Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Xem xét thủ tục pháp lý của Tòa Trọng Tài Thường Trực và vai trò của Việt Nam trong hồ sơ Philippines kiện Trung Quốc.
Trung Quốc đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài từ hơn 30 năm trước?
Trong hồ sơ Philippines kiện Trung Quốc, Tòa Trọng Tài Thường Trực – Permanent Court of Arbitration – đã được sử dụng cho cơ chế tòa án (tribunal) được thành lập và có quyền tài phán khi xảy ra tranh chấp giữa các nước thành viên của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển – United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS) chiếu theo điều phụ lục số 7 (Annex VII) của UNCLOS. Theo lập luận từ phía chính phủ Philippines, cũng như từ một số đông các học giả nghiên cứu về UNCLOS, tất cả các tranh chấp về những điều khoản UNCLOS nào hội đủ điều kiện để có thể mở hồ sơ dựa theo phụ lục số 7 (Annex VII) đều sẽ đòi hỏi sự tham gia vào các thủ tục bắt buộc (compulsory procedures) của những bên liên quan.
Khi các nước thành viên tham gia ký kết UNCLOS, họ đều đồng ý với các điều kiện, các giao ước của UNCLOS, trong đó có phần 2 (bắt buộc) của phụ lục số 7 (binding section 2, Annex VII). Và do đó, việc Trung Quốc phản đối và không tham gia vào hồ sơ vụ kiện không thể cấu thành lý do khiến cho Tòa Trọng tài từ chối quyền tài phán và thụ lý hồ sơ, nếu không nói chính xác là Trung Quốc không có quyền phản đối. Trung Quốc lập luận rằng Philippines, cũng như các nước có liên quan khác trong khối ASEAN, đã có những hiệp nghị hay tuyên bố đàm phán song phương/đa phương với Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông từ trước, và do đó, Philippines không thể sử dụng phụ lục số 7 của UNCLOS để mở hồ sơ kiện Trung Quốc. Thực chất, quan điểm này của Trung Quốc là một lập luận khá yếu kém và thiếu tính thuyết phục về mặt pháp lý.
Trung Quốc đã từng là một tác nhân rất tích cực trong việc hình thành các lợi ích hàng hải hiện nay. Họ chỉ không ngờ rằng sự sốt sắng ngày xưa đang gây hại rất nhiều trên phương diện pháp lý quốc tế cho những tuyên bố hiện tại.
Trước hết, như đã nói ở trên, Trung Quốc đã ký kết một công ước quốc tế – chính là UNCLOS – và những giao ước nằm trong phụ lục số 7 cũng là một phần mà Trung Quốc đã đồng ý tuân thủ ngay lúc ký. Do đó, việc Trung Quốc lên tiếng phản đối Tòa Trọng tài khi bị Philippines tuyên bố khởi kiện là một hành động thừa thải trước một sự việc đã rồi vì họ đã chấp nhận quyền tài phán của Tòa Trọng tài từ trước. Sau nữa, những bản tuyên bố và hiệp nghị đàm phán song phương/đa phương có liên quan giữa Philippines và Trung Quốc từ năm 1995 cho đến thời điểm hiện tại trong vấn đề biển Đông đều không phải là những văn bản có giá trị pháp lý cao hơn UNCLOS. Ngoài ra, cũng không có bất kỳ văn bản nào được ký kết giữa hai nước đòi hỏi họ phải từ bỏ quyền được nộp hồ sơ thành lập tòa án (tribunal) dựa theo phụ lục số 7 để giải quyết những vi phạm về các điều khoản UNCLOS. Vì thế, Trung Quốc vốn không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để bác bỏ thẩm quyền và khả năng thụ lý hồ sơ của Tòa Trọng tài trong vụ kiện này. Điều này rất quan trọng cho những nước có tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, vì nó đã xác lập một án lệ có lợi cho họ về thẩm quyền của Tòa Trọng tài cho những tranh chấp dựa theo UNCLOS.
Dựa theo UNCLOS, Tòa Trọng tài chỉ cần đạt đủ hai điều kiện pháp lý là có thể đưa ra phán quyết: 1) Tòa Trọng tài phải có thẩm quyền và khả năng thụ lý dựa theo UNCLOS; và 2) Tòa Trọng tài phải xem xét và chấp nhận các yêu cầu pháp lý của nguyên đơn có đủ lý lẽ đúng sai (legal merits) về cả mặt tình tiết (facts) lẫn về mặt luật pháp (law). Phán quyết của Tòa Trọng tài vào ngày 29 tháng 10, 2015 và ngày 12 tháng 7, 2016 đã khẳng định họ đã thỏa mãn đầy đủ cả 2 điều kiện nêu trên và do đó, phán quyết trong vụ kiện Philippines kiện Trung Quốc đã hoàn toàn được tiến hành đúng theo thủ tục, quy trình tố tụng, cũng như có đầy đủ cơ sở pháp lý. Nghĩa vụ của tất cả các nước thành viên UNCLOS, trong đó có Trung Quốc, là phải tuân thủ phán quyết này.
Việt Nam không chỉ đứng nhìn?
