Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Năm 2016, sinh viên Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị xâm hại quyền. Điểm sáng hiếm hoi là họ đã biết sử dụng mạng xã hội để đấu tranh. Dưới đây là bốn sự việc tiêu biểu do Luật Khoa tổng hợp.
1. Bị ép đi bầu.
Đầu tháng 4/2016, nhiều trường đại học, cao đẳng đã ra thông báo buộc 100% sinh viên phải đi bỏ phiếu. Nếu không, sinh viên sẽ bị kỷ luật và hạ điểm rèn luyện.
Trường Đại học Tây Nguyên thông báo rất rõ ràng: “Tất cả sinh viên sau khi đi bầu cử giữ lại thẻ cử tri đã đóng dấu “Đã bỏ phiếu” và nộp về cho cán bộ lớp, “…Sinh viên không thực hiện các yêu cầu nêu trên sẽ bị xem xét hình thức kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế quản lý học sinh, sinh viên”.
Thông báo “ép” sinh viên đi bầu cử của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Chưa rõ nguồn.Tại Đại học Y Dược Cần Thơ, lớp trưởng phải viết cam kết, đảm bảo 100% sinh viên phải đi bỏ phiếu, “Nếu không thực hiện đúng cam kết này, Tập thể lớp và cá nhân sinh viên vi phạm sẽ chịu mọi hình thức xử lý của Nhà trường…”. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở Đại học Công nghệ – Kinh doanh Hà Nội, Đại học An Giang, Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm TP.HCM và một số trường khác.
Bản cam kết đảm bảo 100% sinh viên bỏ phiếu tại Đại học Y Dược Cần Thơ (Ảnh do sinh viên trường cung cấp).Điều 27, Hiến pháp 2013 ghi rõ, “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Cũng không thể viện dẫn Khoản 1, Điều 15 của Hiến pháp (Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân) để khẳng định bầu cử là nghĩa vụ, vì quyền và nghĩa vụ không luôn luôn song hành với nhau. Ví dụ: công dân có quyền hiến nội tạng, việc hiến nội tạng là tự nguyện không phải nghĩa vụ; hay công dân có quyền ứng cử, việc ứng cử này là tự nguyện không phải là nghĩa vụ.
Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, chỉ cần hơn 50% cử tri trong khu vực bỏ phiếu thì kết quả bầu cử sẽ hợp lệ. Căn cứ theo điều 95 của luật này, các chuyên gia nhân quyền nhận định, đây là hành vi cưỡng ép công dân bầu cử và là một vi phạm pháp luật.
Ngay sau khi các trường ra thông báo, khẩu hiệu “bầu cử là quyền, không phải là nghĩa vụ” đã được các sinh viên lan truyền trên facebook, tạo thành một phong trào phản đối thông báo của các trường. Một nhóm sinh viên kêu gọi ký tên “Chấm dứt và xử lý hiện tượng bắt buộc đi bầu cử và tuyên truyền bầu cử là nghĩa vụ”.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đính chính lại khẩu hiệu thành “Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền lợi của mỗi công dân!”. Trong khi đó, nhiều sinh viên phản hồi trực tiếp với nhà trường hoặc giáo viên đều không được lắng nghe.
Sinh viên truyền nhau thông điệp “Bầu cử là quyền, không phải là nghĩa vụ” (Ảnh nhân vật cung cấp).2. Công khai bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt
Trước khi sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã ban hành thông tư 10/2009/TT-BGDĐT gây tranh cãi về Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy.
Nội dung nổi bật của thông tư này là 10 quy định về các hành vi sinh viên không được làm, liên quan đến việc tham gia các tổ chức chính trị, hội họp, biểu tình, chia sẻ các bài viết được cho là nhạy cảm đến an ninh quốc gia, Đảng và nhà nước.
Ngoài ra, thông tư này còn tập trung vào các quy trình xử lý kỷ luật sinh viên rất cụ thể và chi tiết, nhưng lại không có hướng dẫn nào giúp sinh viên khiếu nại, tố cáo khi có tranh chấp với nhà trường. Sau đó, các trường đã vận dụng thông tư này để ra thông báo không cho phép sinh viên tham gia biểu tình trong sự kiện cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Trang Facebook của Hội sinh viên ĐH Luật Hà Nội thông báo sinh viên không tham gia biểu tình (Ảnh chụp màn hình).Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GĐ&ĐT, trước khi ban hành, Bộ đã tham khảo nhiều văn bản liên quan, thảo luận đã bàn bạc kỹ, vì sinh viên là đối tượng rất nhạy cảm cần quan tâm.
