Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Vaclav Havel (1936 – 2011) có thể được xem là một trong những biểu tượng vĩ đại nhất của những người bất đồng chính kiến trên toàn thế giới.
Sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản giàu có, Havel lớn lên trong bối cảnh đất nước Tiệp Khắc cũ (Czechslovakia) của ông đang được thống trị bởi những người Cộng sản. Sự phân biệt đối xử dành cho nguồn gốc xuất thân của ông khiến ông không có điều kiện học hành đầy đủ.
Dùng vốn kiến thức trung học và tự học của mình, Havel trở thành một nhà biên kịch sân khấu. Ông viết nhiều vở kịch và tiểu luận gây tiếng vang phê phán những sai trái và tréo ngoe trong thời đại Cộng sản kìm kẹp đến ngột ngạt mà ông và nhân dân Tiệp Khắc phải sống.
Năm 1977, cùng nhiều nhân sĩ trí thức khác, Havel ký vào bản Hiến Chương 77 thẳng thừng cáo buộc các vi phạm nhân quyền của chính quyền Cộng sản Tiệp Khắc. Năm 1978, Havel viết tiểu luận nổi tiếng “Quyền Lực của Không Quyền Lực” phân tích và phê phán chế độ Cộng sản Tiệp Khắc. Ông giải thích vì sao chế độ này sinh ra những con người bất đồng chính kiến: chế độ đó bắt nhân dân “sống trong dối trá”. Havel bị chính quyền Tiệp Khắc bắt giam từ 1979 đến 1983.
Ra tù, Havel lãnh đạo phong trào Diễn Đàn Công Dân (Civic Forum) đoàn kết các lực lượng bất đồng chính kiến tại Tiệp Khắc để tiếp tục chống lại chính quyền. Thời thế cuối cùng cũng thay đổi: Sự dần tan rã của khối Xô Viết cùng với các Cách mạng Nhung của người dân các nước Châu Âu kéo theo việc một loạt các chính quyền Cộng sản sụp đổ năm 1989. Chính quyền Cộng sản Tiệp Khắc không thoát khỏi vận mệnh đó.
Tháng 12 năm 1989, Quốc hội Liên bang Tiệp Khắc chính thức bầu Vaclav Havel lên làm tổng thống. Ông là vị tổng thống không Cộng sản đầu tiên của Tiệp Khắc sau 41 năm.
Ngày 01 tháng 01 năm 1990, Tổng thống Vaclav Havel lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình trước nhân dân Tiệp Khắc và đọc bài diễn thuyết đánh dấu một thời kỳ mới cho đất nước Đông Âu này. Bài diễn thuyết kết thúc bằng lời cảm thán sâu sắc của chính Havel: “Nhân dân, chính quyền của các bạn đã trở về với các bạn!”.
Trích đoạn Bài diễn văn chào năm mới của Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel
– Ngày 01 tháng 01 năm 1990 –
“Bốn mươi năm qua vào ngày này các bạn đã nghe từ những người tiền nhiệm của tôi những bài phát biểu khác nhau nhưng với cùng một kiểu mẫu: đất nước của chúng ta đang phát triển rực rỡ như thế nào, chúng ta đã sản xuất được bao nhiêu tấn thép, chúng ta tin tưởng chính quyền của mình ra sao và những tiền đồ tươi sáng đang trải ra trước mắt chúng ta như thế nào.
Tôi tin rằng các bạn bầu tôi vào chức vụ này không phải để tôi cũng dối trá với các bạn như thế.
Đất nước chúng ta không phát triển rực rỡ. Tiềm năng sáng tạo và tiềm năng tinh thần của chúng ta đang không được sử dụng một cách hợp lý.
Hàng loạt các ngành công nghiệp của chúng ta đang sản xuất ra những hàng hoá chả ai quan tâm trong khi chúng ta thì thiếu những thứ chúng ta cần. Một chính quyền tự gọi nó là chính quyền của công nhân đang làm nhục và bóc lột công nhân. Nền kinh tế lỗi thời của chúng ta đang tiêu phí những nguồn năng lượng ít ỏi còn lại.
Một đất nước từng một thời tự hào về trình độ giáo dục của người dân bây giờ đầu tư quá ít vào giáo dục đến nỗi xếp hạng giáo dục của chúng ta ngày nay đứng thứ bảy mươi hai trên thế giới.
Chúng ta đã làm ô nhiễm đất đai, những dòng sông, và những cánh rừng mà tổ tiên để lại cho chúng ta, và ngày nay chúng ta có một môi trường bị ô nhiễm nhất tại Châu Âu. Người trưởng thành trong nước ta chết sớm hơn người trưởng thành tại nhiều nước Châu Âu khác…
…Nhưng đó chưa phải là vấn đề chính. Thứ tệ hại nhất chính là việc chúng ta phải sống trong một môi trường đạo đức bị ô uế nặng nề. Chúng ta đang bệnh hoạn về đạo đức vì chúng ta đã quá quen với việc nói những điều khác với những gì chúng ta nghĩ. Chúng ta đã học cách không tin tưởng bất cứ gì cả, học cách mặc kệ lẫn nhau, học cách chỉ quan tâm đến bản thân mình.
