Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Café Luật Khoa
—
Vụ án ô nhiễm môi trường tại làng Bình Nam là vụ kiện môi trường nổi bật đầu tiên tại Trung Quốc được xử lý đến cùng với một chiến thắng pháp lý dành cho bên nguyên đơn là những người dân làng chịu thiệt hại mùa màng và sức khỏe vì ô nhiễm môi trường.
Làng Bình Nam thuộc huyện Bình Nam tỉnh Phúc Kiến miền Đông Nam Trung Quốc là một làng nghèo sống phụ thuộc vào nông lâm nghiệp. Kinh tế của làng chỉ có dấu hiệu khởi sắc khi vào năm 1992 một doanh nghiệp lớn quyết định mở một nhà máy hóa chất tại địa phương là nhà máy Dong Bình chuyên sản xuất chất kali clorat thường sử dụng trong nông nghiệp.
Tuy nhiên càng phải sống lâu với nhà máy hóa chất liên tục xả thải độc hại này, dân làng Bình Nam càng nhận ra những tai ương khôn lường từ việc hy sinh môi trường cho phát triển kinh tế. Đầu tiên là sự chết héo hàng loạt của cây lấy gỗ, cây tre, cây ăn quả và các sản phẩm trồng trọt khác của dân làng. Tiếp theo sau đó là những xác cá tôm trôi lềnh bềnh ngập kín sông ngòi. Sau cùng là bệnh tật. Số người bị ung thư trong làng tăng lên đến mức làng Bình Nam bị xem là “làng ung thư” của cả địa phương cuối những năm 90.
Dân làng Bình Nam quyết định hành động. Dưới sự lãnh đạo bền bỉ của vị “bác sỹ chân đất” ông Trương Thường Kiến, dân làng Bình Nam kiện doanh nghiệp chủ nhà máy Dong Bình ra tòa và chiến thắng vào tháng Tư năm 2005.
Một nhóm dân làng Bình Nam với bác sỹ Trương Thường Kiến đứng đầu. (Nguồn ảnh: ejatlas.org)
Vụ việc làng Bình Nam là một trong những vụ việc được nhắc đến nhiều nhất trong cuốn sách “Kiện Tụng Môi Trường tại Trung Quốc: Một Nghiên Cứu về Sự Mâu Thuẫn Tư Tưởng Chính Trị” (Environmental Litigation in China: A Study in Political Ambivalence) thuộc loạt sách nghiên cứu về pháp luật và xã hội của Nhà xuất bản đại học Cambridge (Anh).
Cuốn sách “Kiện Tụng Môi Trường tại Trung Quốc” là kết quả của các nghiên cứu học thuật và thực địa công phu và chi tiết tại Trung Quốc của học giả Rachel Stern, hiện đang là phó giáo sư luật và chính trị học tại trường đại học California tại Berkeley.
Cuốn sách này cho chúng ta nhiều bài học thú vị và thực tế từ quá trình đầy gian truân của việc kiện tụng liên quan đến môi trường trong một đất nước nơi hệ thống tòa án chưa có sự độc lập thực thụ và các cơ quan nhà nước thì thường quan tâm đến phát triển kinh tế hơn là sự an toàn sức khỏe của người dân.
Trích đoạn “Kiện Tụng Môi Trường tại Trung Quốc: Một Nghiên Cứu về Sự Mâu Thuẫn Tư Tưởng Chính Trị”- Rachel Stern (Cambridge University Press 2013):
“… Làng Bình Nam thuộc một trong những huyện nghèo nhất trong năm 1992 của tỉnh Phúc Kiến. Đó là một nơi mà các câu tục ngữ địa phương như “Bình Nam, Bình Nam nghèo, Bình Nam khổ” nghe như những lời khóc than. Người dân làng Bình Nam lúc ban đầu đã rất hồ hởi đón chào nhà máy hóa chất Dong Bình vì nhà máy này mang lại hơn 300 việc làm mới. Nhưng trong mười năm tiếp theo đó, sự nhiệt tình dần được thay thế bằng sự bất bình khi mùa màng của dân làng thất bát và họ cũng bắt đầu có các vấn đề sức khỏe lây lan rộng.
