Châu Á thế kỷ 21: Kỹ trị hấp dẫn hơn dân chủ kiểu phương Tây?

Châu Á thế kỷ 21: Kỹ trị hấp dẫn hơn dân chủ kiểu phương Tây?

Lịch sử thế giới sẽ luôn ghi nhận năm 2016 với chiến thắng của Donald Trump ở Mỹ và việc người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi khối EU (Brexit). Các bình luận gia Tây phương có vẻ mặc nhiên cho rằng trong năm 2017, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của các chính trị gia dân túy ở Châu Âu. Cũng như, mô hình toàn cầu hóa sẽ tan rã một khi Trump thực thi các chính sách thương mại như đã hứa hẹn.

Lược dịch từ: No longer in thrall to Western democracy, Asia turns to technocrats for answers

Tiến sỹ Kinh tế học Parag Khanna, một chiến lược gia gốc Ấn Độ, và hiện là nghiên cứu sinh cao cấp tại Trường Hành chính công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy), Singapore lại cho rằng tình hình Châu Á sẽ khác.

Tác giả Parag Khanna phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Ảnh: World Economic Forum/Michael Wuertenberg)

Theo Parag Khanna, nếu gộp chung tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu và những leo thang trong các căng thẳng địa chính trị thì một người sẽ đương nhiên nảy sinh ra ý nghĩ, thế giới sắp phải đối mặt với thời kỳ đại khủng hoảng do chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ gây ra. Và rồi từ đó, người ta lại suy diễn tiếp rằng, một cuộc thế chiến sẽ bùng nổ như đã từng xảy ra vào đầu thế kỷ 20.

Thế nhưng, những gì đang diễn ra ở phương Tây chưa chắc cũng sẽ khiến phương Đông chạy chệch theo hướng ấy. Lý do là vì các nhà nước Châu Á thông thường đều chọn cho mình một thái độ cai trị rất thực dụng. Trong khi các nền dân chủ Châu Âu đang thoái trào thì các chính phủ thiên về kỹ trị Á Đông đang cố gắng tối đa để giải quyết những thử thách về hệ thống cơ sở hạ tầng, giáo dục, và công việc làm cho người dân.

Đây là một điều may mắn cho Châu Á nói riêng, và cho thế giới nói chung.

Ở phương Tây và đặc biệt là trong những đại tự sự của nước Mỹ, có một sự tự mãn sâu sắc đã hình thành rõ nét, và nó đã khiến cho con người không còn phân biệt được giữa chính trị và điều hành đất nước, dân chủ và thực thi, quy trình và kết quả.

Tranh biếm họa về sự bất lực của nền dân chủ lưỡng đảng ở Hoa Kỳ. Ảnh: Ben Garrison.

Một chính phủ tốt cần phải tập trung vào cả đầu vào lẫn đầu ra. Tính chính danh của một nhà nước đến từ quy trình mà tự họ tuyển chọn để có thể thực thi những gì đại đa số dân chúng đòi hỏi: cơ sở hạ tầng vững chắc, an toàn công cộng, không khí và nước sạch, phương tiện giao thông tiện lợi, điều kiện dễ dàng để làm kinh tế, trường học tốt, nhà ở chất lượng, chế độ chăm sóc trẻ em tốt, tự do biểu đạt, công ăn việc làm, v.v.

Trong hệ tư tưởng kỹ trị Á Đông, chậm trễ trong việc thực hiện những yêu cầu như thế này của người dân, tự bản thân nó đã là một sự tha hóa. Thay vì đắm chìm trong việc chỉ trích nhau, những mô hình kỹ trị tốt sẽ luôn tìm cách giải quyết các vướng mắc mà họ gặp phải. Ý thức hệ duy nhất của một nền kỹ trị chính là chủ nghĩa thực dụng (pragmatism).

Chính vì những mô hình xã hội Châu Á đang trong quá trình hiện đại hóa, họ có lẽ sẽ tiến hóa đến một phương pháp điều hành nhà nước tốt hơn, bằng cách cân bằng giữa tự do chính trị và một nền kỹ trị với những mục tiêu được xác định rõ ràng.

Các quốc gia Châu Á chắc chắn sẽ không bao giờ muốn trở lại thời kỳ trong quá khứ, khi mà họ đã từng là những xã hội đầy chia rẽ. Nhất là trong lúc điều này lại đang xảy đến với các nước phương Tây. Người dân Châu Á hiện chỉ quan tâm một việc, đó là một nền dân chủ muốn được xem trọng thì phải thực thi được những gì đã hứa hẹn với người dân.

Vì lý do đó, tầm quan trọng của mô hình nhà nước kỹ trị đối với tương lai Châu Á là rất lớn. Và nó hơn hẳn so với mô hình dân chủ. Những quốc gia dân chủ lâu năm ở Châu Á như Ấn Độ, Indonesia và Philippines đều đang lâm vào hoàn cảnh cố gắng chấn chỉnh lại chính mình với hy vọng sẽ bắt kịp những gì mà các thể chế kỹ trị trong khu vực đã làm được.

