Hạ viện Anh đã ‘thông qua’ Brexit? Chưa. Cùng tìm hiểu quy trình làm luật của Anh.

Hạ viện Anh đã ‘thông qua’ Brexit? Chưa. Cùng tìm hiểu quy trình làm luật của Anh.
Dự luật Brexit lại quay về Hạ viện Anh cho những màn tranh cãi nảy lửa khác (Ảnh: Reuters)

Một siêu đa số hạ nghị sỹ Anh bỏ phiếu thuận cho Brexit đêm qua (1/2) không có nghĩa là Brexit đã được thông qua. Câu chuyện phức tạp và dài dòng hơn thế.

Hạ viện Anh đã quyết gì hôm qua?

Ngày 24/01, Tối cao Pháp viện Anh tuyên rằng, Nghị viện phải bỏ phiếu thông qua quyết định cho phép chính phủ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động quá trình rời EU (Brexit) của Liên hiệp Anh. Trước đó, chính phủ cương quyết rằng họ có thể kích hoạt điều 50 mà không phải thông qua Nghị viện.

Lắng nghe ý kiến của Tối cao Pháp viện, chính phủ đã trình ra trước Nghị viện một dự thảo luật ngắn gọn không đầy một trang giấy với nội dung Nghị viện cho phép chính phủ khởi động Brexit. Hạ viện đã dành hai ngày vừa qua để thảo luận dự thảo luật này trước khi tiến hành bỏ phiếu bước đầu.

Giây phút công bố kết quả bỏ phiếu bước đầu dự luật khởi động Brexit tại Hạ viện Anh. Ảnh: news.images.itv.com.

Tối ngày hôm qua 01/02, sau nhiều giờ tranh luận với nhiều phát biểu hùng hồn và những màn trao đổi ‘nảy lửa’ giữa các hạ nghị sỹ, phản ánh đa chiều các ý kiến về việc có nên tiến hành Brexit hay không, 498 hạ nghị sỹ đã bỏ phiếu cho phép dự thảo luật khởi động Brexit được tiếp tục thảo luận chi tiết trong khi 114 hạ nghị sỹ bỏ phiếu chống.

Ở đây cần phân biệt rõ ràng: 498 phiếu thuận của các nghị sỹ không có nghĩa là dự thảo luật khởi động Brexit đã được Hạ viện thông qua hoàn toàn.

498 phiếu thuận này cho phép dự thảo luật được tiếp tục kiểm tra và thảo luận tiếp tại Hạ viện. Bước tiếp theo trong quy trình của Hạ viện là thảo luận trong ủy ban công luật (committee stage).

Một ủy ban công luật (public bill committee) bao gồm một nhóm thành viên có chọn lọc của Hạ viện (tối thiểu 16 người, tối đa 50 người với tỷ lệ đại diện các đảng phái trong ủy ban này phải phản ánh tương ứng tỷ lệ các đảng phái bên trong Hạ viện Anh hiện tại).

Ủy ban này sẽ kiểm tra kỹ từng câu chữ trong dự thảo luật, thảo luận và tiếp nhận có chọn lọc một số ý kiến chuyên gia, nghiên cứu phản biện từ công chúng. Ủy ban sẽ xem xét có chọn lọc một số đề xuất thay đổi, thêm bớt nội dung dự luật do các hạ nghị sỹ đề xuất. Cuối cùng, các thành viên ủy ban bỏ phiếu chấp thuận hay không các đề xuất thay đổi đó.

Phiên bản dự luật cuối cùng với các thay đổi, nếu có, sẽ được ủy ban báo cáo chi tiết với toàn bộ Hạ viện. Nghe báo cáo chi tiết này xong, Hạ viện lại thảo luận tiếp và sau cùng là bỏ phiếu thông qua.

Quy trình duyệt dự luật khởi động Brexit của Nghị viện Anh. Ảnh: services.parliament.uk.

Theo thời gian biểu định sẵn, ủy ban công luật chịu trách nhiệm về dự luật khởi động Brexit sẽ làm việc vào hai ngày 06 và 07/02. Ủy ban sẽ báo cáo cho Hạ viện thảo luận và bỏ phiếu trong ngày 08/02 tới.

Chính tại bước thảo luận trong ủy ban công luật, các thành viên Hạ viện có thể tác động để thay đổi nội dung dự thảo luật khởi động Brexit. Những ai muốn cho Nghị viện kiểm soát việc thương lượng Brexit nhiều hơn, hay muốn đảm bảo các nội dung phải có trong thương lượng sẽ là gì, đều có thể chủ động trình đề xuất thay đổi dự luật cho ủy ban công luật xem xét.

