Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Trâm Huyền (Dịch)
Kỳ trước: Sự trỗi dậy của khuynh hướng chuyên chế tại Mỹ – Kỳ 3
Tổng hợp các kỳ:
Khuynh hướng chuyên chế có thể giải thích gì?
Vào đầu tháng 2, ít lâu trước khi Trump về nhì trong các cuộc bầu cử hội nghị Đảng Cộng Hòa tại bang Iowa và chấm dứt mọi nghi ngờ về những ủng hộ dành cho ông ta, tôi bắt đầu liên lạc với Feldman, Hetherington và MacWilliams để tìm cách trả lời các câu hỏi nói trên.
MacWilliams đã chứng minh được là có một sự liên kết giữa khuynh hướng chuyên chế và những ủng hộ dành cho Trump. Nhưng chúng tôi muốn biết bằng cách nào khác mà khuynh hướng chuyên chế có thể ảnh hưởng đến chính trị Mỹ, từ quan điểm chính sách đến chính trị đảng phái đến các vấn để xã hội, và khuynh hướng này có ý nghĩa với tương lai Hoa Kỳ như thế nào.
Đó là lúc chúng tôi gọi cho Kyle Dropp. Dropp là một nhà khoa học chính trị và một chuyên gia thăm dò ý kiến cử tri. Một đồng nghiệp của tôi mô tả Dropp là “Doogie Howser” của ngành thăm dò ý kiến cử tri. Trông anh ta đúng là có vẻ quá trẻ để làm giáo sư tại Đại học Dartmouth. Nhưng anh đồng thời cũng là một trong những người sáng lập công ty truyền thông và thăm dò ý kiến cử tri Morning Consult. Công ty này đã làm việc với trang tin Vox trong nhiều dự án.
Khi chúng tôi liên lạc với Morning Consult, Dropp và các đồng nghiệp của anh tỏ ra rất thích thú. Dropp có biết về các nghiên cứu của Hetherington và về việc đo lường khuynh hướng chuyên chế. Dropp nói rằng anh rất tò mò muốn thử nghiệm xem các lý thuyết này có ý nghĩa thực tế với cuộc bầu cử hiện nay ra sao. Hetherington và các nhà khoa học chính trị khác cũng rất nóng lòng muốn tìm hiểu thêm về các lý thuyết vốn đang bất ngờ ngày càng được quan tâm này.
Ngay cả những người không theo khuynh hướng chuyên chế khi cảm thấy thật sự sợ hãi trước các hiểm họa như khủng bố thì về cơ bản họ sẽ vì sợ mà cư xử như những người theo khuynh hướng chuyên chế.
Chúng tôi tập hợp năm nhóm câu hỏi khác nhau. Nhóm đầu tiên dĩ nhiên là phép thử khuynh hướng chuyên chế mà Feldman đã phát triển. Phép thử này sẽ giúp chúng tôi đo lường xem khuynh hướng chuyên chế có trùng khớp với các biến số từ các nhóm câu hỏi còn lại không.
Nhóm câu hỏi thứ hai hỏi các câu hỏi thông thường của mùa bầu cử về ứng cử viên ưa thích hay đảng phái chính trị.
Nhóm câu hỏi thứ ba tìm hiểu mức độ sợ hãi của cử tri với các một loạt các mối đe dọa thể xác, từ ISIS đến Nga đến vi-rút đến tai nạn xe hơi.
Nhóm câu hỏi thứ tư tìm hiểu các khuynh hướng chính sách, để xem thử xem khuynh hướng chuyên chế có khiến cử tri ủng hộ một số chính sách nhất định không.
Nếu các nghiên cứu lý thuyết là đúng thì kết quả sẽ cho thấy những người được đánh giá là có khuynh hướng chuyên chế nhất sẽ thể hiện những nỗi sợ hãi lớn về các mối đe dọa từ ‘người ngoài’ như ISIS hay các chính phủ ngoại quốc hơn hẳn các nỗi sợ hãi khác. Chúng tôi cũng tiên đoán là những người không có khuynh hướng chuyên chế nhưng thể hiện một mức độ sợ hãi cao thì cũng nhiều khả năng sẽ ủng hộ Trump hơn. Điều này sẽ cho thấy các nỗi sợ hãi thể xác có khả năng dẫn đến sự bột phát khuynh hướng chuyên chế, kéo theo nó là việc ủng hộ Trump.
