Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Cuốn sách đáng được xếp vào hàng những tài liệu hiếm hoi bàn về chính trị Việt Nam một cách nghiêm chỉnh kể từ năm 1975 trở lại đây.
Tháng Chín vừa rồi, một cuốn sách viết về chính trị dành cho giới bình dân đã được Nhà xuất bản Giấy Vụn ấn hành, đáng được xếp vào hàng những tài liệu hiếm hoi bàn về chính trị Việt Nam một cách nghiêm chỉnh kể từ năm 1975 trở lại đây. Đó là “Chính trị bình dân” của nhà báo Phạm Đoan Trang – một cuốn sách không thể phát hành tại Việt Nam, nhưng may thay, bạn đọc có thể đặt mua qua Amazon với hai dạng là bản giấy hoặc bản mềm.
Chúng ta hãy cùng điểm qua năm lý do tại sao bạn đọc nên có trong tay cuốn sách này.
1. Tóm lược những kiến thức căn bản nhất từ thế giới chính trị phức tạp
Dù bạn có màng chuyện chính trị hay chăng, thì nó vẫn ảnh hưởng tới cuộc đời bạn theo đủ mọi cách khác nhau. Nhưng có vẻ muốn hiểu tường tận cũng khá phiền phức khi phải bơi giữa một mớ kiến thức rối rắm. Rốt cuộc thì chủ nghĩa dân tộc có khác gì với lòng yêu nước? Đa đảng như Singapore đã phải là dân chủ hay chưa?
“Chính trị bình dân” của Đoan Trang sẽ giúp bạn trả lời cặn kẽ cho những câu hỏi như vậy. Bắt đầu từ những chủ đề quan trọng nhất trong nền chính trị hiện đại như nhà nước, dân chủ, ý thức hệ, và đảng phái, cuốn sách triển khai thành nhiều nhánh kiến thức tinh giản. Bạn đọc sẽ không cần dành quá nhiều thời gian cho việc đào bới cội rễ của từng thuật ngữ, hay là lần mò trong cuộc bút chiến hỗn loạn của những triết gia tự cổ chí kim.
Bởi vậy, ngay trong lời nói đầu, tác giả đã khẳng định rằng “Đây không phải là một công trình nghiên cứu mang tính chất hàn lâm, học thuật, cũng không phải một tác phẩm nghệ thuật với những sáng tạo và thử nghiệm. Tôi cố gắng để nó là một cuốn sách nhập môn, đem lại cho bạn đọc những kiến thức cực kỳ căn bản về chính trị”.
“Chính trị bình dân” được chính thức phát hành qua Amazon. Ảnh: Facebook Chanh Nguyen.
2. Với những câu chuyện chính trị sôi động ở Việt Nam mà chưa cuốn sách nào bàn tới
Bên cạnh khối lượng kiến thức đồ sộ, thách thức đặt ra cho tác giả là phải viết những chủ đề hàn lâm cho giới bình dân như đúng tên gọi của cuốn sách. Do đó, một mặt nó phải đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tri thức, nhưng mặt khác nó cần phải gần gũi với độc giả phổ thông.
Đoan Trang – với kinh nghiệm gần 20 năm làm báo ở VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh và 10 năm hoạt động xã hội – đã giải quyết thành công bài toán đó nhờ những câu chuyện chính trị thực tế mà cô nắm bắt được. Những chuyện diễn ra ngày này qua ngày khác, ngay bên cạnh mỗi chúng ta, nhưng vì lẽ nào đấy mà hầu như chưa cuốn sách nào bàn tới.
Bạn đọc hẳn đã nghe tới những sự kiện như cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội cách đây sáu năm, cuộc luận bàn sửa đổi hiến pháp nhiều biến động hồi năm 2013, hay vụ tập đoàn Formosa gây ô nhiễm vùng biển miền Trung làm dấy lên những tiếng nói phản đối khắp cả nước hồi năm ngoái. Như một người kể chuyện, Đoan Trang đã thuật lại những sự kiện ấy tường tận trong cuốn sách của mình, đồng thời dùng lý thuyết chính trị để phân tích một cách khách quan.
Đoan Trang không chỉ là người quan sát và viết lách. Cô còn là người trực tiếp tham gia các sự kiện đó, gặp gỡ những con người đó, vào những thời điểm cam go đó. Nếu không muốn nói, Đoan Trang còn là nhân vật chính trong rất nhiều sự kiện mà cô tham gia.
Cá nhân người viết bài giới thiệu này cho rằng, cuốn sách có lẽ không chỉ dành cho giới bình dân, mà cũng rất đáng đọc cho giới hàn lâm tháp ngà – bởi nó hàm chứa những kiến thức quý báu về thực tiễn chính trị Việt Nam, thứ mà không một cuốn sách Tây phương nào làm được.
3. Hàm lượng kiến thức không nặng nhưng vẫn chất
Bạn đọc đã bao giờ nghe tới một xảo thuật trong chính trị gọi là “gerrymander”? Rồi tuyên truyền – “propaganda”? Hay nguồn tài chính của các đảng phái đến từ đâu? Và bạn đọc có phân biệt được giữa vận động hành lang với đi đêm, hối lộ, và tham nhũng chính sách?
Đằng sau cái hệ thống chính trị mà những cuốn giáo trình đại học vẫn mô tả một cách cứng nhắc là một thế giới đầy kỹ thuật để tạo nên dòng chuyển động trôi chảy cho nền chính trị quốc gia. Đan xen với kiến thức tổng quan căn bản, “Chính trị bình dân” còn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn khác về dòng chảy ấy.
Hơn thế, cuốn sách không chỉ kể tới những sinh hoạt chính trị diễn ra ở thượng tầng như một thế giới của riêng các chính trị gia như vụ đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Vinashin, như trang web Chân Dung Quyền Lực với những thông tin cấp cao bị rò rỉ về cuộc đấu đá nội bộ. Đó còn là cuộc vận động quốc tế của các blogger trong Chiến dịch 258, là các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và phản đối chặt cây ở Hà Nội, hay là sức ép chính trị đến từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Human Rights Watch về vấn đề nhân quyền.
Còn có thể tìm thấy ở đâu những câu chuyện đầy sắc màu đến vậy?
Không chỉ là nhà báo, Đoan Trang còn là một nhà hoạt động từ gần mười năm nay. Ảnh: Facebook nhân vật.
4. Dung dị và gần gũi
Hẳn là, khi thiếu hụt kiến thức về chính trị, mỗi người dễ bị rơi vào tình thế bị động, không chỉ trong những cuộc phiếm đàm trà đá vỉa hè mà còn trong chính đời sống của mình.
Là một nhà hoạt động lâu năm, Đoan Trang hiểu rõ giới bình dân cần đọc những gì để thoát khỏi cái thế thụ động tri thức ấy. Kể chuyện người, kể chuyện ta, bất cứ ai khi đọc “Chính trị bình dân” đều có thể vừa lặn ngụp trong tri thức vừa cảm thấy gần gũi như đang sống trong câu chuyện của chính mình.
Tác giả cũng không cần dùng tới những bảng biểu và sơ đồ phức tạp để diễn giải kiến thức khiến bạn đọc bối rối. Đơn thuần là những lời lẽ hết sức “bình dân”, như bạn đọc có thể thấy trong một trích đoạn ngẫu nhiên dưới đây:
“Tình trạng ấy nói lên một sự thật: Luật pháp ở nước CHXHCN Việt Nam chỉ là công cụ để nhà nước quản lý, hay là chỉ dùng cho dân. Công an – với vai trò lực lượng bảo vệ chế độ – thường được ưu ái, được luật pháp ưu tiên bảo vệ. Việt Nam dưới thời cộng sản là một chế độ ‘rule by law’, nơi không tồn tại ‘rule of law’.”
Cùng với nhiều hình họa châm biếm và những mẩu chuyện chính trị thường nhật, “Chính trị bình dân” cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn hài hước nhưng không kém phần sâu sắc. Bạn đọc không cần phải lo lắng về một cuốn sách giáo khoa dày cộp với phông chữ Times New Roman nghiêm túc và những chuyên mục được đánh số gọn gàng tới mức nhàm chán. Hoàn toàn không.
5. Truyền cảm hứng để chính bạn trở thành một công dân tích cực
Dân chủ sẽ không thể vận hành nếu không có sự tham gia của mỗi người dân. Nền chính trị quốc gia sẽ không thể tốt lên nếu ai ai cũng phớt lờ và phó mặc cho giới lãnh đạo thích làm gì thì làm.
Đọc “Chính trị bình dân”, bạn đọc sẽ thấy rằng ở xứ ta có rất nhiều người đang gióng lên tiếng nói của họ. Rất nhiều người đang biểu tình ở đây và tẩy chay ở kia, đang sẵn sàng thách thức công quyền và chống chọi với cơn đàn áp. Rất nhiều nhóm xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ vẫn đang nỗ lực làm tốt phần việc của họ cho một Việt Nam dân chủ hơn và đáng sống hơn.
Và chắc chắn rằng những câu chuyện hoạt động sôi nổi của họ sẽ là một nguồn cảm hứng dồi dào cho bạn đọc. Để thấy rằng mỗi chúng ta không hề lẻ loi. Và rằng Việt Nam vẫn còn nhiều hy vọng.