Tư duy án lệ ra đời tại Anh như thế nào?

Tư duy án lệ ra đời tại Anh như thế nào?

Án lệ là các nguyên tắc xử án, các phương cách phân định tranh chấp và giải quyết vấn đề pháp lý được đúc kết từ thực tiễn xử lý một số vụ việc nhất định. Các nguyên tắc, phương cách này sau đó được hệ thống lại thành các ‘tiền lệ’ góp phần giúp cho các vụ việc tương tự sẽ xảy ra trong tương lai được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi hơn. 

Khi áp dụng tư duy án lệ, các thẩm phán nhìn vào các ‘tiền lệ’ đã có, áp dụng các nguyên tắc, phương cách từ những ‘tiền lệ ‘đó, một cách chọn lọc và có phương pháp bài bản, vào các vụ việc mới vốn có tình tiết giống hay gần giống với các vụ việc ‘tiền lệ’.

Tư duy án lệ phát triển mạnh nhất tại các quốc gia theo hệ thống Thông luật (Common Law). Trong hệ thống Thông luật, theo truyền thống từ thời xa xưa, luật pháp được hình thành và phát triển chủ yếu qua con đường tòa án, hơn là thông qua các bộ luật do một nhà nước trung ương ban hành.

Dưới đây là bản đồ phân bổ các hệ thống pháp luật trên thế giới (Wikipedia). Các nước theo Thông luật có màu đỏ nhạt.

Tư duy án lệ đã không còn lạ lẫm với Việt Nam. Ngày 6 tháng 4 năm 2016, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-CA công bố 6 án lệ sẽ được áp dụng vào việc xử án trong nước.

Vậy thì tư duy án lệ có nguồn gốc từ đâu? Mọi thứ bắt đầu từ vương quốc Anh, thế kỷ thứ 11.


Có thể đánh dấu khởi nguồn của tư duy án lệ trong Thông luật Anh từ thời Vua William I. Vị vua người Norman từ miền Normandy nước Pháp này dẫn các binh đoàn kỵ binh thiện chiến của ông vào xâm lược Anh quốc năm 1066. Ông mang vào Anh quốc hệ thống nhà nước phong kiến tập quyền xứ Normandy. Hệ thống này nhiều phần bài bản và tập trung quyền lực mạnh mẽ hơn hệ thống phong kiến của các thế hệ vua Anh trước đó. (Ảnh: North Wind Picture Archives – Alamy.com)

Vương quốc Anh mà vua William I chiếm được không hẳn là một vương quốc thống nhất với một dân tộc đồng nhất. Vương quốc bao gồm nhiều lãnh địa với các vị lãnh chúa cát cứ. Trong lãnh thổ vương quốc có người Anh, người Saxon, người Celt, người gốc Đan Mạch, người Viking v.v. Mỗi cộng đồng người này lại có tiếng nói, tập tục và luật lệ riêng của họ.

Các vị quan quân người Norman nói tiếng Pháp của vua William I nhận ra ngay vấn đề của họ: để gom tất cả giang sơn về một mối, họ phải ‘nắm đằng chuôi’, và phải biết lôi kéo dân chúng bằng nhiều biện pháp nữa chứ không thể chỉ bằng sức mạnh quân sự. (Ảnh: stedmundsburychronicle.co.uk)

Các vương triều Norman kể từ đời vua William I dồn sức vào công cuộc tập trung quyền lực tại Anh thông qua hai công tác điển hình: Thống nhất sổ sách thuế khóa, ghi chép dữ liệu về vương quốc (để đảm bảo việc thu thuế); và Thống nhất hệ thống công lý vương quốc về tay vua.

Các tòa án của vương triều được lập ra để xử lý tội phạm, tranh chấp dân sự, đơn từ kiện tụng từ khắp mọi nơi trên đất nước. Các pháp quan được vua bổ nhiệm ngồi trong các tòa án hoàng gia này dùng quyền lực chính danh đứng đầu lãnh thổ của vua để xử lý tội phạm, giải quyết tranh chấp, ban phát công bằng và công lý một cách tương đối cho người dân. Chính từ nhu cầu tập trung quyền lực ban phát công lý vào tay nhà vua này mà nhu cầu phải có một hệ thống luật chung, thống nhất trên toàn vương quốc mới hình thành. (Ảnh: spartacus-educational.com; medievalists.net)

Thông luật (Common Law) chính là hệ thống luật chung (bản thân từ ‘Common’ có thể hiểu trực nghĩa nhất là ‘của chung’, ‘của toàn vương quốc’), mang tính thống nhất mà các vị vua Norman cần phải có. Các đời vua tiếp theo sau vua William I tiếp tục xây dựng hệ thống tòa án hoàng gia của họ. Các tòa án hoàng gia này phải tranh giành quyền lực và niềm tin công chúng với các tòa án nhà thờ, tòa án địa phương, tòa án cộng đồng v.v. Quá trình xây dựng Thông luật tại Anh theo đó nhiều lẽ chính là quá trình tranh đấu của các vị vua quan người Norman nhằm đem ‘phép vua’ vượt lên trên ‘lệ làng’  (Ảnh: wikimedia.org)

Người Norman là một dân tộc thượng võ, mạnh tư duy thực tế. Khả năng xây dựng và quản trị vương quốc nổi tiếng tài ba của người Norman phần nhiều đến từ bản tính sẵn sàng hòa nhập, sẵn sàng thích ứng với văn hóa và môi trường bản địa của họ. Vừa vun đắp cho Thông luật, vừa phải xử lý hàng sa hàng số các vụ việc đủ mọi sắc màu từ khắp nơi trên vương quốc, các vị vua quan người Norman buộc phải tận dụng tối đa tư duy thực tế (nhìn việc mà xử; việc tới đâu xử tới đó; tin tưởng và tận dụng kinh nghiệm có từ trước), đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần hòa nhập với bản địa của họ. (Ảnh: wikipedia.org)

Một mặt, các tòa án hoàng gia Norman liên tục khẳng định quyền lực tối đa của vương triều: Công lý là cái gì ở Anh chỉ có tòa án của vua mới có thể quyết định. Mặt khác, để có thể giải quyết được tranh chấp, ban phát được công lý cho người dân một cách thuyết phục, các vị pháp quan Norman chủ động tiếp thu và áp dụng có chọn lọc các luật lệ, phong tục địa phương. Đồng thời, họ đưa những luật lệ, phong tục được tôn kính và có tính phổ quát nhất vào hệ thống Thông luật của cả đất nước. Theo đó, một khối hỗn hợp bao gồm tư duy xử án thực tế cộng với việc công nhận, áp dụng các luật lệ, phong tục mang tính phổ quát, góp vào sự phát triển tư duy pháp luật của các tòa án hoàng gia Anh. (Ảnh: wikipedia.org)

Các huấn lệnh hoàng gia (royal writs) mang tính áp đặt đầy uy lực là công cụ chính yếu được các tòa án hoàng gia Anh sử dụng để ban phát công lý. Về bản chất, đây là ‘bản án’ vua ban. Nội dung ghi quyết định của vua về một hay vài vụ việc cụ thể mà vua và các pháp quan đã tìm hiểu, suy xét và ra phán quyết. Tờ giấy da mang nội dung quyết định này (viết bằng tiếng Latin) được đính kèm ấn chương của nhà vua và theo đó có giá trị thi hành tuyệt đối. Chống lại một huấn lệnh hoàng gia đơn giản là chống lại chính nhà vua Anh. (Ảnh: community.dur.ac.uk)

Công tác soạn thảo các huấn lệnh hoàng gia, cũng như tiến trình xử lý các loại vụ việc khác nhau tại các tòa án hoàng gia dần dần được chuẩn hóa thông quá nỗ lực của các pháp quan. Tác phẩm trên đây “Luận thuyết về luật lệ và phong tục của Vương quốc Anh” do pháp quan Ranulf de Glanvill đời vua Henry II biên soạn. Cuốn sách hướng dẫn tỉ mỉ về việc soạn thảo huấn lệnh hoàng gia, đồng thời ghi chép chi tiết các cải cách pháp lý của đời vua Henry I và của chính vua Henry II. Đây có thể xem là cuốn cẩm nang luật đầu tiên tại Anh. (Ảnh: Wikipedia.org)

Việc chuẩn hóa các công tác soạn thảo các huấn lệnh hoàng gia, đồng thời xây dựng một hệ thống dữ liệu ghi chép tỉ mỉ mọi huấn lệnh đã được ban hành, giúp cho công cuộc áp ‘phép vua’ dẹp ‘lệ làng’ của các pháp quan Anh trở nên bài bản hơn. Bản thân nội dung các huấn lệnh hoàng gia được đưa ra từ trước có giá trị tham khảo rất lớn với các pháp quan đời sau. Phần nhiều vì lý do tiện dụng, các pháp quan đời sau có thể áp dụng câu chữ, văn phong, tư duy pháp lý thể hiện trong một huấn lệnh hoàng gia từ đời trước để giải quyết sự vụ nhanh hơn. (Ảnh: Wikipedia.org)

Các huấn lệnh hoàng gia qua các thời kỳ hay được tập hợp vào các bộ tuyển tập huấn lệnh hoàng gia (registers of writs). Khi việc soạn thảo và ban hành luật thành văn vẫn còn chưa phát triển tại Anh, chính các bộ tuyển tập huấn lệnh hoàng gia này là hiện thân rõ ràng nhất của tư duy pháp lý của các tòa án hoàng gia Anh thời Trung cổ.

Vì thế không hề lạ chút nào khi các bộ tuyển tập này trở thành các cuốn sách ‘gối đầu giường’, ‘cần câu cơm’ của các pháp quan, thư ký tòa, luật sư – những ngành nghề pháp lý cũng đang dần hình thành và ngày càng được chuyên nghiệp hóa, nương theo sự phát triển của hệ thống luật pháp tại Anh. Nền luật pháp Anh dần thấm nhuần các thói quen: ghi chép quyết định đã đưa ra một cách có hệ thống; và áp dụng một cách thực tế các văn bản đã đưa ra từ trước, các quyết định mang tính tiền lệ. Chính các thói quen này tạo nền tảng cho tư duy án lệ hiện đại. (Ảnh: christies.com)

Có thể thấy một số đặc điểm chính của tư duy án lệ hiện đại của nền Thông luật Anh nhiều phần chính là các sản phẩm trực tiếp của công cuộc tập trung quyền ban phát công lý, đem ‘phép vua’ đến dẹp ‘lệ làng’ kéo dài khoảng 88 năm nói trên của các đời vua Norman (sau đó được tiếp quản và bồi đắp thêm bởi các vương triều không-Norman đời sau).

Tư duy thực tế, bám dữ kiện, tùy sự vụ; vừa tận dụng quyền lực áp đặt phổ quát, vừa tích hợp luật lệ, phong tục địa phương đặc thù sẵn có. Ghi chép cẩn thận, đặc biệt tin tưởng và tận dụng các ‘tiền lệ’ một cách thực dụng. Tư duy án lệ theo đó đã dần thành hình. Các bước tiến hóa tiếp theo chủ yếu là tiến hóa về phương pháp áp dụng án lệ và hình thái lưu trữ án lệ. (Ảnh: Wikipedia.org)

Sự tiến hóa của hình thức lưu trữ án lệ, từ các tuyển tập huấn lệnh hoàng gia ban đầu sang các tuyển tập án lệ thật sự hiểu theo nghĩa hiện đại, đã diễn ra nhiều phần nhờ công sức của một thẩm phán và tu sĩ đời vua Henry III, Henry de Bracton (1210-1268).

Trong tác phẩm

Sổ Tay Bracton

của mình, Bracton tập hợp khoảng 2000 án lệ từ các vụ việc ông đã xử suốt hơn 24 năm và từ lưu trữ của các tòa án hoàng gia Anh. Bracton là người tiên phong trong việc sưu tầm án lệ thành các báo cáo án lệ (tập hợp nhiều án lệ ghi chi tiết tình tiết từng vụ án cùng quyết định của tòa án, có thể kèm theo bình luận) thay vì chỉ tập hợp các huấn lệnh hoàng gia. (Ảnh: rubylane.com)

Sau khi Henry de Bracton qua đời, giới luật sư và học giả luật tại Anh bắt đầu truyền thống ghi chép các tuyển tập án lệ hay còn gọi là báo cáo luật (Law Reports). Các tuyển tập án lệ đầu tiên thường được viết bởi chính các sinh viên luật.

Các tuyển tập án lệ Anh thế kỷ 20. (Ảnh: University of Birmingham)

Ngày nay tại Anh, công tác ghi chép và lưu trữ án lệ do Incorporated Council of Law Reporting (Ủy Ban Biên Soạn Báo Cáo Luật), một tổ chức phi lợi nhuận, đảm nhiệm. (Ảnh chụp màn hình website ICLR)

Tài liệu tham khảo:

Origins of the Common Law (1966) – Arthur R. Hogue Historical Foundations Of The Common Law (1981) – S. F. Milsom

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.