Bolivarism và Sự sụp đổ của Venezuela – Kỳ 3: Căn bệnh Hòa Lan

Bolivarism và Sự sụp đổ của Venezuela – Kỳ 3: Căn bệnh Hòa Lan
Venezuela’s President Hugo Chavez (L) greets oil workers during his weekly broadcast at a nationalized oil field at Orinoco’s belt in the southern strip of the eastern Orinoco River February 17, 2008. Chavez said on Sunday he will cut oil sales to the United States if Washington attacks the South American country as the country is in the midst of a legal battle with U.S. oil giant Exxon Mobil, which recently won court orders freezing up to $12 billion in Venezuelan assets to ensure compensation for an oil project Chavez nationalized last year. REUTERS/Miraflores Palace/Handout (VENEZUELA). EDITORIAL USE ONLY. NOT FOR SALE FOR MARKETING OR ADVERTISING CAMPAIGNS.

Căn bệnh Hoà Lan là một thuật ngữ kinh tế được tờ Economist đưa ra trong một bài báo vào năm 1977 để mô tả tình hình kinh tế Hoà Lan vào thập niên 60, từ đó chỉ một bệnh lý mà rất nhiều nền kinh tế mắc phải.

Kỳ 1: “Mặt trời chân lý” từ tủ sách phiến quân
Kỳ 2: Tiếm quyền hợp pháp và khởi đầu như mơ
Kỳ 4: Nền dân chủ “ngụy biện”

Kỳ 5 và hết: Hugo Chavez vẫn là một nhà yêu nước

Nói ngắn gọn, một nền kinh tế bị coi là mắc căn bệnh Hoà Lan khi nó bỗng nhiên trở nên quá phụ thuộc vào một nguồn tài nguyên, dẫn đến sự sa sút của các ngành kinh tế khác.

Hoà Lan vào năm 1959 tìm thấy một mỏ khí gas tự nhiên lớn tại vùng Gronigen và họ đã nghĩ đây là cơ hội đổi đời của mình. Chính vì thế, hàng loạt đầu tư được ưu tiên dành cho ngành khai thác khoáng sản là khí gas này, dẫn đến những ngành nghề khác phải chịu ảnh hưởng.

Cần phải hiểu rằng, việc tìm thấy một nguồn tài nguyên tuy có thể là một cơ hội thịnh vượng cho một nền kinh tế nhưng nó không giống như việc một người bỗng chốc đào thấy kho báu. Một nền kinh tế luôn bị giới hạn bởi nguồn lực để đầu tư. Do đó, khi họ chọn đầu tư vào lĩnh vực A đồng nghĩa với ít nhất trong nhiều năm, lĩnh vực B sẽ mất một khoản đầu tư tương ứng.

Trường hợp của Hoà Lan, khi ngành khai khoáng phát triển, ngành sản xuất chính là nạn nhân trực tiếp.  Các nhà đầu tư dịch chuyển sang việc khai khoáng vì lợi nhuận khổng lồ và nhanh chóng của nó.

Tuy nhiên, vấn đề chưa xuất hiện ở đó. Nó bộc phát khi quốc gia này quyết định xuất khẩu dầu gas được khai thác lên như một lẽ đương nhiên. Điều này dẫn đến một tình trạng nữa đó là sự “bội thu” ào ạt các nguồn ngoại tệ do nước ngoài trả để mua khí gas. Khi đồng ngoại tệ xuất hiện quá nhiều trên thị trường thì như quy luật tất yếu của nền kinh tế, đồng nội tệ bỗng chốc trở nên có giá.

Sự có giá của đồng nội tệ chưa hẳn là tín hiệu vui vì đôi khi nó không chỉ dấu sự mạnh mẽ của nền kinh tế mà đơn giản chỉ vì nó khan hiếm. Khi đứng trước tình trạng khan hiếm nội tệ, một quốc gia sẽ có hai lựa chọn: hoặc sẽ phải chấp nhận cho những đồng tiền bớt khan hiếm hơn (ngoại tệ) được lưu thông trực tiếp trên thị trường (ví dụ như cho phép giao dịch bằng USD), hoặc họ phải in thêm tiền nội tệ để người dân mua vào bằng ngoại tệ.

Việc in thêm tiền chính là bước đi đầu tiên dẫn đến lạm phát và lạm phát chính là con đường nhanh nhất dẫn đế đói nghèo.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới tại nhiều thời điểm đều mang trong mình căn bệnh Hoà Lan. Tuy nhiên, nó không phải là một căn bệnh gây nên cái chết tức thì. Nó chỉ biến chứng khi có đủ điều kiện. Và tiếc thay, Venezuela dưới thời Chavez hội đủ những yếu tố để căn bệnh bộc phát và giết chết quốc gia này.

Biến chứng Venezuela

Tờ Foreign Policy cho rằng Venezuela là một ví dụ về “Căn bệnh Hoà Lan ở mức độ trầm trọng nhất.”

Venezuela từ một nước “cộng hoà chuối” bỗng chốc trở thành một đại gia Nam Mỹ nhờ vào sự phát hiện dầu hoả tại khu vực này. Nguồn vàng đen của Venezuela được nhiều công ty đánh giá là có trữ lượng lớn nhất thế giới, và việc đầu tư vào ngành khai khoáng dầu hoả của Venezuela cũng không tốn quá nhiều nguồn lực như ở các quốc gia khác.

Không thể phủ nhận nguồn thu từ dầu hoả đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của xã hội Venezuela dưới thời Chavez.

Nguồn ngoại tệ khổng lồ từ việc xuất khẩu dầu hoả đã giúp Venezuela thực hiện các chính sách dân tuý của mình. Tuy nhiên, chính nó lại là những con virus của căn bệnh Hoà Lan sẽ giết chết nền kinh tế nước này không lâu sau đó.

Việc tập trung vào ngành khai khoáng dầu hoả tức là Chavez phải hy sinh các nguồn lực kinh tế ở những ngành khác. Xuất khẩu dầu hoả chiếm 96% tổng nguồn xuất khẩu nước này, 40% tổng chi tiêu chính phủ và 11% GDP toàn quốc vào năm 2015.[1] Việc nền kinh tế quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu hoả có nghĩa rằng nếu giá dầu thô giảm, nền kinh tế nước này sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ngay cả khi giá dầu thô của Venezuela tăng thì nó cũng tiềm ẩn những rủi ro cho nền kinh tế.  Việc tiếp nhận quá nhiều nguồn ngoại tệ khiến cho đồng bolivar của nước này trở nên có giá. Nhưng giá trị đồng bolivar bị đánh giá là ảo và nó khiến cho mức sống của Caracas bỗng chốc bị đẩy lên cao thuộc hạng nhất nhì thế giới (do tỷ giá quy đổi ngoại tệ v. bolivar cao).

Tại đây, hai vấn đề mới lại nảy sinh:

Thứ nhất, việc đồng bolivar tăng quá cao lại khiến cho những sản phẩm sản xuất trong nước Venezuela (ngoài dầu thô) trở nên thiếu cạnh tranh trên thị trường, khiến cho các ngành này vốn đã không còn nhiều động lực do sự tập trung vào hoạt động khai khoáng dầu thô của chính phủ càng trở nên kiệt quệ.

Thứ hai, đồng nội tệ khan hiếm tạo áp lực cho chính phủ của Chavez phải in thêm tiền để bán cho dân chúng sở hữu nhiều ngoại tệ. Việc in quá nhiều tiền như vậy tất nhiên đã gây nên cơn lạm phát khủng khiếp cho đất nước này. Năm 2015 đánh dấu mức lạm phát phi mã ở đất nước này khi con số lạm phát đạt ngưỡng 62.2%, nhưng con số thực tế được nhiều người cho rằng vượt quá 100%. Cơn lạm phát chỉ có thể bị tạm thời chặn đứng do nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu dầu thô vẫn quá dồi dào.

