Quốc vương Thái Bhumibol Adulyadej: Vị minh quân “Âu hóa” không rành tiếng Thái

Quốc vương Thái Bhumibol Adulyadej: Vị minh quân “Âu hóa” không rành tiếng Thái

Ngày 13/10/2016, vị vua tại vị lâu nhất và được nhân dân sùng kính nhất Thái Lan là ngài Bhumibol đã băng hà. Không chỉ riêng người Thái mà công chúng quốc tế cũng bày tỏ sự quan tâm đến vị lãnh tụ tinh thần của Thái Lan này. Sau đây là 5 sự thật thú vị về vị quốc vương đáng kính này.

  • Dạ Lãm, tổng hợp.

 tasd

#1.Vị vua “vì phát triển” trở về từ trời Âu

Vua Bhumibol được sinh ra ở Mỹ, khi cha ông đang theo học trường Harvard danh tiếng. Ông đã dành hết những năm tháng niên thiếu của mình để theo học và tốt nghiệp đại học ở Thụy Điển. Sau khi lên ngôi, vua Bhumibol còn quay lại Thụy Điển năm năm để tiếp tục học tập, theo đuổi đam mê âm nhạc (nhạc Jazz), đua xe và sống trong lòng xã hội châu Âu hiện đại. Có lẽ vì xa xứ quá lâu như vậy nên khi trở về nước vào năm 1951 ở tuổi 23, ông đã không thể nói rành rọt tiếng Thái. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản ông cống hiến hết mình cho vương quốc với những tri thức và tư duy tân tiến của mình, để rồi đạt được sự sùng kính tuyệt đối của nhân dân và trở thành vị lãnh tụ tinh thần của người dân Thái Lan trong suốt 70 năm, khoảng thời gian tại vị được xem là lâu nhất trong lịch sử các vương triều trên thế giới tính tới nay.

sadas

Vua Bhumibol thời trẻ chơi saxophone đón khách tại dinh thự của mình ở Thụy Điển. Nguồn ảnh: zenjournalist.com

Đức vua được miêu tả là “vị vua vì phát triển”. Ông đã có nhiều dự án giúp cung cấp lương thực, tiện nghi cơ bản cho người nghèo Thái Lan, những dự án về nông, lâm nghiệp cũng như các ngành tiểu công nghiệp, được thử nghiệm trong chính khu vườn hoàng gia và sau đó được nhân rộng trên khắp đất nước. Đức vua rất quan tâm đến đời sống người dân, ông đến thăm rất nhiều khu vực nông thôn, các khu vực nghèo khó và theo đó ông đã giám sát hơn 3000 dự án kể từ năm 1952 đến nay. Những dự án hoàng gia này đã mang lại công ăn việc làm cho người nghèo và nâng cao đời sống người dân Thái, thậm chí dự án mưa nhân tạo cũng được ra đời để giải quyết vấn nạn hạn hán cho nông dân.

Vua Bhumibol đã nhận được nhiều giải thưởng trong suốt cuộc đời của mình, đáng kể nhất là Giải thưởng Thành tựu trọn đời về phát triển con người của UNDP, lần đầu tiên được trao bởi Tổng thư ký LHQ Kofi Annan. Các giải thưởng ca ngợi những nỗ lực không mệt mỏi của Quốc vương khi giúp đỡ người nghèo và dễ bị tổn thương nhất của vương quốc.

Không khó để hiểu được tại sao vị quốc vương này lại được người dân yêu mến đến như vậy. Với những hành động thiết thực của mình, vua Bhumibol đã đóng góp rất lớn giúp Thái Lan trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực với nền nông nghiệp phát triển trong bối cảnh đất nước Thái Lan thường xuyên rơi vào bất ổn chính trị, đảo chính hay mang bản tính của chế độ quân quyền.

#2. Bảo vệ Thái Lan khỏi sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản

Trong những thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, chủ nghĩa cộng sản trỗi dậy ở Đông Dương. Tại Thái Lan, quân cộng sản nổi dậy đã thực hiện một chiến dịch kéo dài chống chính phủ. Để giữ được niềm tin dân chúng, vô hiệu hóa những đối thủ này, vua Bhumibol đã cho phép sự hiện diện của người Mỹ tại quốc gia của mình. Nhờ vậy, Mỹ đã ném bom Lào, Campuchia và Việt Nam từ các căn cứ quân sự trên đất Thái Lan. Bhumibol cũng tài trợ việc thành lập các tổ chức bán quân sự, và trở thành người bảo trợ của Cảnh sát tuần tra biên giới cũng như những lực lượng bảo vệ khác của vương quốc. Ông cũng thiết lập một loạt các trung tâm phát triển nông thôn ở vùng nghèo nhất và xa xôi nhất của đất nước.