Ở đây, chúng ta không chỉ nói đến các nền kỹ trị ở Singapore hay Trung Quốc, mà ngay cả đối với Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.

Tuy Malaysia đang đối mặt với khủng hoảng về tham nhũng, nhưng bù lại, đây là một đất nước ổn định, đa sắc tộc, hiện đại với một trong những cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới và đang rất phát triển.

Với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng hơn 10 nghìn USD/năm, Malaysia trở thành một trong những nước phát triển hàng đầu ở châu Á. Ảnh: kuala-lumpur.ws.

Việt Nam tuy là một nước độc đảng, nhưng đã đồng loạt nỗ lực hiện đại hóa đất nước, cùng lúc xúc tiến với việc xóa đói giảm nghèo.

Cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2014 đã loại bỏ những nhà lãnh đạo dân chủ bất tài để chọn một chính quyền quân đội. Người dân Thái vẫn tiếp tục chọn các tướng lĩnh quân đội làm giải pháp lâu dài cho tình hình chính trị tại đất nước này trong một cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái.

Những thể chế này vốn không hoàn hảo, nhưng lại thể hiện được hiệu năng điều hành đất nước nổi trội hơn rất nhiều so với một số nền dân chủ lâu năm ở Á Châu, chẳng hạn như Bangladesh, trong thời kỳ hậu thuộc địa.

Nói một cách chính xác hơn, những nước như Ấn Độ, Indonesia và Philippines đã từng trải qua nhiều thập niên bị điều hành bởi những chính phủ dân chủ đáng chê trách. Vì thế, trong những năm gần đây, người dân tại những đất nước này đều lựa chọn bỏ phiếu cho những nhà lãnh đạo có thái độ kỳ vọng rất rõ ràng vào mô hình kỹ trị.

Người dân ở Ấn Độ, Indonesia và Philippines không còn chấp nhận vui vẻ sống trong một xã hội có tính thương mại hóa cao nhưng lại có chính quyền yếu kém. Quá chán ngán với những giáo điều sáo rỗng, rằng họ vẫn có thể tiếp tục cố gắng vươn lên mặc kệ chế độ chính trị họ đang sống là gì. Người dân ở những nơi này đã hạ quyết tâm bầu ra một chính quyền với những nghị trình rõ ràng và thực tế, tập trung vào giải quyết các vấn đề cơ sở hạ tầng, việc làm, giáo dục và kỹ thuật công nghệ.

Tại Châu Á, nhà nước kỹ trị đã trở thành một mầu nhiệm cứu rỗi cho nền chính trị tại đây. Nơi mà bản thân dân chủ cũng đã phát ngán với chính nó và quyết định bỏ phiếu cho mô hình kỹ trị.

Tổng thống Rodrigo Duterte, người được nhân dân xem là chính trị gia “nói là làm” ở Philippines. Ảnh: AP Photo/Eugene Hoshiko.

Còn nếu nói chuyện đường dài, thì chất lượng của việc điều hành đất nước có giá trị hơn mô hình nhà nước mà quốc gia đó lựa chọn. Đó là lý do vì sao trong mô hình nhà nước kỹ trị, thiết chế quan trọng nhất không phải là văn phòng thủ tướng mà lại nằm trong các ban ngành dân sự (civil service). Ở các quốc gia phương Tây lớn như Anh, Mỹ, những ban ngành dân sự chuyên nghiệp của chính phủ đã tàn lụi từ thời tổng thống Reagan và thủ tướng Thatcher.

Ở Mỹ, những cơ quan độc lập đã mất dần quyền tự quản và các nhân viên chính phủ không có con đường tiến thân nào cả vì tất cả các chức vị cấp cao đều được dành riêng cho những người được bổ nhiệm chính trị (political appointees) hay bạn bè của tổng thống. Tại Anh, sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit, một Ủy ban Dân sự nhanh chóng được gom nhặt lại để mổ xẻ về những ẩn ý phía sau quyết định này.

Trong khi đó, với một mô hình kỹ trị đúng mực, các ban ngành dân sự sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng về từng vấn đề cụ thể cũng như các hậu quả của mỗi chính sách trước khi Quốc Hội hay người dân đưa ra quyết định sẽ làm gì đối với những chính sách ấy – chứ không phải là sau khi việc đã rồi như trường hợp của Brexit.

Thế nên, không cần phải quá ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng ngày nay, Đại học Ban ngành Dân sự (Civil Service College) tại Singapore và Học viện Cán bộ Pudong của Trung Quốc (Executive Leadership Academy Pudong) chính là những cái nôi đưa ra các ý kiến hết sức cẩn trọng cho việc kết nối giữa dữ liệu mà chính phủ thu thập được và phương pháp điều hành đất nước. Đặc biệt, họ phải nhấn mạnh được yếu tố nhìn xa trông rộng, cũng như lên những kế hoạch tổng thể về kinh tế.

