, được xem như một hiệp định biên của TPP, trong đó, các cam kết về công đoàn của Việt Nam chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu. Bản Kế Hoạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đưa ra năm nguyên tắc mà Việt Nam phải tuân thủ khi sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do công đoàn:

  • Nguyên tắc số 1: Công nhân được tự do tham gia các tổ chức công đoàn theo lựa chọn của họ.
  • Nguyên tắc số 2: Các tổ chức công đoàn phải được tự quản.
  • Nguyên tắc số 3: Tự chủ trong việc nhận đại diện của công đoàn trong các đơn vị không có công đoàn.
  • Nguyên tắc số 4: Tính đại diện trong việc lựa chọn cán bộ công đoàn.
  • Nguyên tắc số 5: Ngăn chặn việc can thiệp của giới chủ vào hoạt động của công đoàn.

Bản Kế Hoạch thực chất là một lộ trình để Việt Nam xây dựng pháp luật nhằm cụ thể hóa các tiêu chuẩn lao động đã cam kết. Như vậy, từ kết quả của TPP, chúng ta có thể chờ đợi vào một sự thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật lao động và pháp luật về hội của Việt Nam trong thời gian không xa.

Có lẽ chưa bao giờ Việt Nam nhận được nhiều sự chú ý đến thế từ truyền thông quốc tế như khi Việt Nam chấp nhận cam kết về công đoàn độc lập trong khuôn khổ TPP. Ký TPP, Việt Nam được đánh giá là “bên thắng cuộc” khi rất nhiều rào cản thuế quan ở những thị trường lớn sẽ được dỡ bỏ.[6]

Nhưng TPP không phải là một bữa ăn miễn phí, và Việt Nam phải tuân thủ những gì thuộc về chuẩn mực quốc tế khi tham gia sân chơi này. Và điều này vừa tốt cho đất nước, vừa tốt cho công nhân. Nói như ông Lê Đình Quang, phó Bộ phận quan hệ lao động thuộc VGCL, khi trả lời phỏng vấn New York Times hồi tháng 11/2015: “Đây là một thách thức rất lớn cho chúng tôi [VGCL], nhưng vì lợi ích quốc gia, sự hội nhập quốc tế và quyền và lợi ích của người lao động, chúng tôi cần phải tìm giải pháp. Chúng tôi hiểu rằng cam kết này rất tốt cho công nhân Việt Nam.”[7]

Tất cả giờ đây chờ đợi những bước đi tiếp theo của Hà Nội để trao cho công nhân một quyền công đoàn đúng nghĩa, một lần và mãi mãi, vì một tương lai khả quan hơn cho tầng lớp lao động vất vả này.

Kỳ tới: Năm Nguyên Tắc của Quyền Công Đoàn Đối Với Việt Nam Trong TPP

[1] Trade Union pluralism through free trade?

[2] Điều này xuất phát từ sự thành công trong phong trào dân sự của Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarność) của Ba Lan.

[3] Điều 1, Luật Công Đoàn

[4] Cty TNHH Yupoong Việt Nam: Gần 2.000 lao động bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng

[5] Từ rất lâu, việc tham gia VGCL được xem như là thực thi quyền tự do liên kết tại Việt Nam. ILO có một công ước khá quan trọng năm 1948 là Công ước về Tự do Liên Kết và Bảo Vệ Quyền Hiệp Hội (gọi tắt là Công ước 87) ở đó quy định rõ công nhân có quyền thành lập tổ chức của mình mà không chịu sự can thiệp của Nhà nước và được phép tham gia bất kỳ liên đoàn lao động nào. Điều lý thú là hai quốc gia duy nhất của TPP chưa phê chuẩn Công ước 87 lại là Hoa Kỳ và Việt Nam.

[6] Vietnam seems big winner in Trans-Pacific Partnership trade deal

[7] Vietnam – TPP trade: Agreement labor reaction

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.