Persona non grata: Cùng tìm hiểu món vũ khí sắc bén trong Quan hệ Quốc tế

Persona non grata: Cùng tìm hiểu món vũ khí sắc bén trong Quan hệ Quốc tế

Theo thông cáo báo chí ngày 2/8/2017 của Bộ Ngoại giao Đức, việc ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam “đầu thú” là một vụ bắt cóc do nhân viên an ninh của Việt Nam thực hiện tại Đức, trái với luật pháp của Đức và luật quốc tế.

Thông cáo này còn tuyên bố sẽ sử dụng quy tắc persona non grata để trục xuất người đại diện chính thức của các cơ quan an ninh Việt Nam (official representative of the Vietnamese intelligence agencies) – mà theo BBC News, người này đảm nhiệm chức vụ Tuỳ viên Báo chí (press attaché) tại Đức – trong vòng 48 tiếng.

Ngoài ra, thông cáo này còn nhấn mạnh, nước Đức bảo lưu quyền tiếp tục đưa ra những quyết định liên quan đến các chính sách về chính trị, kinh tế, và phát triển giữa hai nước. Nói nôm na là không chỉ có một người bị trục xuất, nước Đức đang bỏ ngỏ khả năng sẽ đưa ra những quyết định có thể khiến cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước xấu đi, ví dụ như trục xuất hoặc yêu cầu Việt Nam triệu hồi Đại sứ, đóng cửa Sứ quán, v.v.

Đến hôm nay, 3/8/2017, nhà báo David Hutt của Á Châu Thời báo (Asia Times) đưa tin, trong đó có trích dẫn một phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức: “Không còn nghi ngờ gì nữa là vụ bắt một công dân Việt Nam tại Đức đã được thực hiện với sự tham gia của Cơ quan An ninh và Đại sứ quán Việt Nam tại đây.”

Đáp lại, phía Việt Nam chỉ tuyên bố là họ cảm thấy “đáng tiếc” về việc Bộ Ngoại giao Đức đã đưa ra thông cáo báo chí nói trên, mà không đưa ra thêm bàn luận hay trả lời câu hỏi về vấn đề này.

Đại sứ Việt Nam tại Đức – ông Đặng Xuân Hưng. Ảnh: Trang nhà ĐSQ Việt Nam tại Đức.

Lần cuối cùng Đức trục xuất quan chức ngoại giao của một nước là vào năm 2012, khi họ cùng với các nước, Mỹ, Canada, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và Úc đồng loạt trục xuất các Đại sứ Syria vào thời điểm cuộc nội chiến tại Syria bùng nổ, sau khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã bị cáo buộc sát hại 108 thường dân vô tội tại thành phố Houla.

Vậy persona non grata là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về một quy tắc ứng xử khá thông dụng trong quan hệ ngoại giao quốc tế (international diplomacy).

Luật Quốc tế về persona non grata trong Quan hệ Ngoại giao

Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 (1961 Vienna Treaty on Diplomatic Relations), luật hóa những khái niệm, quy chuẩn về các vấn đề liên quan đến việc miễn truy tố trách nhiệm vì lý do ngoại giao (diplomatic immunity) và quyền bất khả xâm phạm (inviolability of embassies) của quan chức và nhân viên các tòa đại sứ, lãnh sự trên thế giới.

Tuy nhiên, Công ước Vienna cũng cùng lúc để ngỏ khả năng và quyền hạn của nước sở tại về việc trục xuất bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngoại giao của nước khác.

Điều 9 của Công ước Vienna quy định:

 

“Nước sở tại (receiving state), có thể vào bất kỳ lúc nào và cũng không cần giải thích về quyết định của mình, đưa ra thông báo đến nước đối tác (sending state) là họ đã áp dụng quy tắc ‘những người không được hoan nghênh’- persona non grata – hoặc ‘không được chấp nhận’ (not acceptable) đối với một Đại sứ hoặc bất kỳ nhân viên nào của Ngoại giao đoàn . Trong những trường hợp như vậy, nước đối tác có thể, nếu cảm thấy phù hợp, hoặc triệu hồi nhân viên ngoại giao đang bị quan ngại về nước, hoặc lập tức chấm dứt tất cả mọi hoạt động của người đó trong Ngoại giao đoàn…”

Buổi họp tại Geneva về sự ra đời của Công ước Vienna 1961. Ảnh: UN

Cụm từ persona non grata mang hình ảnh gã khổng lồ xấu xí nhưng đầy sức mạnh trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Ý nghĩa của “người không được hoan nghênh” rất thẳng thắn. Đó là một tuyên bố có hiệu lực tức thì từ chính phủ nước sở tại, rằng một quan chức hay nhân viên chính phủ – cho dù vẫn được hưởng quy chế miễn truy tố – đã bị cấm lưu lại và phải lập tức rời đi (banned from the country).

