Hạ viện Anh thông qua Brexit. Triển vọng Brexit ‘cứng’ gần như chắc chắn.

Hạ viện Anh thông qua Brexit. Triển vọng Brexit ‘cứng’ gần như chắc chắn.

Ngày 08/02, Hạ viện Anh đã chính thức thông qua dự luật Brexit với nội dung y nguyên như chính phủ đề xuất. Dự luật này sẽ cần chờ Thượng viện thông qua trước khi có hiệu lực.

Bài trước: Hạ viện Anh đã ‘thông qua’ Brexit? Chưa. Cùng tìm hiểu quy trình làm luật của Anh.

Giờ chia tay đã đến? Ảnh: WSJ.

Tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện Anh

Ngày 01/02 vừa qua, 498 trên 612 nghị viên tại Hạ viện Anh đã bỏ phiếu cho phép dự thảo luật khởi động Brexit được tiếp tục thảo luận chi tiết.

Tại bước tiếp theo là thảo luận trong ủy ban công luật (committee stage), vì dự thảo luật Brexit có mức độ quan trọng mang tính hiến pháp và chính trị cao (constitutionally and politically important).

Đồng thời, nhằm bảo đảm việc thông qua dự luật này được tiến hành nhanh chóng, việc kiểm tra nội dung dự luật đã được tiến hành bởi toàn bộ các thành viên Hạ viện (whole house) thay vì được ủy nhiệm cho một ủy ban công luật chuyên trách (public law committee).

Trong ba ngày 06, 07, và 08/02, Hạ viện Anh đã dành phần lớn thời gian thảo luận các đề xuất sửa đổi, thêm bớt nội dung dự luật Brexit do các hạ nghị sỹ đề nghị. Từng đề xuất thay đổi được thay phiên nhau đưa ra cho Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ hay không.

Ngày 08/02, sau khi toàn bộ các đề xuất sửa đổi đã bị đa số các thành viên Hạ viện từ chối, bằng một đa số phiếu 494 phiếu ủng hộ và thiểu số 122 phiếu chống, Hạ viện đã chính thức thông qua dự luật Brexit với nội dung y nguyên như chính phủ Anh đã đề xuất.

Dự luật Brexit bây giờ sẽ được đưa lên Thượng viện Anh để các thượng nghị sỹ kiểm tra và đề xuất sửa đổi.

Bước tiếp theo là Thượng viện (House of Lords). Ảnh: services.parliament.uk. 

Một số đề xuất sửa đổi dự luật bị từ chối tại Hạ viện

Bên cạnh rất nhiều đề xuất được thảo luận nhưng không được chọn để bỏ phiếu, có thể kể đến một số đề xuất sửa đổi nội dung dự luật quan trọng bị đa số thành viên Hạ viện từ chối:

Đề xuất số hiệu NC3: Nội dung bắt buộc chính phủ Anh phải báo cáo định kỳ (mỗi hai tháng) tình hình thương lượng Brexit cho Nghị viện. Đề xuất này bị từ chối bằng một đa số 333 phiếu so với 284 phiếu ủng hộ.

Đề xuất số hiệu NC4: Nội dung bắt buộc chính phủ Anh khi thương lượng các điều khoản Brexit thì phải tham khảo ý kiến có đồng thuận của Hội đồng Bộ trưởng liên khối Liên hiệp Anh (Joint Ministerial Committee) bao gồm bộ trưởng các nước thành viên Liên hiệp (Anh, Scotland, Wales, và Bắc Ireland). Đề xuất này bị từ chối bằng một đa số 333 phiếu so với 276 phiếu ủng hộ.

Đề xuất số hiệu NC5: Nội dung bắt buộc Bộ Tài chính Anh phải trình bày cho Nghị viện Anh báo cáo đánh giá tác động (impact assessment) của Brexit lên Liên hiệp Anh trước khi chính phủ gửi thông báo kích hoạt Brexit. Đề xuất này bị từ chối bằng một đa số 337 so với 281 phiếu ủng hộ.

Đề xuất số hiệu NC110: Nội dung bắt buộc chính phủ chỉ có thể ký kết các điều khoản Brexit với EU sau khi các điều khoản này đã được Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ. Đề xuất này bị từ chối bằng một đa số 326 phiếu so với 293 phiếu ủng hộ.

Đề xuất số hiệu NC180: Nội dung tạo điều kiện cho Liên hiệp Anh ở lại EU trong trường hợp Nghị viện không đồng ý với nội dung các điều khoản trong thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh đạt được với EU. Đề xuất này bị từ chối bằng một đa số 336 phiếu so với 88 phiếu ủng hộ.

Có thể thấy các nỗ lực làm luật để tạo cơ chế kiểm soát quá trình thương lượng và nắm quyền quyết định nội dung thỏa thuận Brexit của một số nhóm hạ nghị sỹ Anh đã không thành công. Quyết tâm ‘dứt áo’ với EU đã nhiều lần nữa được khẳng định, đặc biệt qua con số rất ít hạ nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ một sửa đổi cho phép đảo ngược Brexit như đề xuất sửa đổi số hiệu NC180.

