Thư tòa soạn: Luật Khoa tạp chí tròn 2 tuổi

Thư tòa soạn: Luật Khoa tạp chí tròn 2 tuổi
Luật sư Trịnh Hữu Long – Tổng biên tập Luật Khoa tạp chí. Ảnh: Văn Thi

Quý độc giả và các cộng tác viên thân mến,

Vào ngày này cách đây hai năm, 5/11/2014, Luật Khoa tạp chí đã chính thức ra mắt tại địa chỉ luatkhoa.org và cả trên Facebook.

Cho đến nay, các bạn đã ghé thăm Luật Khoa gần 1 triệu lần, đọc 1,6 triệu trang trong tổng số 550 bài viết mà gần 40 phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của chúng tôi đóng góp.

Trên Facebook, Luật Khoa cũng hân hạnh có đến hơn 62 ngàn bạn theo dõi và con số này vẫn tăng lên từng ngày.

Ngoài ra, không thể không kể đến gần 500 triệu đồng đã được các bạn đóng góp để duy trì tờ tạp chí này.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của các bạn trong suốt hai năm qua. Sinh nhật thường là dịp để chúng ta suy ngẫm lại về chính mình, và nhân đây, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn những cảm xúc và suy nghĩ của mình qua bài viết của luật gia Trịnh Hữu Long – Tổng biên tập Luật Khoa tạp chí.

***

Luật sư Trịnh Hữu Long - Tổng biên tập Luật Khoa tạp chí. Ảnh: Hữu Thành

Luật gia Trịnh Hữu Long – Tổng biên tập Luật Khoa tạp chí. Ảnh: Hữu Thành

Luật Khoa tạp chí ngày hôm nay rất khác so với những gì tôi hình dung ban đầu.

Ý tưởng về Luật Khoa xuất hiện lần đầu tiên trong tôi từ mùa đông năm 2007. Khi đó tôi còn đang là sinh viên năm cuối Đại học Luật Hà Nội và là đồng Admin của diễn đàn SinhVienLuat.vn – một địa chỉ sôi động của giới sinh viên luật cả nước thời bấy giờ.

Sau hai năm điều hành SinhVienLuat.vn, tôi luôn mong muốn tạo ra một công cụ học tập và trao đổi hiệu quả cho sinh viên luật. Do đó, tôi phác thảo đề án đầu tiên vào tháng 12/2007 trong căn phòng trọ gần trường Luật của mình. Nó được đặt tên là “Law Database”, một website với nhiều tài liệu và công cụ tra cứu luật.

Trong nhiều năm sau đó, tôi đem ý tưởng này thảo luận với nhiều người, nhưng chưa khi nào đủ tự tin và vốn liếng để thực hiện.

Bước ngoặt đến với tôi vào mùa hè năm 2011, khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam trên Biển Đông và hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình. Tôi là một trong số những người biểu tình đó. Điều đáng nói là thay vì tập trung vào việc lên án Trung Quốc, chúng tôi phải hứng chịu vô số lời chỉ trích, sỉ vả của công chúng và áp lực của lực lượng công an.

Những vấn đề tranh cãi chính khi đó là: biểu tình như vậy có hợp pháp hay không? Đã xin phép chưa? Người thì nói: chưa có luật biểu tình sao dám đi biểu tình gây rối? Rồi khi công an bắt hàng chục người biểu tình về đồn, hàng loạt câu hỏi về tính hợp hiến, hợp pháp của việc bắt bớ đó được đặt ra.

Khi đó, luật sư Trần Vũ Hải đã gửi một bức thư lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu giải thích Điều 69 Hiến pháp về quyền biểu tình. Thế nhưng Quốc hội hoàn toàn im lặng, còn công chúng và công an vẫn tiếp tục lên án những người biểu tình.

Tôi nhận thấy và trải nghiệm một thực tế hết sức rõ ràng: sự thiếu hụt kiến thức pháp luật và tinh thần pháp trị của cả công chúng lẫn nhân viên công quyền. Tôi quyết định phải làm một cái gì đó.

Tham gia phong trào biểu tình năm đó, dù hứng chịu nhiều chỉ trích và áp lực, tôi lại gặp được một người mà sau này đã dẫn dắt tôi vào nghề báo và trở thành đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí: nhà báo Phạm Đoan Trang.

Tôi bỏ nghề luật sư tư vấn, bắt đầu làm phóng viên cho tạp chí Tia Sáng và cộng tác viên cho Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, rồi sau đó là Tuổi Trẻ, Thanh Niên và nhiều báo khác nữa. Tôi cũng chia sẻ với nhà báo Đoan Trang về ý tưởng của mình nhưng vào thời điểm 2011-2012, chúng tôi cảm thấy chưa đủ chín về kiến thức và năng lực để cho ra đời một tờ báo về pháp luật và nhân quyền.