Những khái niệm như tình yêu, tình bằng hữu, lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và sự thứ tha đã trở nên rất nhỏ bé, và với nhiều người trong chúng ta, những khái niệm đó chỉ là những dị biệt tâm lý, hoặc chúng chỉ giống như những lời lịch sự lỗi thời của muôn năm cũ vốn đã trở nên hơi lố bịch trong thời đại của máy tính và tàu vũ trụ.
Chỉ một số ít trong chúng ta đã dám lớn tiếng nói rằng những kẻ đang nắm quyền lực không thể có quyền lực tuyệt đối, và rằng những nông trại đặc biệt đang sản xuất những thực phẩm sạch sẽ và chất lượng dành riêng cho những kẻ quyền lực đó phải gửi những thực phẩm đó đến cho các trường học, nhà trẻ và bệnh viện nếu nền nông nghiệp của chúng ta không thể cung ứng đủ cho những nơi này.
Chế độ trước đây của chúng ta, được trang bị hệ tư tưởng kiêu ngạo và bất dung tha của họ, đã biến con người thành một lực lượng sản xuất, và thiên nhiên thành một công cụ sản xuất. Theo đó, chế độ này đã tấn công vào con người, thiên nhiên và mối quan hệ chung giữa cả hai.
Chế độ này đã biến những con người tài năng và độc lập của chúng ta, những con người đang làm việc một cách tài giỏi cho đất nước, thành những chiếc bu lông và đai ốc trong một bộ máy khổng lồ ồn ào và hôi hám, một bộ máy mà chả ai hiểu rõ ý nghĩa của nó là gì. Bộ máy đó chẳng thể làm gì khác ngoài việc từ từ ăn mòn chính nó và những chiếc bu lông và đai ốc của nó.
Khi tôi nói về môi trường đạo đức ô uế của chúng ta, tôi không chỉ nói về những quý ông đang ăn rau quả trồng hữu cơ sạch sẽ và chẳng đoái hoài ngó ra khỏi cửa sổ máy bay của họ. Tôi đang nói về chính chúng ta.
Chúng ta đều đã trở nên quá quen thuộc với chế độ toàn trị và chấp nhận nó như một thực tế không thể thay đổi được. Vì thế chúng ta đã giúp duy trì nó.
Nói cách khác, tất cả chúng ta – dù rất tự nhiên là theo những mức độ khác nhau – đều phải chịu trách nhiệm về việc vận hành của bộ máy toàn trị đó.
Không ai trong chúng ta chỉ đơn thuần là những nạn nhân cả. Tất cả chúng ta đều là những kẻ góp phần tạo ra bộ máy đó.
Tại sao tôi nói điều này? Sẽ rất bất hợp lý nếu chúng ta cho rằng cái di sản buồn bã của bốn mươi năm qua là một thứ xa lạ nào đó, như thể bị dúi vào tay chúng ta từ một người họ hàng xa. Trái lại, chúng ta phải xem cái di sản đó là tội lỗi của chính chúng ta đã gây ra với bản thân mình. Nếu chấp nhận như thế, chúng ta sẽ hiểu rằng mọi thứ tuỳ thuộc vào chính chúng ta, và chỉ chúng ta mà thôi mới có thể làm điều gì đó với cái di sản đó.
Chúng ta không thể đổ mọi tội lỗi lên những kẻ nắm quyền trước đây, không chỉ vì việc đó là sai trái mà còn bởi vì việc đó sẽ làm cùn nghĩa vụ của chúng ta trong hiện tại: nghĩa vụ đó chính là chúng ta phải cư xử một cách độc lập, tự do, có lý trí và nhanh lẹ.
Chúng ta hãy đừng nhầm lẫn: chính quyền tốt nhất thế giới, quốc hội tốt nhất thế giới và vị tổng thống tốt nhất thế giới cũng chẳng thể đạt được gì cả nếu không có sự giúp đỡ. Sẽ rất sai lầm nếu chúng ta mong đợi một giải pháp chung từ mỗi bản thân chính quyền. Tự do và dân chủ bao gồm sự tham gia đóng góp và vì thế trách nhiệm là của tất cả chúng ta…
… Các công dân thân mến của tôi!
Ba ngày trước tôi trở thành tổng thống nền cộng hoà này dựa vào ý chí của các bạn, thể hiện qua các đại biểu tại Quốc hội Liên bang. Các bạn có quyền mong đợi tôi sẽ đề ra các nhiệm vụ của mình trong vai trò tổng thống.
Nhiệm vụ đầu tiên là dùng toàn bộ quyền lực và ảnh hưởng mà tôi có để đảm bảo là chúng ta sẽ đều bước vào phòng bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử tự do, và con đường đi đến bước ngoặt lịch sử đó sẽ là một con đường đàng hoàng và ôn hoà.
