Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Về Chito Gascon, cựu thủ lĩnh sinh viên, nhà hoạt động chính trị và nhà tư tưởng. Bây giờ ông là vị chủ tịch đứng giữa mưa tên bão đạn của Ủy Ban Nhân Quyền Philippines.
“Nào ông Gascon, hãy trả lời xem: Ông đã ở đâu khi một người phụ nữ trong barangay (phường) của chúng tôi bị một tên nghiện hút cưỡng hiếp?”
Người được hỏi có vẻ không hiểu câu hỏi. Có thể là vì tôi đã lầm bầm, hay là giọng điệu có phần châm chích của tôi đã bị xem là không đàng hoàng.
Jose Luiz Martin Gascon, thường được biết đến bằng tên thân mật – Chito – tiếp tục nhìn chăm chăm vào tôi. Ông là Chủ tịch của Ủy Ban Nhân Quyền (Commission on Human Rights – CHR), kẻ thù không đội trời chung của Tổng thống Duterte, và là một người chỉ trích gay gắt cuộc chiến chống ma túy rất được lòng dân chúng của ông Duterte.
Những lần giao du trước đây của tôi với Chito, phải thú nhận là rất ít, chủ yếu là ở mức xã giao, và tôi chỉ thấy ông ta là một người thích đùa giỡn trong khi ừng ực mấy ngụm Coca Cola. Tuy nhiên, có rất ít bỡn cợt trong buổi phỏng vấn này của chúng tôi. Chúng ta đang sống trong những giờ khắc nghiêm trọng.
“Tôi không hiểu câu hỏi đó,” Chito trả lời. Tôi lập lại câu hỏi, và Chito giả cười trước khi lên tiếng: “Chà, đó là một câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất nhiều trên mạng xã hội. ‘Nhân quyền’ là một cụm từ mà tôi nghĩ rằng đã không được trân trọng hay hiểu một cách đầy đủ. Vì thế, chúng ta thường nhầm lẫn về vai trò vốn dĩ khác nhau của các cơ quan nhà nước.”
Nhìn nhận sai, dĩ nhiên, làm sản sinh ra tính cay độc. Và những kẻ hay viết còm quấy phá trên mạng xã hội là hiện thân của tính cay độc đó.
Các nhóm ủng hộ Duterte trên mạng xã hội như Bongbong Marcism hay General Bato dela Rosa, đã cho lan truyền các hình châm biếm (meme), kêu gọi việc giải tán Ủy Ban Nhân Quyền.
Chito và nhân viên của ông dĩ nhiên cũng đã hứng chịu rất nhiều các thể loại của những hành vi thù ghét trên mạng xã hội: hình ảnh súng ống đã được gửi vào hộp thư mạng của họ, những lời chửi rủa thông thường, và cả những lời cáo buộc họ là trùm buôn ma túy.
***
Ngồi trong chiếc taxi đưa tôi từ sân bay đến tổng hành dinh Ủy Ban Nhân Quyền (CHR) ở quận Diliman, thành phố Quezon, tôi chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để nghe một lời bình phẩm không thể tránh được: “Ah, ‘yang CHR. ‘Yung mga kakampo ng mga adik.” (Tiếng Tagalog: À, đám CHR, cái lũ oắt con đó. – ND)
Chuyến xe khá dài, và nó cho tôi cơ hội nói chuyện về CHR. Đúng, Ủy Ban chủ yếu giám sát bạo lực đến từ phía chính quyền, bởi vì bạn cần một ai đó giám sát lực lượng cảnh sát. Và không, Ủy Ban không thể bảo vệ dân chúng trước đám nghiện hút, bởi vì đó không phải là nhiệm vụ họ được giao phó. Đúng, Ủy Ban có thể bất lực giữa vòng vây quyền lực của tổng thống.
Người tài xế taxi thú nhận là ông không tin tưởng CHR, nhưng bây giờ khi phát hiện ra cơ quan đó làm gì, ông phải ngập ngừng. “Mabuti na lang po pinaliwanag niyo sa akin yan. Kasi, sa totoo lang, kung walang magpapaliwanag, ‘di naman namin alam ang ginagawa ng CHR.” (Thật tốt là anh đã giải thích cho tôi. Thực tế là, nếu không có giải thích gì, thì chúng tôi không biết CHR làm cái gì.)
Người lái xe cho biết thêm rằng: không biết gì về chức năng của CHR, giúp cho việc “bôi đen” Ủy Ban đó dễ dàng hơn.
Tình thế cũng chẳng giúp ích gì nhiều cho CHR, khi mà vị tổng thống dân túy được lòng dân chúng của Philippines rõ ràng là không hề thích cơ quan này.
Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Duterte chỉ đích danh CHR và yêu cầu họ “cho phép [chính phủ] chúng tôi một mức độ quản lý phù hợp với ủy quyền của chúng tôi.” Những từ ngữ này nghe thật trung hòa từ miệng vị tổng thống vốn hay ăn nói tục tĩu, tuy nhiên chúng ẩn chứa một lời đe dọa: Đừng cản đường tôi, nếu không, sẽ có chuyện.
Bước sang năm 2017 và rời xa thứ hùng biện cao xa của lễ nhậm chức, Digong (biệt danh của Duterte – ND) gần đây dùng thứ ngôn ngữ súc tích hơn: “…lahat kayo diyan sa Human Rights Commission, mga pangit.” (…lũ mấy người trong Ủy Ban Nhân Quyền, một bọn xấu xa.)
Nỗi căm giận [của dân chúng] có lẽ là đã bị thổi phồng quá đáng, tuy nhiên Chito biết rằng lòng căm giận đó dựa trên những mối quan tâm chính đáng. Người dân đã vỡ mộng với một nhà nước yếu kém, và họ muốn các kết quả nhanh chóng.Chito có lẽ chỉ đứng thứ hai sau Thượng nghị sỹ Leila de Lima (bản thân bà ta là một cựu chủ tịch CHR) trong danh sách những người bị căm ghét nhất của giới chính trị Philippines.
Tuy nhiên, việc Chito trở thành tâm điểm của dư luận có vẻ không cân xứng, khi mà cơ quan ông trực tiếp lãnh đạo hoàn toàn không hề có thực quyền gì nếu đem ra so sánh với Dinh Tổng Thống.
CHR chẳng có cả chức năng truy tố, chưa nói đến việc bỏ tù được ai. Các điều tra viên của cơ quan này chỉ tập trung vào các vi phạm nhân quyền của chính phủ, nhưng họ chỉ có thể cung cấp các đề xuất (recommendations) cho các cơ quan công quyền có liên quan mà thôi.
Việc mở hồ sơ truy tố hình sự hay không là quyết định của một công tố viên, và việc tiến hành các thủ tục hành chính nội bộ hay không thì lại là quyết định của riêng mỗi bên cảnh sát hay quân đội.
Các lực lượng đó hoàn toàn có thể chọn việc phớt lờ CHR, và họ làm việc đó một cách thường xuyên, đặc biệt là dạo gần đây. “Bằng chứng – không qua thống kê cụ thể – mà từ thực tế công việc của chúng tôi cho thấy, chỉ có 30% trong số các đề xuất của chúng tôi đã được tiếp nhận.” Chito giải thích.
Đó mới chỉ là cho những trường hợp mà CHR có thể điều tra. Với một đội ngũ 600 nhân viên, Chito phải điều tra hơn 3.500 cái chết có liên quan đến cuộc chiến chống ma túy của Duterte. Tính tới tháng 10 năm ngoái, CHR mới chỉ bắt đầu 251 cuộc điều tra truy tầm dữ kiện, với tiến độ mỗi cuộc điều tra khác nhau.
Đối với một người dân bình thường, những cái chết đó đang dần dần trở thành những con số thống kê. Choáng ngợp và xơ cứng cảm xúc trước hàng loạt cái chết như thế, đã không còn nhiều người dân quan tâm đến các chi tiết nhỏ nhặt.
Một số vụ việc – những vụ thật sự là khó tin – lại thu hút được sự chú ý của công chúng, ví dụ như vụ hai cha con Renato và JP Bertes. Hai người bị cảnh sát tra tấn và giết hại trong nhà tù thành phố Pasay. Vì sao họ chết? Nanlaban (chống bắt giữ, chống cảnh sát – ND) – họ đã kháng cự cảnh sát.
Khi những cái chết xảy ra, Duterte và Bato (Bato dela Rosa – Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia Philippines – ND) – ‘cánh tay mặt’ của ông ta – luôn giả định “tình trạng bình thường” trong thủ tục cảnh sát. Các sĩ quan chỉ đang làm nhiệm vụ của họ, chiếu theo câu chữ luật lệ.
Với những vụ việc như vụ nhà Bertes, Chito giải thích rằng: bạn có thể đơn giản là “trình bày sự vô lý đến mức lố bịch của nó”, dẫn dắt người dân tới việc nhận ra một sự thật lớn hơn, rằng là việc để cho cảnh sát có quyền lực không kiểm soát không phải là một cách chống tội phạm. Tiếp theo đó, bạn chỉ cần cật lực đi tiếp. “Đánh từng trận đánh, xử lý từng vụ việc, và cuối cùng tìm đến công lý một lần,” để rồi lần đó hy vọng sẽ dẫn đến một lần thứ hai, thứ ba, thứ tư hay thứ năm.
Nhưng chắc là không có lần thứ 3.500. Quy mô của những cái chết thật sự mang tính áp đảo.
Và, với bản thân Chito, những cái chết đó đã đến theo một cách mà đa phần là bất ngờ.
Khi ông ta nhận công tác vào tháng 6/2015 – một thời xa xăm khi một thượng nghĩ sỹ tên là Grace Poe vẫn đang đứng đầu các cuộc thăm dò lá phiếu cử tri – Chito chia sẻ, ông khi ấy “đã có những hình dung khác về những thử thách sắp đến…”. Đó là một lời nói giảm chung chung, và cả hai chúng tôi đều biết điều đó.
Vào một thời điểm khác trong cuộc nói chuyện, Chito tỏ ra xác quyết hơn: “Chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy mức độ vi phạm dân quyền và quyền chính trị chưa từng có thế này, kể từ thời độc tài.” Trong một phỏng vấn với báo Foreign Policy, Chito gọi Duterte là “thử thách lớn nhất của dân chủ” kể từ thời Marcos. Đâu đó khác, Chito đã so sánh sự trỗi dậy của Duterte với sự trỗi dậy của đạo quân Xác sống Trắng (White Walkers – từ bộ phim truyền hình Game of Thrones – ND): Mùa đông đang tới.
Những điều nói trên không có ý xá tội các tổng thống trước. Dĩ nhiên, “mỗi chính phủ khi đi từ giai đoạn chuyển đổi sang đến dân chủ đều có những vấn đề nhân quyền riêng, mà bọn họ cần phải bị buộc chịu trách nhiệm.” Thế nhưng, với Duterte thì có điều gì đó rất khác.
Qua việc ra lệnh cho cảnh sát giết những kẻ buôn ma túy và người sử dụng ma túy ngay tại trận, đồng thời hứa sẽ bảo vệ lực lượng cảnh sát trước các chỉ trích và thậm chí là truy tố, vị tổng thống này đã tạo điều kiện cho tình trạng tội ác không bị trừng phạt (impunity) của lực lượng cảnh sát mà chúng ta đang thấy. Chito đưa ra một ẩn dụ mà ông tự nhận là sáo mòn: “Như khi bạn quăng một viên sỏi vào một cái ao: nó sẽ tạo ra những đợt sóng.”
Nhân quyền đang bị cuốn phăng đi bởi những đợt sóng như thế. Bản thân Duterte đã nói rằng ông ta không “quan tâm đến nhân quyền”, và rằng nhân quyền chỉ bị lợi dụng làm một cái cớ để “hủy diệt đất nước”.