Ngày 5 tháng 12, 2014, chính phủ Việt Nam đã nộp một đơn đệ trình (Vietnam’s Statement) lên Tòa Trọng tài, nêu rõ quan điểm và các yêu cầu của Việt Nam đối với hồ sơ Philippines kiện Trung Quốc. Những điểm quan trọng nhất trong đơn đệ trình của Việt Nam có thể bao gồm như sau:
1) Việt Nam tôn trọng thẩm quyền, quyền tài phán, và khả năng thụ lý hồ sơ vụ kiện của Tòa Trọng tài; 2) Việt Nam bảo lưu các quyền lợi pháp lý của mình trong tranh chấp biển Đông; 3) Việt Nam ghi nhận việc Philippines không đòi hỏi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết nằm ngoài thẩm quyền của tòa dựa theo Điều 288 của UNCLOS, nghĩa là Philippines không hề đòi hỏi bất kỳ tài phán gì về chủ quyền cũng như việc phân định ranh giới trên biển trong vụ kiện này; 4) Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ bất kỳ tuyên bố của Trung Quốc dựa trên đường chín đoạn ở biển Đông; và 5) Việt Nam hoàn toàn ủng hộ thẩm quyền của Tòa Trọng tài trong việc diễn giải và áp dụng các Điều 60, 80, 194(5), 206, 293(1), và 300 cũng như các điều khoản có liên quan khác dựa trên UNCLOS.
Chính phủ Việt Nam không hẳn chỉ quan ngại miệng suông. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc – Ảnh: UN
Quan trọng hơn, Việt Nam cho biết “họ bảo lưu quyền tham gia vào vụ kiện (the right to seek to intervene) nếu việc tham gia là hợp lệ dựa trên các điều luật quốc tế, cũng như dựa trên các điều khoản của UNCLOS.” Ngoài ra, Việt Nam cũng tuyên bố là tất cả các cấu trúc [địa lý] trên biển được nhắc tới trong đơn kiện của Philippines (phần nhiều liên quan đến Spartly Islands – quần đảo Trường Sa) đều không thể dùng để xác định các quyền trên biển (maritime entitlements) liên quan đến thềm lục địa hay khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ). Nói một cách đơn giản hơn, quan điểm của Việt Nam về các cấu trúc [địa lý] này rất rõ ràng, chúng chỉ là những cấu trúc không thể dùng để xác định các quyền trên biển nằm ngoài khu vực 12 hải lý vì chúng chìm dưới mặt nước ngay cả khi thủy triều thấp (low-tide elevations) hoặc chỉ là những bãi đá không có khả năng tạo ra khu cư trú cho con người.
Việt Nam cần thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn
Có thể thấy trong đơn đệ trình của Việt Nam ngày 5 tháng 12, 2014, chính phủ Việt Nam đã có nghiên cứu khá chi tiết và rõ ràng hồ sơ của Philippines, cũng như đã đưa ra đề nghị bảo lưu quyền được tham gia vào vụ kiện (the right to seek to intervene) của mình. Tuy nhiên, từ lúc Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý của tòa vào ngày 29 tháng 10, 2015 (award on jurisdiction and admissibility) cho đến khi có phán quyết cuối cùng (final award) vào ngày 12 tháng 7, 2016, Việt Nam đã không có bất kỳ hành động pháp lý nào thêm nữa đối với vụ kiện.
UNCLOS, và đặc biệt là các chương, các điều khoản dựa trên phụ lục số 7 (Annex VII), không hề có phần hướng dẫn hay cho phép việc một quốc gia thứ 3 có thể tham gia đơn kiện (intervention by a third-party state). Mặt khác, trên thực tế cũng không có bất kỳ điều khoản nào ngăn cấm việc một quốc gia thứ ba có liên quan đến vụ kiện – chẳng hạn như Việt Nam – nộp đơn xin tham gia.
Thông thường trong những hồ sơ của Tòa Trọng tài, việc có quốc gia thứ ba tham gia hay không sẽ được tòa tham khảo ý kiến của hai bên nguyên đơn và bị đơn. Trong trường hợp của Philippines kiện Trung Quốc, việc Trung Quốc phản đối và không tham gia vào quy trình tố tụng cũng là một yếu tố có thể khiến cho Tòa Trọng tài ngần ngại và do dự khi đưa ra quyết định xem có nên (hay không nên) cho phép một quốc gia thứ ba như Việt Nam tham gia vào vụ kiện. Mặc dù là như thế, phán quyết đó của Tòa án vẫn cần có trước hết một đơn xin tham gia chính thức từ quốc gia thứ ba, và trong trường hợp này chính là Việt Nam.
Cũng lưu ý thêm là Tòa Trọng tài vốn đã xem xét rất kỹ càng những quan điểm của Việt Nam trong cả hai phán quyết của họ và đều có nhắc đến đơn đệ trình của Việt Nam trong nội dung của các phán quyết. Vì vậy, nếu Việt Nam nộp đơn xin tham gia hồ sơ với tư cách quốc gia thứ ba có liên quan (intervention), Tòa Trọng tài rất có thể cũng sẽ xem xét đơn kiện đó của Việt Nam một cách nghiêm túc.
Cho đến cuối cùng, chính phủ Việt Nam đã chọn phương án không chính thức tham gia cùng Philippines trong vụ kiện biển Đông. Nhưng với phán quyết từ Tòa Trọng tài (final award) hôm 12 tháng 7, 2016 vừa qua, đây là lúc chính phủ Việt Nam cần phải bày tỏ rõ ràng hơn nữa quan điểm của mình trên biển Đông, cũng như phải có hành động chính thức để đáp trả lại những vi phạm về các giao ước UNCLOS của Trung Quốc khi có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Việt Nam, đặc biệt là các quyền lợi liên quan đến lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Phán quyết của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã cung cấp cho những nước có liên quan trong khu vực, trong đó có Việt Nam, những lập luận và quyết định quan trọng dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Đây là một tài liệu tham khảo có giá trị và cũng là một án lệ có khá nhiều lợi ích cho Việt Nam mà chính phủ Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để có thể sớm đưa ra những quyết định pháp lý và ngoại giao đối với các tranh chấp trên biển Đông./.