Nhân phẩm đáng giá bao nhiêu?

Nhân phẩm đáng giá bao nhiêu?

“Tôi nói chuyện với người nào cũng với cách như nhau, bất kể anh ta là người quét rác hay chủ tịch trường đại học” – Albert Einstein

“Tôn trọng được phát minh ra để lấp đầy không gian mà đáng lẽ tình yêu phải ở đó” Leo Tolstoy

Cùng tác giả: Xét xử lưu động hay show diễn công lý?

“Hãy nghĩ đến việc răn đe ngăn chặn những người chưa vi phạm pháp luật, hơn là nghĩ đến nhân phẩm của bọn tội phạm.” Đây là một phát ngôn chúng ta hay gặp, được lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức, trong nhiều bối cảnh khác nhau, và nó dường như trình bày rõ ràng quan điểm về công lý của nhiều người trong xã hội hiện nay. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về khái niệm được đề cập tới ở đây: nhân phẩm.

Giá một chai nước ở quán cóc vỉa hè là bẩy nghìn, của một chai nhập khẩu trong nhà hàng năm sao là hai trăm nghìn. Ô tô có thể có giá từ 100 triệu tới 10 tỉ. Một cuốn sách dạy làm vườn có thể là một kho vàng với người này, nhưng vô dụng với người kia.

Với đồ vật thì như thế, vậy với con người thì sao? Nhân phẩm của con người có giá không? Nếu có thì là bao nhiêu, nó phụ thuộc vào những yếu tố nào? Phẩm giá của một người quyền quý có cao hơn của một cô gái mại dâm? Của một nghệ sĩ múa có cao hơn của một ông già đi xe lăn? Của một nhà khoa học có cao hơn của một phụ nữ mù chữ? Chúng ta có thể đem nhân phẩm của một ai đó, ví dụ của một kẻ tội phạm, để sử dụng cho mục đích nào đó, ví dụ như “răn đe”, mà không cần phải lo lương tâm cắn rứt?

*

Giá trị của con người

Ở thời phong kiến, câu trả lời cho các câu hỏi trên sẽ là “có”, “có”, “có” và “có”. Hồi đó người ta cho rằng giá trị của sự tồn tại của một con người phụ thuộc vào vị trí xã hội (quý tộc hơn bình dân), vào thành tích cá nhân (vị tướng hơn người lính) hay vào phẩm hạnh đạo đức của người đó (tu sĩ hơn kẻ cắp).

Ở thế kỷ 17, triết gia người Anh Thomas Hobbes đề xuất rằng nhân phẩm của con người không phải là cái gì tuyệt đối, mà phụ thuộc vào nhu cầu và đánh giá của người khác. “Một người điều hành quân lính giỏi sẽ rất được giá trong thời chiến hoặc khi chiến tranh cận kề, nhưng ở thời bình thì không. Một thẩm phán giỏi và liêm chính rất có giá trị khi hoà bình, nhưng lúc chiến tranh thì không vậy,” Hobbes viết. “Ở người cũng như ở các thứ khác, không phải người bán mà người mua là người xác định giá. Bởi nếu để người ta tự đánh giá thì phần lớn sẽ coi bản thân ở mức cao nhất, mà giá trị thực của anh ta thì lại không cao hơn sự ước lượng của người khác.”

Những người sở hữu và buôn bán nô lệ cũng nghĩ như vậy. Ở miền Nam nước Mỹ, vào giữa thế kỷ 19, trung bình một nô lệ được định giá là 800 đô-la. Tuy nhiên, một nô lệ nữ có giá chỉ bằng tám mươi phần trăm của nam, và một đứa trẻ mười tuổi chỉ đắt bằng bốn mươi phần trăm một thanh niên. Những người có nghề, như thợ rèn hay thợ mộc, thì giá cao hơn tới gần gấp rưỡi. Mặt khác, giá của kẻ đã từng bỏ trốn giảm xuống quá nửa, tương đương với người què cụt.

Một tờ báo Mỹ tường thuật lại một phiên đấu giá nô lệ vào năm 1859 ở bang Georgia: “Những kẻ da đen được khám xét như những con vật. Người mua hàng vạch miệng họ ra để xem răng, cấu vào đùi họ để xem có cơ bắp không, bảo họ đi lại để kiểm tra xem họ có bị khập khiễng không, bắt họ cúi xuống bên này bên kia để xem có vết thương hay gẫy xương ở đâu không, và trong cả thời gian đó thì hỏi một loạt những câu hỏi liên quan tới khả năng lao động và thành tích của họ.”