Trong trường hợp đề xuất số hiệu NC110 về kiểm soát của Nghị viện lên nội dung thỏa thuận Brexit, các thành viên chính phủ Anh đã buộc phải “xin thề, xin hứa, xin bảo đảm” rất nhiều với Hạ viện để có thể thuyết phục một nhóm đa số hạ nghị sỹ bỏ phiếu từ chối đề xuất sửa đổi này.

Lời hứa “lá phiếu ý nghĩa” của chính phủ Anh

Bên cạnh lời hứa trước đó của đích thân Thủ tướng Therasa May, Thứ trưởng phụ trách Brexit David Jones cũng đã phải đăng đàn để khẳng định lại lần nữa là Hạ viện sẽ có được một ‘lá phiếu ý nghĩa‘ (‘meaningful vote’) chấp nhận hay không bản thỏa thuận Brexit. Sau khi Hạ viện đã quyết định, bản thỏa thuận Brexit đó mới được trình cho EU để các nước thành viên EU bỏ phiếu thông qua.

Một số hạ nghị sỹ, ví dụ lãnh đạo Công đảng, ông Jeremy Corbyn, xem việc buộc được phía chính phủ phải hứa cho Hạ viện ‘lá phiếu ý nghĩa‘ mang tính quyết định này là một chiến thắng. Tuy nhiên một số hạ nghị sỹ khác lại không hài lòng với chỉ những lời hứa của các quan chức chính phủ. Với các hạ nghị sỹ này, việc ‘luật hóa’ quyền kiểm soát lên nội dung thỏa thuận Brexit một cách chắc chắn thì có ý nghĩa thực tế hơn.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng lời hứa ‘lá phiếu ý nghĩa‘ của chính phủ thật ra lại đưa Nghị viện vào một thế ‘trên đe dưới búa’ chả tốt đẹp gì. Thứ trưởng David Jones nói rằng, trong ‘lá phiếu ý nghĩa‘ kia, Hạ viện sẽ có một lựa chọn giữa việc rời EU với một thỏa thuận qua thương lượng, hay rời EU mà không có một thỏa thuận nào cả.

Như vậy, ý của phía chính phủ có vẻ là nếu Hạ viện từ chối nội dung thỏa thuận Brexit do chính phủ đề xuất, và không có một thỏa thuận Brexit khác được đưa ra trước khi hết thời hạn 2 năm kể từ ngày gửi thông báo kích hoạt quá trình rời EU, Liên hiệp Anh sẽ tự động rời EU mà không có một thỏa thuận nào quy định mối quan hệ mới với EU.

Khi đó, Liên hiệp Anh sẽ tự động trở lại vị trí ban đầu khi chưa từng là thành viên EU, và được cho là sẽ buộc phải đối mặt với rất nhiều điều rắc rối và bất định lớn về kinh tế.

Nói cách khác, Hạ viện sẽ bị buộc phải đồng ý với bản thỏa thuận Brexit của chính phủ (cho dù các hạ nghị sỹ có không hài lòng với nội dung bản thỏa thuận đó) nếu Hạ viện không muốn bị xem là lý do Liên hiệp Anh rời EU theo một cách rắc rối và bất định.

Triển vọng Brexit ‘cứng’ ngày càng chắc chắn

Như đã thể hiện qua bài phát biểu ngày 17/01 của Thủ tướng Anh, bà Theresa May, và qua Sách trắng trình bày chi tiết chính sách Brexit của chính phủ, Liên hiệp Anh sẽ chọn Brexit ‘cứng’: từ bỏ tư cách thành viên EU một cách triệt để, rời Thị trường chung Châu Âu (European Single Market) và Liên minh thuế quan Châu Âu (EU Customs Union).

Mưa có thuận, gió có hòa cho Brexit? Ảnh: uk.businessinsider.com. 

Đặt giả định dự luật Brexit cũng được Thượng viện thông qua và vẫn không có một hình thức kiểm soát, níu kéo hiệu quả nào được đưa vào dự luật này (bất kỳ sửa đổi gì của Thượng viện cũng phải được Hạ viện đồng thuận, và giờ có rất ít lý do để Thượng viện dây dưa vấn đề Brexit), chính phủ Anh sẽ được phép gửi thông báo kích hoạt quá trình rời EU và có toàn quyền kiểm soát quá trình thương lượng.

Bản thỏa thuận Brexit sau khi thương lượng với EU mà chính phủ sẽ trình cho Hạ viện như thế gần như chắc chắn sẽ là một bản thỏa thuận cho Brexit ‘cứng’. Nếu Hạ viện từ chối bản thỏa thuận này và không có một thỏa thuận nào khác đạt được trước khi hết thời hạn 2 năm thì, như đã giải thích ở trên, Liên hiệp Anh cũng tự động rời EU bằng một Brexit ‘cứng’ không qua thỏa thuận.

Bài liên quan: 

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.