Vua Bhumibol đã trở thành nhân vật quan trọng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản của quân đội Thái Lan với Hoa Kỳ làm lực lượng hậu thuẫn phía sau. Mặc dù vai trò này trở nên gây tranh cãi trong cuộc đảo chính chống cánh tả vào năm 1976, khi hàng chục sinh viên bị lực lượng anh ninh và dân quân hoàng gia tàn sát; và hàng ngàn người đã buộc phải bỏ trốn để tìm kiếm sự che chở của Đảng Cộng sản. Nhưng di sản của vai trò chống cộng này là một chế độ quân chủ vẫn được xem là trung tâm duy trì quyền lực nhà nước trên khắp vương quốc.

#3.Vai trò quan trọng trong quá trình chuyển tiếp dân chủ ở Thái Lan

Vua Bhumibol đóng vai trò không hề nhỏ trong quá trình chuyển tiếp dân chủ ở Thái Lan. Là một đất nước thường xuyên bất ổn chính trị với nhiều phe phái đối lập, Thái Lan đối mặt với nhiều cuộc đụng độ giữa các bên do bất đồng chính kiến. Lúc này, nhà vua tuy không thể can thiệp chính thức, nhưng với tư cách là người trung gian hòa giải, đã đóng góp đáng kể.

Năm 1973, nhà vua đã cho phép những sinh viên biểu tình đến trú ẩn trong cung điện hoàng gia, sau đó làm hao mòn lực lượng của nhà độc tài Thamon và buộc ông ta phải lưu vong. Điều này đã giúp hình thành chính quyền dân chủ đầu tiên của Thái Lan kể từ những năm 1940, dù nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sau đó đã bị dập tắt trong bạo lực và đàn áp vào năm 1976.

Cuộc "Can thiệp Hoàng gia" danh tiếng vào năm 1992. Ảnh: Wikipedia

Cuộc “Can thiệp Hoàng gia” danh tiếng vào năm 1992. Ảnh: Wikipedia

Trong giai đoạn bất ổn trầm trọng ở Thái Lan vào năm 1992, vua Bhumibol đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đối lập là Tướng Suchinda Kraprayoon và Thiếu tướng đã nghỉ hưu Chamlong Srimuang cùng tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Và trong một sự kiện được phát trên truyền hình, cả hai người này, Kraprayoon phe chính quyền quân đội và Srimuang phe biểu tình, đã kính phục quỳ trước nhà vua theo nghi thức hoàng gia và đồng ý giàn hòa. Sự can thiệp hoàng gia này đã giúp dẫn tới một cuộc tổng tuyển cử và cho ra đời một chính quyền dân sự. Nhờ đó mà người Thái đã được hưởng nền dân chủ trong khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử, cho tới khi cuộc đảo chính năm 2006 diễn ra.

#4. Từng gây tranh cãi như Duterte

Tuy nhiên, không ai hoàn hảo cả. Vào năm 2003, vua Bhumibol đã ủng hộ một cuộc chiến chống ma túy dẫn tới cái chết của hơn 2000 nghi can. Những cái chết này bị nghi ngờ là do cảnh sát gây ra. Dù được người dân Thái từ mọi tầng lớp đồng tình nhưng chiến dịch đã bị các tổ chức Nhân quyền chỉ trích vì những hành động bạo lực được chính quyền hậu thuẫn, và đã kêu gọi một cuộc điều tra LHQ. Chiến dịch này được thực hiện bởi chính quyền của ông Thaksin và có vẻ như đã bị lạm dụng, dù không có trách nhiệm gì với chiến dịch nhưng động thái chấp nhận nó của đức vua trong một bài phát biểu cùng năm đã dấy lên nhiều tranh cãi.

#5. Biểu tượng của sự ổn định và thống nhất dân tộc

Chế độ quân chủ chuyên chế ở Thái Lan chấm dứt từ năm 1932. Kể từ đó, đất nước này chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến, hoàng gia Thái Lan chỉ còn đóng vai trò biểu tượng và không có vai trò chính trị chính thức nào. Tuy nhiên, quốc vương được xem nhân vật thống nhất Thái Lan và là biểu tượng cho sự ổn định tại đất nước luôn phải chứng kiến các cuộc đảo chính, bất ổn chính trị và biểu tình. Người dân Thái Lan, bất kể theo phe nào đều bày tỏ một sự tôn kính với nhà vua. Trước những cuộc biểu tình bạo lực, các xung đột có thể diễn ra bất cứ lúc nào, quốc vương luôn là người đứng ra kêu gọi hòa giải và đối thoại. Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ đó của ông mà các cuộc xung đột đẫm máu đã không diễn ra, giải pháp hòa bình đã được sử dụng và mang lại một bầu không khí chính trị ổn định, điển hình là giai đoạn 1992-2006 ./.

Nguồn tài liệu tham khảo

Remembering Thailand’s beloved King Bhumibol; Bhumibol Adulyadej; Aljazeera; 13/10/2016

How King Bhumibol shaped modern Thailand; Jonathan Head; BBC News, Bangkok

What is King Bhumibol’s legacy?; Nicholas Farrelly; 14/10/2016

Thailand’s King Bhumibol: Jazz Player, Rain-Maker and Icon of Stability; 13/10/2016

9 Things to Know About Thailand King Bhumibol’s Unconventional Life and Reign

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.