Vì được coi không khác con vật, nên họ cũng được chuyên chở như vậy từ Châu Phi tới Mỹ. Trên những tàu thuỷ hơi nước, hàng trăm người bị xích và xếp nằm sát nhau và thành nhiều tầng, mỗi tầng chỉ cách nhau mấy chục cm, khiến họ không thể ngồi thẳng lưng. Tỉ lệ chết vì khát, bệnh và kiệt sức khi cập bến dao động từ mười lăm phần trăm tới một phần ba.

Trong nhiều thế kỷ, xã hội cũng có cái nhìn tương tự đối với những người phạm chuẩn. Ở Châu Âu thời Trung cổ, người bị kết án phạm tội nghiêm trọng đánh mất tất cả các quyền của mình, và về mặt dân sự, được coi là sống mà như là đã chết. Cái chết dân sự này thường dẫn tới cái chết thực sự, bởi lúc này bất cứ ai cũng có quyền giết những người này mà không bị trừng phạt. Nằm ngoài vòng pháp luật, họ được coi là “tự do như chim”, và cũng có thể bị kết liễu đời dễ dàng như vậy.

Tới năm 1871, một thẩm phán của Mỹ, với cái tên trớ trêu là Thẩm phán Thiên chúa (Judge Christian), vẫn còn tuyên bố rằng tù nhân là “nô lệ của nhà nước”, không có quyền được coi là con người.

Ngày nay, quan điểm về phẩm giá con người đã thay đổi. Sau hai cuộc đại chiến thế giới thảm khốc ở nửa đầu thế kỷ 20, hàng loạt các Công ước quốc tế được xây dựng để khẳng định rằng bất kể trong hoàn cảnh nào, sinh mệnh và nhân phẩm của từng cá nhân phải được tôn trọng. Tư duy này được đặt trên nền tảng triết học của Immanuel Kant, một triết gia Đức ở thế kỷ 18, và trở thành trung tâm của chủ nghĩa nhân văn hiện đại.

Theo Kant, con người không có giá cả để mua bán được, họ vô giá. Nếu giá của đồ vật là một thuộc tính nằm ở bên ngoài chúng, và mang tính tương đối, thì giá trị của con người, nhân phẩm của anh ta, mang tính nội tại, tự thân, và tuyệt đối. Nhân phẩm là cái chỉ con người có, nó tới từ khả năng tư duy và tự do ý chí của họ. Một cá nhân có nhân phẩm đơn giản vì anh ta là con người, nhân phẩm tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào đóng góp của người đó cho xã hội.

Mỗi người là một thực thể độc nhất, có giá trị riêng của mình. Hai người không có giá trị gấp đôi một người, người này không thay thế được người kia. Các bậc cha mẹ hiểu rất rõ điều này: sự mất mát của một đứa con là tuyệt đối; sự hiện diện của đứa con khác có thể an ủi nhưng không thể thay thế được.

Bắt nguồn sâu xa từ cái nhìn thần học (con người có hình hài của Chúa trời, xúc phạm con người cũng có nghĩa là xúc phạm Chúa), quan điểm hiện đại về nhân phẩm đặt nền tảng cho triết lý về nhân quyền. Trong đó, tiêu chí đạo đức cao nhất trong xã hội là không bao giờ được chỉ dùng người khác như một phương tiện.

Khi một phụ nữ kết hôn chỉ vì tài sản của người chồng, anh ta đã bị coi như một công cụ. Khi một cô gái van xin “Đừng đối xử với em chỉ như bông hoa ven đường”, cô thỉnh cầu để con người mình, nhân phẩm của mình không bị bỏ qua.

Các ví dụ kinh điển nhất của việc dùng người như phương tiện là khi tù nhân ở đế chế La Mã bị bắt đấu với sư tử để mua vui, khi công nhân bị đối xử không khác những cái máy vô hồn, hay khi phát-xít Đức tiến hành các thí nghiệm “khoa học” trên cơ thể tù nhân Do thái.

Tương tự, nếu y học hiện đại tiến hành bí mật thử một loại thuốc mới trên bệnh nhân, đó là lúc con người bị dùng chỉ như phương tiện. Nhưng nếu bệnh nhân được thông báo và có quyền tự quyết về sự tham gia của mình, vấn đề đó không còn nữa. Vẫn hành vi và mục đích đó, nhưng trong trường hợp thứ hai, sự tự chủ và tự do ý chí của bệnh nhân không bị xâm phạm. Họ được đối xử không chỉ như công cụ, mà còn được tôn trọng như con người.