Chúng tôi muốn tìm hiểu vai trò của những người theo khuynh hướng chuyên chế trong cuộc bầu cử này
Nhóm câu hỏi cuối cùng có mục đích định lượng nỗi sợ hãi các biến đổi xã hội. Chúng tôi hỏi cử tri đánh giá một loạt các biến đổi xã hội – cả thật và giả tưởng – theo mức độ từ “rất tốt” tới “rất tệ” cho đất nước. Một số các thay đổi được nhắc đến có hôn nhân đồng giới, việc có một con đường đến quyền công dân cho người nhập cư trái phép tại Mỹ, việc người Hồi giáo Mỹ xây nhiều giáo đường tại các thành phố trong nước.
Nếu như thực tế đúng theo lý thuyết là các biến đổi xã hội gây căng thẳng cho những người theo khuynh hướng chuyên chế, nhiều khả năng họ sẽ đánh giá các biến đổi xã hội là tệ cho đất nước.
Chung quy là chúng tôi mong đợi một số thứ từ những thăm dò này. Chúng tôi muốn hiểu những người theo khuynh hướng chuyên chế là ai, theo ngôn ngữ nhân khẩu học, và chúng tôi muốn thử nghiệm một số giả thiết cơ bản về cách mà khuynh hướng chuyên chế, trên lý thuyết, thường được vận hành. Chúng tôi muốn nhìn vào vai trò của những người theo khuynh hướng chuyên chế với việc bầu cử: Chẳng hạn như phải chăng họ đang tác động lên các quan điểm chính sách ?
Chúng tôi muốn hiểu rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng lớn vốn đã khiến cho lực lượng những người có khuynh hướng chuyên chế trở nên ngày càng đông đảo và quá khích – những yếu tố đó có bao gồm việc nhập cư, chủ nghĩa khủng bố và có thể có cả sự xuống cấp của tầng lớp lao động da trắng? Và có lẽ là quan trọng nhất, chúng tôi muốn phát triển một số lý thuyết về ý nghĩa của sự trỗi dậy của khuynh hướng chuyên chế ở Mỹ đối với tương lai của sự phân cực giữa các đảng chính trị, cũng như đối với việc Đảng Cộng Hoà đang ngày càng trở nên quá khích và chia rẽ nội bộ.
Khoảng 10 ngày sau, ít lâu trước khi Trump thắng cuộc tuyển cử sơ bộ tại bang New Hampshire, các bảng thăm dò ý kiến bắt đầu được gửi. Không đầy hai tuần sau đó chúng tôi có kết quả.
Đảng Cộng Hoà đã trở thành đảng của những người có khuynh hướng chuyên chế như thế nào?
Điều đầu tiên nổi bật từ dữ liệu về những người có khuynh hướng chuyên chế là họ đông đảo như thế nào. Kết quả thăm dò của chúng tôi cho thấy 44% trong số những người da trắng trả lời câu hỏi được đánh giá là có khuynh hướng chuyên chế “cao” hoặc “rất cao”, 19% được tính là có khuynh hướng “rất cao”. Những con số này không gây bất ngờ lắm và chúng khớp với những thăm dò xuyên quốc gia trước đây, vốn xác định khuynh hướng chuyên chế không phải là hiếm[1].
Yếu tố then chốt phải hiểu là khuynh hướng chuyên chế thường khá kín đáo; những cá nhân trong nhóm 44% nói trên chỉ bỏ phiếu và theo các cách cư xử khác như những người theo khuynh hướng chuyên chế khi họ bị kích động bởi các mối đe dọa, dù là mang tính vật lý hay mang tính xã hội. Nhưng chính sự kín đáo đó trong các thập niên qua đã giúp cho những người có khuynh hướng chuyên chế trở thành một nhóm cử tri mạnh mẽ mà ít ai nhận ra sự lớn mạnh của họ.
Ngày nay, theo các khảo sát của chúng tôi, những người có khuynh hướng chuyên chế phần lớn là người theo Đảng Cộng Hoà. Hơn 65% số người được đánh giá là có khuynh hướng chuyên chế nhất là những cử tri Đảng Cộng Hoà. Hơn 55% những người theo Đảng Cộng Hoà được khảo sát được đánh giá là có khuynh hướng chuyên chế “cao” hoặc “rất cao”.
