Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Quãng đường từ Giáo xứ Song Ngọc (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào tới Toà án Nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dài khoảng 170 cây số. Đó là con đường mà vào ngày 14/2 vừa qua, 600 người dân dự tính sẽ đi để nộp đơn khởi kiện dân sự, đòi công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường vì đã xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.
Nhưng họ chưa bao giờ tới đích.
Đoàn khiếu kiện đã bị chính quyền chặn lại khi còn chưa kịp ra khỏi địa phận Nghệ An.
Trả lời phỏng vấn BBC, linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết, công an đã chặn đoàn khiếu kiện, đánh đập và bắt đi nhiều người. Còn báo Nhân Dân, dẫn lời Thông tấn xã Việt Nam, thì đưa tin đoàn khiếu kiện đã gây rối loạn giao thông, ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát, buộc chính quyền phải cẩu xe và bắt giữ nhiều người về đồn.
Dù bất cứ chuyện gì đã xảy ra, toà án vẫn nằm xa tít tắp.
Cuối tháng 9 năm ngoái, một đoàn giáo dân khác do linh mục Đặng Hữu Nam đại diện đã vào đến TAND thị xã Kỳ Anh và nộp 506 đơn khởi kiện công ty Formosa, đòi bồi thường.
Chỉ hơn một tuần sau, toà trả lại đơn với hai lý do: nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh thiệt hại và vụ việc đã được Thủ tướng giải quyết bằng Quyết định số 1880 ngày 29/9/2016. Theo đó, chính phủ sẽ dùng khoản tiền 500 triệu USD mà Formosa đã bồi thường cho chính phủ để bồi thường cho cho các hộ dân bị thiệt hại.
Như vậy, bằng cách này hay cách khác, chính quyền luôn từ chối mang vụ Formosa ra toà.
Đầu tiên, chính phủ chủ động lựa chọn phương án đàm phán bí mật với Formosa, thay vì khởi kiện Formosa ra toà.
Thứ đến, chính phủ không đại diện cho quyền lợi quốc gia để đàm phán, mà tự gán cho mình quyền đại diện cho những người dân bị thiệt hại. Trong khi đó, chỉ người dân mới có quyền đàm phán về quyền lợi cá nhân của mình và có quyền lựa chọn phương pháp đàm phán hay ra toà. Chính phủ chỉ có thể đàm phán về những thiệt hại Formosa đã gây ra cho môi trường Việt Nam nói chung mà sau này chính phủ phải dùng ngân sách nhà nước để khắc phục.
Cuộc đàm phán bí mật, cho ra đời một thoả thuận bí mật mà người dân chỉ biết là Formosa đồng ý trả 500 triệu USD bồi thường vào tài khoản chính phủ.
Sau cùng, chính quyền dùng thoả thuận bồi thường này để loại bỏ khả năng đưa vụ việc Formosa ra toà, kiên quyết ngăn cản mọi nỗ lực pháp lý của người dân.
***
Điều gì khiến cho chính quyền sợ giải quyết vụ việc qua con đường toà án đến vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu nếu không ra toà thì Formosa và chính quyền tránh được cái hại gì.
Thứ nhất, ra toà thì Formosa cầm chắc phần thua. Formosa đã chính thức thừa nhận sai phạm và bồi thường 500 triệu USD cho chính phủ. Không có cửa nào để họ thắng được vụ này.
Thứ hai, ra toà thì Formosa có thể phải bồi thường cao hơn con số 500 triệu USD rất nhiều. Theo quyết định 1880 thì chính phủ sẽ chỉ trả các thiệt hại của người dân trong tối đa 6 tháng (từ tháng 4 đến hết tháng 9/2016), trong khi thiệt hại không dừng lại ở đó. Đó là chưa kể chỉ có người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế được bồi thường, trong khi thiệt hại về kinh tế chưa chắc đã chỉ nằm trong 4 tỉnh này. Và quan trọng nhất, chính phủ đàm phán mức bồi thường 500 triệu USD mà không căn cứ trên số liệu kê khai thiệt hại của các hộ dân.
Thứ ba, ra toà thì chính phủ và UBND tỉnh Hà Tĩnh có khả năng cao bị triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Toà án cần có các văn bản và ý kiến từ phía nhà nước về việc cấp phép đầu tư, xả thải, và thanh tra sai phạm. Khi đó, các sai phạm của chính phủ (nếu có) sẽ bị bộc lộ.
