Kiện Trung Quốc trên biển Đông: Khẳng định chủ quyền là làm gì?

Kiện Trung Quốc trên biển Đông: Khẳng định chủ quyền là làm gì?
Ảnh: RFI.

Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa Quốc Tế dựa trên phụ lục XVII của UNCLOS từ tháng Giêng 2013, và cho đến ngày 12 tháng 7 2016, Tòa Thường trực đã ra phán quyết cuối cùng cho vụ kiện. Đã có tất cả 15 vấn đề pháp lý và 3 vấn đề pháp lý bổ sung về những tranh chấp trên biển Đông mà phía Philippines đã yêu cầu Tòa Trọng Tài đưa ra phán quyết.

Vì sao Việt Nam nên kiện?

Trong đó, Philippines đã có hai yêu cầu pháp lý, số 10 và số 13, đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ ngư dân và các chiến sỹ hải quân của họ đang làm nhiệm vụ ở các đảo và bãi đá nằm trong vùng biển tranh chấp Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham).

Qua đó, chính phủ Philippines đã cho thấy việc họ tiến hành các thủ tục pháp lý ở biển Đông không đơn thuần là vấn đề tranh chấp về chủ quyền trên tư cách quốc gia với Trung Quốc, mà đó còn là những động thái rõ ràng và chính thức nhằm bảo vệ an nguy và sinh kế trên biển Đông cho người dân Philippines.

Đối với một quốc gia, không chỉ đơn giản là việc phải tuyên bố chủ quyền bằng những phương pháp chính trị, ngoại giao, hay thậm chí sử dụng đến các biện pháp quân sự.

Chính hành động bảo vệ người dân trước các mối nguy hiểm từ ngoại bang bằng con đường pháp lý, cũng là một cách gián tiếp khẳng định chủ quyền trong những khu vực tranh chấp.

Trên thực tế, hồ sơ của vụ án Philippines kiện Trung Quốc sở dĩ được thừa nhận thuộc về thẩm quyền và khả năng thụ lý của Tòa Trọng tài là vì chính phủ Philippines vốn không hề đòi hỏi phán quyết từ tòa quốc tế là họ có chủ quyền (sovereignty) trong khu vực tranh chấp ở biển Đông.

Hồ sơ vụ kiện chỉ xoay quanh những vi phạm về các giao ước (obligations) từ phía Trung Quốc dựa theo Công ước Quốc Tế về Luật Biển – UNCLOS.

Một câu hỏi đặt ra cho chính phủ Việt Nam, vốn là một nước trong quá khứ lẫn hiện tại, liên tục gặp phải những hành động tấn công ngư dân, tàu bè từ phía Trung Quốc ở biển Đông, cũng như đã từng gặp xung đột về mặt quân sự với Trung Quốc (sự kiện Gạc Ma năm 1988):

Việt Nam có nên xem xét việc sử dụng Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) cùng các hành động pháp lý như là một nỗ lực chính thức nhằm bảo vệ tài sản, sinh kế, cũng như an toàn tính mạng cho người dân trong vùng biển tranh chấp hay không?

taucatq2

Bài học từ vụ kiện của Philippines

Trong đơn kiện của Philippines nêu rõ, họ yêu cầu Tòa Trọng Tài đưa ra phán quyết về việc:

(1) Trung Quốc đã có những hành vi vi phạm luật biển Quốc Tế khi đã ngăn cản những ngư dân Philippines kiếm sống khi cản trở việc đánh bắt của họ tại Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham) trong Submission 10 (Vấn đề pháp lý số 10); và

(2) Trung Quốc đã vi phạm những giao ước ký kết trong UNCLOS khi cho phép các tàu tuần tra của họ hoạt động theo một khuôn khổ hết sức nguy hiểm khi có thể gây ra những mối rủi ro nghiêm trọng khi va chạm với các tàu tuần tra của Philippines trong phạm vi của Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham) trong Submission 13 (Vấn đề pháp lý số 13).

Kết quả từ Tòa Trọng tài về 2 vấn đề pháp lý trên đã được phán quyết như sau:

  • Đối với vấn đề pháp lý số 10, Tòa Trọng tài đã cho rằng Trung Quốc đã, từ tháng năm 2012, có nhữnh hành vi vi phạm luật biển Quốc Tế khi ngăn cản công việc đánh bắt truyền thống của các ngư dân Philippines tại Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham), vốn là một địa điểm đánh bắt có truyền thống [lâu đời] của nhiều ngư dân của các nước trong khu vực.
  • Đối với vấn đề pháp lý số 13, Tòa Trọng tài đã cho rằng Trung Quốc đã vi phạm những giao ước mà họ ký kết theo Điều 94 [của UNCLOS] và vi phạm Điều luật 2, 6, 7, 8, 15, và 16 của Công ước Quốc Tế về các Quy định phòng chống va chạm trên biển năm 1972 bằng việc tạo ra những mối rủi ro nghiêm trọng cũng như sự nguy hiểm cho các tàu bè và những người dân Philippines qua phương pháp hoạt động của các tàu tuần tra của Trung Quốc vào ngày 28 tháng tư và 26 tháng năm 2012.

