‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Mấy ngày qua, đã có nhiều tranh cãi liên quan đến việc một dự án xây trường tiểu học tại Lũng Luông (Thái Nguyên) của Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao, thuộc dự án từ thiện nổi tiếng Cơm Có Thịt, có nhận đóng góp tài chính lớn từ một quỹ từ thiện khác, Quỹ Phượng Hoàng.
Dự án Cơm Có Thịt là một dự án từ thiện uy tín, được sáng lập bởi nhà báo Trần Đăng Tuấn, và có sự tham gia giúp đỡ của nhà Toán học Ngô Bảo Châu.
Nguyên nhân của tranh cãi là do Quỹ Phượng Hoàng được sáng lập và điều hành bởi bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Henry Nguyễn Bảo Hoàng, chồng bà Phượng.
Bà Phượng là con gái của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vừa chấm dứt nhiệm kỳ của mình năm ngoái. Ông Dũng để lại nhiều di sản chính trị, kinh tế đầy tranh cãi.
Đã có nhiều cáo buộc được đưa ra về hành vi tham nhũng của ông Dũng trong nhiệm kỳ của mình. Và tài sản giàu có của các thành viên gia đình ông Dũng, bao gồm bà Nguyễn Thanh Phượng, được cho là đã đến từ các của cải do tham nhũng mà có.
Vì thế, theo nhiều người quan sát, việc dự án Cơm Có Thịt nhận tiền “nhuốm mùi” tham nhũng từ phía bà Phượng là không hay ho, và còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của dự án này.
“Cuồng” chủ nghĩa lý lịch?
Đáp lại các ý kiến phê phán là các ý kiến phê phán… các phê phán.
Một số ý kiến này cho là, những người phản đối đóng góp từ thiện của Quỹ Phượng Hoàng chỉ vì người sáng lập và điều hành quỹ đó là con gái của một vị cựu thủ tướng bị cáo buộc tham nhũng đang mắc vào chính thứ chủ nghĩa lý lịch cay nghiệt của những người cộng sản.
Thứ chủ nghĩa lý lịch đó tôn gốc gác gia đình, công tội của ông bà, bố mẹ lên trên hết, thay vì nhìn vào tư lịch và chính năng lực cá nhân của mỗi con người – vốn là các tiêu chuẩn đánh giá con người thông thường.
Vì thế, khi bị đánh giá bằng chủ nghĩa lý lịch, một người không còn được xem là anh A hay chị B, mà thay vào đó, là con ông C hay con cháu nhà D.
Theo đó, nếu ông C hay nhà D chẳng may đã làm gì nên tội, đã đứng lộn bên hay đã chọn sai phần lịch sử, thì anh A hay chị B sẽ mang cái tội, cái sai của cha ông mình đến suốt đời.
Ngược lại, nếu ông C hay nhà D may mắn thuộc về “bên thắng cuộc”, thì số anh A chị B lên hương lên hoa mãn kiếp, hay ít ra, cho đến khi có một “bên thắng cuộc” mới.
Nhiều người đặt câu hỏi đầy Phật tính: tại sao một số người phản đối chính quyền cộng sản lại quay qua dùng chính chủ nghĩa lý lịch của chính quyền đó để xét đoán những cá nhân của chính quyền đó?
Một số người khác, sử dụng lối tư duy Đặng Tiểu Bình, “mèo đen mèo trắng gì cũng được, miễn là bắt được chuột”, thì nhún vai: tiền “nhuốm mùi” tham nhũng thì đã sao? Miễn là được dùng vào việc tốt, xây được trường học cho trẻ em nghèo miền cao thiếu thốn bộn bề thì không quan trọng tiền của Quỹ Phượng Hoàng, của bà Phượng là từ nguồn nào.
Sâu xa hơn, “kỳ thị giới tính”?
Cả những người phản đối lẫn những người ủng hộ phần đóng góp của bà Phượng nói trên đều có thể đang mang một tâm lý “kỳ thị giới tính” đáng hổ thẹn.
Tâm lý “kỳ thị giới tính” đó có lẽ thể hiện rõ nhất qua một quy trình tư duy giả sử thế này:
Một người phụ nữ kinh doanh có tiền để đóng góp từ thiện thông qua một quỹ từ thiện do bà cùng chồng sáng lập và điều hành.
Tiền từ thiện đó như thế chắc chắn không thể do bà ta hoàn toàn tự mình quyên góp từ các nơi khác, hay tự mình kinh doanh lương thiện mà có.
Tiền đó phải là tiền bà ta tích cóp trực tiếp từ những nguồn tham nhũng của người cha, từng một thời “lũng đoạn” đất nước.
Hoặc, tiền đó phải là tiền bà ta rút từ của cải của người chồng (tiện thay, là một tay tư bản, con cháu chế độ Sài Gòn cũ).