Khi việc viết thư phàn nàn và thông tin truyền thông báo chí không giải quyết được vấn đề, 1,721 dân làng cùng góp tên trong một đơn kiện thay mặt tập thể đưa nhà máy Dong Bình ra tòa năm 2002. Ba năm và một lần kháng án lên tòa cao hơn sau đó, Tòa án nhân dân Tỉnh Phúc Kiến quyết định bắt Dong Bình dọn dẹp xả thải công nghiệp và bồi thường 684,178 nhân dân tệ (lúc đó vào khoảng 108,600 USD). Khoản bồi thường này chia ra chỉ khoảng 397 nhân dân tệ (63 USD) cho mỗi nguyên đơn, một chiến thắng mờ nhạt trong một vụ việc được nhiều người xem là một vụ kiện môi trường mang tính bước ngoặt…
Cảnh huyện Bình Nam – Phúc Kiến (Nguồn ảnh: whatsonxiamen.com)
… Trong các tranh chấp liên quan đến môi trường, ngay cả việc có được một ngày ra tòa đã là một đặc ân rất khó khăn mới giành được. Chiếu theo luật bảo vệ môi trường Trung Quốc, các nguyên đơn có ba năm từ ngày họ nhận ra các thiệt hại có liên quan đến ô nhiễm môi trường để khởi kiện. Thỉnh thoảng, như trong vụ Bình Nam, tòa án tính cả thời gian sử dụng các biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp vào trong tính toán thời hiệu khởi kiện, gây ra một khó khan cho người kiện khi các cơ quan chức năng chậm chạp hay phối hợp không đồng bộ (nghiên cứu của Wang 2007, trang 210).
Quyền khởi kiện, một khái niệm pháp lý còn được biết đến là vị thế tranh chấp (standing), cũng bị giới hạn chỉ dành cho những ai đã bị thiệt hại trực tiếp. Chỉ những nạn nhân của ô nhiễm môi trường mới có thể khởi kiện, nhưng không phải nạn nhân ô nhiễm môi trường trước nay luôn tuân thủ pháp luật nào cũng có thể được bảo đảm chắc chắn là sẽ được tòa nhận xử.
Các thẩm phán phụ trách tiếp nhận hồ sơ của tòa án thường từ chối xử nhiều vụ, và trong khi việc từ chối xử này phải luôn đi kèm một lý do trên văn bản từ tòa, các thẩm phán thường không cho các nguyên đơn đơn từ về việc từ chối xử vốn là thứ mà nguyên đơn cần có để chính thức kháng quyết định từ chối xử lên cao hơn. Các thẩm phán chia sẻ rằng họ từ chối xử một số vụ án vì khá nhiều lý do, có thể là vì không đủ bằng chứng, hay là vì đã có một cơ quan chức năng đang xử lý vụ tranh chấp, hoặc là luật pháp không phải là cách thích hợp để giải quyết vấn đề (Thu thập từ các phỏng vấn thứ 57, 74, 164).
Trong thực tế, các quyết định chủ quan về sự thích hợp của việc dùng luật pháp giải quyết vấn đề cho các thẩm phán phạm vi rộng để lảng tránh một số mâu thuẫn có nhiều bất trắc lớn, có khả năng ảnh hưởng đến ổn định xã hội, và không kém phần quan trọng là ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra đánh giá tòa án mỗi năm. Điều này có nghĩa là thường ngày các thẩm phán phụ trách việc tiếp nhận hồ sơ phải làm một công việc không thích thú gì là thuyết phục những người dân đầy giận dữ đi tìm phương án giải quyết ở những nơi khác. Trong công tác đó, các thẩm phán thỉnh thoảng tự ý làm, thỉnh thoảng là làm do có lệnh trên.
