Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
Người viết đã từng giới thiệu tiểu thuyết Huynh Đệ của nhà văn Dư Hoa. Nhưng đây không phải là
Bài viết nhằm trao đổi về tư duy pháp luật trong vụ sinh viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh sao chụp giáo trình không được phép. Vụ việc này là trường hợp thú vị để quan sát tư duy pháp luật ở Việt Nam vì nó xảy ra tại một cơ sở đào tạo luật lớn, và nhiều thành viên của cộng đồng hành nghề luật đã công khai thể hiện ý kiến của mình. Nội dung bài viết dựa trên các thông tin thu thập được từ báo chí, truyền hình, và mạng xã hội.
Trước hết, ‘tư duy pháp luật’ trong bối cảnh của bài viết này được hiểu là cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, cách lập luận, và phản ứng của một người, hoặc cộng đồng những người được đào tạo chuyên môn về ngành luật đối với vụ việc. Bài viết sẽ không phân tích thái độ của những người bình thường đối với pháp luật (tư duy tuân thủ pháp luật) mà chỉ liên hệ khi cần thiết.
Tóm tắt vụ việc:
Sinh viên N.T.N.A mang vào trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh bản sao của 8 cuốn giáo trình khác nhau. Nhân viên bảo vệ phát hiện ra hành vi này, và trường đã áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học một năm với sinh viên.
Sau khi vụ việc được đưa lên báo chí, trường đã giảm mức kỷ luật xuống cảnh cáo trước sức ép của dư luận. Đây có thể coi là ví dụ về sự thành công của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc bênh vực một đối tượng yếu thế.
Những người tham gia phát biểu ý kiến về vụ việc có thể được chia làm hai nhóm: nhóm những người không làm trong ngành luật (có thông tin về vụ việc qua kênh báo chí, truyền hình, mạng xã hội); và nhóm những người làm trong ngành luật, bao gồm người có chức vụ (Hiệu trưởng nhà trường, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh), giảng dạy luật, hoặc hành nghề luật (thẩm phán, luật sư).
Các ý kiến cũng có thể được chia thành hai nhóm cơ bản: nhóm bảo vệ/bênh vực quyết định của nhà trường, và nhóm bênh vực sinh viên.
Lý do cơ bản của nhóm bảo vệ/bênh vực quyết định của trường là: sinh viên đã vi phạm nội quy của nhà trường và pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Lý do cơ bản của nhóm bênh vực sinh viên là: khả năng kinh tế của sinh viên (nghèo), thực trạng sao chép tác phẩm bừa bãi ở Việt Nam, và quy trình xử lý không phù hợp (ví dụ trường đại học không phải là toà án, và không có thẩm quyền trong việc xử lý “vi phạm pháp luật”).
Một số ý kiến cũng đưa ra câu hỏi (chưa có câu trả lời) về thẩm quyền của trường trong việc xử lý vi phạm, quy trình xử lý vi phạm, ranh giới giữa việc vi phạm quyền kinh tế của người khác và quyền được học tập của sinh viên.
Bài viết thử phân tích cách hiểu của các nhóm đối với pháp luật nói chung, luật bản quyền nói riêng, và ảnh hưởng của cách hiểu này tới việc ra quyết định/nêu ý kiến của họ.
***
Thông cáo báo chí và phát biểu của Hiệu trưởng nhà trường trên truyền hình quốc gia nêu rõ: việc xử lý kỷ luật nhằm “giúp sinh viên nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là đối với sinh viên ngành luật – những người trong tương lai có thể trở thành những người bảo vệ, thực thi công lý”.
Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuổi Trẻ.Tuy nhiên, kiến giải cụ thể của nhà trường về vi phạm nội quy của nhà trường và pháp luật của nhà nước là không đồng nhất mà thay đổi vì sức ép của dư luận. Quyết định giảm mức độ kỷ luật “căn cứ vào thái độ biết lỗi, sửa lỗi, mong muốn học tập và hoàn cảnh khó khăn của sinh viên” không dựa trên một quy định pháp luật hay một luận cứ pháp lý nào.
Mặt khác, luận điểm về việc giúp sinh viên tuân thủ pháp luật cũng chưa tính đến việc pháp luật không chỉ quy định nghĩa vụ mà còn quy định quyền của công dân. Trước khi sinh viên luật trở thành người bảo vệ và thực thi công lý, họ cũng là công dân có “quyền và nghĩa vụ học tập” theo quy định của Hiến pháp.
Một số người có chức vụ trong ngành luật đồng ý với quan điểm với nhà trường. Một số luật sư còn trích dẫn cụ thể các điều luật có liên quan của Luật sở hữu trí tuệ để trả lời câu hỏi sinh viên có được phép sao chép giáo trình hay không. Tuy nhiên, hành vi này chỉ đơn thuần là trích dẫn quy định pháp luật, mà không có luận cứ rõ ràng để áp dụng chúng cho trường hợp cụ thể.
***
Điều thú vị là luận cứ của một số người làm nghề luật có sự đồng nhất với luận cứ của những người bình thường, và không hoàn toàn dựa trên luật. Điều này chứng tỏ họ không nghĩ như một chuyên gia về luật pháp, và việc được đào tạo luật không ảnh hưởng nhiều tới ý kiến của họ.
Ví dụ, một cựu sinh viên khóa 17 (hiện là thành viên đoàn luật sư Tây Ninh) nói may mắn là ngày xưa không có tiền để photo tài liệu chứ nếu không cũng bị kỷ luật rồi. Hoặc một kiểm sát viên (cựu sinh viên lớp Hành chính K18) cũng nói nếu nghèo như ông chắc cũng bị đuổi học vì sao chép tài liệu. Hai cựu sinh viên này bày tỏ thái độ cảm thông với N.T.N.A. Họ không nhìn vụ việc dưới lăng kính pháp lý, và không nghĩ rằng sinh viên đã vi phạm pháp luật.
Một thẩm pháp (cựu sinh viên lớp Tư pháp khoá 17) cho rằng nhà trường đã ra quyết định không hợp tình hợp lý nhưng không lý giải cụ thể tại sao. Một giảng viên dạy luật cũng cho rằng quyết định của trường là không thấu tình đạt lý. Cô cho rằng người cầm cán cân công lý cũng phải cân đối lý và tình. Xét về góc độ tình cảm thì hình thức xử phạt của trường là thiếu tính nhân văn. Tuy nhiên, cô không lý giải tại sao nhà trường đóng vai trò của “người cầm cán cân công lý” trong trường hợp này, và không nhắc cụ thể đến luật bản quyền.
***
Hãy thử lý giải cách hiểu và tiếp cận pháp luật nói chung, và luật sở hữu trí tuệ nói riêng của những người làm nghề luật trong vụ việc này. Bạn hãy hình dung việc một người bình thường nghe tin người khác bị ốm liền dựa trên kinh nghiệm của mình để mách các thông tin mà họ nghĩ là phù hợp như: mua thuốc gì, điều trị như thế nào. Bác sỹ chuyên môn sẽ không phản ứng theo cách này. Nếu thông tin về triệu chứng bệnh có vẻ phức tạp, họ sẽ nghĩ tới việc khám, xét nghiệm trước khi quyết định phương pháp và quy trình điều trị.
Trước hết, điều cần phải làm rõ là hành vi của con người (trong mọi xã hội) bị chi phối/điều chỉnh bởi nhiều loại quy ước và chuẩn mực khác nhau. Các quy ước và chuẩn mực này được tạo lập nhằm những mục đích khác nhau, và được đảm bảo thực hiện bởi những cơ chế hoặc quy trình khác nhau.
