‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Như một thói quen, cứ nghe hai chữ “quy trình” được nhắc đến trên báo đài Việt Nam là người ta dễ nghĩ ngay rằng: lại có một vị quan chức hay một cơ quan nhà nước nào đó đang “thanh minh thanh nga” cho một mớ xôi hỏng bỏng không mới của họ.
“Chúng tôi xả lũ đúng quy trình.”
“Việc tuyển chọn được thực hiện đúng quy trình.”
“Quy trình đã được tuân thủ.”
Cứ gặp chuyện là gần như bác quan chức nào cũng sẵn sàng lùi bước về phía sau để thấy rõ hơn, để có thể ngắm từ xa âu yếm hơn, để cho cả bầu trời trách nhiệm người quan chức bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một cô bé “quy trình”!
Cứ nói làm đúng quy trình là như thể hết trách nhiệm. Hậu quả sai đúng gì là chuyện… của trời.
Chả trách sao những người dân thường vốn đã quá chán ngán một hệ thống công quyền làm ít ăn nhiều ngây thơ vô số tội cứ phải thở dài thườn thượt rồi cau mày văng tục mỗi khi thấy con bánh bèo “quy trình” xuất hiện.
Người ta chán ghét cái hèn hạ, cái vòng vo, cái lảng tránh trách nhiệm. Và chán ghét lây cả cái khái niệm “quy trình” mông lung vốn chẳng tội tình gì kia.
Ông quận phó giết gà bằng dao mổ trâu
Vụ ông quận phó quận 1 xông xáo xuống đường dọn dẹp vỉa hè ở Sài Gòn gần đây lại làm cho từ “quy trình” quay trở lại, nóng hơn cả “Ngọc Trinh” và “biểu tình Formosa”!
Lần này thì câu chuyện lại khác, ông phó quận không còn núp bóng “quy trình” như thói quen quan chức bình thường, trái lại ông đạp thẳng lên quy trình để hoàn thành mục đích đặt ra: giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Theo một tờ công văn ngày 22/2 của một phường gửi dân địa phương thì quyết định dọn dẹp vỉa hè của chính quyền quận 1 được đưa ra ngày 20/2 và người dân có 10 ngày để chấp hành.
Thế nhưng theo báo đài đưa tin thì ông quận phó đã dẫn người xuống đường bình định chốn vỉa hè từ… chiều ngày 20/2.
Các công trình lấn chiếm vỉa hè đều bị đập bỏ. Ảnh: kul.vn.Khi vụ việc đã trở thành đề tài bàn luận nóng nhất cõi mạng thì ông quận phó cũng đã kịp ‘đánh dẹp’ vỉa hè vài phường. Ông cũng đã kịp chỉ đạo bứng vọng gác bảo vệ vỉa hè Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Sài Gòn vào chiều ngày 27/2 để rồi chính ông chỉ đạo… lắp lại mấy vọng gác này buổi tối cùng ngày.
Dân nào nhìn dân nào nghe ông phó quận mấy ngày nay mà không cảm thấy sướng cho được? Cuối cùng thì cũng đã có quan chức chịu làm thay vì chỉ nói, cuối cùng thì những người dân lấn chiếm vỉa hè đã phải chịu trừng phạt đích đáng. Người dân nào hay đi bộ mà chả thấy sướng quá đi nhỉ?
Ủa vậy sao tự nhiên có mấy người tỏ vẻ rành luật lệ cứ đem cái “quy trình” ra mà cãi, mà chửi ông phó quận?
Hoàn thành nhiệm vụ là tốt rồi mà? Sao cứ phải đắn đo đúng “quy trình”, sai “quy trình” làm cái căn cơ gì?
Mục đích tốt là khỏi phải bàn cãi gì nữa, kết quả tốt là có thể biện minh được cho tất cả các phương tiện, bất kể thiệt hại là gì, đúng không?
Dao mổ trâu dùng giết gà thì đã sao? Gà chết là được rồi mà?
Hùa theo bầu không khí hăm hở dẹp vỉa hè của ông quận phó, dường như hình ảnh cái vỉa hè trống đã trở thành một lý tưởng cách mạng được tôn sùng, đáng để “đốt cả dãy Trường Sơn”, đáng để hy sinh mọi quyền lợi, đáng để dẹp đi mọi âu lo thị dân thường nhật, mọi chuẩn mực cao cả sâu xa.
Nhưng câu chuyện có phải đơn giản như thế? “Quy trình” có phải là thứ đầu tiên phải hy sinh để người dân có vỉa hè thoáng rộng?
Có thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện?
Bản thân khái niệm “quy trình” tự nó chẳng có tội vạ gì ráo. Đơn giản, làm việc đúng quy trình là làm một công tác đúng thứ tự từng bước một, có lớp có lang, theo đúng một trình tự đã được thiết kế và thống nhất từ trước.
Thông thường, quy trình được thiết kế tối ưu nhất khi có thể tạo điều kiện cho tất cả các bên liên quan có điều kiện nắm bắt, truyền đạt thông tin đầy đủ cho nhau, đồng thời đảm bảo chi phí, thời gian thực hiện của từng bước trong quy trình được kiểm soát rõ ràng.
Ông Hải như một cơn lũ, cuốn trôi mọi vật cản trên vỉa hè Sài Gòn. Ảnh: Zing.Tại sao cứ phải làm đúng quy trình? Làm sai quy trình mà vẫn đạt được kết quả thì vẫn tốt mà?
Không phải lúc nào một kết quả tốt, một mục đích chính đáng cũng có thể hoàn toàn biện minh cho những phương tiện tồi tệ.
Khi anh đang nấu ăn cho người yêu dịp 08/03, chẳng ai bắt tội anh nếu anh bỏ qua một, hai bước rườm rà trong cái công thức nấu ăn vừa ‘gúc’ được. Món làm ra ăn được, ăn ngon là nhất anh nhất nàng rồi, màu mè hoa lá hẹ làm gì cho mất thời gian chơi game, coi bóng đá của anh? Rủi ro đồ ăn không ngon cùng lắm chỉ mình anh và cô bồ anh chịu.
Nhưng nếu anh đang là một vị quan chức nắm trong tay quyền lực nhà nước, thứ quyền lực dễ bị lạm dụng nhất trần đời, thứ quyền lực mà việc thực hiện nó mỗi giây mỗi phút có thể được tính bằng từng đồng tiền thuế của dân, thì sao?
Rủi ro quyền lực nhà nước bị lạm dụng gây thiệt hại cho người dân, hay bị tiêu phí vào những hoạt động kém hiệu quả, là những rủi ro mà cả xã hội phải gánh chịu, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp qua những đồng thuế lãng phí từ công quỹ.
Bỏ qua một bước quy trình là anh đã làm sai chính cái luật lệ mà nhà nước của anh định ra từ đầu. Bản thân anh không tin dùng luật của chính nhà nước anh thì dân nào còn tin vào chính cái luật ấy nữa? Chưa kể đến các thiệt hại thực tế gây ra do không làm đúng quy trình.
Chi phí phụ trội của việc làm sai quy trình
Nếu ông quận phó chịu thực hiện việc dẹp vỉa hè đúng theo nội dung công văn, kiên nhẫn chờ 10 ngày cho những người dân lấn chiếm vỉa hè có cơ hội tự dọn dẹp, sau đó tập trung dọn dẹp những nơi nào người dân còn chưa tự giác, thì công tác dọn dẹp vỉa hè liệu có nhanh chóng, nhẹ nhàng, ít gây tranh cãi, tiết kiệm thời gian công sức những người thực thi pháp luật hơn không? Hoàn toàn có thể.
Chỗ này cũng có người bắt bẻ: mắc gì bắt quan chờ dân 10 ngày, không phải chờ là tiêu tốn thời gian sao? Ông quận phó chơi tới bến luôn từ hôm 20/2 là tiết kiệm thời gian dọn dẹp vỉa hè chứ tiêu tốn gì?
Nói vậy là biết trước mà không biết sau.
Dân nào biết luật, kiện lại ông quận phó đòi bồi thường vì làm sai quy trình thì có phải là ông quận phó đang làm lãng phí tiền thuế người dân qua những khoản bồi thường kia, vốn hoàn toàn có thể tránh được nếu ổng đã làm đúng quy trình ngay từ đầu?
Nếu xảy ra khiếu nại, kiện tụng do dân tố quan không làm đúng quy trình, thì thời gian giải quyết khiếu nại, kiện tụng, tính toán đền bù cho dân có phải được tính vào tổng thời gian dành cho nguyên chiến dịch dọn dẹp vỉa hè không? Phải tính chớ!
Chuyện tiêu tiền dân làm chính sách phải tính toán cho ra ngô ra khoai. Dọn dẹp vỉa hè không làm đàng hoàng, dẫn đến việc phải đi dọn dẹp… hậu quả dọn dẹp vỉa hè, thì tiêu tốn bao nhiêu phải tính hết.
Rồi tiền công thợ, tiền xi măng vật liệu v.v… giải quyết sai lầm khi dọn dẹp vỉa hè, ví dụ khi gỡ để rồi lắp lại mấy cái vọng gác trên vỉa hè Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Sài Gòn do ai trả? Ông quận phó tự móc túi ra trả hay là sẽ móc tiền thuế người dân ra trả? Nếu dùng tiền dân thì tại sao người dân phải chi trả thiệt hại cho sai sót của quan?