Thông thường, các nước thường cho phép những người “không được hoan nghênh” 72 tiếng để thu xếp trước khi bị trục xuất (expelled). [Việc quan chức an ninh Việt Nam chỉ có 48 tiếng để chuẩn bị có thể cho thấy chính phủ Đức rất không hài lòng với hành động lần này của Việt Nam.]

Hơn thế, một người không được hoan nghênh sẽ tiếp tục bị cấm nhập cảnh cho đến khi quyết định persona non grata được dỡ bỏ.

Tìm hiểu về lịch sử hình thành của persona non grata, thì có vẻ quy tắc này đã được áp dụng trong các mối quan hệ quốc tế từ sau khi chế độ quân chủ thoái trào và mô hình nhà nước hiện đại được áp dụng trong những năm cuối thế kỷ 18.

Một báo cáo đặc biệt do Bộ Tư pháp Mỹ thực hiện năm 1980, khi Tổng thống Jimmy Carter muốn áp dụng persona non grata đối với Đại sứ Iran, cho biết, Hoa Kỳ đã bắt đầu dùng nó từ những năm đầu lập quốc.

Ngay sau Cuộc Cách mạng dành Độc lập thành công, Tổng thống George Washington đã phải đối diện với một tình huống khá lúng túng trong quan hệ ngoại giao. Tình hình chính trị trở nên căng thẳng tại Paris khi chế độ quân chủ bị lật đổ vào năm 1792. Pháp – Anh ngay lập tức xảy ra tranh chấp và chiến tranh đã nổ ra giữa hai nước.

Edmond Charles Genêt (1763-1834) là một Bộ trưởng Pháp đang làm việc ở Mỹ, và ông đã được chính phủ Pháp trao cho sứ mạng thành lập lực lượng “chống Anh” tại đó. Vì nhà nước Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố giữ trung lập trong cuộc chiến Anh-Pháp, George Washington đã quyết định yêu cầu Pháp triệu hồi Genêt về nước.

Nhưng quyết định này chưa thực sự được ban hành thì đã xảy ra tranh cãi. Có lý do để tin rằng nếu thật sự bị trục xuất về Pháp, Genêt có thể đối mặt với án tử hình vì chính phủ Pháp và ông đã trở nên bất hòa. Đến cuối cùng, Mỹ đã không áp dụng persona non grata đối với Genêt. Ông ta chấm dứt các hoạt động chống lại Anh Quốc của mình, và tiếp tục sống lưu vong ở Mỹ cho đến khi qua đời.

Bộ trưởng Pháp Edmond Charles Genêt – nhân vật chính của một vụ persona non grata sớm nhất trong lịch sử Mỹ. Ảnh: alchetron.com

Ngày nay persona non grata được áp dụng như thế nào?

Persona non grata thông thường được áp dụng trong hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, đó là khi nhân viên ngoại giao đã gây án tại nước sở tại. Ví dụ như vào tháng 5/2012, Philippines đã áp dụng quy tắc ứng xử này để trục xuất một quan chức ngoại giao, Erick Bairnals Shcks, của Panama, sau khi ông này bị cáo buộc đã hiếp dâm một phụ nữ 19 tuổi.

Thông thường, khi một quan chức một chính phủ bị cáo buộc đã vi phạm pháp luật trong thời gian cư trú tại một lãnh thổ khác, mà giữa hai nước có quan hệ ngoại giao, thì Đại sứ quán thường được nước sở tại yêu cầu bãi bỏ tư cách miễn truy tố (immunity) của người này.

Như vậy, nhân viên cảnh sát có thể tiến hành điều tra và khởi tố vụ án. Nếu Đại sứ quán không đồng ý, thì chính phủ nước sở tại chỉ còn có thể dùng persona non grata để trục xuất.

Theo thông cáo báo chí ngày 2/8/2017, việc “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh tại Đức đã được thực hiện trái với luật pháp của Đức và của quốc tế. Do đó, có thể xem là Đức đã áp dụng persona non grata với quan chức Việt Nam vì lý do vi phạm pháp luật.

