Tóm lại, đại cử tri là cái chi chi? Tại sao Trump ít phiếu phổ thông hơn lại thắng?

Tóm lại, đại cử tri là cái chi chi? Tại sao Trump ít phiếu phổ thông hơn lại thắng?

Nhiều người Việt Nam đặt ra câu hỏi: tóm lại, cử tri Mỹ hay đại cử tri mới là người bầu ra tổng thống? Câu trả lời chính xác nhất là: cả hai.

  • Quỳnh Vi – Hữu Long

Thông thường, có hai cách để bầu ra Tổng thống:

(i) Trực tiếp: toàn bộ cử tri đi bầu, ai nhiều phiếu phổ thông hơn thì thắng. Mô hình này gọi là dân chủ trực tiếp.

(ii) Gián tiếp: toàn bộ cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội, rồi đến lượt mình đại biểu Quốc hội bầu ra tổng thống. Mô hình này gọi là dân chủ đại diện.

Mỹ chẳng theo mô hình nào trong hai mô hình trên. Trên thực tế, mô hình của họ là rất hiếm thấy, nếu không muốn nói là có một không hai. Hãy xem quy trình bầu cử của họ trước:

Để hiểu được cơ chế bầu cử có một không hai này của nước Mỹ, chúng ta cần hiểu mấy điều sau:

Vì sao Đại cử tri ra đời?

Lý do rất đơn giản: các nhà lập quốc Mỹ không tin vào mô hình dân chủ trực tiếp, vì chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông, và đa số cử tri không phải khi nào cũng đưa ra được quyết định đúng đắn. Sự độc tài của số đông (the tyranny of the majority) là thứ họ muốn tránh.

Do đó, họ muốn trao quyền quyết định chiếc ghế tổng thống cho một nhóm người được lựa chọn, với niềm tin rằng những người này sẽ đưa ra quyết định sáng suốt hơn là số đông dân chúng, vốn dễ bị cảm xúc và tâm lý đám đông chi phối.

Tóm lại, họ chọn mô hình bầu cử gián tiếp. Nhưng mô hình bầu cử gián tiếp của họ cũng chẳng giống ai.

Năm 1787, khi thảo luận về bản dự thảo Hiến pháp, các nhà lập quốc ban đầu muốn để cho Quốc hội bầu Tổng thống. Tuy nhiên, họ lo ngại khả năng tổng thống được bầu bởi những nhóm lợi ích gồm các dân biểu thường xuyên gặp nhau, thân quen với nhau ở thủ đô. Bên cạnh đó, sự độc lập của Tổng thống so với Quốc hội cũng bị đặt dấu hỏi.

Do đó, họ đồng ý với nhau lập ra chế độ đại cử tri. Mỗi bang được phân bổ một số đại cử tri bằng với số hạ nghị sĩ (dân biểu) và thượng nghị sĩ (mỗi bang 2 người) cộng lại. Việc lựa chọn các đại cử tri này như thế nào thì tuỳ mỗi bang quyết định.

Các đại cử tri từ tất cả các bang chỉ gặp nhau một lần để bầu tổng thống rồi giải tán luôn. Điều này giải quyết được nỗi lo sợ của các nhà lập hiến như đã nói bên trên.

Khởi thuỷ, các đại cử tri muốn bầu cho ai thì bầu, không cần biết đa số cử tri bầu cho ai. Sau này, các bang ràng buộc đại cử tri bằng luật, theo đó, đại cử tri phải bầu theo ý chí của đa số cử tri. Hiện có 24/50 bang có luật như vậy. Các bang khác không có luật ràng buộc nhưng tập quán chính trị buộc họ phải làm như vậy.

Cựu đại cử tri Baoky Vũ bang Georgia, đảng Cộng hoà – người đã từ chức sau khi tuyên bố sẽ không bầu cho ứng viên Trump. Ảnh: AJC files

Lưu ý: nếu đại cử tri bầu trái ý đa số cử tri thì phiếu của họ vẫn được tính. Có xử phạt họ hay không là việc của tiểu bang, liên bang không liên quan gì nên vẫn kiểm phiếu và công bố kết quả như thường. Tuy nhiên, việc bầu trái ý này rất hiếm khi xảy ra và chưa bao giờ ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc.

Tại sao số đại cử tri mỗi bang lại phải bằng số dân biểu và thượng nghị sĩ bang đó cộng lại?

Để hiểu được điều này, ta cần tìm hiểu về cách tính số dân biểu và thượng nghị sĩ trước.

Tưởng tượng Mỹ là một công ty cổ phần, các bang là cổ đông, dân số mỗi bang là vốn góp của mỗi cổ đông.

Như vậy, bang nào góp nhiều dân vào liên bang hơn thì được nhiều phiếu hơn. Đây chính là cách hình thành Hạ viện. Số dân biểu mỗi bang được chia theo tỉ lệ dân cư. Mỗi dân biểu đại diện cho một khu vực cử tri có số dân tương đối bằng nhau trên toàn liên bang. Bang nào nhiều dân hơn thì số dân biểu cao hơn. Cái này giống cách phân chia số đại biểu Quốc hội về các tỉnh thành ở Việt Nam. Hiện nay, Hạ viện Mỹ có 435 dân biểu.

Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì có thể xuất hiện hiện tượng cổ đông lớn chèn ép cổ đông nhỏ, bang lớn ăn hiếp bang bé. Các bang bé vì thế không có lý do gì để gia nhập liên bang, thà tách ra làm quốc gia riêng còn hơn.