Mỗi người là một thực thể độc nhất, có giá trị riêng của mình. Hai người không có giá trị gấp đôi một người, người này không thay thế được người kia.
TS. Đặng Hoàng Giang

Cao hơn cả thương yêu

Với Kant, giá trị đạo đức cao nhất, cao hơn cả yêu thương hay trắc ẩn, là tôn trọng. Kant không yêu cầu chúng ta quý mến hay yêu thương người chúng ta không quý mến được và không yêu thương được, nhưng yêu cầu chúng ta đối xử với họ với sự tôn trọng, không hạ nhục hay ngược đãi họ, kể cả khi họ là kẻ cắp, kẻ hiếp dâm, lừa đảo, tham nhũng.

Không khó để đối xử đẹp với người chúng ta quý mến hay yêu thương, nhưng điều quan trọng nằm ở cách chúng ta đối xử với những người còn lại. Chuẩn mực văn minh không cho phép chúng ta tàn nhẫn hay phục thù. Chúng ta không lăng nhục kẻ lăng nhục, không hiếp dâm kẻ hiếp dâm, không tra tấn kẻ tra tấn. Theo đại văn hào Nga Dostoyevsky, người ta có thể biết được mức độ văn minh của một cộng đồng khi đi vào nhà tù của nó.

Tôn trọng người khác không có nghĩa là không bắt họ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ngược lại, với Kant, bắt kẻ phạm tội chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động của mình chính là tôn trọng họ, vì lúc đó chúng ta coi họ như một cá thể độc lập, có ý chí luân lý, có đầy đủ nhận thức và tự do lựa chọn cho các hành vi của mình. Kẻ bị bệnh tâm thần thì không chịu trách nhiệm được cho bản thân, và do đó cũng không thể bị kết án được.

Năm 2011, Anders Behring Breivik, một kẻ cực đoan cánh hữu, đánh bom giết chết tám người ở Oslo, và sau đó bắn chết 69 thanh thiếu niên đang tham dự một trại hè trên một hòn đảo. Trong năm tiếp theo, toà án Na Uy đã cần tới hai đánh giá độc lập về tình trạng tâm lý của Breivik. Chỉ sau khi khẳng định được là anh ta không bị bệnh tâm thần, toà mới tuyên án tù 21 năm, mức cao nhất có thể ở Na Uy.

Chúng ta cần tôn trọng nhân phẩm của người khác kể cả khi họ không nhất thiết được coi là “xứng đáng” để được tôn trọng. Nói một cách khác, tôi tôn trọng anh ta vì anh ấy là một con người, mặc dù qua những gì tôi biết về tính cách và hành động của anh ta, anh ấy không đáng được ca ngợi. Kant viết: “Tôi không thể rút lại sự tôn trọng thuộc về anh ấy bởi thuộc tính anh ấy là người, mặc dù qua các hành vi của mình anh ta tự làm mình trở nên thiếu tư cách.”

Tự do của các cá nhân được xác định qua các thoả hiệp xã hội. Nhà nước có thể lấy đi tự do của một thành viên xã hội ở các cấp bậc khác nhau, ví dụ đưa anh ta vào tù khi anh ta vi phạm các quy ước đã được xã hội công nhận, hay bắt anh ta xung lính khi tới tuổi. Ngược lại, nhân phẩm không bao giờ được thoả hiệp. Người phạm tội vẫn cần được tôn trọng với tư cách con người, bởi nhân phẩm của họ không phụ thuộc vào công trạng của họ. Không ai có thể nhân danh công lý hay đạo đức để biện minh cho việc chà đạp lên nhân phẩm của người khác, hoặc chỉ ban phát nhân phẩm cho một nhóm người nhất định trong xã hội.

Điều này được nêu rõ trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc: “Mọi cá nhân bị tước đi tự do phải được đối xử nhân đạo, với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người.” Hiến pháp Việt Nam cũng khẳng định tương tự: “Mọi người (…) được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể (…) danh dự, nhân phẩm.”

Đây cũng là lý do vì sao chữ “phục hồi nhân phẩm” mà chúng ta vẫn dùng cho những người phạm chuẩn là sai. Họ có thể bị tước đi các quyền dân sự nhất định, nhưng không bao giờ mất nhân phẩm, bởi họ chưa bao giờ ngừng làm người. Cái họ cần phục hồi là khả năng sống lành mạnh và lương thiện trong cộng đồng.