Trường hợp thứ hai, là khi hai nước có các mâu thuẫn về chính sách. Ví dụ gần đây, ngày 29/12/2016, Hoa Kỳ đã áp dụng persona non grata đối với 35 nhân viên, quan chức ngoại giao các cấp của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Nga vì nghi ngờ họ có dính líu đến vụ việc chính quyền Putin đã tìm cách thao túng mùa bầu cử tổng thống năm 2016, cũng như đã tìm cách xâm nhập vào các cơ sở dữ liệu của các tổ chức chính trị tại Mỹ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, persona non grata thường xuyên được dùng để trả đũa nhau theo kiểu ăn miếng trả miếng (tit for tat) giữa Khối cộng sản và các nước tư bản. Và họ đã dùng nó quá thường xuyên, đến nỗi trong thập niên 1960, đã có hẳn một công ty bảo hiểm – J. N. Dobbin & Co. – chuyên phụ trách các hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên, quan chức của các Ngoại giao đoàn trong trường hợp họ bị trục xuất.

Ngày nay, việc trả đũa ngoại giao vẫn xảy ra. Tháng 4/2011, Ecuador tuyên bố Đại sứ Mỹ Heather Hoges là “nhân vật không được hoan nghênh” tại quốc gia này và đã trục xuất bà, sau khi Wikileaks công bố một bức điện tín bao gồm những trao đổi về Tổng thống Rafael Correa của Ecuador, giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bà Hoges. Đáp trả, Hoa Kỳ ngay lập tức tuyên bố họ cũng không hoan nghênh Đại sứ Ecuador Luis Gallegos và trục xuất ông theo quy tắc persona non grata.

Tổng thống Donald J. Trump của Mỹ cũng từng bị áp dụng persona non grata. Ảnh: politico.com

Một điều thú vị về persona non grata, là nó không chỉ được chính phủ các quốc gia áp dụng đối với nhân viên, quan chức ngoại giao. Mà ngay cả chính quyền một thành phố cũng có thể áp dụng quy tắc này với những cá nhân người nước ngoài mà họ “không hoan nghênh”. Đó chính là trường hợp của đương kim Tổng thống Donald J. Trump. Vào tháng 3/2011, vì vạ miệng trong những tuyên bố liên quan đến kênh đào Panama, mà Trump đã bị chính quyền thành phố Panama City đồng thuận bỏ phiếu áp dụng persona non grata.

***

Trở lại với câu chuyện Trịnh Xuân Thanh, chúng ta thấy trước hết, Đức chỉ mới đưa ra tuyên bố trục xuất một số cán bộ ngoại giao của Việt Nam, và điều này không đồng nghĩa với việc chấm dứt các quan hệ ngoại giao hay đóng cửa Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.

Đã có nhiều trường hợp mà ngay cả khi Đại sứ bị trục xuất hoặc triệu hồi, nhưng Đại sứ quán vẫn mở cửa để giải quyết các vấn đề hành chính, trong khi chờ hai bên chính phủ thương thảo để giải quyết bất đồng và giải tỏa khúc mắc trong mối quan hệ. Ví dụ như Đại sứ quán Mỹ tại Belarus vẫn có bốn nhân viên ngoại giao được tiếp tục ở Minsk để duy trì một số công việc, sau khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên căng thẳng vào năm 2008 và cả hai đều đã triệu hồi Đại sứ của mình.

Ở đây, chính phủ Đức đã đưa ra yêu cầu Việt Nam trao trả Trịnh Xuân Thanh – là người vẫn đang nộp đơn xin hưởng quy chế tị nạn – để họ xem xét hồ sơ này theo đúng quy định pháp luật Đức. Nếu Đức từ chối đơn xin tị nạn, thì sau đó hai nước sẽ tiếp tục thảo luận về việc dẫn độ và trao trả công dân.

Vì sao nhân viên an ninh Việt Nam không thực hiện các trình tự pháp lý nói trên, nếu Trịnh Xuân Thanh đã tình nguyện theo họ về nước? Đó là một trong số những câu hỏi mà Việt Nam phải đưa ra câu trả lời thuyết phục.

Trong những ngày sắp tới, chính phủ Việt Nam đang đứng trước hai chọn lựa.

Một, là họ cần phải trả lời những cáo buộc, cũng như phúc đáp lại yêu cầu từ phía Đức để mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước có thể tiếp tục, và hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế được gìn giữ. Đây không còn là chuyện nội bộ của Việt Nam sau khi phía Đức đã đưa ra một bản thông cáo báo chí về vụ việc – với những cáo buộc hết sức nghiêm trọng – đến truyền thông quốc tế, cũng như về việc áp dụng persona non grata đối với quan chức ngoại giao Việt Nam.

Hai, trong trường hợp Việt Nam vẫn khẳng định mình đúng, thì chúng ta nên nhớ rằng, persona non grata không phải là hành động một chiều. Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể bảo vệ quan điểm của mình bằng cách tuyên bố Đại sứ Đức tại Việt Nam là “người không được hoan nghênh.”

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.