Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Trong những ngày cuối tháng 8/2017, vụ bê bối trầm trọng của công ty VN Pharma đã khiến cho nhiều người dân phải thắc mắc về mức độ liên đới của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong vụ việc này.
Sau khi thông tin một sếp lớn của VN Pharma là em chồng của bà Kim Tiến được xác nhận trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đã có người cho rằng bà Bộ trưởng Kim Tiến nên từ chức vì bà khó có thể thoát trách nhiệm đối với vụ việc.
Thế nhưng, khác với một số nước trên thế giới, văn hóa từ chức hầu như không tồn tại ở Việt Nam, nên ngay cả yêu cầu đòi bà Kim Tiến từ chức cũng gặp phải vô số câu hỏi.
Ví dụ như: Từ chức thì làm được gì? Nó đóng góp gì cho thể chế được tiến bộ? Từ chức có phải là một hành vi trốn chạy và không dám đối diện và xử lý khủng hoảng hay không?
Thiết nghĩ, song song với việc đưa ra ý kiến yêu cầu một quan chức cao cấp từ chức vì những nghi vấn liên quan đến một vụ bê bối gây ảnh hưởng lớn trong xã hội, thì việc tìm hiểu một cách khoa học về văn hóa từ chức cũng rất cần thiết.
Ông Nguyễn Minh Hùng, cựu Tổng giám đốc công ty VN Pharma là người xác định em chồng Bộ trưởng Kim Tiến là sếp lớn tại đây. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Trở lại hồ sơ VN Pharma và Bộ trưởng Kim Tiến, người viết rất tôn trọng những đóng góp trong vai trò một nhà nghiên cứu khoa học của Bộ trưởng Kim Tiến trong suốt quá trình bà làm việc tại Viện Pasteurs Sài Gòn. Tôi cũng ngưỡng mộ thành quả cá nhân của bà, khi được Trường đại học Anh Quốc lừng danh Oxford công nhận là một trong các Giáo sư danh dự.
Vì vậy, bài viết này không nhắm đến việc công kích cá nhân hay đưa ra lập luận yêu cầu bà phải từ chức ngay lập tức.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận việc đòi hỏi bà Kim Tiến từ chức của một số bộ phận dân chúng là một đề nghị hợp lý. Văn hóa từ chức vốn tồn tại ở nhiều nước, và đã được nghiên cứu một cách khá công phu, dựa theo những phương pháp rất khoa học trên thế giới.
Đối với các tổ chức quốc tế và những nhóm phi chính phủ, cũng như các chuyên gia về chính sách, thì họ luôn có xu hướng ủng hộ và khuyến khích một chính phủ minh bạch.
Một chính phủ minh bạch được xem là phương pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của hệ thống công quyền, cũng như giúp bài trừ và phòng chống tham nhũng.
Mà một trong các tiêu chí để đánh giá một chính phủ minh bạch, thì chính là văn hóa từ chức.
Vậy tại sao lại có tiêu chí này? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua lăng kính của các nhà nghiên cứu.
Mô hình ‘Public as Principal’: Từ chức là chất xúc tác, kết quả và tiêu chí đánh giá
Tôi xin tạm dịch mô hình này là ‘Công khai làm tiên quyết’ – hiểu nôm na là trước hết, nhất định phải công khai mọi thứ.
Giáo sư Mỹ chuyên ngành Quản trị nhà nước và Dịch vụ công tại Đại học Harvard – Merilee Grindle – cho rằng, mô hình này nói chung, và yếu tố từ chức nói riêng, giúp đánh giá được hiệu quả của tính minh bạch trong toàn bộ một hệ thống. Chúng ta có thể hiểu thêm về mô hình này qua biểu đồ dưới đây.
Mô hình “Public as Principal”.
Quy trình của mô hình này khá dễ hiểu và cũng dễ theo dõi qua bốn bước.
Trước hết, một khi công chúng có được thông tin về một sự việc (Bước 1), thì tùy theo mức độ phức tạp mà thông tin đó sẽ được người dân xử lý trực tiếp, hoặc được các nhà khoa học, các chuyên gia chính sách đưa ra đánh giá.
Dựa trên căn cứ của kết quả đã qua xử lý, công chúng sẽ tự quyết định họ sẽ phản ứng như thế nào với thông tin được cung cấp, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Thân nhân của các nạn nhận vụ phìm phà Sewol tuần hành đòi minh bạch một năm sau khi vụ việc xảy ra. Ảnh Japan Times.
Đối với những sai lầm rất rõ ràng và hệ quả gây ra là quá nghiêm trọng, ví dụ như vụ chìm phà Sewol khiến hơn 300 người – đa số là học sinh và giáo viên – thiệt mạng tại Hàn Quốc năm 2014, đến khi áp lực xã hội lên đến đỉnh điểm, thì người dân chắc chắn sẽ yêu cầu chính phủ phải xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan (Bước 2).
Trong trường hợp này, nếu văn hóa từ chức (đối với bất kỳ chức vụ cụ thể nào) đã tồn tại ở một quốc gia, thì việc từ chức của những cá nhân liên quan sẽ là cách giải quyết tốt nhất. Trong mô hình nói trên, điều này được xem là chất xúc tác.
Từ chức, trước hết là lời nhận lỗi từ người lãnh đạo có trách nhiệm trong vụ việc, gửi đến toàn thể người dân của một quốc gia.
Nhưng về mặt thể chế, hành động này cũng giúp bộ máy công quyền giảm được một phần sức ép từ dư luận, tạo tính chính danh cho bộ máy đó khi thay nhân sự mới.
Những biện pháp xử lý (Bước 3) của chính phủ về những vấn đề như lạm quyền, vi phạm, hay các mảng yếu kém còn tồn tại trong bộ máy nhà nước, chính sách, hay pháp luật – nhờ vào việc từ chức của một số quan chức, lãnh đạo – lại nhận được sự đồng thuận cao, quyết liệt và hiệu quả hơn từ phía người dân.
Đây là cách mà nhiều lãnh đạo quốc tế lựa chọn, như Thủ tướng Chung Hong-won trong vụ chìm phà Sewol năm 2014, hay Thủ tướng David Cameron sau khi thất bại trong việc níu kéo người dân Anh chọn ở lại khối Liên Minh Châu Âu (European Union – EU) năm 2016.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won từ chức vì vụ đắm phà Sewol năm 2014. Ảnh NY Times.
Tiếp theo, sẽ có ba kết quả tốt đẹp nếu bộ máy công quyền làm tốt Bước 3.
Một là, quy trình xử lý vấn đề sẽ tạo thêm nhiều thông tin để người dân đánh giá, và sau đó quay trở lại Bước 1 để họ tự chọn thái độ phản ứng thích đáng.
Hai là, niềm tin của người dân và cộng đồng vào thể chế được gia tăng vì họ thấy rằng tiếng nói của mình có trọng lượng và được lắng nghe. Theo nhiều nghiên cứu, điều này đồng thời khiến cho xã hội tích cực tham gia chính trị một cách có chất lượng hơn.
Ba là, các hoạt động điều tra, chấn chỉnh hệ thống công quyền sẽ giúp tạo ra một hệ thống hoàn thiện hơn, ít sai phạm và minh bạch hơn. Và đây cũng là Bước (4) của mô hình.
Ở Bước (4), thể chế càng minh bạch sẽ khiến cho người dân lại càng có nhiều thông tin và có thể lặp lại vòng tròn đánh giá, tạo sức ép và dẫn đến cải cách. Để từ đó, xã hội sẽ kiến tạo ra một mô hình khép kín trong việc đánh giá và kiểm soát chính phủ.
Mặt khác, các nhóm lợi ích liên quan, các cá nhân không hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng sẽ bị sức ép và từ chức. Bộ máy công quyền, từ đó chọn lọc được những cá nhân làm việc hiệu quả hơn, hoặc ít ra là, ít làm ra sai phạm hơn.
Thiếu vắng văn hóa từ chức, mô hình “Công khai làm tiên quyết” nêu trên sẽ không thể hoạt động được.
Việc xử lý những sai phạm và những hạn chế còn tồn đọng trong hệ thống nhà nước, vì thế cũng tiếp tục bị duy trì trong vòng xoay đầy uẩn khuất, thông tin tiếp tục bị đè nén và cả hệ thống nói chung, sẽ không thể đạt được tính minh bạch như người dân mong muốn. Chuyện chính trị trở thành chuyện nội bộ của giới lãnh đạo, và chính điều đó sẽ khiến người dân càng mất lòng tin vào chính phủ.
Quan chức và chính quyền không nên dùng việc từ chức như một công cụ ‘đánh lẻ’
Văn hóa từ chức tuy là một biện pháp cần thiết để xây dựng tính minh bạch cho một thể chế, nhưng nó cũng cần được xem xét dưới lăng kính tổng quát của cả hệ thống công quyền và bộ máy nhà nước.
Như chúng ta đã thấy ở trên, văn hóa từ chức là chất xúc tác của cả mô hình, chứ không phải là một giai đoạn trong mô hình.
Điều này có nghĩa là, nhiều chính phủ và nhân viên công quyền không nhất thiết phải sử dụng từ chức như một biện pháp bắt buộc để xử lý khủng hoảng. Thế nhưng, các chính phủ đó vẫn đạt được tính minh bạch cần có. Bởi vì một chính phủ minh bạch còn đi kèm nhiều yếu tố khác, ví dụ như bầu cử minh bạch, tài chính minh bạch, bổ nhiệm minh bạch, lập pháp minh bạch, tư pháp minh bạch, v.v.
Sử dụng từ chức như một công cụ thuần chính trị không chắc sẽ dẫn đến một hệ thống quản trị nhà nước tốt hơn.
Lý do là vì, văn hóa từ chức không phải là một công cụ pháp lý hay là một phần của thể chế chính thống, vậy nên không có gì có thể đảm bảo rằng áp lực của việc từ chức sẽ được áp dụng một cách thống nhất và có thể giúp tiên đoán trước kết quả như việc áp dụng pháp luật trong mọi trường hợp và ở tất cả mọi nơi.
Chúng ta hãy nhìn vào các vụ từ chức đình đám trên thế giới trong vòng hai thập kỷ vừa qua để thấy rõ hơn lập luận này.
David Cameron từ chức bởi vì ông đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh nên ở lại hay rời bỏ EU. Matteo Renzi từ chức vì thất bại trong nỗ lực cải cách Hiến Pháp Ý. Keith Vaz rời ghế Chủ tịch Ủy ban nội vụ Nghị viện Anh Quốc chỉ vì ông bị cáo buộc đã mua dâm. Kỳ lạ hơn, trong những năm 2000, một loạt Thủ tướng Nhật Bản quyết định từ chức chỉ vì họ không có đủ tiếng tăm trong dân chúng sau một số cuộc thăm dò nội bộ.
Những diễn biến tiếp theo, sau khi các vụ từ chức này xảy ra, là hoàn toàn khác nhau ở từng quốc gia.
Thủ tướng Anh David Cameron từ chức vì thua trong vụ trưng cầu dân ý Brexit năm 2016. Ảnh: CNN
Vì văn hóa từ chức vốn thiếu vắng một khuôn khổ ấn định mức bắt buộc và lại quá lệ thuộc vào dư luận (vốn có thể bị lèo lái bởi bất kỳ ai nắm giữ truyền thông), nên đôi khi, nó trở thành gánh nặng của những nhân viên công quyền có đạo đức và lòng tự trọng. Ngược lại, văn hóa từ chức có khi lại là công cụ đắc lực cho những nhóm lợi ích.
Trong những trường hợp như vậy, văn hóa từ chức chắc chắn không phải là chuẩn mực cho một chính phủ minh bạch và hiệu quả.
Người dân càng không nên hài lòng chỉ vì bản thân đã đạt được yêu cầu một quan chức nào đó từ chức, rồi dừng lại ở đó. Chúng ta không nên quên đi hàng loạt vấn đề về thể chế khác vẫn còn tồn tại, và phải không ngừng thúc đẩy cho một chính phủ minh bạch thật sự.
Theo nhiều nghiên cứu tổng hợp bởi các giáo sư Khoa học Chính trị, Monika Bauhr và Marcia Grimes, văn hóa từ chức, có đôi khi, không đi liền với một chính phủ tiến bộ và cải cách, cũng như sự hài lòng của xã hội đối với một ngành nghề, bộ môn nhất định trong dài hạn.
Vậy nên, xã hội cần được đảm bảo rằng, việc một quan chức từ chức phải luôn luôn đi kèm với những thay đổi cần thiết về thể chế, đúng như mô hình ‘Công khai làm tiên quyết’. Từ đó, người dân mới có thể có được một chính phủ minh bạch và có trách nhiệm hơn.
***
Đúng là văn hóa từ chức được công nhận đã mang lại rất nhiều đóng góp đối với các nước về mặt thể chế, chứ không như nhiều người cho rằng từ chức không làm được gì và sẽ không đóng góp gì cho những khủng hoảng đang tồn tại ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh việc không nên lạm dụng và sử dụng văn hóa từ chức như một mồi nhử cho sự tức giận của công chúng, mà không giải quyết tận gốc các vấn đề chính trị khác.
Bộ trưởng Kim Tiến đã gặp phải quá nhiều vụ bê bối với rất nhiều sai lầm trong quá trình tại chức. Thế nên, việc người dân yêu cầu bà phải từ chức là một yêu cầu chính đáng. Nhưng liệu điều này có đủ để giải quyết hệ thống bảo hiểm y tế bị thâm hụt, vốn trở thành truyền thống ở nước ta? Có đủ để giải quyết chất lượng đầu tư cho ngành y tế hay chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam hay không?
Chúng ta cần tiếp tục truy hỏi trách nhiệm của những vị quan chức nắm quyền cao hơn cả bà Kim Tiến nếu muốn tiếp tục dùng mô hình “Công khai làm tiên quyết” để tiến đến một mô hình nhà nước minh bạch. Nếu không, sẽ tiếp tục có thêm càng nhiều “con chốt” khác bị thí, nhưng những đóng góp của chúng ta vào việc minh bạch hệ thống nhà nước, e rằng vẫn chỉ là con số không.
Tài liệu tham khảo