Lập luận của phía Philippines trong quá trình tranh tụng của vụ kiện về 2 vấn đề nêu trên có thể tóm tắt như sau. Trước hết, 2 vấn đề pháp lý này đã được Tòa Trọng tài xem là thuộc thẩm quyền phán xét của tòa cũng như tòa có khả năng thụ lý dựa theo các điều khoản UNCLOS qua phán quyết đầu tiên được đưa ra vào ngày 29 tháng 10, 2015.

(Xin xem thêm Phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ án của Tòa Thường trực)

bang-chung-khong-the-choi-cai-vu-trung-quoc-dam-chim-tau-ca-viet-nam1

Tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm đang được dắt vào bờ (ảnh lớn), Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân kể lại sự việc với PV (ảnh nhỏ trên), Ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên bị thương sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ảnh: Lê Văn Chương – Nguyễn Thành. (Báo Đời Sống Pháp Luật)

Về vấn đề pháp lý số 10, Philippines đã đưa ra những bằng chứng và lập luận để chứng minh rằng Trung Quốc đã vi phạm vào Điều 2(3) của UNCLOS và lập luận này được củng cố bởi các Điều 51(1) và 62(3) của UNCLOS.

Ngoài ra, Philippines cũng cáo buộc Trung Quốc đã vi phạm Điều 279 và 300 của UNCLOS trong thời gian từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5, 2012 khi các thuyền tuần tra của Trung Quốc đã cản trở công việc đánh bắt của các ngư dân trong khu vực Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham), vốn là một địa điểm tranh chấp rất khốc liệt giữa Trung Quốc và Philippines.

Khoảng vào tháng 5, 2012 là thời điểm mà tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham) gia tăng cao độ và cả 2 nước đều mang các tàu tuần tra vào khu vực.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã tiếp tục cho các tàu tuần tra của mình bao vây các địa điểm đánh bắt truyền thống của các ngư dân Philippines (cũng là khu vực đánh bắt của các ngư dân từ các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam), khiến cho các ngư dân này không thể đánh bắt trong thời gian đó, ngay cả khi các tàu tuần tra của Philippines đã rút đi.

Vì việc sinh kế cũng như sự an toàn của các ngư dân này đã bị ảnh hưởng bởi hành vi của các tàu tuần tra Trung Quốc trong khoảng thời gian này, Tòa Thường trực đã đưa ra phán quyết là những hành vi đó của phía Trung Quốc đã vi phạm điều khoản của UNCLOS.

Đối với vấn đề pháp lý số 13, Philippines đã lập luận rằng, Trung Quốc đã vi phạm Điều 21 và 94 của UNCLOS khi các tàu tuần tra của Trung Quốc xảy ra đụng độ trên biển với các tàu của Philippines vào 2 ngày, 28 tháng 4, 2012 và 26 tháng 5, 2012 trong khu vực Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham).

Theo cáo buộc của Philippines, lực lượng hải quân Trung Quốc đã điều khiển những chiếc tàu tuần tra của họ một cách rất nguy hiểm đến sự an toàn cho các tàu và lực lượng hải quân của Philippines vì đã khiến cho các chiếc tàu của cả hai bên đối diện với nguy cơ bị va chạm mạnh trên biển.

Hành động truy đuổi và tìm cách gây ra va chạm giữa các tàu tuần tra giữa hai nước của lực lượng hải quân Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài tuyên phán là vi phạm các điều khoản của UNCLOS, cũng như vi phạm các điều luật của Công ước Quốc Tế về các Quy định phòng chống va chạm trên biển năm 1972 (COLREGS).

Qua phán quyết của Tòa Trọng tài vào ngày 12 tháng 7, 2016, rất rõ ràng là một quốc gia thành viên có thể sử dụng các thủ tục pháp lý quốc tế để bảo vệ người dân và chiến sỹ của họ trên biển dựa trên UNCLOS.

Cho dù Trung Quốc có ngang ngược thế nào đi nữa, bằng chứng không thể chối cãi được chính là họ cũng là một thành viên của UNCLOS và do đó, họ cũng có nghĩa vụ tuân thủ các giao ước mà họ đã ký kết.

Trước khi có được những thỏa hiệp song phương hay đa phương để giải quyết về vấn đề chủ quyền trên biển Đông, chính phủ của các quốc gia liên quan, trong đó có Việt Nam, đều có nghĩa vụ trước hết là bảo vệ sự an toàn và đảm bảo cho việc sinh kế của người dân nước họ trong những khu vực tranh chấp.

Hơn bất kỳ tuyên bố nào về mặt ngoại giao nhằm khẳng định chủ quyền, hành động dùng luật pháp quốc tế để bảo vệ cho người ngư dân, người lính trên biển mới thật là lời khẳng định rõ ràng và cứng rắn nhất về sự có mặt của Việt Nam trên biển Đông.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.