Như vậy, thông tư này chẳng những thiếu sự tham vấn từ sinh viên, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, mà còn là sự phân biệt đối xử. Sinh viên là công dân và phải được đối xử bình đẳng như mọi người. Mối quan hệ giữa nhà trường và sinh viên chỉ đơn thuần là mối quan hệ đào tạo, hoạt động ngoài trường học là quyền của sinh viên và sinh viên tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Với thông tư này, Bộ GD&ĐT đã trao thêm quyền không nên trao cho các trường, gây áp lực và hạn chế các quyền tự do biểu đạt của sinh viên.
3. Đại học Kinh tế Quốc dân đột ngột tăng học phí
Giữa năm 2016, Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) đã đột ngột tăng học phí đến 30% đối với sinh viên năm hai và năm nhất.
Sinh viên của trường đã lập tức phản ứng với mức học phí này của một trường đại học công lập.
Sinh viên chia sẻ nỗi lo trên Facebook sau khi ĐH Kinh tế Quốc dân tăng học phí (Ảnh chụp màn hình).Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải việc tăng học phí là đúng lộ trình mà chính phủ đã phê duyệt, theo chủ trương xóa bao cấp và chuyển sang tự chủ tài chính.
Tuy vậy, các ý kiến phản đối thì cho rằng, thời gian học đại học kéo dài 3-4 năm, sinh viên cần phải được thông tin đầy đủ việc tăng học phí dài hạn để quyết định có theo học tại trường hay không. Việc tăng học phí như ĐH KTQD đã “bẫy” sinh viên, khiến nhiều sinh viên có ý định bỏ đại học.
Trong khi đó, việc công khai thông tin đã được hướng dẫn theo thông tư 09/2009/TT-BGĐT, bao gồm công khai mức thu học phí và các khoản thu khác cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học.
Chia sẻ trong chương trình 60 phút mở, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho rằng: “Không thể bao cấp giáo dục, tuy nhiên việc tự chủ phải có chính sách phù hợp. Nhà trường chỉ biết chia sẻ gánh nặng tài chính mà không chia sẻ quyền lực và trách nhiệm. Người có nghĩa vụ, quyền lợi là sinh viên và phụ huynh thì họ có được tham vấn đầy đủ không? Nếu như thật sự tôn trọng quyền của người học, thì chỉ tăng học phí khóa mới và người ta phải biết đủ lâu. Không thể đổ hết trách nhiệm cho người học, người học chỉ có trách nhiệm với tương lai của họ. Nhà nước có trách nhiệm với cả dân tộc, phải làm sao để những người có khả năng, hoài bão đạt được điều kiện đào tạo tốt nhất”.
4. Luận văn của sinh viên Đại học Cần Thơ bị rao bán trên mạng
Cuối năm 2016, nhiều sinh viên và cựu sinh viên tại Đại học Cần Thơ phát hiện một số lượng lớn luận văn của họ bị rao bán trên trang 123doc.org. Việc này làm khiến sinh viên quan ngại và nghi vấn: có phải nhà trường đã “tuôn” luận văn của sinh viên ra ngoài và vi phạm quyền tác giả?
Theo quy định của trường này, tất cả sinh viên muốn nhận bằng tốt nghiệp phải nộp luận văn bản mềm cho Trung tâm Học liệu. Nhân viên Trung tâm học liệu sẽ tải lên thư viện điện tử, chỉ có sinh viên của trường được xem và không thể tải về máy.
Ngay sau sự cố, nhà trường đã thừa nhận việc luận văn của sinh viên bị bán trên trang 123doc.org và mời công an điều tra.
Tuy nhiên, nhà trường không nhận hoàn toàn trách nhiệm, cho rằng một số nguyên nhân là do sinh viên bất cẩn như mang đi photocopy, cùng trao đổi luận văn với bạn và nộp cho giáo viên.
Sau đó, Đại học Cần Thơ đã quyết định không tiếp tục nhận luận văn bản mềm của sinh viên và đồng thời khóa chức năng tham khảo luận văn online.
Trang 123doc.org đã làm việc với nhà trường để gỡ bỏ các luận văn của sinh viên trên trang này. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho rằng, luận văn của họ đã được bán trên nhiều trang khác nhau không chỉ trên 123doc.org.
Sinh viên tranh luận với Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ trên Facebook (Ảnh chụp màn hình).Nhiều sinh viên đã tranh luận với PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ và được khuyến khích đưa tranh chấp ra tòa án nếu chưa hài lòng về cách giải quyết của trường. Tuy nhiên, hiện chưa có sinh viên nào đưa vụ việc ra tòa.
Tài liệu tham khảo: