Tòa Nhân quyền Châu Âu: Quốc hội không được cấm cửa nhà báo

Tòa Nhân quyền Châu Âu: Quốc hội không được cấm cửa nhà báo

Không thể “cấm cửa” các ký giả khỏi Quốc hội là một phán quyết mới đây của Tòa án Nhân quyền Châu Âu có trụ sở tại Strasbourg (Pháp), để trả lời việc cơ quan lập pháp Macedonia cách đây hơn bốn năm đã cho “trục xuất” sáu nhà báo khỏi một phiên họp của nghị viện nước này.

Lời lý giải được đưa ra, là không thể chấp nhận việc các nhà báo không được tác nghiệp tại những khu vực đang diễn ra những sự kiện mà công luận quan tâm, ngoại trừ nếu tại đó xảy ra hiểm nguy gì trong thực tế có thể đe dọa tính mạng giới ký giả hoặc an ninh công cộng.

Một phiên xét xử của Toà Nhân quyền Châu Âu ở Pháp. Ảnh: Today Online.

Macedonia: Tống cổ ký giả để tránh phiền hà

Câu chuyện diễn ra vào tháng 12/2012, khi Quốc hội Macedonia có phiên họp tranh luận về ngân sách quốc gia, và một cuộc cãi lộn dữ dội đã diễn ra giữa các nghị sĩ phe chính phủ và đối lập, dẫn tới việc một nhóm dân biểu đối lập tìm cách phá quấy buổi họp.

Khi đó, chủ tọa phiên họp “cầu viện” đến chính quyền, và kết quả là không chỉ các nghị sĩ đối lập, mà các nhà báo tác nghiệp tại hiện trường, dù không can dự gì, cũng bị áp tải ra khỏi tòa nhà. Cảm thấy oan ức, sáu ký giả đã đệ đơn kiện lên tòa Macedonia, tuy nhiên đơn của họ bị bác ở các cấp.

Rốt cục, Tòa Strasbourg là nơi thụ lý đơn kiện nhà nước Macedonia của nhóm nhà báo. Theo họ, do bị tống khỏi tòa nhà Quốc hội bằng vũ lực, những lợi ích công cộng đã bị vi phạm, vì người sử dụng truyền thống không được tiếp cận những thông tin quan trọng, bên cạnh đó, quyền tự do ngôn luận của giới ký giả cũng bị vi phạm.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu đặt trụ sở tại Strasbourg (Pháp) là một tòa án được thành lập để giám sát việc thực hiện Công ước Châu Âu về Nhân quyền, hay còn gọi là Công ước về sự bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, được Ủy hội Châu Âu thông qua ngày 4/11/1950 tại Rome (tất cả 47 quốc gia thành viên đều gia nhập Công ước này).
 
Tòa Strasbourg là một định chế siêu quốc gia, được xem như là một cấp tòa cuối cùng, xét xử những vụ việc mà tại đó, một quốc gia ký kết Công ước Châu Âu về Nhân quyền bị tố cáo vi phạm nhân quyền của cư dân nước đó. Điều kiện mà một cá nhân có thể đưa vụ việc của mình lên Tòa Strasbourg, là trước đó đương sự đã trải qua tất cả các cấp tòa trong nước.

Phán quyết của Tòa Strasboug đồng tình với quan điểm này và khẳng định, do bị cản trở tác nghiệp tại hiện trường nên các nhà báo không có cơ hội nắm bắt những sự kiện trong nghị trường từ nguồn thông tin trực tiếp. Và do vậy, người dân cũng bị cản trở trong việc tiếp cận thông tin.

Được biết, đại diện pháp luật cho nhóm ký giả Mecedonia trong vụ kiện này là Tổ chức bảo vệ pháp lý cho giới truyền thông (Media Legal Defence Initiative – MDLI) và Media Development Center.

MLDI cho rằng, nhiều nước trên thế giới có hiện tượng chính quyền dùng đủ mọi cách để ngăn chặn các nhà báo tường thuật tại Quốc hội. Và theo nhận xét của báo chí, tuy chưa phải là một phán quyết mang tính tiền lệ, mà chỉ mới ứng với một vụ việc cụ thể tại Mecedonia, nhưng quyết định vừa rồi của Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg cũng là một lời cảnh cáo cho vấn nạn đó.

Hungary: Trừng phạt nhà báo vì “hỏi khó” dân biểu

Phán quyết kể trên của Tòa Strasbourg càng mang tính thời sự tại Hungary, nơi những năm gần đây, việc “cấm cửa” các nhà báo đã trở nên chuyện thường nhật, để trừng phạt những ai “dám” đặt những câu hỏi hóc búa và khó xử cho các nghị sĩ phe cầm quyền, vốn chiếm tỷ lệ áp đảo trong Quốc hội nước này trong hơn sáu năm qua.

Hàng loạt nhà báo của các trang mạng như index.hu, 24.hu, của các tờ báo uy tín như nhật báo lớn nhất “Tự do Nhân dân” (hiện đã bị “bức tử” và nhiều người cho là có bàn tay chính quyền trong vụ này) và “Tuần báo Kinh tế Thế giới”, hoặc của kênh truyền hình thương mại hàng đầu RTL Klub đã bị đưa vào “sổ đen” và không được tác nghiệp trong các phiên họp Quốc hội Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán trả lời phỏng vấn báo chí tháng 10/2016. Ảnh: AP.