Tất cả, diễn ra một cách âm thầm, âm ỷ, bị lãng quên bằng sự sung túc giả tạo từ dầu thô và sự mị dân của chính quyền Chavez.

Để chống lại cơn lạm phát phi mã, thay vì áp dụng các chính sách phá giá tiền tệ hoặc các chính sách vi mô khác, Chavez đã ra một quyết định khiến cho mọi thứ càng trở nên trầm trọng hơn: ông ra lệnh áp giá trần các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, thức ăn, lương thực.

Như vậy, từ một nền kinh tế bán thị trường, căn bệnh Hoà Lan và biến chứng Venezuela đã đẩy con người dân tuý Chavez đến việc đưa toàn bộ quốc gia quay trở lại thời kỳ của một nền kinh tế tập trung.

Venezuela's President Hugo Chavez (L) greets oil workers during his weekly broadcast at a nationalized oil field at Orinoco's belt in the southern strip of the eastern Orinoco River February 17, 2008. Chavez said on Sunday he will cut oil sales to the United States if Washington attacks the South American country as the country is in the midst of a legal battle with U.S. oil giant Exxon Mobil, which recently won court orders freezing up to $12 billion in Venezuelan assets to ensure compensation for an oil project Chavez nationalized last year. REUTERS/Miraflores Palace/Handout (VENEZUELA). EDITORIAL USE ONLY. NOT FOR SALE FOR MARKETING OR ADVERTISING CAMPAIGNS.
Cái chết của Venezuela đã được Chavez định sẵn từ trước với những chính sách dân túy và sự lệ thuộc dầu mỏ của mình. Ảnh: REUTERS/Miraflores Palace/Handout (VENEZUELA)

Một nền kinh tế chỉ huy, tập trung càng đặt gánh nặng lên vai Nhà nước khi họ phải đứng ra bao cấp cho các ngành kinh tế bị áp giá trần, dẫn đến chi tiêu chính phủ tiếp tục tăng và lạm phát cũng tiếp tục tăng.

Đồng thời, sự chỉ huy kinh tế cũng dẫn đến việc hình thành thị trường chợ đen với mức giá cao gấp nhiều lần thị trường chính thông nhưng dồi dào hơn về mặt hàng. Thị trường chợ đen không chỉ khiến Nhà nước không đánh giá được sức khoẻ thực sự của nền kinh tế mà còn là nguồn thất thu vô cùng lớn về thuế và nguồn tài nguyên.

Tất cả mọi thứ như một chỉ dấu không thể đảo ngược cho sự thất bại của nền kinh tế Venezuela.

Nhưng Chavez không sống đủ lâu để chứng kiến cơn ác mộng. Năm 2013, trên đỉnh cao của danh vọng, sự sùng bái và căn bệnh Hoà Lan chưa kịp bộc phát, Chavez qua đời và trở thành người anh hùng dân tộc, anh hùng của chủ nghĩa Bolivar, của cánh tả, của chủ nghĩa xã hội.

Giá mà Chavez sống lâu hơn hai năm nữa, khi giá dầu thô bắt đầu tụt giảm trên toàn cầu như một con domino đầu tiên vật ngã nền kinh tế của cường quốc Venezuela.

“Căn bệnh Hoà Lan” không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự thất bại của chủ nghĩa Bolivar. Thật trớ trêu, chính sự mở rộng một cách tràn lan nền dân chủ tham gia của người dân nhưng lại không dựa trên sự tôn trọng nhân quyền lại cũng là một nguyên nhân không thể phủ nhận dẫn đến cơn thịnh nộ của người Venezuela không lâu sau khi Chavez qua đời.

Kỳ tới: Nền dân chủ “ngụy biện”

Tài liệu tham khảo:

[1] CIA Factbook 2015.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.