Thứ tư, trừ trường hợp đặc biệt, phiên toà dân sự này sẽ phải công khai. Khi đó, chính phủ sẽ đứng trước một áp lực cần phải công khai các sai phạm cụ thể của Formosa theo yêu cầu của nguyên đơn. Đồng thời, toà án có thể trưng cầu các mẫu xét nghiệm nước biển và thuỷ sản, nếu không muốn nói là nguyên đơn sẽ chủ động cung cấp các kết quả xét nghiệm này trước toà. Nguyên đơn cũng có thể chủ động điều tra tình hình ô nhiễm môi trường biển để thu thập chứng cứ, phục vụ cho phiên toà. Khi đó, chính phủ sẽ không thể kiểm soát được việc họ công bố các thông tin, số liệu môi trường khác với số liệu chính phủ công bố.
Thứ năm, nếu toà thụ lý đơn của một nhóm người dân bị thiệt hại thì rất có khả năng hàng trăm nghìn người khác cũng kiện theo. Vụ cá chết năm 2016 ảnh hưởng tới không chỉ ngư dân, mà còn là diêm dân (người làm muối), tiểu thương, các công ty thu mua hải sản, các nhà hàng, khách sạn, ven biển và nhiều dịch vụ ăn theo khác. Số người bị ảnh hưởng có thể lên tới hàng triệu. Khi đó, phong trào khởi kiện sẽ bùng nổ, kéo theo nhiều hệ luỵ về chính trị mà chính quyền hoàn toàn không sẵn sàng để đối phó.
Thứ sáu, nếu cho phép người dân khởi kiện, vụ án này sẽ tạo ra áp lực vô cùng lớn khiến chính quyền phải sửa luật, cho phép người dân khởi kiện tập thể. Hiện nay, người dân phải nộp đơn riêng lẻ thay vì nộp chung một đơn. Việc cho phép khởi kiện tập thể sẽ làm bùng phát phong trào khởi kiện trong các vụ án liên quan đến môi trường, đất đai, an toàn thực phẩm, vốn liên quan trực tiếp đến nhiều người.
***
Không ai biết đằng sau thoả thuận ngầm giữa chính phủ và Formosa là gì. Với chừng ấy cái hại thấy được ngay trước mắt, việc chính quyền loại bỏ toà án ra khỏi vụ việc này là điều dễ hiểu.
Nhưng sự ngăn cản của chính quyền không phải là hòn đá ngáng đường duy nhất, khiến cho đường ra toà trở thành cuộc vạn lý trường chinh.
Sự im lặng của báo chí chính thống gieo vào lòng xã hội một nỗi sợ hãi và ngờ vực. Ít có người dân bình thường nào biết đến vụ việc này, chứ đừng nói đến việc ủng hộ những người khiếu kiện hay giám sát hành xử của Formosa và chính quyền.
Không những thế, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân và VnExpress đều đưa tin một chiều theo hướng bất lợi cho đoàn khiếu kiện, mà không phỏng vấn họ để đối chiếu thông tin. Sự thiên vị của báo chí dành cho nhà nước càng làm cho nhiều người dân mất thiện cảm với đoàn khiếu kiện hơn.
Sự im lặng của hơn 500 đại biểu Quốc hội trước vụ kiện này là một hòn đá ngáng đường khác. 13 đại biểu Quốc hội của tỉnh Nghệ An, với những Nguyễn Đắc Vinh, Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão, tuyệt đối không có ý kiến gì trong những việc họ có trách nhiệm phải lên tiếng.
Toà án là người gác đền thờ Công Lý, chốt chặn cuối cùng về mặt thể chế trước khi một xã hội đổ vỡ niềm tin.
Toà án là chiếc van áp suất, là lối thoát giải quyết những xung đột xã hội, đưa xã hội về trạng thái yên ổn và hài hoà.
Hơn tất cả, toà án là con đường giải quyết xung đột bằng phương pháp hoà bình, phi bạo lực.
Chặn cửa toà chỉ đẩy người dân ra đường. Thao túng toà án, biến toà án thành công cụ chính trị của mình cũng chỉ đẩy người dân ra đường. Mà luật của đường phố thì rất khác với luật của toà.
Lịch sử sẽ gọi tên những kẻ phong toả con đường đến toà là thủ phạm tạo ra bất ổn xã hội.