Phát ngôn viên của Duterte, Ernesto Abella, cáo buộc lời kêu gọi Philippines tôn trọng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ là một sự áp đặt “các giá trị tư do phương Tây” lên “một đất nước châu Á vốn đặt nặng lợi ích chung của cộng đồng…” – một lối đáp trả thường thấy của những kẻ chuyên quyền vốn luôn quên rằng bản thân các nước Châu Á đã vận động và ký kết Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (Universal Declaration of Human Rights).
Thực tế là, theo như nhà sử học người Úc Roland Burke đã cho thấy, hệ thống nhân quyền của LHQ đã được thiết kế phần lớn bởi những người Philippine như Carlos P. Romulo và Salvador P. Lopez. Họ đã giữ chức chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong những năm 1960.
Tổng thống Duterte có thể ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, hệ thống giám sát nhân quyền của LHQ vốn đang được dùng để điều tra ông ta là do chính những nhà ngoại giao nước ông thiết kế mà thành. Tuy nhiên, giờ đây, đó chỉ là cổ sử.
Ngày xửa ngày xưa, chúng ta đã từng tôn kính các nhà vận động nhân quyền; ngày nay, chúng ta quấy phá họ trên mạng xã hội. Thay đổi quan trọng nhất chính là thay đổi về ngôn từ chính trị: Những kẻ bảo vệ phẩm giá con người bây giờ là kẻ thù của thay đổi, và kẻ tra tấn dân chúng có tên Marcos bây giờ là người hùng.
Giữa cơn bão khủng khiếp của tinh thần phản tự do hiện nay, một cơ quan nhà nước đứng bên lề có thể làm được gì thêm?
Không nanh vuốt, bị gông cùm và cản trở, CHR nhiều khi như bị giáng cấp xuống thành một cơ quan thu thập thông tin.
Vậy sao lại có nhiều căm ghét giành cho CHR?
Câu trả lời của riêng tôi là những kẻ dân túy luôn cần những “ông ba bị”.
Hitler bảo dân Đức nên sợ người Do Thái, Joseph McCarthy khuyên người Mỹ nên sợ đám cộng sản, và những người ủng hộ Brexit kêu nước Anh nên sợ người nhập cư.
Duterte muốn chúng ta phải sợ những tên trùm buôn ma túy, đám tay sai, những kẻ nghiện, và tất cả những ai “bao che” chúng, nói cách khác, chính những người vận động nhân quyền.
Thù ghét giành cho một thứ gì đó “khác lạ” được dựng lên để giúp củng cố những ủng hộ giành cho một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và lôi cuốn. Nhà lãnh đạo sẽ bảo vệ người dân trước mối đe dọa từ nơi khác đến. Khi cơn kích động bắt đầu rồi thì rất khó để trở ngược lại.
Nỗi căm giận [của dân chúng] có lẽ là đã bị thổi phồng quá đáng, tuy nhiên Chito biết rằng nỗi căm giận đó dựa trên những mối quan tâm chính đáng. Người dân đã vỡ mộng với một nhà nước yếu kém, và họ muốn các kết quả nhanh chóng.
Công tác bảo vệ nhân quyền trong khi đó, lại cần những quy trình chậm rãi, và công tác này có những nỗi ám ảnh của chính nó. Một người như Chito tôn kính chuẩn mực tố tụng (due process) của pháp luật, và nhân phẩm cuộc sống nhiều đến mức, ông ta sẽ không khuyến khích bất kỳ một cách “đi tắt đón đầu” mang tính bạo lực nào nhằm làm giảm tình trạng tội phạm trong xã hội.
Thế nhưng, tính chậm rãi, như trong giao thông vậy, lại không thể chấp nhận được.
Chito suy ngẫm: “Cuối cùng thì, công chúng muốn thay đổi. Và thế là chúng ta nay đã có thay đổi. Thay đổi đó có thể không phải là thứ anh hay tôi muốn, nhưng chúng ta đã có nó rồi đó.”
Chito vẫn lạc quan, dù ông hiểu rằng, ít ra trong ngắn hạn, ông vẫn sẽ phải đánh một trận chiến không thể chiến thắng. Các chỉ trích của ông ta có thể đạt hiệu quả đến đâu đây, khi mà bản thân ông ta cũng phải nói rằng “Chủ nghĩa Duterte là mốt của cả nước rồi,” khi mà “ngay cả những kẻ hay được cho là thuộc phái tự do cũng đang gia nhập phe đa số”?
“Nói theo một cách, quả lắc đồng hồ đã đu về một bên,” Chito thừa nhận. “Sẽ một thời gian nữa nó mới đu ngược lại về bên kia. Và rồi chúng ta sẽ đạt được một thứ tựa như điểm cân bằng.”
Trách nhiệm của công việc không ai thèm muốn mà Chito đang hứng chịu, chính là giơ đầu “hứng chịu dùi cui cho nhân quyền ngay khi nhân quyền không được lòng dân chúng”. Với ông, đó là “thử thách lớn nhất của đời tôi.”
Chito Gascon là một nhà hoạt động thời EDSA (cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dân – People’s Power 1983-1986 – ND)
Và ông đang phải sống vào một thời kỳ mà nền dân chủ, vốn đã được phong trào cách mạng EDSA giúp khôi phục, hiện nay lại phải trải qua những thử thách nghiêm trọng.
Chito là một hình mẫu nhà hoạt động chính trị quen thuộc, nếu không muốn nói rằng đã ‘quá đát’: đạt được thức tỉnh xã hội thông qua nền giáo dục Thiên chúa giáo tiến bộ đầu những năm 1980, để rồi được khuyến khích đi vào hoạt động chống độc tài sau vụ ám sát Ninoy Aquino (thượng nghị sỹ ủng hộ dân chủ hóa bị ám sát tại sân bay Manila năm 1983 – ND). Sau đó, diễu hành cùng những đám đông người dân vào tháng 2/1986, và giúp gây dựng lại công trình dân chủ của chúng ta sau khi nhà độc tài Marcos bỏ chạy.
Tuy nhiên, Chito cũng là một phiên bản khác thường của hình mẫu nhà hoạt động chính trị đó.
Năm 1985, ông chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội Sinh viên trường Đại học Philippines. Chito giành chiến thắng sít sao trước một ứng cử viên có liên kết với phe cánh cộng sản, trong một khu vực vốn là ‘lò’ chính trị cực tả.
Trong vai trò chủ tịch Hội Sinh viên, Chito đã đưa ra một hình thức hoạt động khác với phương pháp cách mạng bạo lực.
Thay vì ủng hộ đảng Cộng sản mang tinh thần Mao chủ nghĩa của Philippines, Chito kêu gọi sinh viên ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của Cory Aquino (vợ của thượng nghị sỹ ủng hộ dân chủ hóa bị ám sát Ninoy Aquino – ND) trong cuộc bầu cử sớm năm 1985.
Khi Marcos gian lận chơi xấu Aquino, Chito đã dẫn sinh viên ra đại lộ Epifanio de los Santos tuần hành phản đối. Và khi Aquino kêu gọi việc soạn một bản hiến pháp mới, Chito chính là thành viên trẻ nhất trong Ủy ban soạn thảo hiến pháp.
Trong những năm cuối thập niên 80, những người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội (social democrats) như Chito Gascon đại diện cho một khuynh hướng ôn hòa, đối lập với các phe phái cực đoan ý thức hệ khác vốn đang tranh giành ảnh hưởng chính trị.
Một bên thì có kẻ theo chủ nghĩa phát xít như Marcos, vốn đang lãnh đạo một chính quyền quân sự độc tài. Bên kia, là đảng Cộng sản mang tinh thần Mao chủ nghĩa và lực lượng Quân đội Nhân dân đang lớn mạnh của họ, lúc cao điểm có đến 20,000 lính thường trực – một hiểm họa quân sự và chính trị thật sự.
Những người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội, cùng với những người theo chủ nghĩa tự do có chung tư tưởng, đã là một lực lượng mạnh mẽ đứng giữa hai bên: họ là một liên minh chống Marcos. Tuy nhiên, khác với những người cộng sản, liên minh đó không muốn xóa bỏ một nền độc tài chỉ để thay thế bằng một nền độc tài mới.
“Tôi là một nhà hoạt động, nhưng tôi không phải là một người cộng sản,” Chito giải thích. “Tôi có niềm tin vào dân chủ.”
Phong trào dân chủ đó sau cùng trở thành cái xương sống của cuộc cách mạng EDSA, và Chito trở thành biểu tượng sinh viên của phong trào đó.
Mặc cho việc Chito có một sự nghiệp đầy huyền thoại như thế, không may là các lực lượng mạng xã hội ủng hộ Duterte đã biến bản sơ yếu lý lịch của ông thành đơn thuần một lịch sử dính líu đến đảng Tự Do (Liberal Party – đảng đối lập chính trong nghị trường Philippines – ND).
Dù gì thì cũng không thể tránh né được vấn đề này. Cho dù Chito đã cắt mọi quan hệ với đảng Tự Do khi ông được bổ nhiệm vào CHR, người đàn ông trung niên này vẫn nhìn lại sự nghiệp chính trị dài hơi của mình, và thấy rằng phần lớn thời gian đó ông đã luôn là một dilawan (kẻ mặc áo vàng – hỗn dành giành cho những người ủng hộ đảng Tự do, hiện nay được dùng nhiều hơn để chỉ bất kỳ ai phê phán Duterte – ND).
“Năm 1986, không có một đảng dân chủ xã hội nào,” Gascon nhớ lại. “Trong tất cả các đảng chính trị truyền thống, đảng Tự do có vẻ ủng hộ cải cách nhất.” Lúc đó, chủ tịch đảng Tự do là vị thượng nghị sỹ được tôn kính Jovito Salonga – một chính trị gia được cả những người cộng sản cực đoan nhất tôn trọng.
Ngày xửa ngày xưa, chúng ta đã từng tôn kính các nhà vận động nhân quyền; ngày nay, chúng ta quấy phá họ trên mạng xã hộiCùng với những người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội, Chito kêu gọi các nhà hoạt động ôn hòa gia nhập đảng Tự do và cải cách đảng này từ bên trong.
Trong vai trò các đảng viên đảng Tự do, các nhà hoạt động như Chito đã tìm cách biến đảng này thành một lực lượng chính trị gắn kết và bài bản, không như các đảng khác vốn đơn thuần là tập hợp của các nhóm lợi ích khác nhau. Ông trở thành lãnh đạo lực lượng thanh niên của đảng, giám đốc viện nghiên cứu của đảng, và sau đó, giám đốc điều hành đảng này.
Chito không hề có luyến tiếc gì. Tuy nhiên ông cũng khá tỉnh táo về quãng thời gian làm việc trong đảng Tự do. “Tôi đã cố gắng hết sức để thay đổi đảng, làm cho nó trở nên bài bản hơn,” Chito kể. “Nhưng, nhìn lại, phải nói rằng tôi đã thất bại.”
Ông kết luận, “Thực tế là [hệ thống chính trị của chúng ta] không tạo điều kiện cho chính trị đảng phái.”
Chẳng có gì lạ, khi bây giờ đảng Tự do đã bị “đét đít” cho tuân phục, và không còn có thể khẳng định bản thân họ trong vai trò một phe đối lập có ảnh hưởng.
Thất bại của Chito Gascon không phải chỉ của mình ông.
Và không chỉ mình đảng Tự do là đang tơi bời hoa lá, cả nền chính trị dân chủ hậu phong trào EDSA đều như vậy.
Mỗi khi cô ca sỹ hoạt động chính trị Mocha Uson, hay bất kỳ ông chú, ông bác nào của bạn lên tiếng đòi hỏi phải có thêm nhiều “disciplina” (kỷ luật), thì chính là họ đang bảo bạn rằng tranh luận mở (open discourse) và chuẩn mực tố tụng (due process) là những thứ không mang lại hiệu quả. Họ đều muốn chủ nghĩa chuyên chế (authoritarianism).