Nhiệm vụ thứ hai là đảm bảo rằng chúng ta sẽ tiến tới những cuộc bầu cử như là hai quốc gia (Séc và Slovakia – ND) tự chủ tôn trọng quyền lợi của nhau, tôn trọng căn tính quốc gia, truyền thống tôn giáo và biểu tượng của nhau. Bản thân là một người Séc đã đưa ra lời thề tổng thống long trọng trước một người Slovakia quan trọng vốn cũng rất thân với tôi, tôi cảm thấy một trách nhiệm đặc biệt — sau những kinh nghiệm cay đắng của người Slovakia trong quá khứ — phải làm sao để quyền lợi của đất nước Slovakia được tôn trọng, và không một cơ quan nhà nước nào, dù là cao nhất, có thể từ chối quốc gia này trong tương lai.
Nhiệm vụ thứ ba của tôi là ủng hộ tất cả những gì sẽ giúp cải thiện tình trạng của trẻ em, người già, phụ nữ, người bệnh và những người lao động chăm chỉ, những sắc tộc thiểu số và tất cả công dân đang chịu thiệt thòi vì bất kể lý do gì. Thực phẩm chất lượng và bệnh viện sẽ không bao giờ còn là đặc quyền của những kẻ quyền lực; những thứ này phải được cung cấp cho những ai cần chúng nhất.
Là người chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang, tôi muốn đảm bảo rằng khả năng quốc phòng của chúng ta sẽ không bao giờ bị sử dụng làm lý do cho việc ngăn cản những phong trào ôn hoà và can đảm. Tôi muốn đảm bảo sự giảm thiểu chế độ quân dịch, sự hình thành của các hoạt động dân dịch thay thế quân dịch và làm cho cuộc sống quân sự có tính nhân văn hơn.
Trong nước ta đã có nhiều tù nhân, cho dù những người này có thể đã phạm những tội nghiêm trọng và đã chịu trừng phạt, phải chịu đựng một hệ thống pháp luật tước đoạt quyền lợi của họ, ngay cả khi có thiện ý của các nhân viên điều tra, thẩm phán và trên hết là các luật sư bào chữa. Họ đang phải sống trong những nhà tù không có khả năng đánh thức những phẩm chất tốt đẹp bên trong mỗi con người, mà thường làm nhục con người và huỷ hoại họ về cả thể chất và tinh thần.
Vì thế, tôi đã quyết định sẽ tuyên bố một lệnh ân xá tương đối rộng rãi. Đồng thời tôi kêu gọi các tù nhân phải hiểu rằng chúng ta không thể trong một ngày mà giải quyết được hết hậu quả của một giai đoạn bốn mươi năm với những hoạt động điều tra trái luật, những phiên toà và việc bắt giam không công bằng.
Tôi mong các tù nhân hiểu rằng những thay đổi đang được chuẩn bị một cách nhanh chóng vẫn phải cần thời gian để đưa vào thực tế. Nếu họ chọn việc nổi loạn, những người tù nhân sẽ không giúp gì cho xã hội và cho cả bản thân họ.
Tôi cũng kêu gọi người dân không sợ hãi trước những người tù khi họ được thả, không làm khó họ mà phải giúp đỡ họ trên tinh thần Thiên Chúa Giáo. Những người tù này trở về sống với chúng ta để tìm từ bên trong bản thân họ thứ mà không nhà tù nào có thể tìm cho họ: khả năng sám hối và ước vọng được sống một cuộc đời đàng hoàng…
… Bạn có thể hỏi tôi rằng nền cộng hoà mà tôi đang mơ ước là gì. Tôi sẽ trả lời: tôi mơ ước một nền cộng hoà độc lập, tự do và dân chủ, một nền cộng hoà giàu có về kinh tế nhưng công bằng về xã hội; nói ngắn gọn, một nền cộng hoà nhân văn phục vụ cho cá nhân và theo đó gìn giữ hy vọng rằng cá nhân sẽ phục vụ trở lại. Một nền cộng hoà của những con người toàn diện, bởi vì không có những con người như thế chúng ta chẳng thể giải quyết bất kỳ vấn đề gì — cho dù là về con người, kinh tế, sinh thái, xã hội hay chính trị…
… Nhân dân, chính quyền của các bạn đã trở về với các bạn!”
Bạn đọc có thể tham khảo thêm một số bài viết khác về/của Vaclav Havel sau đây:
Lời giới thiệu Column của Ban Biên Tập LKTC: Luật Khoa tạp chí xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chuyên mục hàng tuần mới: Café Luật Khoa. Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, Café Luật Khoa sẽ tuyển chọn và đăng một đoạn trích từ một quyển sách, một bài diễn thuyết hoặc một tài liệu thú vị, giàu cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về các đề tài luật pháp và chính trị từ các tác giả cả trong và ngoài nước, hiện đại lẫn kinh điển. Hy vọng chuyên mục này có thể giới thiệu được đến với bạn đọc những tác phẩm luật và chính trị sâu sắc, nhiều ý nghĩa, để có thể làm giàu thêm cho tủ sách và vốn đọc của các bạn. |