Mọi chuyện chỉ thực sự chín muồi vào tháng 8/2014. Khi đó tôi đang là thực tập sinh tại Uỷ ban Luật gia Quốc tế ở Bangkok sau một thời gian làm nhân viên của VOICE ở Philippines. Cái gật đầu của luật sư Trần Vi và luật gia Trương Tự Minh đã dẫn bốn chúng tôi tới quyết định lập ra Luật Khoa tạp chí và ra mắt độc giả vào ngày này đúng hai năm về trước.

Giờ đây, Luật Khoa đã trở thành một toà soạn nho nhỏ, với 5 biên tập viên và hơn 30 cộng tác viên đầy tâm huyết.

Với cá nhân tôi, đây là giấc mơ trở thành hiện thực. Tôi đã luôn muốn trở thành một nhà báo pháp luật và có một tờ báo do mình điều hành. Nói theo ngôn ngữ thời thượng, Luật Khoa là một start-up của chúng tôi.

Luật Khoa trong tương lai sẽ ra sao? 

Luật Khoa đã, đang và sẽ luôn là một tờ báo phi lợi nhuận. Chúng tôi hoạt động dựa trên các khoản kinh phí do độc giả và chính chúng tôi đóng góp. Trong tương lai, các bạn sẽ thấy chúng tôi tổ chức các chiến dịch, sự kiện gây quỹ một cách thường xuyên và bài bản hơn. Chúng tôi cũng sẽ tiếp cận với các nguồn quỹ từ các chính phủ và tổ chức quốc tế.

Phi lợi nhuận nghĩa là chúng tôi trung thành với các lợi ích chung của xã hội (public interest) thay vì phục vụ cho bất kỳ nhóm lợi ích riêng rẽ nào, bao gồm các đảng phái, doanh nghiệp, hội nhóm, tổ chức tôn giáo, v.v…

Điều chúng tôi mong muốn là trong nhiều thập kỷ tới, Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng trở thành một xã hội pháp trị/pháp quyền (rule of law), nơi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nơi nhân quyền là một trong những giá trị cốt lõi mà cả nhà nước lẫn người dân đều tôn trọng và thể chế dân chủ là nền tảng để mọi người dân được tham gia quản lý xã hội.

Đó sẽ là nơi mà giới tính, sắc tộc, quan điểm, nghề nghiệp, tôn giáo, địa vị xã hội không còn là rào cản ngăn mọi người tiếp cận công lý, các dịch vụ công và hoạt động chính trị nữa. Tính khoan dung, tôn trọng sự khác biệt sẽ được coi trọng.

cover_1

Để làm được việc đó, chúng tôi muốn nhìn thấy một thế hệ các sinh viên luật, luật sư, luật gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, chính trị gia, thẩm phán say mê tìm tòi những kiến thức luật pháp mới và các trường phái luật học khác nhau trên thế giới, chứ không chỉ riêng trường phái pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Trong 20 – 30 năm tới, hệ thống thể chế và văn hoá pháp lý của chúng ta có thay đổi theo hướng tiến bộ hơn hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự tìm tòi, học hỏi của những nhân tố này ngày hôm nay. Và Luật Khoa muốn cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết trong hành trình học tập không ngừng đó.

Trong những năm tới, các bạn sẽ thấy chúng tôi nâng cấp Luật Khoa tạp chí thành một tổ chức báo chí chuyên nghiệp hơn, tần suất và chất lượng bài vở cao hơn, hình thức trình bày phong phú hơn và tương tác với độc giả thường xuyên hơn. Chúng tôi mong muốn Luật Khoa trở thành một tờ báo pháp luật mẫu mực, đáp ứng những tiêu chuẩn báo chí khắt khe và bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại. Và trên hết, chúng tôi muốn là một tờ báo có ích cho mọi người.

Nếu bạn chia sẻ và ủng hộ con đường chúng tôi đi, hãy đi cùng chúng tôi bằng cách gửi bài tới editor@luatkhoa.org hoặc đóng góp kinh phí cho chúng tôi qua Paypal.

Luật Khoa có chống chính quyền không?

Đây là điều nhiều bạn đọc trăn trở và đặt ra với chúng tôi. Chúng tôi cũng đã hứng chịu một số lời chỉ trích khá gay gắt từ một số trang mạng về việc này. Chúng tôi cho đó là những thắc mắc và chỉ trích dễ hiểu.

Nó dễ hiểu vì trong xã hội chúng ta thiếu vắng tinh thần pháp trị/pháp quyền (rule of law). Tinh thần đó cho phép chúng ta coi mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội ở địa vị bình đẳng với nhau trước pháp luật. Tinh thần đó không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào được đứng lên trên pháp luật. Nó cũng yêu cầu chúng ta tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân, như một lẽ tự nhiên. Nhà nước không có gì khác hơn là một tổ chức được xã hội giao cho nhiệm vụ quản lý và quyền lực của nó phải bị “nhốt trong cái lồng luật pháp” (nói theo chữ của một số chính khách gần đây).