Khi một vị tổng thống và Tối cao Pháp viện quốc gia cùng tôn vinh một tay cựu độc tài là anh hùng, thì chính là họ đang nói rằng, cái thứ chủ nghĩa chuyên chế này chắc cũng không phải là một ý tưởng gì tệ hại.
Giá như các lãnh đạo trước đây đã làm công việc của mình tốt hơn, thì có lẽ người dân đã có nhiều tin tưởng hơn cho các thiết chế dân chủ của chúng ta, và chúng ta chắc đã có thể ngăn cản cơn khủng hoảng hiện nay. “Những người đã có cơ hội phục vụ đất nước trước đây,” Chito bình luận, “đã thất bại trong nhiều mặt, cho dù cũng có nhiều thứ mà họ có thể tự hào đã làm được.”
Chito cũng chẳng rụt rè khi bàn luận về những thất bại và thử thách của chính mình.
Nỗi thất vọng, nhiều khi, có thể hiện lên, nhưng nhà vận động nhân quyền này đang chơi một cuộc chơi dài hạn. Khi dự án xây dựng đảng của ông đã thất bại – và có lẽ cả hệ thống chính trị hậu EDSA mà ông giúp gầy dựng đã thất bại – Chito trở về nơi ông đã bắt đầu. Và có chút gì đó thật tự do khi bạn trở lại vạch xuất phát.
“Giờ thì, nói theo một cách, tôi đang quay lại những thứ cơ bản. Tôi đã tìm được cảm hứng đi vào hoạt động khi phải chứng kiến các vi phạm nhân quyền diễn ra thời độc tài. Bây giờ, tôi được trao một cơ hội phục vụ người dân trong một thiết chế có nhiệm vụ cổ xúy nhân quyền, trong một hoàn cảnh xã hội không được hoàn hảo cho lắm.”
Suốt cuộc chuyện trò của chúng tôi, Chito cứ hay nhắc lại hình ảnh một thế giới không có “điểm cân bằng”. Đúng là có gì đó không bình thường. Tuy nhiên, nhà hoạt động lớn tuổi vẫn đầy hy vọng và lý tưởng, luôn sẵn sàng đưa ra những lời trích dẫn về việc không bỏ cuộc trong tranh đấu chính trị:
“Cuộc cách mạng bạn mong mỏi đang ở đó nơi chân trời. Vì nó, bạn không thể bỏ cuộc.”
Nhưng sức mạnh thật sự của Chito chính là tinh thần khắc kỷ không hào nhoáng của ông.
“Qua thời gian, chúng ta rồi sẽ lại đạt được một trạng thái cân bằng nào đó.” Chito trấn an tôi. “Nhưng tôi nghĩ sẽ cần thêm thời gian. Mọi thứ sẽ trở nên tệ hại hơn trước khi nó tốt trở lại.”
Chả thấy tí trấn an nào. Tệ hơn là tệ hơn đến mức nào, và thêm thời gian là bao lâu?
“Phán đoán của anh và tôi cũng như nhau thôi.”
Trong khi đó, chúng tôi đều biết rằng nay mai nhiều khả năng sẽ có thêm các vụ giết người không thông qua xét xử (extrajudicial killings). Giống như chân trời cách mạng mà Chito đang đeo đuổi, cái ngày CHR hoàn thành công việc của họ cứ như bay xa thêm mỗi khi họ bước tới.
Nhưng đó là công việc của Chito. Ngày mai, ông sẽ trở lại bàn của mình, nghe tin về một cái chết khác. Chủ tịch Chito Gascon sẽ làm những gì ông có thể làm.
Bài báo này được đăng lần đầu tiên dưới tên “Làm người”, trong số tháng 12/2016 của tạp chí Esquire Philippines. Ban biên tập Esquiremag.ph đã có vài thay đổi nhỏ trong bài này.