Luật pháp và Kinh tế – Kỳ 1: “Trường phái Chicago”

Luật pháp và Kinh tế – Kỳ 1: “Trường phái Chicago”

Kể từ đầu thập niên 60, lĩnh vực nghiên cứu “luật pháp và kinh tế” đã cách mạng hóa nền tảng tư duy pháp lý. Đây cũng là sự phát triển tri thức có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với pháp luật trong suốt hàng trăm năm qua.

Nó định hình cơ bản cách mà các nhà quản lý ở Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều khu vực khác tiếp cận và giải quyết vấn đề chống độc quyền, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe, năng lượng hạt nhân và quyền của người lao động.

Nhưng ngay từ khi bắt đầu, lĩnh vực này đã có những xung đột về tư tưởng nhất định, hình thành nên hai trường phái chính: Trường phái Chicago và Trường phái Yale.

Trường phái Chicago: Từ kinh tế đến pháp luật

Trường phái Chicago, hiện nay được dẫn đầu bởi Thẩm phán Richard Posner, xem kinh tế như một ánh đèn pha lớn, cho phép chúng ta nhìn nhận vấn đề pháp lý một cách rõ ràng hơn thông thường. Mục tiêu chính của Posner là sử dụng các công cụ kinh tế để xác định những hệ quả thực tế của các quy định pháp luật khác nhau.

richard-posner

Richard Allen Posner – một luật gia và một nhà kinh tế học người Mỹ. Hiện ông là thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Liên bang Thứ 7 và giảng viên tại Đại Học Luật Chicago. Ảnh: Above the Law.

Ví dụ, một nhà máy xi-măng thải ra khí thải độc hại, khiến nhiều gia đình lân cận bị nhiễm bệnh.

Với sự trợ giúp của kinh tế học, Posner hỏi:

Những quy định pháp luật khác nhau sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tiến hành hoạt động khắc phục hậu quả của con người?

Nếu luật pháp yêu cầu công ty xi-măng đó bồi thường toàn bộ cho các gia đình, thì nó có thể bị thu hẹp hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa nhà máy. Đó là một chuyện tốt, vì bệnh tật sẽ được ngăn ngừa, nhưng nó cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại nếu chuyện này khiến giá xi-măng tăng cao hoặc làm cho nhiều công nhân thất nghiệp.

Trong trường hợp này, kinh tế học có thể giúp chúng ta xác định những “sự đánh đổi” (tradeoff) liên quan. Posner cho rằng tòa án nên từ chối những nỗ lực nằm đóng cửa nhà máy xi-măng của các gia đình bị hại nếu lợi ích sức khỏe được quy ra thấp hơn tổng phí tổn kinh tế. (Tất nhiên, không dễ để quy đổi sức khỏe ra một số tiền tương đương; cần có một nghiên cứu sâu rộng về vấn đề này.)

Bản thân Posner không thích thuật ngữ “luật pháp và kinh tế”, ông ưa thích sử dụng cụm từ “phân tích khía cạnh kinh tế trong pháp luật” (economic analysis of law). Đây không chỉ là vấn đề ngữ nghĩa.

Đối với trường phái Chicago, ý niệm “luật pháp và kinh tế” (law and economics) nghe có vẻ mông lung không tưởng.

“Và” ở đây có nghĩa là gì? Trường phái Chicago cho rằng vai trò thực tế của kinh tế học giúp xác định những ảnh hưởng của pháp luật trên thực tế, bằng cách chỉ ra rằng, ví dụ, tội phạm tiềm năng bị tác động bởi cả hai yếu tố: tính nghiêm khắc và tính hợp lý của hình phạt; hay việc tăng mạnh mức lương tối thiểu có thể giảm số lượng việc làm.

Các quy định của pháp luật – dù điều chỉnh vấn đề gì, như tai nạn lao động, môi trường, quyền tác giả, hình thức hợp đồng – chỉ đơn thuần là đối tượng nghiên cứu.

Thành viên của trường phái Chicago cũng rất ưa chuộng thị trường tự do, và họ nghi ngờ mọi quy định pháp luật nào ngăn trở điều đó. Họ muốn rằng hệ thống pháp luật tạo ra nhiều giao dịch diễn ra hơn trong thị trường, chứ không phải là ít đi.

Chẳng hạn, Posner viết: “nên cho phép thị trường mua bán thận hoạt động. Mối ác cảm đối với ý tưởng bán bộ phận cơ thể nảy sinh trong tâm trí nhiều người theo tôi không có cơ sở hợp lý”. Ông ủng hộ bãi bỏ các quy định thị trường về nhận con nuôi, cho rằng chúng ta nên tạo điều kiện “bán trẻ hợp pháp”./.

Còn tiếp

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.