Một vọng gác công an của ngân hàng của tháo dỡ, rồi sau đó lại được lắp lại. Ảnh: Tùng Tin/2isao.Việc quy trình thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước được đặt ra chặt chẽ, chi tiết và luôn luôn phải được chấp hành cẩn thận là có những giá trị thực dụng, ‘cơm áo gạo tiền’ của chính nó:
– Để kiểm soát chi phí của việc thực thi pháp luật; đồng tiền thuế nào của dân cũng phải được sử dụng hiệu quả; và
– Để giảm thiểu khả năng sai sót gây thiệt hại không cần thiết cho người dân; không đồng tiền thuế nào của người dân phải bị chi ra để… bồi thường thiệt hại không đáng có của một người dân khác.
Khi có thể dùng đúng dao mổ gà để giết gà, và theo đó tiết kiệm thời gian công sức hơn dùng dao mổ trâu để giết gà, thì tại sao phải khổ?
Thời gian, công sức của các nhân viên nhà nước đổ vào các công tác tháo dỡ hàng quán, công trình lấn chiếm vỉa hè cũng như giải quyết các sai sót khi dọn dẹp vỉa hè và giải quyết các hậu quả khiếu nại, kiện tụng có thể có đều được trả bằng tiền thuế của người dân.
Bỏ qua quy trình để dẫn đến lãng phí công sức, tiền của, gây ra thiệt hại không đáng có, làm việc 1 công mà tốn 3-4 công, xong rồi tự huyễn hoặc bản thân là đã đạt được kết quả thì không hợp lý chút nào.
Thời đại kinh tế thị trường muốn biết việc quan làm là có ích hay có lợi cho dân thì không thể chỉ nhìn những gì các ông ấy làm rồi vỗ tay khen hay cho cái tinh thần, hay dè bỉu chê bai cái thái độ. Hiệu quả chính sách có thể đo đạc bằng các định lượng kinh tế rõ ràng: đạt được mục tiêu chính sách tới đâu là một chuyện, còn tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc và thời gian (bao gồm cả thời gian giải quyết các hậu quả sau sự vụ) lại là chuyện khác.
Người dân thường rất căm giận các quan chức tham nhũng ăn cướp từ công quỹ quốc gia, nhưng khi đối mặt với những hình thức lãng phí của công nhỏ nhặt tinh vi hơn, vốn hay được khoác lên mình bộ áo “quyết tâm nhiệt tình” nhuốm mùa thanh niên tình nguyện, thì họ lại trở nên dễ tính một cách lạ thường.
***
Quy trình là chiếc chìa khóa để kiểm soát chi phí và giám sát hiệu quả thực thi chính sách và luật pháp.
Trong thực tế, nếu có những quy trình hay, giúp việc thực thi chính sách hiệu quả, không lãng phí, thì cũng có những quy trình dở, đưa đến những kết quả trời ơi đất hỡi, hay gây ra thiệt hại không cần thiết.
Làm đúng quy trình mà vẫn gây thiệt hại thì sao? Thì là quy trình có lỗi thiết kế, vì không tạo điều kiện cho những người quản lý phát hiện ra những chỗ có thể gây thiệt hại và giảm thiểu rủi ro thiệt hại nhất có thể.
Khi ấy, lỗi nằm ở nội dung của quy trình, chứ không phải nằm ở việc kiên quyết tiến hành vụ việc theo đúng quy trình. Tìm đúng chỗ hỏng hóc trong quy trình rồi sửa lại, quy trình vẫn có thể vận hành tiếp.
Còn từ đầu đã làm không đúng quy trình thì đến khi xảy ra thiệt hại tìm lại chỗ hỏng hóc trong quy trình rất khó, vì quy trình có được xài đâu mà biết nó hỏng chỗ nào?
Việc một nhà nước thường xuyên có những quy trình dở cho thấy rằng nhà nước đó phải liên tục rà soát, đánh giá chất lượng, và cải thiện các quy trình của nó, chứ không phải cho thấy rằng việc cương quyết bảo đảm thực thi chính sách, áp dụng luật pháp “đúng quy trình” là sai lầm.
Ghét khái niệm “quy trình” chỉ vì nó hay bị các quan chức đem ra làm bình phong trốn tránh trách nhiệm, để rồi phủ nhận vai trò thực tế của “quy trình”, đơn giản là… nhập cái nhằng!
—
* Bài có sử dụng ảnh cover của kul.vn.