Xã hội đã văn minh hơn. Ngày nay, phần lớn đều đồng ý rằng ngay cả với súc vật chúng ta cũng cần có những nguyên tắc đối xử nhân đạo, không bắt chúng làm việc tới kiệt sức, không đánh đập chúng khi chúng “lười”, không nuôi chúng lấy thịt trong những điều kiện tàn nhẫn, và cho chúng một cái chết không đau đớn khi cần giết chúng.

Từ thời của Kant, khi khái niệm quyền động vật còn xa lạ, ông đã cho rằng tra tấn động vật là sai trái. Kant không quan tâm tới những đau khổ mà động vật phải chịu đựng, nhưng tới tác động của việc tra tấn chúng tới xã hội con người. Chính chúng ta sẽ chịu đau khổ, một cách gián tiếp, bởi vì “người độc ác với động vật sẽ trở nên chai sạn khi cư xử với con người”.

Chúng ta cũng tin rằng kể cả người chết cũng cần được tôn trọng; đó là lý do vì sao bức ảnh một xác chết được bó chiếu chở sau xe máy ở Sơn La vào giữa tháng 9 vừa qua lại khiến xã hội lại xôn xao và tìm hiểu nguồn cơn. Chúng ta lo lắng bởi chúng ta biết nếu một xã hội thờ ơ với xác chết, nó đã bị bần cùng về tinh thần.

Tôi tôn trọng anh ta vì anh ấy là một con người, mặc dù qua những gì tôi biết về tính cách và hành động của anh ta, anh ấy không đáng được ca ngợi.
TS. Đặng Hoàng Giang

Sen trong biển lửa 

Chúng ta đối xử tử tế với động vật hay với xác chết, mặc dù chúng không thể lên tiếng van xin hay phản đối để bảo vệ bản thân, bởi cách ta đối xử với chúng là minh chứng cho tư cách đạo đức của ta. Vậy cớ gì mà chúng ta chà đạp lên nhân phẩm của một kẻ trộm chó, một con nghiện, một người bán dâm?

Ngược lại, tôn trọng nhân phẩm của họ là để chứng minh cho tư cách của ta, bảo vệ phẩm giá của họ là để bảo vệ phẩm giá của mình. Nói một cách khác, chúng ta chỉ có thể giữ được sự tự trọng nếu chúng ta không chà đạp lên người khác, kể cả kẻ thù. Cách đây một thập kỷ, thanh danh của quân đội Mỹ đã bị tổn hại nặng nề khi những bức ảnh chứng minh họ tra tấn, ngược đãi và lăng nhục những tù nhân ở trại giam Guantanamo Bay lọt ra công luận.

Phát biểu trước các giáo sĩ làm việc trong nhà tù trong một hội nghị quốc tế năm 2010, Andrew Coyle, giáo sư Trường đại học Essex và người có 25 năm làm việc trong hệ thống nhà tù ở Anh, kêu gọi đừng bao giờ quên rằng những kẻ mà chúng ta đang khoá trái lại kia cũng giống chúng ta, đều là con người. Nhân tính của họ phải được tôn trọng, bất kể tội ác của họ là gì. Hướng tới các giáo sĩ, ông nói thêm:

“Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng. Các bạn có thể bị chế giễu bởi những cố gắng của mình; các bạn chắc chắn sẽ bị thách thức; thậm chí các bạn còn có thể bị đe doạ. Nelson Mandela nói rằng cần đánh giá một đất nước không phải qua cách nó đối xử với các công dân cao quý nhất, mà qua cách nó đối xử với các công dân thấp kém nhất của mình. Các vị có nghĩa vụ luôn nhắc nhở chúng ta tới câu nói đó.”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dùng hình ảnh “sen trong biển lửa” để gọi những con người mà Andrew Coyle mô tả: vẫn đàng hoàng, vẫn giữ được các nguyên tắc đạo đức của mình trong một môi trường hạ nhục và độc ác, dũng cảm bảo vệ nhân phẩm của những người bị hắt hủi. Không có sự chế giễu, thách thức hay đe doạ nào có thể khiến họ chà đạp lên người khác. Với hành động của mình, không những họ đang bảo vệ nhân phẩm của bản thân, mà còn của cả tất cả chúng ta.

17/10/16

dang-hoang-giang-2

Tác giả Đặng Hoàng Giang là người Áo gốc Việt, tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghệ Thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức) và có bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Kinh tế Phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ. Từ năm 2008, ông là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) – một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, minh bạch và nâng cao tiếng nói của người dân. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.