Dân chủ hay độc tài, chế độ nào thành công hơn về kinh tế?

Dân chủ hay độc tài, chế độ nào thành công hơn về kinh tế?

Chế độ độc tài có tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hơn chế độ dân chủ? Đây là câu hỏi liên tục được gợi lên trong nỗi băn khoăn của rất nhiều người khi chứng kiến các quốc gia độc tài đạt mức tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục, như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore trong giai đoạn 1960 đến 1990, hay Trung Quốc những năm gần đây.

Một nghiên cứu được công bố năm 2012 của Giáo sư Chính trị học Carl Henrik Knutsen[1] (Đại học Oslo – Norway) cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 1855 – 2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của các chế độ dân chủ bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng của các chế độ độc tài.

Biểu đồ tăng trưởng GDP trung bình của các nền dân chủ/độc tài trên thế giới từ năm 1855 – 2003. (Đường màu xanh liền – Dân chủ, Đường nét đứt màu đỏ – Độc tài)

Và một điều thú vị là theo nghiên cứu của Giáo sư Adam Przeworski[2] (Đại học Chicago), từ năm 1960 – 1990, tất cả các trường hợp được coi là phép màu hay thảm họa kinh tế đều rơi vào các chế độ độc tài, ngoại trừ Peru.

Tại sao các chế độ độc tài lại có thể đạt được các phép màu song cũng có thể rơi vào các thảm họa kinh tế, trong khi các chế độ dân chủ lại không như vậy?

Chính phủ tự do và chính phủ bị trói tay

Một trong những lý do có thể giải thích cho điều này chính là mức độ độc lập của chính quyền trước áp lực của người dân trong việc lựa chọn và thực hiện chính sách.

Thông thường, các chính sách mang lại lợi ích lớn lao cho tăng trưởng kinh tế lại khó được ủng hộ về mặt chính trị. Các chính sách như vậy đòi hỏi quốc gia phải đầu tư lớn, chấp nhận những thiệt hại ngắn hạn trước mắt, và cần thời gian dài mới thể hiện ra được hiệu quả.

Bởi thế mà các chế độ độc tài mới dễ có khả năng làm được điều này. Họ có thể ban hành các chính sách bất lợi cho người dân trong ngắn hạn song có lợi cho đất nước về dài hạn mà không cần quan tâm đến sự phẫn nộ của người dân. Chính quyền độc tài cũng sẵn sàng dùng bạo lực để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Singapore dưới thời Lý Quang Diệu, hay Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình là các ví dụ tiêu biểu.

Tuy nhiên, ưu điểm này có thể biến thành nhược điểm, khi một chính quyền bất tài và tham nhũng nắm trong tay sự tự do quá lớn để đưa ra các quyết định chính sách. Khi không chịu bất cứ sự kiểm soát hay áp lực nào, các chính sách kinh tế sai lầm cùng với bản chất cướp bóc của các chính quyền độc tài thường dẫn đến những thảm họa vô cùng tồi tệ cho nền kinh tế.

Chúng ta có thể thấy rõ điều đó khi lật lại những thảm họa kinh tế mang tính lịch sử ở nhiều quốc gia độc tài, như Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) thời Mobutu, Philippines thời Marcos, hay Venezuela thời Chavez.

Trong khi đó, các chế độ dân chủ khó đạt được các phép màu kinh tế hơn vì nó phụ thuộc vào ý chí của người dân.

Trong các nền dân chủ, các đảng phái cạnh tranh để giành quyền lực, và đảng phái nào có chính sách làm hài lòng người dân hơn thì sẽ được bầu. Tuy nhiên, đa phần người dân lại thường không đủ khả năng để đánh giá đúng các chính sách.

Thực vậy, thông thường người dân chỉ quan tâm đến các chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho họ và các lợi ích này phải dễ thấy ngay trong tầm mắt. Điều này khiến cho các đảng phái phải tập trung theo đuổi các chính sách ngắn hạn nếu muốn giành quyền lực, hay nếu không muốn bị thất cử trong cuộc bầu cử kế tiếp.

Kiểu vận hành này khiến cho các nền dân chủ khó mà tạo ra các phép màu kinh tế như trong các chế độ độc tài. Chúng ta có thể lấy ví dụ khi so sánh Ấn Độ với Hàn Quốc, Đài Loan trong giai đoạn 1960-1990, hoặc so với Trung Quốc những năm gần đây. Trong khoảng thời gian từ 1980 đến 2014, tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc (độc tài) lên tới 9.8%, trong khi đó ở Ấn Độ (dân chủ) chỉ là 6,23%.

Tuy nhiên, nhược điểm này cũng lại chính là ưu điểm của nền dân chủ. Sự phụ thuộc vào ý chí của người dân khiến cho chính quyền luôn phải chịu trách nhiệm trước người dân. Đồng thời, chính quyền luôn bị giới hạn quyền lực do các cơ chế như  kiểm soát và đối trọng, tư pháp độc lập, và sự phê phán của công luận. Những cơ chế này khiến cho chính quyền không thể đưa ra các chính sách tùy tiện, các chính sách lớn nhưng lại gây tổn thất ngắn hạn, hoặc chứa nhiều rủi ro. Do đó chúng ta ít khi chứng kiến các chế độ dân chủ rơi vào các thảm họa kinh tế như các chế độ độc tài.

Phụ thuộc vào lãnh tụ

Nhìn chung, sự thành công hay thất bại của các chế độ độc tài phụ thuộc vào giới lãnh đạo của nó. Nếu giới lãnh đạo tài năng và sáng suốt thì chế độ độc tài có thể thành công về mặt kinh tế, bằng không họ sẽ đẩy đất nước rơi vào thảm họa.

Trường hợp điển hình nhất có lẽ là ở Trung Quốc.

Chính sách Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông đã liên tục đẩy nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, trong khi chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không chỉ cứu nguy cho nền kinh tế nước này mà còn đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Hoặc như ngày nay, chính sách thu hút nhân tài của chính quyền Singapore đã tạo ra một đội ngũ lãnh đạo tinh hoa để dẫn dắt nền kinh tế vươn lên vị trí hàng đầu khu vực, trong khi phe cánh tham nhũng lạm quyền của Hugo Chavez đã dìm nền kinh tế Venezuela xuống vũng bùn lầy.

Nếu không tiến hành dân chủ hóa, người dân ở các quốc gia độc tài chỉ còn biết phó thác cho số mệnh, bởi họ chẳng có đủ quyền năng để buộc chính quyền độc tài phải loại bỏ những vị lãnh đạo kém cỏi để thay bằng những tài năng xuất chúng.

Cơ chế khuyến khích phát triển của xã hội dân chủ

Thành công về kinh tế của chế độ dân chủ phụ thuộc vào chính xã hội, chứ ít đến từ giới lãnh đạo khi mà các chính sách của giới này thường có tính ngắn hạn như đã giải thích ở trên. Các nền dân chủ có nhiều cơ chế khuyến khích sự phát triển của xã hội.

Thứ nhất, nó giới hạn quyền lực của chính quyền, đảm bảo quyền tư hữu, khiến chính quyền không thể tùy tiện tước đoạt tài sản của người dân. Điều này khuyến khích công dân an tâm đầu tư nhiều hơn, do đó có thể thúc đẩy phát triển.

Thứ hai, nó tạo ra một môi trường xã hội tự do hơn, trong đó mọi người được tự do thử nghiệm các ý tưởng, phát kiến của mình, khiến cho công nghệ và quản lý luôn được cải tiến, đây cũng là một đóng góp quan trọng của dân chủ cho sự phát triển kinh tế mà ít ai nhắc đến. Những cơ chế này giúp cho các xã hội dân chủ có sự phát triển tuần tự và bền vững hơn so với các chế độ độc tài.

Bên cạnh đó, các chế độ dân chủ còn có nhiều ưu điểm khác. Chẳng hạn như người dân có quyền bầu chọn chính quyền mà họ mong muốn, và các quyền và tự do dân sự của người dân được đảm bảo (như quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo, và quyền phản kháng ôn hòa).

Vì vậy, chỉ nền dân chủ mới có thể khiến con người thực sự có cơ hội phát triển toàn diện và thực sự làm chủ vận mệnh của họ. Đây chính là điều khác biệt của chế độ dân chủ, mà nhiều người cho rằng dù mức độ thịnh vượng của chế độ độc tài có lớn tới mức nào cũng không thể san lấp được.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.