Do đó, họ thoả hiệp với nhau và sinh ra Thượng viện. Bất kể đông dân hay ít dân, bang nào cũng có 2 ghế như nhau. Thượng viện Mỹ có 100 thượng nghị sĩ, đại diện cho 50 tiểu bang. Các dự luật phải thông qua cả hai viện mới có thể được ban hành (dĩ nhiên tổng thống phải phê chuẩn thì mới có hiệu lực).

Nhờ cơ chế này, các bang nhỏ ít bị “ăn hiếp” hơn, các bang lớn bớt “hung hãn” hơn.

Bên cạnh đó, lại một lần nữa, các nhà lập hiến Mỹ lo sợ sự độc tài của số đông. Trong trường hợp cụ thể này, họ không muốn trao toàn quyền lập pháp cho Hạ viện, vốn luôn bị số đông (đa số) cử tri chi phối. Họ muốn các dự luật của Hạ viện phải được Thượng viện thông qua. Mà Thượng viện thì ít bị đám đông chi phối hơn, vì nhiệm kỳ của họ tới 6 năm, trong khi nhiệm kỳ của thành viên Hạ viện chỉ là 2 năm.

Như vậy, Hạ viện đại diện cho dân cư, Thượng viện đại diện cho các bang. Đây cũng chính là nguyên tắc nền tảng hình thành nên Hiến pháp Mỹ: chính quyền phải là đại diện của cả dân chúng (population-based) và các bang (state-based).

Các nhà lập hiến muốn tổng thống cũng được bầu dựa trên nguyên tắc này. Do đó, họ sinh ra cách tính số đại cử tri mỗi bang bằng số dân biểu và số thượng nghị sĩ của bang đó cộng lại. Riêng thủ đô Washington D.C được 3 đại cử tri dù không có đại diện có quyền bỏ phiếu ở Quốc hội.

Nếu tính theo số dân biểu thì bang Alaska chỉ được 1 phiếu đại cử tri, nhưng cộng thêm số thượng nghị sĩ thì bang này có thêm 2 phiếu. Tiếng nói của họ do đó có giá trị hơn gấp 3 lần.

Trong khi đó, bang California có 53 dân biểu, nếu tính thêm 2 thượng nghị sĩ nữa thì cũng chỉ lên được 55 phiếu đại cử tri, không khác biệt là bao. Cơ chế này do đó khiến cho các ứng viên tổng thống chú ý hơn tới các bang nhỏ, thay vì chỉ tập trung vào các bang lớn, đông dân.

Hội nghị Đại cử tri ngày 18-11-2012, bầu ra Tổng thống Obama. Ảnh: Time Union.
Hội nghị Đại cử tri ngày 18-11-2012, bầu ra Tổng thống Obama, nhiệm kỳ thứ 2. Ảnh: Time Union.

Xin hết sức lưu ý: các đại cử tri không phải là các dân biểu và thượng nghị sĩ. Họ là những người khác nhau. Khi cử tri đi bầu tổng thống thì song song với đó cũng bầu dân biểu và thượng nghị sĩ luôn, vì bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội được tổ chức đồng thời.

Vậy tại sao Hillary Clinton nhiều phiếu phổ thông hơn mà lại ít phiếu đại cử tri hơn Donald Trump?

Lý do rất đơn giản: nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không” (winner-take-all).

Theo đó, tại 48/50 bang của Mỹ, ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông thì “ăn” toàn bộ phiếu đại cử tri. Trong hầu hết các trường hợp, người nhiều phiếu đại cử tri hơn cũng là người nhiều phiếu phổ thông hơn. Nhưng lịch sử Mỹ đã chứng kiến 5 lần mà người trúng cử Tổng thống lại có ít phiếu phổ thông hơn.

Để lý giải điều này, ta hãy nhìn vào mô hình giản lược sau, được điều chỉnh từ mô hình tương tự của Facebooker Tien Nguyen:

mo-hinh-bau-cu-tt-my

Hiện tượng lý thú này sẽ không xảy ra nếu phiếu đại cử tri được chia theo tỉ lệ phiếu phổ thông, ai được bao nhiêu phiếu phổ thông thì được tương ứng với chừng ấy phiếu đại cử tri. Nguyên tắc “được ăn cả” này khiến cho tương quan giữa các chỉ số thay đổi.

Bên cạnh đó, việc mỗi bang được “cho không” hai phiếu đại cử tri tương đương với số thượng nghị sĩ khiến cho bài toán phiếu đại cử tri – phiếu phổ thông trở nên phức tạp hơn, và xác suất xảy ra hiện tượng thắng phiếu đại cử tri nhưng thua phiếu phổ thông cao hơn.

Lịch sử của nguyên tắc winner-take-all này cũng khá nhiêu khê. Hiến pháp Mỹ không ràng buộc chuyện này, nó là do các bang đặt ra. Ban đầu, các đại cử tri muốn bỏ phiếu cho ứng viên nào thì bỏ, không có ràng buộc gì. Do đó, số phiếu đại cử tri của mỗi bang cũng phân tán cho nhiều ứng viên khác nhau.

Tuy nhiên, sau đó, một số bang muốn củng cố ảnh hưởng của mình, nhất là các bang nhỏ muốn các ứng viên quan tâm đến bang mình hơn, nên họ quyết định sẽ dồn phiếu cho một ứng viên thôi. Nhờ vậy, các bang này hấp dẫn các ứng viên tới vận động hơn.

Các bang khác không muốn mất ảnh hưởng, liền bắt chước theo mô hình winner-take-all này. Vậy là lần lượt các bang đều áp dụng cả, trừ hai bang đã kể.

Vậy cơ chế bầu cử tổng thống này có dân chủ không? Nước Mỹ đã chọn cơ chế đó. Hillary Clinton đã chọn chơi theo luật chơi đó và chấp nhận thua.

Còn bạn, bạn có thể tự đưa ra câu trả lời cho riêng mình.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.