Lãnh đạo Công đảng Anh ông Jeremy Corbyn đã cho biết là việc đề xuất các thay đổi vào dự luật chính là “nghị trình thật sự” của Công đảng. Theo ông Corbyn, Công đảng Anh muốn đảm bảo rằng việc thương lượng Brexit sẽ không xem nhẹ các vấn đề về công ăn việc làm, mức sống của người dân, và trách nhiệm giải trình của chính phủ.

Việc Brexit ‘mềm’ hay ‘cứng’, và trong chừng mực nào, sẽ là vấn đề được chú trọng tại bước thảo luận trong ủy ban công luật Hạ viện.

Việc chính phủ của bà Theresa May ngày hôm nay cho công bố sách trắng trình bày chi tiết các kế hoạch thương lượng Brexit của chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các hạ nghị sỹ nhìn thấy rõ ràng hơn các vấn đề cần được phản biện, điều chỉnh.

Ý nghĩa của một siêu đa số ban đầu

Con số 498 phiếu thuận nói trên có một sức ảnh hưởng lớn trong việc định hình quá trình làm luật sắp tới của Nghị viện Anh.

Sau Hạ viện, dự luật khởi động Brexit phải được Thượng viện thông qua. Thượng viện không có quyền phủ quyết các dự thảo luật đã Hạ viện thông qua trừ một số trường hợp đặc biệt. Dự luật khởi động Brexit không nằm trong số trường hợp đặc biệt này. Cùng lắm, Thượng viện chỉ có thể trì hoãn việc thông qua một dự luật trong một khoảng thời gian tối đa là 2 năm.

Kết quả bỏ phiếu với siêu đa số ủng hộ việc dự luật khởi động Brexit được tiếp tục thảo luận tại Hạ viện là một tín hiệu rất quan trọng và mạnh mẽ gửi đến cho Thượng viện Anh. Gần như chắc chắn là Thượng viện không thể trì hoãn dự luật khởi động Brexit quá lâu khi nó đã được ủng hộ mạnh mẽ đến thế ở Hạ viện.

Các thượng nghị sỹ Anh không phải là do người dân Anh bầu ra, do đó họ có thể là những con người tư duy độc lập hơn, ít chịu áp lực từ cử tri hơn. Tuy nhiên rất ít khả năng họ có thể quyết định đi ngược lại, hay trì hoãn việc thực hiện ý chí dân chủ của người dân Anh, đặc biệt khi mà ý chí dân chủ đó đã được truyền đạt trực tiếp từ chính người dân (thể hiện qua kết quả trưng cầu dân ý ngày 24/06 năm ngoái) và nay bước đầu chuyển hóa thành ý chí lập pháp của Hạ viện (thể hiện sắc nét qua kết quả bỏ phiếu nói trên).

Thượng viện Anh cũng sẽ kiểm tra và thảo luận dự luật khởi động Brexit với quy trình tương đương như tại Hạ viện. Tuy nhiên, tại bước thảo luận tương ứng với bước thảo luận trong ủy ban công luật của Hạ viện, tại Thượng viện sẽ không có một ủy ban đặc biệt làm công tác này. Mọi thượng nghị sỹ đều có thể cùng tham gia kiểm tra, bàn thảo dự luật, đề xuất các thay đổi có thể có và bỏ phiếu chấp thuận hay không các đề xuất thay đổi này.

Phiên bản dự thảo luật với các đề xuất thay đổi do Thượng viện đưa ra vẫn phải được Hạ viện đồng thuận trước khi bản dự luật đó được chính thức thông qua tại Nghị viện.

Bạn đọc có thể theo dõi tiến trình thông qua dự luật khởi động Brexit tại đây.

Bài liên quan: 

Tối cao Pháp viện: Anh chỉ có thể rời EU nếu Nghị viện Anh cho phép
Tòa Anh chặn đứng Brexit: lập luận của các bên
Hai người Anh thách thức Brexit trong vụ kiện vô tiền khoáng hậu
Brexit: Thất bại của nền dân chủ Anh
Hậu Brexit – Kỳ 1: Dân chủ trực tiếp đã thất bại hơn 2000 năm trước như thế nào?
Hậu Brexit – Kỳ 2: Lằn ranh dân chủ và độc tài số đông

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.