Bên đầu bên kia, mọi thứ diễn ra ngược lại. Trong số những người ghi nhiều điểm số cho thấy họ có khuynh hướng ít chuyên chế nhất – có nghĩa là họ chọn những câu trả lời về việc dạy con cái theo hướng không chuyên chế – có đến 75% là người theo Đảng Dân Chủ. Nhưng điều này trước đây không phải lúc nào cũng vậy. Theo các nghiên cứu của Hetherington và Weiler, mấu chốt không phải là ở việc những người theo Đảng Cộng Hoà khác những người theo Đảng Dân Chủ như người sao Hoả khác người sao Thuỷ như thế nào. Mấu chốt chính là ở việc sự phân cực hoá giữa hai đảng này đã tăng dần theo thời gian.
Hetherington và Weiler sử dụng cả dữ liệu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi Đảng Cộng Hoà thay đổi chiến lược tranh cử để lấy sự ủng hộ của những người theo Đảng Dân Chủ ở miền Nam. Khi đó Đảng Cộng Hoà đánh vào nỗi sợ hãi những thay đổi chuẩn mực xã hội – ví dụ như việc các cuộc cách mạng dân quyền góp phần xoá bỏ phân chia thứ bậc dựa trên màu da. Đảng Cộng Hoà cũng áp dụng một cương lĩnh nhấn mạnh “luật và trật tự” gây sức hút với các cử tri da trắng vốn đang lo lắng về các cuộc bạo loạn sắc tộc.
Các thay đổi chiến lược này đặt Đảng Cộng Hoà vào vị trí là đảng của các giá trị và cấu trúc xã hội truyển thống – một vị trí mà họ giữ tới ngày nay. Những lời hứa của Đảng Cộng Hoà, về việc ngăn cản các biến đổi xã hội và nếu cần thiết thì áp đặt trật tự, đã có sức thuyết phục rất lớn đối với những cử tri có khuynh hướng chuyên chế.
Đảng Dân Chủ, trái lại, đã chọn vị trí là đảng của dân quyền, công bằng và xã hội cấp tiến – nói cách khác, họ là đảng của sự biến đổi xã hội. Vị trí này của Đảng Dân Chủ không chỉ không thể thu hút được những người theo khuynh hướng chuyên chế vốn không thích thay đổi mà còn tích cực làm những người này ghét Đảng Dân Chủ.
Hetherington giải thích với tôi là việc này trải qua nhiều thập kỷ đã khiến các nhóm người có khuynh hướng chuyên chế tập trung vào trong Đảng Cộng Hoà.
Việc này có ý nghĩa quan trọng vì càng có nhiều người theo khuynh hướng chuyên chế trong nội bộ Đảng Cộng Hoà thì những người có khuynh hướng chuyên chế này càng có nhiều ảnh hưởng lên chính sách và việc chọn ứng cử viên của đảng này. Không phải khi không mà các thăm dò ý kiến của chúng tôi cho thấy hơn một nửa những người trả lời thăm dò là thành viên Đảng Cộng Hoà đều là những người theo khuynh hướng chuyên chế.
Điều khác có lẽ quan trọng hơn chính là ở chỗ Đảng Cộng Hoà ngày càng khó mà có thể phớt lờ những lựa chọn bầu cử của nhóm người có khuynh hướng chuyên chế – ngay cả khi những lựa chọn bầu cử của nhóm này xung khắc với lựa chọn bầu cử của những nhóm cốt cán truyền thống trong đảng.
[1] Phân tích dữ liệu của Vox chỉ phản ánh cử tri người da trắng bởi vì tính chính xác của việc dùng các câu hỏi về nuôi dậy con cái để định lượng khuynh hướng chuyên chế không rõ ràng lắm trong trường hợp các phụ huynh người da màu. Tuy nhiên, bởi vì bản thân phần đông các cử tri của Đảng Cộng Hoà đã sẵn là người da trắng, việc giới hạn mẫu đại diện này của chúng tôi ít khả năng làm giảm tính chính xác của dữ liệu từ cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hoà.
Còn tiếp
Nguồn bài viết: Amanda Taub, The rise of American authoritarianism, ngày 01 tháng 3 năm 2016, Vox