Công khai điểm thi: xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư

Công khai điểm thi: xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư
Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

Bắt đầu từ hôm nay, 6/7, điểm thi của hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai trên mạng. Tôi thử mò lên một số trang tra cứu điểm thi của các báo, gõ thử vài cái tên ngẫu nhiên thì có ngay điểm số bốn môn thi, xếp hạng cụm thi, xếp hạng tổng, số báo danh, và ngày sinh của thí sinh.

Đó là chuyện vẫn xảy ra nhiều năm nay. Ngày xưa chưa có mạng thì người ta dán điểm ở các trường, ai muốn thì đến mà xem. Xem xong thì ra về có kẻ khóc, người cười.

Chuyện bình thường như vậy, có gì mà phải phân tích với cả bình luận, có gì mà xâm phạm quyền riêng tư ở đây?

Ấy vậy mà có. Chuyện to là khác.

Hãy thành thật trả lời bản thân câu hỏi sau: Có khi nào trong đời đi học bạn muốn giấu điểm số của mình không?

Nếu câu trả lời là không thì xin chúc mừng, bạn là một học sinh giỏi toàn diện. Còn nếu câu trả lời là có, và tôi tin chắc 99% những ai từng đi học sẽ trả lời là có, thì bạn đã biết vấn đề tôi muốn nói ở đây là gì. Cảm giác ngượng chín mặt mỗi lần bị thầy cô giáo đọc điểm kiểm tra trước lớp chắc là không thể nào quên. Tôi đã ăn đủ các loại “trứng”, “ngỗng” trước mặt tất cả bạn bè trong lớp hay bị dán điểm cho cả trường xem, trong đó có cả cô bạn tôi thích. Tôi trầm cảm đến mức không dám đến gần ai trong nhiều ngày trời sau mỗi lần “xơi” điểm kém.

Tại sao chúng ta lại phải chịu đựng những cảm giác hổ thẹn và ngượng ngùng đó? Tại sao người khác lại có quyền biết điểm của chúng ta? Việc học của chúng ta liên quan gì đến họ mà họ lại được biết? Và các thầy cô giáo, họ lấy quyền gì mà “bêu” điểm kém của chúng ta cho cả trường xem?

Đã đến lúc phải nói rõ ràng và thẳng thắn: Điểm số là thông tin cá nhân, không phải thông tin công cộng; không ai ngoài chính học sinh và cha mẹ học sinh có quyền tiết lộ cho người khác biết; giáo viên và nhà trường chỉ có thể tiết lộ thông tin cho bên thứ ba nếu được chính học sinh và cha mẹ học sinh cho phép.

Hãy điểm qua một chút xem luật Việt Nam nói gì.

Bộ luật Dân sự 2015 chỉ có duy nhất Điều 38 đề cập chung chung đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật Trẻ em 2016 (học sinh dưới 16 tuổi vẫn tính là trẻ em) thì cụ thể hơn một chút, theo đó cấm “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. 

Nghị định 56/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trẻ em thì nói rất rõ:

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoạiđịa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.”

Tuyệt đại đa số thí sinh kỳ thi THPT vừa qua không còn là trẻ em nữa nên không thuộc diện được Luật Trẻ em bảo vệ. Nhưng, nếu đã coi những thông tin trên thuộc về đời sống riêng tư của trẻ em thì không có lý do gì khi những đứa trẻ đó lớn lên nó không còn là riêng tư nữa.

Rất đáng tiếc, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể hơn về quyền riêng tư. Ta thử đảo qua một số nước khác xem sao.

Chớ dại mà đụng đến kết quả học tập của người khác ở Mỹ. Ảnh: Seattle Globalist.

Không khó để tìm ra các quy định về quyền riêng tư của học sinh ở các nước phát triển, vì nó luôn có trên website của các cơ quan chính phủ và các trường.

Thông tin của học sinh, sinh viên được gọi là student records (xem trang 44). Ở Mỹ, những thông tin này là thông tin cá nhân và được nhà trường bảo mật. Kết quả học tập được thông báo cho học sinh và gia đình bằng các bao thư dán kín, hoặc có thể truy cập trên internet bằng một tài khoản/mã số bí mật. Bất kỳ khi nào nhà trường muốn tiết lộ thông tin của học sinh cho bên thứ ba thì họ phải được phép bằng văn bản của cha mẹ học sinh, hoặc chính học sinh đó nếu trên 18 tuổi.

Nguyên tắc này được ghi rõ trong đạo luật liên bang Family Educational Rights and Privacy Act (FERPA)Đạo luật này áp dụng cho các trường nhận tài trợ từ chính phủ liên bang, bất kể nhiều hay ít, và là chuẩn mực về quyền riêng tư được áp dụng rộng rãi trong các trường học bất kể công lập hay tư thục ở Mỹ.

Trong một số trường hợp, nhà trường có thể tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mà không cần xin phép trước, trong đó có: cán bộ nhà trường có chức phận liên quan muốn xem xét thông tin, hoặc học sinh muốn chuyển trường thì trường hiện tại có thể chuyển thông tin cho trường bạn muốn chuyển đến, hoặc toà án yêu cầu cung cấp thông tin, hoặc nhân viên phụ trách hỗ trợ tài chính của trường muốn tiếp cận thông tin tài chính của học sinh, v.v.

Đối với những thông tin riêng tư khác như tên, thông tin liên lạc, ngày sinh, hình ảnh, hoạt động của học sinh, sinh viên (gọi chung là directory information) thì có một mức độ bảo vệ khác: nhà trường sẽ thông báo cho gia đình biết, nếu gia đình không phản đối thì trường có thể chủ động công bố nếu muốn.

Luật sư Quỳnh Vi (California, Mỹ), một biên tập viên của Luật Khoa tạp chí, cho biết, “Tôi từng học trung học và đại học ở Mỹ. Mỗi khi nhập học ở trường nào thì trường đều phát cho học sinh và gia đình học sinh một loạt hướng dẫn về đủ mọi thứ, trong đó có thông tin về quyền riêng tư của học sinh. Học sinh và gia đình phải đọc kỹ, nếu không muốn những thông tin thuộc diện directory information bị công bố thì phải gửi thư yêu cầu nhà trường ngay, nếu không nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm”.

“Quy định là vậy, nhưng thông thường trường học ở Mỹ chủ động làm chặt hơn nhiều. Họ sẽ không công bố thông tin gì mà không xin phép học sinh và gia đình. Tinh thần chung của trường học Mỹ là bảo vệ trẻ em, vì họ rất sợ thông tin bị rò rỉ ra sẽ khiến trẻ bị bắt cóc hoặc bị xâm hại”, luật sư Vi cho biết.

Đặc biệt, những thông tin về sức khoẻ của sinh viên được bảo mật ở mức tối đa, nhà trường thậm chí sẽ không cho cha mẹ học sinh biết nếu học sinh không đồng ý, trong đó có thông tin về: tránh thai hoặc phá thai, thông tin về việc sử dụng thuốc và việc điều trị tâm thần, thông tin về bệnh AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

Nếu bạn cho rằng ở Mỹ mới vậy thì tôi tìm được quy định này của trường Raffles Girls’ School, một trong những trường trung học tốt nhất ở Singapore, với những nội dung tương tự. Mọi hoạt động thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân ở Singapore, bao gồm cả ở các trường học, đều phải tuân thủ đạo luật Personal Data Protection Act (PDPA) – tạm dịch là Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân.

Việc không tuân thủ những quy định trên đây có thể dẫn đến các vụ kiện. Hậu quả là nhà trường sẽ phải xin lỗi và bồi thường, còn bản thân giáo viên/cán bộ nhà trường có thể mất việc dưới sức ép của cha mẹ học sinh.

Quay trở lại Việt Nam, bạn có thể nói rằng, tôi chẳng quan tâm điểm cao hay thấp, cứ công khai cả địa chỉ nhà, số điện thoại, hình ảnh của tôi lên mạng cũng được. Bạn hoàn toàn có quyền làm thế với thông tin của mình, nhưng thông tin cá nhân cũng như ví tiền của bạn, bạn muốn vứt nó ra đường cũng được (chú ý quy định về xả rác bừa bãi), nhưng không ai có quyền tự tiện lấy nó từ tay bạn vứt ra đường. Có rất nhiều người không muốn thông tin của mình bị công bố, nghĩa vụ của nhà nước và nhà trường là phải tôn trọng những thông tin đó, chừng nào bạn cho phép thì họ mới được công bố.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.