Việc mà Châu Á cần làm nhất hiện nay chính là phát huy tư tưởng kỹ trị và đẩy mạnh nó ở mức độ khu vực. Thiết nghĩ, một nền lãnh đạo quốc gia đã dám tránh xa chủ nghĩa dân túy cực đoan thì cũng cần phải mạnh dạn cắt bỏ chủ nghĩa dân tộc.

Chính phủ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nên tuyệt đối tránh để một số thông điệp – mà họ vốn chỉ dành đối thoại riêng với người dân trong nước – lan sang và gây ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại. Một vài cuộc khủng hoảng tầm quốc tế trong việc tranh chấp lãnh hải ở châu Á đã từng xảy ra vì điều này, tuy sự việc chưa bao giờ leo thang đến mức bị mất kiểm soát.

Nhưng chỉ hy vọng suông thì không phải là chiến lược của những mô hình kỹ trị thực thụ.

Nếu các cường quốc Châu Á muốn được nhìn nhận – đối với từng nước hay cả khu vực – như là một trung tâm quyền lực về địa chính trị và kinh tế, thì họ phải làm ra được những bước tiến đáng tin cậy trong việc giải quyết tình hình bất ổn sâu xa của khu vực.

Ví dụ như, thế giới vốn có rất nhiều tiền lệ về các hiệp ước liên quốc gia trong việc thăm dò, khai thác và chia sẻ lợi nhuận ở những vùng biển tranh chấp, cũng như trong việc dự trữ năng lượng mà các quốc gia trong vùng biển Nam Trung Hoa (South China Sea) và Đông Trung Hoa (East China Sea) có thể tham khảo và áp dụng.

Một cơ quan độc lập với các chuyên gia từ những quốc gia vùng duyên hải có thể giúp các chính phủ trong khu vực tranh chấp thỏa thuận và soạn thảo các khung sườn chính trị cho một hiệp ước tương tự.

Còn một tập đoàn bao gồm nhiều công ty dầu khí quốc tế chắc chắn có thể giúp đỡ được việc chia sẻ lợi nhuận từ các dự án khai thác ở những vùng biển này.

Vùng tranh chấp và các nước có liên quan (Nguồn ảnh: visiontimes.com)

Nước cờ này sẽ là một bước nhảy vọt để các quốc gia Á Đông có thể tái khẳng định với thế giới: họ vốn không cần các thế lực quân sự của Tây phương mới có được tự do thương mại và tự do di chuyển trong vùng biển có mật độ giao thương cao nhất toàn cầu. Là khu vực mà hầu như tất cả các mặt hàng mậu dịch quốc tế đều phải trông nhờ vào nó.

Châu Á lúc này vừa khoác cho mình mảnh chiến bào với sứ mệnh tiếp tục bảo vệ việc toàn cầu hóa thương mại quốc tế, lại vừa phải hết sức cố gắng giữ gìn thật vững chắc nền móng của sự ổn định cho thị trường thế giới.

Sự kết hợp của Brexit và Trump đã khiến năm 2016 trở thành thời điểm cáo chung cho sự bá quyền của các thế lực chính trị phương Tây. Mỗi quốc gia trên thế giới hiện nay đều đang chạy cùng một cuộc đua, nhưng không phải là để bắt chước nước Mỹ nữa.

Mà họ đang đua nhau trong việc mang lại sự ổn định và an sinh xã hội cho người dân của chính đất nước mình, bằng mọi cách. Trong cuộc đua mới này, những phương cách tiếp cận sử dụng kỹ trị một cách khắt khe sẽ chứng minh là chúng ưu việt hơn hẳn các chu kỳ dân chủ hỗn độn.

Kẻ thắng người thua trong thế kỷ 21 chắc chắn sẽ không phải được xác lập bởi nhóm người kiên trì với việc đẽo gọt một mái vòm chính trị cho quốc gia mình theo hình mẫu phương Tây. Người chiến thắng cuối cùng sẽ là những ai dám học hỏi và áp dụng kỹ trị một cách thật nghiêm khắc.

Kỹ trị – Technocracy là một triết lý chính trị được cho là đã hình thành vào năm 1919 bởi một kỹ sư người Mỹ sống tại California, William Henry Smyth. Kỹ trị là một lý thuyết về phương pháp tổ chức nhà nước với các khoa học gia và các chuyên gia trong từng lĩnh vực sẽ trở thành những người đứng đầu các cơ quan chính phủ và điều hành các ban ngành liên quan chứ không phải là các chính trị gia. Theo thuyết kỹ trị thì một nhà kinh tế gia xuất sắc sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính hay một bác sỹ xuất sắc nhất sẽ là Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trong thập niên 1930, phong trào vận động cho mô hình nhà nước kỹ trị phát triển rất mạnh mẽ ở Mỹ khi thời kỳ Đại khủng hoảng xảy ra và thị trường chứng khoán sụp đổ. Tuy nhiên, sau khi tổng thống Franklin Roosevelt ban hành các đạo luật “Giao dịch mới” (New Deal) thì phong trào này cũng suy tàn sau đó.

Nguồn: From Technocracy to Net Energy Analysis: Engineers, Economists, and Recurring Energy Theories of Value

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.