Có những quy ước mang tính xã hội và ngầm định. Việc thực hiện chúng mang tính tự nguyện ràng buộc. Ví dụ: khi tham dự một lễ tang người ta thường mang trang phục tối mầu, và tránh cười nói vui vẻ. Người ta tuân theo một quy ước xã hội nào đó nhằm giữ gìn những liên kết xã hội của mình.
Các chuẩn mực mang tính chính thống thường được tạo lập dưới dạng văn bản, và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực của một hoặc một số thiết chế cụ thể. Các chuẩn mực chính thống này cũng có thể được chia thành nhiều loại khác nhau. Ví dụ: nội quy của một tổ chức/công ty áp dụng với các thành viên của tổ chức/công ty đó. Khi không muốn tuân theo các chuẩn mực này, người ta có thể rời bỏ tổ chức/công ty đó.
Pháp luật của nhà nước là loại chuẩn mực chính thống có giá trị cao nhất. Nhà nước lập ra các thiết chế như toà án, viện kiểm sát, cảnh sát, và các quy trình pháp lý để đảm bảo thực thi pháp luật. Các thiết chế này có thẩm quyền xác định thế nào là một hành vi vi phạm pháp luật, và mức độ vi phạm. Một cơ sở đào tạo đại học, dù là đào tạo ngành luật, không nằm trong số các thiết chế này.
Điều có thể thấy trong vụ việc này là ranh giới giữa nội quy của một tổ chức và pháp luật của nhà nước đã bị lẫn lộn.
Một trường đại học có thể đặt ra nội quy cho riêng mình, nhưng nó không có chức năng xác định và xử phạt một hành vi vi phạm pháp luật. Sự lẫn lộn trong cách nhìn nhận về ranh giới này dẫn tới lập luận rằng hành vi dùng giáo trình sao chép của sinh viên là vi phạm pháp luật. Rất tiếc, sự lẫn lộn đó lại được thể hiện ở chính một cơ sở đào tạo luật. Điều này có thể ảnh hưởng tới nhiều người đã và đang được đào tạo về luật.
Ảnh: Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.
Thứ hai, pháp luật về sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ phương Tây. Nó đã có lịch sử hàng trăm năm phát triển, được đảm bảo thực thi bởi các thiết chế và quy trình chặt chẽ. Toà án có vai trò quan trọng trong việc xác định và giải quyết các tranh chấp/vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hệ thống này cũng có sự phân biệt giữa những sản phẩm trí tuệ có giá trị thương mại cao (thuộc các ngành công nghiệp), và những sản phẩm nhằm truyền bá tri thức, phục vụ lợi ích công cộng (thuộc khu vực đào tạo, nghiên cứu).
Pháp luật về sở hữu trí tuệ mới chỉ được du nhập vào Việt Nam vài thập kỷ nay khi chúng ta mở cửa hội nhập kinh tế. Việc đưa các quy định về quyền sở hữu trí tuệ vào một văn bản pháp luật không hoàn toàn đồng nghĩa với việc nhà nước, xã hội/cộng đồng thừa nhận các sản phẩm trí tuệ như một quyền tài sản, đồng thời thiết lập cơ chế bảo vệ nó. Theo cách nói trong dân gian là bình mới, rượu cũ.
Ví dụ, các hiệp hội nhà nghề/hãng phim phương Tây thường có thoả thuận với các nhà cung cấp dịch vụ Internet về việc ngăn chặn phim không có bản quyền trên Internet. Nếu bạn là người dùng và có hành vi download phim lậu từ Internet, bạn sẽ nhận được thông báo từ nhà cung cấp dịch vụ và cảnh báo cắt dịch vụ nếu hành vi này tiếp diễn. Tương tự như vậy, cơ chế hữu hiệu để trường đại học Luật có thể đảm bảo quyền tác giả cho các giáo trình là hợp tác với các cửa hàng photocopy để chặn việc sao chép tài liệu.