Điều trớ trêu là 444.hu, mạng tin đầu tiên của Hungary đưa tin về chiến thắng của nhóm ký giả Mecedonia tại Tòa Strasbourg đồng thời cũng là một cơ quan báo chí mà toàn thể ban biên tập đều bị cấm tác nghiệp tại Quốc hội Hung, nên họ đã không có cơ hội chất vấn đại diện phe cầm quyền trong những vấn đề nổi cộm nhất.

Thông thường, một lệnh cấm như vậy thường được Chủ tịch Quốc hội đưa ra với lý do giới nhà báo hay “quấy nhiễu” các dân biểu bằng cách vặn hỏi họ tại những nơi không được phép. Ngược lại, các ký giả thì cho rằng, chính phủ Hungary hầu như đã biến cả khuôn viên tòa nhà Quốc hội khổng lồ của nước này thành một thứ “Tử Cấm Thành” đối với truyền thông.

Nhiều cơ quan báo chí Hungary đã ghi nhận những hình ảnh đáng xấu hổ, khi các nghị sĩ liên minh cầm quyền gần như trốn chạy trước câu hỏi chất vấn của giới ký giả, và lẩn vào những khu vực mà theo quy định của Quốc hội, họ được “bất khả xâm phạm” trước truyền thông.

Tuy nhiên, nhiều nhà báo, nhiều tờ báo đã chấp nhận việc có thể bị phạt và “cấm cửa”, đã rượt đuổi các vị nghị sĩ và thực hiện nhiệm vụ của mình – đưa tin tới người dân, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của công luận – ngay tại những địa điểm mà họ bị cấm đoán tác nghiệp trong tòa nhà Quốc hội.

Bởi lẽ, theo họ, quyền được biết của người dân về những vấn đề trọng đại của đất nước phải được đặt lên vị trí cao nhất, hơn những quy định mà theo họ, đã được chính quyền đưa ra một cách “xảo quyệt” nhằm ngăn cản họ tác nghiệp một cách đường hoàng trong Nhà Quốc hội Hungary.

Hỏi khó là nhiệm vụ của nhà báo

Đó là quan niệm của nhóm nhà báo Hungary bị cấm tác nghiệp vô thời hạn tại Quốc hội Hung vào hôm 25/4 năm ngoái, và hiện đang đưa vụ việc này lên Tòa Bảo hiến, cũng như Tòa án Nhân quyền Châu Âu, với sự hỗ trợ pháp luật của Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ), một tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền nổi tiếng ở Hung.

TASZ khẳng định rằng họ đại diện về pháp luật cho sáu ký giả thuộc năm cơ quan báo chí khác nhau mà không lấy thù lao trong vụ này, vì cảm thấy việc Chủ tịch Quốc hội Hungary đưa ra những chỉ thị nhằm hạn chế các phóng viên tác nghiệp ở nghị viện – và căn cứ vào đó để cấm đoán họ – là sự vi phạm quyền tự do báo chí một cách bất hợp hiến.

Nhiệm vụ của truyền thông là đưa tin cho người dân về những sự kiện chính trị, xã hội mà công luận quan tâm, thế nên giới báo chí phải được tạo điều kiện tác nghiệp ở mức tối đa. Tự do báo chí là một quyền cơ bản mà chỉ có thể hạn chế trong những trường hợp hết sức có lý do, chứ không thể làm theo cách của Quốc hội Hungary: cấm ký giả làm việc tại đa số các địa điểm trong tòa nhà nghị viện, theo TASZ.

Thêm nữa, cũng theo TASZ, hạn chế một quyền cơ bản là điều phải được ấn định trong luật, căn cứ kinh nghiệm thực hành của Hiến pháp và Tòa Bảo hiến trong nhiều năm, chứ không thể do Chủ tịch Quốc hội “ngẫu hứng” ra chỉ thị, và đó là điều vi hiến vì nó không thuộc thẩm quyền và chức năng của vị này.

Và cuối cùng, TASZ nhấn mạnh rằng, lý do được đưa ra để cấm đoán giới ký giả – do họ “muốn cưỡng bức các nghị sĩ phải trả lời phỏng vấn ở địa điểm và thời điểm không thích hợp, hoặc muốn đặt các nghị sĩ vào cảnh khó xử” – là điều hết sức vô lý, bởi lẽ, nhiệm vụ của báo chí chính là giám sát những kẻ sở hữu quyền lực.

Vì vậy, nếu một dân biểu cảm thấy khó xử vì bị “hỏi khó”, thì lỗi ở chính họ, chứ không phải ở người đặt câu hỏi, nhất là khi người đặt câu hỏi là những phóng viên chỉ làm nhiệm vụ của mình là đưa tin tới đại chúng. Và việc trong một tòa nhà nghị viện diện tích 17.745 m2, mà giới báo chí chỉ có một hành lang 50m để tác nghiệp, chính là sự “bịt miệng” họ một cách hợp thức vì không gì bắt buộc các chính khách phải vãng lai qua đó…

(Tổng hợp từ index.hu, 444.hu)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.