Sự thiếu vắng tinh thần pháp trị đó khiến cho chúng ta có rất nhiều “vấn đề nhạy cảm”.

Đó là lý do Luật Khoa ra đời và tồn tại. Những gì tôi vừa nói trên đây cũng chính là lý do nhà nước tồn tại. Những nguyên tắc pháp trị đó cũng chính là tuyên ngôn chính trị của đảng cầm quyền hiện nay. Về logic mà nói thì Luật Khoa và chính quyền có chung mục đích với nhau, chứ không chống nhau.

Các bạn có thể thấy trên Luật Khoa có nhiều bài viết phân tích đụng chạm đến những vấn đề chính trị mà bạn cho là nhạy cảm. Có nhiều bài không lọt tai một số chính khách và chính quyền nói chung.

Vậy nhân đây, tôi xin nhắc lại điều tôi đã liên tục nói trong hai năm qua: chúng tôi sẵn sàng đăng tải những bài viết bảo vệ chính quyền, miễn là những bài viết đó phải đảm bảo tính khoa học, logic và sử dụng ngôn ngữ phù hợp. Ai có thể viết những bài như vậy, xin vui lòng gửi cho chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng đăng và chi trả nhuận bút bình thường.

Hãy luôn tin rằng, Luật Khoa là diễn đàn tranh luận của mọi xu hướng quan điểm khác nhau, thậm chí, trái ngược nhau.

Là một tờ báo pháp luật, chúng tôi luôn cố gắng đến mức tối đa để giữ được vị trí khách quan, trung lập của mình (dĩ nhiên làm được điều này là rất khó). Chúng tôi cũng đã tuyên bố trung thành với các giá trị tự do báo chí và tự do học thuật, và ngòi bút (ý tôi là bàn phím) của chúng tôi sẽ không dừng lại trước bất kỳ “vấn đề nhạy cảm” nào của cả nhà nước lẫn xã hội. Chúng tôi không tự kiểm duyệt chính mình.

Cũng có tin đồn cho rằng Luật Khoa là của Việt Tân. Chúng tôi đã ra tuyên bố nói rõ chuyện này: chúng tôi đã, đang và sẽ không bao giờ là của Việt Tân hay của bất kỳ đảng phái chính trị nào khác.

Tôi biết, nói như vậy cũng chưa đủ cho sự nghi ngờ của nhiều bạn. Tôi nghĩ rằng biết nghi ngờ là một điều rất tốt. Chúng ta hãy nghi ngờ mọi thứ. Những gì chúng ta được học, được đọc, được giảng, được trải nghiệm. Xã hội tiến lên được là nhờ những cái đầu biết nghi ngờ. Luật Khoa ra đời cũng vì chúng tôi biết nghi ngờ những lối mòn tư duy pháp luật. Mỗi ngày qua đi, Luật Khoa cũng luôn nghi ngờ chính mình. Một ngày nào đó, có thể bạn sẽ thấy một Luật Khoa rất khác. Chúng tôi luôn sẵn sàng thay đổi để phục vụ cho lợi ích của xã hội ĐÚNG hơn và TỐT hơn. Nếu bạn muốn góp ý cho Luật Khoa, xin đừng ngại liên lạc với chúng tôi.

Để khép lại bài chia sẻ dài dòng này, tôi muốn loan báo một tin vui:

Bên cạnh Luật Khoa tạp chí, từ năm 2017, các bạn hãy chuẩn bị đón đọc những cuốn sách về pháp luật mà chúng tôi đang biên soạn và biên dịch. Đó sẽ là những cuốn sách mang lại những kiến thức và tư duy pháp luật khác với hầu hết các ấn phẩm pháp luật và những gì các bạn được học ở trường luật Việt Nam.

Cũng trong năm 2017, Luật Khoa sẽ công bố một sản phẩm nội dung hoàn toàn mới. Thông tin chi tiết sẽ được tiết lộ trong một thông báo đầu năm của chúng tôi.

Xin cảm ơn các bạn đã chia sẻ và đồng hành với Luật Khoa trong suốt hai năm qua. Chúng tôi luôn mong được đến gần các bạn hơn nữa.

Xin cảm ơn các cộng tác viên đầy tâm huyết, tài năng và trí tuệ của Luật Khoa. Chúng tôi luôn trân trọng từng con chữ các bạn gom góp mỗi ngày.

Xin cảm ơn các bạn đồng nghiệp tuyệt vời của tôi trong Ban biên tập Luật Khoa. Nói một cách thành thật thì tôi đã chẳng thể làm được gì nếu không có các bạn.

Xin cảm ơn tất cả.

Trịnh Hữu Long

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.