Hoặc, tiền đó phải là tiền từ kinh doanh mà có. Nhưng, bà ta đã kiếm được tiền này dựa nhiều vào thanh thế và mạng lưới “ảnh hưởng” của người cha tham nhũng.
Cũng có thể, cả ba khả năng nói trên đều có thật.
Túm cái quần lại, bất kỳ một người phụ nữ Việt Nam nào cũng sẽ không bao giờ thoát ra khỏi cái bóng của người cha, hay người chồng của mình.
Mọi việc làm của bà ta, từ lần đầu tiên tự mua băng vệ sinh cho đến lần cuối cùng cầm tay đứa cháu ngoại, đều phải bị xét đoán theo hướng: bà ta đã vô tư “được” hưởng hay đã khôn ngoan lợi dụng các lợi thế sẵn có từ người chồng, người cha bà ta như thế nào.
Một người phụ nữ Việt Nam, “đẹp đẽ” và “yếu mềm”, không bao giờ là một cá nhân đủ tự lập, đủ tự do để có thể được đánh giá riêng biệt, không dính dáng gì đến người cha, người chồng của bà ta.
Một lối tư duy mang màu sắc “kỳ thị giới tính” như trên, không giúp ích nhiều cho các cuộc đấu tranh chống tham nhũng cho một chính phủ minh bạch tại Việt Nam.
Tất cả những ai, dù chống đối hay ủng hộ đóng góp từ thiện của bà Phượng, mà lỡ dựa vào một lối tư duy giống như thế, thì rất cần tự xem xét lại suy nghĩ của bản thân.
Truy xét cá nhân tham nhũng, đừng chỉ truy xét họ tộc
Bài xã luận 4 xu, theo đóm ăn tàn, thêm dừa vào lẩu này không có ý định bao biện hay bao che cho bà Phượng, hay ông Dũng.
Ông Dũng phải bị truy xét đến cùng về những cáo buộc tham nhũng chống lại ông ấy.
Bà Phượng, như một cá nhân kinh doanh làm từ thiện, và Quỹ Phượng Hoàng của bà phải bị truy xét đến cùng nếu có các dấu hiệu rõ rệt cho thấy quỹ đó dùng các nguồn tiền “bẩn”, đến từ hành vi tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào của cha bà ta hay của chính bà ta, để đóng góp cho dự án Cơm Có Thịt.
Vấn đề ở đây là, các cáo buộc tham nhũng, “tiền bẩn” chống lại cha con nhà ông Dũng không đến từ một cơ quan danh chính ngôn thuận có thẩm quyền và năng lực để điều tra chi tiết về các cáo buộc này.
“Tham nhũng”, từ lâu nay, đã thường bị lợi dụng làm cái mác để các phe phái quyền lực tại Việt Nam dùng nó nhục mạ và “dìm hàng” lẫn nhau.
Trong khi đó, việc xây dựng các cơ chế hiệu quả và luật pháp “sát sườn” chống tham nhũng vẫn đang là một công tác mà cả nước trên dưới đều… loay hoay.
Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có các quy định cụ thể và nghiêm khắc về việc minh bạch tài sản của cán bộ, công chức.
Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có một cơ quan chống tham nhũng riêng biệt, có chuyên môn và tương đối độc lập với chính phủ, đồng thời có quyền điều tra truy tố mạnh mẽ “ném bình không sợ vỡ chuột”.
Thay vì tranh cãi, hay buồn bã dựa trên những cáo buộc mông lung không ai trưng được bằng chứng đáng tin cậy, có lẽ người Việt Nam nên tập trung vào một số câu hỏi quan trọng.
Những câu hỏi mà họ có thể trực tiếp đem đến hỏi các đại biểu quốc hội của mình (danh sách xem tại đây), hay đem ra chất vấn các quan chức đầu ngành, ví dụ như:
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), hiện đang được bàn thảo, vẫn không xem em chồng là “người thân” thì có thỏa đáng không?
Làm cách nào để các quy định mới trong Dự luật nói trên về minh bạch tài sản có thể có hiệu quả “ghè” tham nhũng hơn khi mà “Thực tế 10 năm qua, chúng ta không tìm được bất cứ vụ tham nhũng nào thông qua việc minh bạch tài sản”?
Tại sao việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo nói trên vẫn bị rắc rối lằng nhằng vì những “văn bản mật” mà chính quyền cứ úp úp mở mở?
Những vấn đề đang hạn chế khả năng phòng chống tham nhũng của Việt Nam nói trên, nếu không được tập trung giải quyết rốt ráo, thì cho đến khi văn minh loài người chế được máy đóng gạch tự động, năng suất cao, biết bay, và dùng đất không cần nước, e là ở Việt Nam người ta vẫn còn đang níu chun quần nhau mà cãi: tiền thằng nào bẩn hơn?