Quy định nội bộ mật (neibu guiding –内部规定) từ các cấp tòa cao hơn hoặc từ các cơ quan nhà nước thỉnh thoảng chỉ đạo các tòa từ chối xử một số loại vụ việc nhất định hay xử lý theo một cách nhất định nào đấy. Ví dụ, một lời đồn mà tôi thường nghe đi nghe lại trong quá trình nghiên cứu thực địa chính là nhiều tòa án cấp thấp đã phải nhận chỉ đạo từ Tòa án Nhân dân Tối Cao (Supreme People’s Court) để từ chối xử các vụ kiện môi trường lớn (Thu thập từ phỏng vấn thứ 12, 13, 19). Cho dù tôi không thể xác nhận thực tế này bằng bất kỳ văn bản nào, các chỉ đạo mang yếu tố chính trị chắc chắn là không hề hiếm hoi…
… Nhiều nhà quan sát địa phương suy đoán lý do cho việc khó đưa kiện tụng môi trường ra tòa là bởi vì sự bùng phát của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế địa phương (defang baohu zhuyi -地方保护主义). Chủ nghĩa này chính là lý do được trích dẫn nhiều nhất để giải thích cho phần lớn các khó khăn trong việc kiện tụng. Một quan điểm được chia sẻ rộng rãi từ chủ nghĩa này cho rằng các chính quyền địa phương bảo vệ những bên gây ô nhiễm môi trường nhằm chống đỡ cho các nền kinh tế địa phương thông qua thu nhập từ thuế và khả năng tạo công ăn việc làm.
Vụ án làng Bình Nam là một ví dụ rất thích hợp cho thực tế mà trong đó sự chăm chú phát triển kinh tế có thể dẫn đến một tình huống mà, theo lời của một nhân viên Cục Bảo Vệ Môi Trường Trung Quốc, “nếu không có nhà máy thì cũng sẽ không có chính quyền” (Thu thập từ phỏng vấn thứ 87). Cho tới năm 2003, thu nhập từ thuế thu được từ nhà máy hóa chất Dong Bình đóng góp đến 1/4 vào khoản ngân sách cả năm gồm 20 triệu nhân dân tệ của cả huyện Bình Nam (News Probe 2003) .
Không phải lúc nào chủ nghĩa bảo hộ kinh tế địa phương cũng là yếu tố chính, những tay bảo kê chính trị đầy quyền lực hoàn toàn có khả năng xoay chuyển tòa án địa phương vì các tòa này vốn phụ thuộc vào chính quyền địa phương trong vấn đề ngân sách cho lương bổng, phúc lợi, nhà cửa và cơ sở vật chất. Các thẩm phán thường lắng nghe các quan chức địa phương mỗi khi các quan chức này tiết lộ ý kiến của họ bởi vì, theo lời một thẩm phán, “việc gì một người thẩm phán làm anh ta đều phải hỏi han sự giúp đỡ” (Lời trích từ nghiên cứu của Lubman 1999 trang 265)…
… Ngay cả khi các nguyên đơn gom đủ tiền để trả cho luật sư đạt mức giá thị trường, nhiều luật sư lo ngại các vụ án môi trường vì sự nhạy cảm chính trị tiềm tàng và vì khối lượng việc “chân tay” rất lớn. Các đơn kiện tập thể đặc biệt nhiều phiền toái vì mỗi nguyên đơn phải tự nguyện đứng tên trong đơn, nghĩa là đội ngũ luật sư phải gửi cho tòa bản photocopy giấy căn cước của mỗi nguyên đơn.
Ngay cả những luật sư sẵn sàng đi gom cho đủ hàng tá (hoặc hàng trăm) giấy căn cước thỉnh thoảng cũng phải gặp trở ngại trong các tình huống mà bên gây ô nhiễm nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Các luật sư thường tinh nhạy tìm hiểu mức độ của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế địa phương trong các buổi phỏng vấn ban đầu với thân chủ, hay từ chối thẳng luôn những vụ việc mà bên gây ô nhiễm là một nguồn thu thuế lớn của chính quyền địa phương (Thu thập từ phỏng vấn thứ 16).
Đe dọa bạo lực cũng là một mối lo ngại (Phỏng vấn thứ 37 và 131). Ví dụ, một luật sư người Bắc Kinh đã lo sợ là những nhà đầu tư mafia phía sau các doanh nghiệp gây ô nhiễm có thể đánh đập anh ta khi anh ta đến điều tra các nhà máy tại các khu vực thưa thớt (Phỏng vấn thứ 37)…
… Ngay cả khi các nguyên đơn đã góp tên đầy đủ và gom được một đội luật sư thì cũng không có gì bảo đảm là một trong hai bên sẽ theo vụ việc đến cùng.
Khi những trò quấy rối tăng cao thì ngay cả những luật sư tận tâm nhất cũng suy xét lại các ưu tiên của họ. Ví dụ, một luật sư ở Hồ Bắc đã phải bỏ một vụ môi trường sau khi cơ quan quản lý nước (water bureau) quá hăng hái của địa phương ông bất ngờ đẩy mạnh thanh tra tại công ty luật của ông (Phỏng vấn thứ 139).
Việc các nguyên đơn dần biến mất cũng hay xảy ra. Một số các luật sư tôi phỏng vấn đã phải dành rất nhiều thời gian điều tra vụ việc và thu thập chứng cứ chỉ để rồi những người đứng đơn đổi ý không muốn kiện nữa (Phỏng vấn thứ 53, 90, 125). Thực tế rằng có quy định bắt buộc trong các vụ kiện tập thể rằng nhóm người đi kiện phải bổ nhiệm một đại diện để thay mặt cả nhóm đã tạo điều kiện rất dễ dàng cho việc chỉ mặt, lôi kéo, hay can ngăn những người đứng đầu nhóm nguyên đơn.
Trong một vụ việc năm 2002 tại Bắc Kinh, một công ty xây dựng đã đề nghị trả cho hai vị đại diện nguyên đơn ông Wan và ông Sheng mỗi người 50,000 nhân dân tệ (7,936 USD) nếu họ chịu di dời đến ở nơi khác và bỏ vụ kiện mà họ đang tham gia. Cho dù ông Sheng chỉ có thu nhập 400 nhân dân tệ mỗi tháng, ông từ chối đề nghị này. Ông nói “Được thôi, nếu mấy ông chịu đưa cho mỗi người dân chúng tôi 50,000 nhân dân tệ để di dời trước thì tôi sẽ là người cuối cùng di dời!” (Lời trích từ nghiên cứu của Liang 2006, trang 27). Các nguyên đơn trong các vụ việc khác thì nhắc nhiều đến việc phải hứng chịu các chiến thuật đe dọa bao gồm cả việc quan chức địa phương xông vào nhà họ, ăn uống và sử dụng nhà vệ sinh cho dù không hề được mời vào (Liang 2006, trang 46).
Bên cạnh đút lót và đe dọa, sự trì trệ trong quá trình kiện tụng lâu dài cũng làm cạn kiệt năng lượng. Việc có thể duy trì được hi vọng, đặc biệt trong các vụ kiện tập thể, đòi hỏi cả sự kiên gan và tinh thần lãnh đạo.
Vụ Bình Nam thành công phần lớn nhờ vào việc dân làng đoàn kết xung quanh một người đại diện đứng đầu, một người đàn ông trung niên tên là Trương Thường Kiến (Zhang Changjian). Ông Trương phụ trách trạm y tế địa phương và rất tự nhiên có khả năng lãnh đạo nhờ vào tuổi tác, nghề nghiệp và giới tính của ông. Ông hiểu được tầm quan trọng của vai trò của chính mình trong vụ việc. Trương được giới báo chí gọi là “lãnh đạo tinh thần” của nhóm nguyên đơn, và ông đã nói với một phóng viên vào năm 2004 rằng “Tôi không thể di dời đi nơi khác. Ngay bây giờ mọi người đều trông vào tôi. Nếu tôi rút lui, mọi người sẽ giải tán” (Trích từ nghiên cứu của He 2004)…”
Bìa sách “Kiện Tụng Môi Trường tại Trung Quốc” (Nguồn ảnh: Amazon.com)
Tìm đọc: