Xã luận: Đồng Tâm, lời hứa và pháp quyền

Xã luận: Đồng Tâm, lời hứa và pháp quyền

Việc Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ bắt giữ 38 chiến sĩ công an ở Đồng Tâm đang làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, không giữ lời hứa với bà con Đồng Tâm. Cho đến nay, CAHN mới chỉ ra quyết định khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.

Tôi muốn xem xét vấn đề này không phải dưới góc độ lợi ích của người dân Đồng Tâm hay của chính quyền, mà dưới góc độ pháp quyền.

Bài viết này không phân tích xem quyết định khởi tố vụ án là đúng hay sai, có căn cứ pháp luật hay không, có thể không khởi tố vụ án mà vẫn đúng pháp luật hay không. Mặc dù tôi cho rằng chỉ khởi tố vụ án bắt giữ 38 chiến sĩ công an mà không khởi tố vụ bắt giam ông Lê Đình Kình là không công bằng, nhưng xin đề cập đến vấn đề này trong một dịp khác. Bài này chỉ tập trung vào mối liên hệ giữa lời hứa của ông Chung và quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có).

Cơ quan điều tra không cần phải “nghe lời” người đứng đầu cơ quan hành pháp

Thảm hoạ chính trị và uy tín cho ông Chung nói riêng và đảng Cộng sản Việt Nam nói chung đến nay đã rõ. Nhưng nếu chúng ta ủng hộ ông Chung can thiệp vào việc điều tra vụ án Đồng Tâm, yêu cầu công an không “truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm” như lời ông đã hứa, nghĩa là chúng ta ủng hộ cho việc người đứng đầu cơ quan hành pháp can thiệp vào việc điều tra.

Điều đó có thể mang lại kết quả tốt đẹp cho vụ Đồng Tâm như một số người kỳ vọng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi tiền lệ này tiếp tục được áp dụng trong các vụ án khác và trở thành một nguyên tắc?

Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có thể yêu cầu Công an Hà Tĩnh không khởi tố các cá nhân của công ty Formosa và các quan chức chính quyền có liên quan trong vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái có thể yêu cầu Công an Yên Bái không khởi tố vụ dinh cơ của vợ Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh có thể yêu cầu Công an TP không khởi tố vụ côn đồ hành hung bà Lê Mỹ Hạnh.

Bất chấp Công an Hà Tĩnh, Yên Bái, và TP. Hồ Chí Minh có thấy đủ căn cứ để khởi tố hay không, họ cũng đều phải nghe lệnh của Chủ tịch UBND. Khi đó, Chủ tịch UBND sẽ là người quyết định một hành vi là có tội hay không có tội, hay ít nhất, một hành vi nào đó có dấu hiệu phạm tội hay không.

Điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ, bởi vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp là nơi dễ xảy ra tham nhũng và lạm quyền nhất. Nắm trong tay quyền bổ nhiệm hàng loạt cán bộ và có thể quyết định chi tiêu những khoản tiền khổng lồ, họ có thể tập hợp quanh mình một tập đoàn lợi ích từ trên xuống dưới. Điều dễ hiểu là họ sẽ tìm cách can thiệp vào việc điều tra để bao che cho nhóm lợi ích của mình.

Tính độc lập của cơ quan điều tra, đặc biệt là độc lập khỏi sự chi phối của cơ quan hành pháp, là tiêu chí quan trọng của một nền pháp quyền. Họ không có nghĩa vụ phải thực hiện lời hứa của quan chức hành pháp.

Vụ bê bối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hiện nay là ví dụ điển hình cho tính độc lập của cơ quan điều tra. Theo lời khai của cựu Giám đốc FBI James Comey, TT Trump đã yêu cầu ông ngừng điều tra về những cáo buộc rằng ông Trump và người của ông bí mật liên hệ với chính quyền Nga trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Kết quả là James Comey bị Trump sa thải một cách đột ngột.

Bộ Tư pháp Mỹ, một cách độc lập với Tổng thống, sau đó đã bổ nhiệm một cựu Giám đốc FBI khác vào vị trí điều tra viên đặc biệt, chuyên trách điều tra mối liên hệ giữa Trump và chính quyền Putin. Kết quả của cuộc điều tra này sẽ là một báo cáo điều tra, dựa trên đó, Quốc hội có thể luận tội ông Trump, còn người của ông có thể bị truy tố ra toà. Chỉ riêng việc ông Trump tìm cách gây sức ép lên Giám đốc FBI đã đủ để Quốc hội luận tội ông về hành vi “cản trở tư pháp” (obstruction of justice).

Sứ mệnh theo luật định của FBI là “bảo vệ người dân Mỹ và gìn giữ Hiến pháp Mỹ”. Họ không có nghĩa vụ phải phục tùng Tổng thống.

Cũng tương tự như vậy, Văn phòng Công tố Tối cao, cơ quan điều tra cao nhất của Hàn Quốc, trực thuộc Bộ Tư pháp, có thể độc lập tiến hành điều tra cáo buộc tham nhũng và lạm quyền đối với đương kim Tổng thống Park Geun-hye, dẫn đến việc bà này bị phế truất hồi tháng 3 vừa qua. Sau đó, họ còn tiến hành bắt giam bà này khi đồng minh thân cận của bà, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, đang là Quyền Tổng thống.

Trở lại với vụ ông Nguyễn Đức Chung hứa với bà con xã Đồng Tâm sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự họ, đó là một lời hứa có tính chính trị và không có giá trị pháp lý. Như nhiều người đã phân tích, ông Chung không có thẩm quyền trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để có thể quyết định truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ ai. Nói cách khác, ông Chung đã hứa cho người dân Đồng Tâm một thứ ông ta không có về mặt pháp lý.

Nhưng mặt khác, để đảm bảo tính độc lập của cơ quan điều tra, không thể không loại bỏ cơ chế đảng lãnh đạo đối với cơ quan này. Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ ra rằng, ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội kiêm Chủ tịch UBND, là người phụ trách đảng uỷ Công an Hà Nội, nắm quyền chỉ đạo đối với những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy thì cho dù có phân tách quyền lực về mặt nhà nước, ông Chung vẫn có thể can thiệp vào việc điều tra về mặt đảng, và đây mới là trật tự quyền lực thực tế ở nước ta.

Niềm tin của người Đồng Tâm. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Kỳ vọng vào ông Chung thể hiện điều gì?

Người dân Đồng Tâm và nhiều người khác kỳ vọng rằng ông Chung sẽ giữ lời hứa. Kỳ vọng đó có thể xuất phát từ một nét văn hoá chính trị khá phổ biến ở nước ta: coi chính quyền là một khối thống nhất và quan chức hành pháp là người đại diện cho chính quyền đó.

Trên luật định, chính quyền không phải là một khối thống nhất và ông Chung cũng không đại diện được cho toàn bộ chính quyền. Chính quyền gồm có nhiều phần khác nhau: lập pháp, hành pháp, và tư pháp, có chức năng giám sát lẫn nhau và đưa ra các quyết định độc lập với nhau. Cơ quan điều tra, tuy thuộc nhánh hành pháp, nhưng vẫn cần phải độc lập với quan chức hành pháp như đã phân tích ở trên.

Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, chính quyền không được phân tách rõ ràng ra như vậy. Ông Chung là chính quyền và chính quyền là ông Chung. Ông Chung thậm chí lúc này còn là đại diện cho toàn bộ chính quyền trung ương, chứ không chỉ là chính quyền Hà Nội. Đây có thể là di sản văn hoá pháp lý từ thời phong kiến, khi các quan chức cùng lúc nắm tất cả quyền hành của nhà nước, vừa là người thi hành pháp luật, vừa là điều tra viên, vừa là thẩm phán.

Ở một mặt khác, kỳ vọng này không phải là không có cơ sở, bởi trên thực tế, toàn bộ quyền hành nhà nước hiện nay đang nằm trong tay một đảng phái chính trị: đảng Cộng sản Việt Nam, và trớ trêu thay, chính quyền hiện nay rất giống với chính quyền phong kiến ở khía cạnh này. Khi ông Chung đưa ra lời hứa của mình, ông đang là người được Ban bí thư Trung ương Đảng phân công đối thoại với bà con. Điều đó có nghĩa là tiếng nói của ông Chung được coi là tiếng nói thống nhất của Đảng, và nhà nước buộc phải làm theo.

Tuy vậy, nếu đặt kỳ vọng của mình vào Đảng và yêu cầu Đảng giữ lời hứa, vô hình trung chúng ta ủng hộ cho việc Đảng nắm toàn bộ chính quyền và quyết thay cho chính quyền. Điều này đi ngược lại với mọi nguyên tắc pháp quyền, trong đó có một nguyên tắc đặc biệt quan trọng: tính độc lập của toà án.

Toà án nhân dân Hà Nội có thể sẽ là nơi người dân Đồng Tâm phải đến. Ảnh: VietQ.

Toà án độc lập

Đúng là ông Chung đã đưa ra một lời hứa quá thẩm quyền và bội ước chính lời hứa đó. Nhưng nếu chúng ta lên án ông Chung hay đảng Cộng sản Việt Nam lật lọng và không giữ lời hứa, tức là chúng ta ngầm kỳ vọng ông Chung hay Đảng sẽ can thiệp vào các cơ quan tố tụng để không ai bị khởi tố hay bị bỏ tù. Việc này trái với mong muốn về một công cụ quan trọng nhất để bảo vệ công lý, đó là một hệ thống toà án độc lập.

Độc lập ở đây là độc lập khỏi cơ quan hành pháp và lập pháp, cũng như độc lập khỏi mọi đảng phái chính trị. Theo đó, các thẩm phán sẽ ra quyết định hoàn toàn dựa trên Hiến pháp và pháp luật chứ không phải chịu sức ép từ các cơ quan nhà nước hay các thế lực chính trị khác.

Khi chúng ta cổ xuý cho việc đưa vụ Formosa ra toà, chúng ta sẽ không mong muốn ông Thủ tướng hay Chủ tịch Hà Tĩnh can thiệp để vụ án đó không được đưa ra xét xử. Chúng ta cũng không mong muốn Đảng sẽ chỉ đạo ngăn chặn vụ án đó. Đó là khi chúng ta hướng kỳ vọng của mình vào việc xây dựng một toà án độc lập, thay vì trông cậy vào sự can thiệp của cơ quan hành pháp hay của Đảng.

Việc khởi tố vụ án Đồng Tâm có thể dẫn đến kết quả là một phiên toà sẽ được mở ra, xét xử những cá nhân có liên quan. Phán quyết sau cùng của toà có thể sẽ giống như kỳ vọng của nhiều người, và cũng gần giống với lời hứa của ông Chung, đó là không có ai phải chịu trách nhiệm hình sự cho vụ bắt giữ 38 chiến sĩ công an ở Đồng Tâm cả.

Cùng là một kết quả, nhưng đến từ hai cách giải quyết khác nhau. Bạn sẽ ủng hộ cách nào?

Ủng hộ Nguyễn Đức Chung can thiệp để tạo ra một thể chế nơi người đứng đầu hành pháp thao túng toàn bộ các cơ quan tố tụng và có thể ra các quyết định tuỳ tiện, hay ủng hộ việc điều tra kỹ lưỡng một cách độc lập, thu thập đầy đủ các chứng cứ và phán quyết đúng sai rạch ròi tại toà?

Dĩ nhiên, điều lo ngại thực sự của tôi cũng như nhiều người là cơ quan điều tra lẫn viện kiểm sát và toà án cũng sẽ chẳng tuân thủ đúng pháp luật và phán quyết sau cùng là nhiều người dân Đồng Tâm bị bỏ tù mà không dựa trên những chứng cứ và lập luận đầy đủ. Suy cho cùng, tất cả những thứ pháp quyền chúng ta đang nói tới ở đây đều không có thực ở Việt Nam hiện nay. Nó chính xác chỉ là thứ chúng ta đang đấu tranh để xây dựng nên.

Điều này khiến tôi nhớ lại vụ án Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh). Là một nhà báo độc lập, thường xuyên chỉ trích thể chế một đảng lãnh đạo, ông Vinh bị bắt giam tháng 5/2014 và ra toà sơ thẩm tháng 3/2016. Khi bị bắt giam, ông vẫn là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, và theo quy định của Đảng, công an không được khởi tố, truy tố đảng viên. Đây là quy định trái với mọi nguyên tắc pháp quyền, vốn không ai được đứng trên pháp luật và mọi người phải bình đẳng trước pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của ông Vinh, có hai lựa chọn để đấu tranh: một, chấp nhận đi ngược lại với nguyên tắc pháp quyền, yêu cầu Đảng tuân thủ đúng quy định của mình là không khởi tố đảng viên; và hai, chấp nhận ra toà để phân định đúng sai.

Kết quả là, bất chấp việc có những tiếng nói yêu cầu Đảng không khởi tố đảng viên, ông Vinh vẫn bị tuyên phạt 5 năm tù.

Tiến sĩ, nhà hoạt động Nguyễn Quang A từng tranh cử đại biểu Quốc hội với khẩu hiệu “quyền ta, ta cứ làm”. Ông giải thích rằng, hãy cứ coi như chúng ta đang có mọi quyền con người ở Việt Nam và thực hành tất cả những quyền đó theo cách mình muốn, biến nó thành việc bình thường, không cần quan tâm đến thái độ của chính quyền, rồi từ đó xã hội sẽ chuyển động theo hướng tôn trọng nhân quyền hơn.

Vậy thì mỗi người trong chúng ta có nên coi như Việt Nam đang có pháp quyền, chọn cách đấu tranh vì những nguyên tắc pháp quyền, không chấp nhận sự can thiệp của tướng Chung và Đảng vào tiến trình tố tụng, ép nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc này và hy vọng đạt được công lý thông qua các công cụ pháp quyền, hay chọn bảo vệ lợi ích trực tiếp của người dân Đồng Tâm là không bị khởi tố nhờ sự can thiệp của tướng Chung và Đảng? Liệu chúng ta có lựa chọn nào khác hay hơn không? Đây là một lựa chọn rất khó khăn, vì người có thể phải chịu thiệt hại oan ức ngay lập tức là người dân Đồng Tâm, và thiệt hại đó có thể không đo đếm được.

Cách lựa chọn của chúng ta sẽ tác động đến thể chế mà chúng ta có được trong tương lai.

Nếu bạn muốn viết bài về chủ đề này hay phản biện bài viết này, xin vui lòng gửi bài tới editor@luatkhoa.org.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.