Sau giải Nobel Hòa Bình 2016, liệu Hòa Bình có đến với Colombia?

Sau giải Nobel Hòa Bình 2016, liệu Hòa Bình có đến với Colombia?

Tổng thống Columbia vừa được trao giải Nobel Hoà Bình vì bản thoả thuận chấm dứt cuộc nội chiến 52 năm với phe du kích quân. Nhưng người dân Columbia không hài lòng với bản thoả thuận này.

  • Đoàn Nhã An
clbi-1
Tổng thống Juan Manuel và thủ lĩnh Timochenko (Rodrigo Londoño) tại buổi ký Hòa ước. Nguồn: Luis Acosta/AFP/Getty Images

Sau khi đạt được sự thỏa thuận chấm dứt nội chiến giữa Tổng thống Colombia Juan Manual Santos và thủ lĩnh của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Columbia (FARC guerrillas) Rodrigo Londoño, vào ngày 26 tháng 9, 2016, hoà ước mang tính chất lịch sử của Colombia chính thức được ký kết tại thành phố Cartagena của đất nước này. Danh sách cho khách mời của sự kiện bao gồm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki Moon, Ngoại Trưởng John Kerry, cùng một số nguyên thủ quốc gia các nước.

Đã có rất nhiều ý kiến dự đoán ngay lúc ấy cho rằng Tổng thống Colombia sẽ là người nhận giải thưởng cao quý Nobel Hòa Bình 2016 cho những nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho đất nước sau 52 năm nội chiến. Và hôm qua, 7/10/2016, Uỷ Ban Nobel Hoà Bình vừa đưa ra thông báo ông chính là người thắng giải.

Nhận giải Nobel Hoà Bình, nhưng nhân dân từ chối Hoà ước

Tuy nhiên, trước đó 5 ngày, người dân Colombia đã bỏ phiếu KHÔNG để phản đối hòa ước đã được thỏa thuận giữa Tổng thống Colombia và thủ lĩnh của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Columbia (FARC guerrillas).

colombia
Columbia là một nước Nam Mỹ có dân số khoảng 49 triệu người. Ảnh: GoWay.com

Trải qua nửa thế kỷ nội chiến, việc ký kết hòa ước đã được kỳ vọng sẽ giúp Colombia bước sang một trang sử mới. Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 2/10 vừa qua, có rất nhiều dự đoán rằng người dân sẽ đồng ý với các điều khoản của hòa ước vì chính Tổng thống Juan Manuel Santos đã cho biết là không có một kế hoạch B nào cả. Nếu hoà ước này không được thông qua thì đất nước rất có thể sẽ trở lại thời kỳ nội chiến. Thế nhưng, người dân Colombia đã chọn nói không với hòa ước.

Thế thì, vì sao số đông dân chúng Colombia lại kiên quyết phản đối bản Hòa ước và chấp nhận rủi ro về thương vong nếu cuộc chiến lại tiếp diễn?

Lực lượng Vũ trang Cách mạng Columbia là gì?

 Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu khái quát về Lực lượng Vũ trang Cách mạng Columbia (FARC guerrillas). Theo Wikipedia, Lực lượng Vũ trang Cách mạng của Colombia–Quân đội Nhân dân, (Fuerzas Armadas Revolucionarias de Colombia–Ejército del Pueblo theo tiếng Tây Ban Nha), còn được biết đến với tên viết tắt FARC hay FARC-EP là một tổ chức cách mạng cộng sản ở Colombia. Thành viên của FARC là những người cộng sản, trung thành với chủ thuyết Mác-Lê, cũng như tin vào chủ nghĩa Bolivar. FARC cũng bị cáo buộc là đã dùng con đường buôn bán ma tuý và thuốc phiện để hỗ trợ tài chính cho công cuộc kháng chiến của mình.

farc-1
Du kích quân FARC. Ảnh: BBC

Cuộc nội chiến ở Colombia giữa FARC và chính quyền bắt đầu từ những năm 1960. Vì xuất thân là một tổ chức du kích, FARC chọn con đường đấu tranh vũ trang với chính quyền Colombia. Từ thập niên 1960 đến nay, cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm của Colombia đương nhiên có không ít máu và nước mắt của thường dân. Theo Viện Sử Học Quốc Gia Colombia (Colombia’s National Centre for History Memory), đã có khoảng 220.000 người chết trong các cuộc đụng độ giữa chính phủ và FARC, mà đa số là thường dân. Có khoảng hơn 5 triệu người mất nhà và bị ép trở thành người vô gia cư vì các cuộc tranh chấp vũ trang.

Người dân muốn công lý phải được thực thi

Theo các điều khoản của hoà ước, 5.800 du kích quân của FARC và một số lực lượng vũ trang khác sẽ đồng loạt tiến hành giải trừ vũ khí và sẽ thành lập một đảng phái chính trị hợp pháp. Đồng thời, những lãnh tụ đối lập của FARC sẽ được hưởng ân xá nếu họ thú nhận về những tội ác chiến tranh mà họ đã gây ra, như giết người, bắt cóc, tấn công người dân hay tuyển mộ trẻ em vào lực lượng binh sỹ.

Chính điều khoản ân xá này đã gây ra tranh cãi trong xã hội Colombia. Rất nhiều người dân, đặc biệt là cả cựu tổng thống Alvaro Uribe (và là người đứng đầu phong trào phản đối hòa ước) cho rằng họ khó có thể tha thứ cho những tội ác chiến tranh mà một số lãnh đạo cũng như binh sỹ của FARC đã gây ra trong nửa thế kỷ qua.

Theo phỏng vấn của báo Guardian vào ngày 1/10/2016, những người phản đối ân xá cho các du kích quân FARC cho rằng hòa ước đã bỏ qua quyền lợi của các nạn nhân trong cuộc chiến. Những kẻ phạm pháp, đáng lý, phải chịu sự xét xử của pháp luật chứ không thể được miễn trừ tất cả bởi một điều khoản ân xá.

Tuy đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý tuần trước, nhưng tổng thống Juan Manuel Santos cho biết ông sẽ không bỏ cuộc và sẽ tiếp tục vận động để hòa bình có thể được thiết lập ở Colombia.

Vào thời điểm hiện tại, hiệp định ngừng bắn song phương có hiệu lực từ ngày 29/8/2016 sẽ tiếp tục có hiệu lực. Ông Santos cũng cho biết sẽ tiếp tục thương thảo với các đảng phái chính trị và các bên liên quan để đạt được sự ổn định và hoà bình cho đất nước. Sự kiên trì của Tổng thống Juan Manuel Santos có thể chính là lý do khiến cho ông trở thành chủ nhân của giải thưởng Nobel Hoà Bình 2016.

clbi-2
Người dân Colombia ăn mừng hoà ước ở thủ đô Bogota’s. Ảnh: Guillermo Legaria/AFP/Getty Images

Mặc dù vấp phải phản đối, nhiều người dân Colombia vẫn hy vọng vào hòa bình cho quê hương của họ và cho rằng tuy bản hòa ước chưa đưa ra được giải pháp cuối cùng, nhưng nó là một bước tiến dài. Câu chuyện Colombia có thể sẽ có một kết thúc tốt đẹp, vì như anh Jorge Patino, một công dân Colombia 39 tuổi đã nói: “Chúng tôi yêu quê hương hơn là thù ghét lực lượng FARC!”

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.