Trong môi trường đại học phương Tây, các giảng viên thường xuyên phải viết sách và các bài báo. Tác giả có thể không nhận được nhuận bút vì họ đã chuyển quyền tác giả cho nhà xuất bản. Hiện nay, nhiều tác giả đã đăng tác phẩm của mình trên Internet như một cách cung cấp tri thức mở tới cộng đồng. Ví dụ, bạn có thể tìm thấy nhiều sách miễn phí về sở hữu trí tuệ tại website này.
Thông cáo của nhà trường rằng việc sao chép tác phẩm của sinh viên làm cho “pháp luật về quyền tác giả sẽ không được tôn trọng và thực thi” dường như không hoàn toàn tương thích với cách hiểu, cũng như thực hành quốc tế về quyền tác giả.
***
Luận điểm “hợp tình hợp lý” trong một quyết định cụ thể là có thể hiểu được trong bối cảnh Việt Nam. Bạn vẫn nghe thấy cụm từ này rất thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, và trong hội thoại thường ngày.
Nó có nguồn gốc văn hoá và tương thích với trình độ phát triển hiện tại của xã hội Việt Nam. Đời sống ở Việt Nam vẫn mang tính cộng đồng cao. Trong một cộng đồng hẹp, mọi người thường biết rõ về hoàn cảnh của nhau. Vì vậy, một quyết định xử phạt, để đảm bảo tính công bằng, phải tính đến hoàn cảnh cụ thể của cá nhân. Các cựu sinh viên luật có thể không trực tiếp biết N.T.N.A nhưng họ thông cảm với cô vì cùng chia sẻ kinh nghiệm học tại trường Luật.
Tuy nhiên, pháp luật của một nhà nước hiện đại là kết quả của quá trình lý tính hoá các quy ước và thực hành xã hội. Nó mang tính phổ quát, nhằm tạo lập trật tự và “luật chơi” cho mọi loại đối tượng trong xã hội. Vì thế, nó vượt lên trên yếu tố cảm tính, và không có khả năng cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của một cá nhân. Trong nhà nước này, quyết định về vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ phải dựa trên những luận cứ và phân tích pháp lý chứ không dựa trên yếu tố tình cảm.
Các luận cứ và phân tích pháp lý chỉ có thể được phát triển và sử dụng bởi những người được đào tạo về nghề luật, cũng giống như Điều đó đồng nghĩa với việc những người hành nghề luật phải được tiếp thu kỹ năng hành nghề từ một cơ sở đào tạo luật. Họ phải có khả năng hiểu và áp dụng những khái niệm pháp lý phức tạp về quyền sở hữu trí tuệ theo đúng nghĩa của các khái niệm này. N.T.N.A đã được hưởng án kỷ luật nhẹ hơn nhờ sự can thiệp của cộng đồng. Nhưng liệu cô có trở thành một người có tư duy pháp luật khi tốt nghiệp?
Việc một số giảng viên luật và cựu sinh viên luật không dùng đến luận cứ pháp lý trong ý kiến của mình cho thấy hoạt động đào tạo luật chưa góp phần tạo lập một tư duy pháp luật cho những người hành nghề luật.
Các chính sách của Việt Nam đã thể hiện quyết tâm trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền để phục vụ việc hội nhập quốc tế. Công cuộc này đòi hỏi một đội ngũ những người làm nghề luật có tư duy pháp luật. Việc hành nghề chuyên nghiệp của họ sẽ góp phần thay đổi quan niệm xã hội về vai trò của luật. Đây là một quá trình lâu dài và khó khăn. Nhưng con đường vạn dặm phải bắt đầu từ một nơi nào đó. Những người làm nghề luật phải được học cách làm nghề của mình, và tiếp cận nó với một tư duy đúng đắn. Liệu trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và các trường luật khác có thể đảm nhiệm được việc đó? Câu hỏi này thời gian sẽ trả lời.