Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Thật khó để lý giải tính chính danh của một đảng phái bằng ngôn ngữ pháp luật thông thường, mà phải viện dẫn đến các tư tưởng chính trị. Điều ấy lại càng khó khăn hơn khi xét tới kiểu thể chế độc đảng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta hãy thử bỏ qua các định kiến chính trị để xem công pháp quốc tế lý giải tính chính danh của đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào.
Quyền dân tộc tự quyết và chủ quyền nhân dân
Quyền dân tộc tự quyết (self-determination) và chủ quyền nhân dân (popular sovereignty) là hai nền tảng cơ bản của hệ thống pháp luật quốc tế ngày nay.
Tại Điều 1(2) của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như trong các văn bản quan trọng như Nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Tuyên ngôn Trao trả Độc lập cho các Quốc gia và Dân tộc Thuộc địa, “ý nguyện nhân dân” (popular will) được coi là nền tảng cho sự tồn tại của mọi quốc gia.
Đến đây, chắc chắn sẽ có bạn đọc tự hỏi rằng, khi mà việc tham chính ở Việt Nam vẫn còn bị giới hạn (phần lớn đại biểu quốc hội là đảng viên), quy trình hiệp thương phức tạp vẫn chưa phản ánh đúng ý nguyện chung, và chắc chắn các cuộc bầu cử khó mà khách quan được, thì quyền dân tộc tự quyết được thể hiện ở điểm nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng hệ thống bầu cử ở Việt Nam chỉ mang tính tượng trưng là chính; nhưng giới luật gia công pháp lại đưa ra một cái nhìn mới lạ.
Theo họ, quyền dân tộc tự quyết và chủ quyền nhân dân chưa bao giờ ngầm ám chỉ rằng một chính phủ cần phải được hậu thuẫn bởi những cuộc bầu cử dân chủ và công bằng.
Hệ thống luật quốc tế cho rằng, ý nguyện nhân dân là một khái niệm mở với độ phức tạp rất cao cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Thật sai lầm và khiên cưỡng khi người ta ảo tưởng rằng họ có thể cân đo đong đếm ý nguyện của nhân dân. Cách tốt nhất, hoặc ít ra là khách quan nhất, để xem xét tính chính danh của một nhà nước, là thước đo mặc nhận, phục tùng (acquiescence).
Sự phục tùng của người dân Việt Nam thể hiện rất rõ qua cách mọi người tuân thủ một thứ luật bất thành văn là treo cờ mỗi khi đến dịp lễ, Tết. Ảnh: Kênh 14.
Khi người dân của một quốc gia ngầm chấp thuận chung sống hòa bình với chế độ (dù họ không thoải mái) và không phản kháng gì, thì đây là dấu hiệu cho thấy rằng chế độ này ít nhiều cũng hiệu quả và phù hợp.
Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng cũng không vô lý, bởi chính người dân trong xã hội đã lựa chọn nhà độc tài cho họ. Có thể tổng hợp lý luận này bằng lời bình khá nổi tiếng của giáo sư chính trị học người Mỹ Brad Roth rằng: “Rủi thay, quyền dân tộc tự quyết và chủ quyền nhân dân lại bao gồm cả quyền ‘được’ thống trị bởi những tên côn đồ địa phương (the right to be ruled by domestic thugs)”.
Điểm mạnh và cũng là điểm yếu của cách nhìn nhận này nằm ở mức độ cực đoan của nó. Miễn là người dân một quốc gia phục tùng chế độ, thì công pháp quốc tế sẽ không phân biệt nguồn gốc xuất xứ của chế độ ấy, dù nó hình thành nhờ nội chiến, cách mạng hay đảo chính. Chính phủ có quyền đại diện tuyệt đối cho ý nguyện nhân dân, nhưng ngược lại, người dân cũng sở hữu quyền khởi nghĩa tuyệt đối của mình.
Kiểm soát hiệu quả (effective control)
Là một trong bốn tiêu chuẩn Montevideo công nhận sự hình thành của một quốc gia, kiểm soát hiệu quả từ lâu đã trở thành công cụ thông dụng nhằm đánh giá tính chính danh của một chính phủ, hay thậm chí là của các nhóm vũ trang đối lập.
Trong một cuộc nội chiến, nếu một chính phủ đứng vào thế yếu và không còn quyền kiểm soát hiệu quả đối với phần lớn lãnh thổ, thì sẽ rất khó để chính phủ này thuyết phục các tổ chức quốc tế hỗ trợ mình trong cuộc nội chiến nhằm đàn áp các nhóm vũ trang chống đối.
Trong trường hợp ấy, người ta thường dùng tới những biện pháp như hòa giải, điều đình, đàm phán nhiều bên.
Nhìn chung, khoa học pháp lý công pháp cho rằng năng lực kiểm soát hiệu quả một quốc gia là hiện thân của ý nguyện nhân dân. Cách lý giải sâu xa của nó khá tương đồng với cách hiểu về quyền dân tộc tự quyết.
Theo pháp luật quốc tế, không có lý do gì để phản đối một chính thể nơi mà người dân đều mặc nhiên chấp nhận và tuân thủ pháp luật của nhà cầm quyền. Điểm yếu của tiêu chuẩn này là nó đánh đồng năng lực chiến tranh với niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân dành cho nhóm quân sự đó. Nói cách khác, nó đánh đồng sự phục tùng và sự ủng hộ, nhưng rõ ràng hai khái niệm này cũng dính dáng tới nhau đôi phần.
Tại Việt Nam, chúng ta rất dễ nhận thấy rằng đảng Cộng sản có năng lực chiến tranh lẫn kiểm soát khá hiệu quả. Từ ngay trong giai đoạn chống Pháp trước năm 1945, lực lượng Việt Minh đã trở thành cái tên duy nhất còn sót lại sau khi các đảng phái, hội nhóm và phong trào khác thất bại. Hầu hết các sử gia Pháp đều ghi nhận rằng Việt Minh là mối đe dọa lớn nhất của họ tại Đông Dương.
Ngày nay, từ vấn đề hộ khẩu, thuế má, chính sách tuyển dụng, tuyển sinh… đều là những chính sách được xã hội chấp hành mà ít khi phản kháng.
Chúng ta cũng cần phân biệt kiểm soát hiệu quả và quản lý hiệu quả. Quản lý hiệu quả nói về tác động và lợi ích mà hoạt động quản lý nhà nước mang lại, cân nhắc giữa nguồn lực đầu vào và thành quả đầu ra. Trong khi đó, kiểm soát hiệu quả, ở một tầng ý nghĩa khác, ám chỉ khả năng quản chế và bắt buộc tuân thủ. Dù không quản lý hiệu quả cho lắm, ngày nay hiếm có thế lực chính trị nào khác có khả năng kiểm soát xã hội hiệu quả như đảng Cộng sản Việt Nam.
Đa nguyên chính trị (political pluralism)
Làm thế nào chúng ta có thể dùng nguyên tắc đa nguyên chính trị để lý giải cho một nhà nước độc đảng? Dưới góc độ công pháp, đây lại là nguyên tắc thường xuyên được các quốc gia độc đảng và các chính phủ độc tài đem ra làm bia đỡ.
Thật mỉa mai khi mà các quốc gia này tuy từ chối công nhận nguyên tắc đa nguyên chính trị trong nước, nhưng họ lại rất ưa thích sử dụng đa nguyên chính trị để chống lại các ý tưởng dân chủ cấp tiến đến từ phương Tây.
Cụ thể, họ lập luận rằng dân chủ có rất nhiều mô hình, và mô hình của phương Tây không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Nếu ngay cả những quốc gia dân chủ cấp tiến phương Tây còn áp dụng những mô hình khác nhau, như cộng hòa tổng thống của Hoa Kỳ, cộng hòa đại nghị của Anh, tại sao chúng tôi phải tuân thủ những nguyên tắc dân chủ do các ngài đặt ra?
“Không ai có thể độc quyền đức hạnh hay thông thái” – câu nói của đương kiêm Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong chính là minh họa dễ hiểu nhất cho cách tiếp cận của những quốc gia này.
Lee Hsien Loong trong một cuộc phỏng vấn với BBC đã tuyên bố: “Không ai có thể độc quyền sự đức hạnh hay thông thái”. Ảnh: BBC
Cần ghi nhớ rằng góc độ tiếp cận của công pháp quốc tế khá khác biệt với cách tiếp cận của các học thuyết chính trị. Trật tự và nền tảng hoạt động của Hiến chương Liên Hiệp Quốc dựa trên niềm tin, sự tôn trọng khác biệt và một môi trường hợp tác hòa hợp giữa những quốc gia cấp tiến dân chủ và những quốc gia phi dân chủ. Vậy nên đa nguyên chính trị của công pháp quốc tế có mục tiêu và bản chất hoàn toàn tách biệt với đa nguyên chính trị trong pháp luật nội địa – vốn vẫn được kỳ vọng tồn tại trong lòng một xã hội cụ thể.
—
Hiển nhiên, dù lý giải bằng cách nào đi chăng nữa, thì tính chính danh của một chính phủ vẫn cần tới niềm tin thực tế của người dân. Rõ ràng là niềm tin của người dân Việt Nam dành cho chính phủ và đảng Cộng sản đang ngày càng giảm sút. Mặt khác, những lý thuyết nói trên cũng cho chúng ta hiểu thêm về sự tồn tại của chính phủ Việt Nam ở một góc độ khác, góc độ phục tùng.