Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Phong trào nhân quyền toàn cầu cần phải thôi ra vẻ rằng lịch sử thế giới thuộc về họ, và phải xắn tay áo lên mà bắt đầu chứng minh với mọi người dân bình thường rằng tại sao phong trào đó phải tiếp tục.
Các thay đổi địa chính trị và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc dân túy đã kéo đến một cơn sóng phản kháng lại tư tưởng nhân quyền trên toàn cầu.
Chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu được định hình là một thảm họa cho phong trào nhân quyền thế giới.
Từ lệnh tạm cấm nhập cư cho đến quan điểm ủng hộ tra tấn của ông ta, Trump đang vứt bỏ một thứ (vốn ít nhất đã được nhìn nhận trên lý thuyết nếu không phải là trong thực tế), đó là một cam kết mà cả hai đảng phái lớn nhất của Hoa Kỳ đều có: cam kết sẽ luôn cổ súy, phát huy các giá trị dân chủ và nhân quyền ở nước ngoài.
Tình trạng có vẻ sẽ còn tệ hơn. Trump đã không tiếc lời ca ngợi những nhà cầm quyền độc tài và đã thể hiện một thái độ khinh miệt với các thiết chế chính trị quốc tế.
Ông ta miêu tả nhà độc tài người Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi là một “gã tuyệt vời” và phớt lờ các báo cáo về tình trạng đàn áp đang được những nhân vật như Vladimir Putin của Nga và Bashar al-Assad của Syria, hay Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện. Như cách Trump nói trong bài diễn văn nhậm chức của ông ta: “Mọi quốc gia đều có quyền đặt quyền lợi quốc gia của họ lên hàng đầu. Chúng ta không tìm cách áp đặt cách chúng ta sống lên bất kỳ ai cả.”
Kenneth Roth, giám đốc điều hành của tổ chức Human Rights Watch, đã viết rằng việc nước Mỹ bầu chọn Trump đã đưa thế giới đến “bờ vực của bóng tối” và có nguy cơ “đảo ngược mọi thành quả của phong trào nhân quyền hiện đại.”
Nhưng hiểm họa đó không mới. Thực tế là sự trỗi dậy của Trump chỉ nhấn mạnh thêm các thử thách mang tính sống còn của phong trào nhân quyền toàn cầu.
Trong một thập nhiên qua, trật tự thế giới đã thay đổi cấu trúc theo hướng ngả theo các quyền lực thế giới mới đang khẳng định địa vị, bao gồm Trung Quốc của Xi Jinping (Tập Cận Bình) và Nga của Vladimir Putin. Những quyền lực thế giới mới này đã công khai thách thức các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế trong khi cùng lúc đàn áp bất đồng chính kiến tại những khu vực lãnh thổ đang có tranh chấp, như Chechnya và Tibet (Tây Tạng).
Nga và Trung Quốc càng mạnh thì nhân quyền trên toàn cầu càng bị đe doạ. Ảnh: How Hwee Young – Pool/Getty Images.
Những quyền lực thế giới mới nói trên không chỉ đàn áp bất đồng chính kiến trong nước; bọn họ cũng đang bao che cho các chính quyền đàn áp nhân quyền, từ Manila cho đến Damascus.
Những nhà độc tài đang bị phương Tây phê phán bây giờ có thể tìm đến những thế lực như Trung Quốc để có được hậu thuẫn chính trị và các trợ giúp tài chính hay ngoại giao mà “không bao gồm nghĩa vụ kèm theo”.
Trào lưu này cũng đang được củng cố bởi các cuộc nổi dậy ngay tại phương Tây của các phong trào dân tộc, dân túy. Các phong trào này công kích các định chế bảo vệ nhân quyền và hệ thống kinh tế toàn cầu mà các định chế đó là một phần.
Với tình trạng chủ nghĩa dân túy tràn lan trên thế giới và sự lên ngôi của các siêu quyền lực mới như thế, cái viễn cảnh về một trật tự quốc tế chung cho toàn cầu, vốn khai sinh từ Hòa ước Westphalia năm 1648 tại châu Âu, đang dần lụi tàn. Một thời đại mới của chủ nghĩa độc lập chủ quyền đang đến. Tình trạng toàn cầu hóa không kiểm soát và chủ nghĩa tự do quốc tế đang đưa chúng ta đến với thời đại nhân quyền thoái trào.
Tất cả các yếu tố đó tạo thành một thử thách mang tính sống còn cho các tiêu chuẩn nhân quyền toàn cầu vốn đã sinh sôi nảy nở trong giai đoạn từ sau Thế chiến thứ hai.
Vào thời đó, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, vốn được thông qua năm 1948, đã được bổ sung thêm bởi một loạt các hiệp ước và hiệp định đảm bảo các quyền dân sự và chính trị, cũng như các quyền xã hội và kinh tế, cùng các các quyền dành cho người tỵ nạn, phụ nữ và trẻ em.
Sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc cuộc Chiến tranh lạnh cũng góp phần làm cho nhân quyền trở nên ăn sâu bén rễ hơn trong hệ thống quốc tế. Cho dù thế giới có thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc thảm sát tại một số nước như Rwanda và Bosnia, những năm 1990 nhân loại vẫn đã chứng kiến màn lên ngôi của phong trào nhân quyền quốc tế: phong trào này có ảnh hưởng xuyên biên giới, vượt tầm quốc gia, và được các tổ chức toàn cầu như Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu chống lưng. Phong trào này cũng được giám sát bởi các tổ chức phi chính phủ quốc tế và một tầng lớp mới bao gồm các nhà hoạt động chuyên nghiệp và các chuyên gia pháp lý quốc tế.
Công cuộc chuyên môn hóa bên trong phong trào nhân quyền đến đồng thời với công cuộc phát triển hệ thống công lý hình sự quốc tế. Thập niên 90 chứng kiến sự hình thành các tòa án được thiết lập đặc biệt cho các nước như Rwanda hay Nam Tư cũ. Cùng lúc đó là việc ký kết Quy chế Rome năm 1998 thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court). Đây là một thành quả mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thời đó ông Kofi Annan đã ca ngợi là “một bước tiến lớn trong cuộc trường chinh đến với nhân quyền phổ quát toàn cầu và đến với pháp quyền (the rule of law).”
Toà án Hình sự Quốc tế được coi là viên ngọc quý trên chiếc vương miện nhân quyền toàn cầu. Ảnh: CNN.
Xét trên giấy tờ, công dân phần lớn các nước trên thế giới ngày nay đang có trong tay khoảng 400 quyền con người riêng biệt. Như Michael Ignatieff viết vào năm 2007, nhân quyền chính xác đã trở thành “thứ ngôn ngữ thống trị các thảo luận về quyền lợi công cộng trên toàn cầu.”
Cốt yếu là, quá trình mở rộng các tiêu chuẩn mang tính pháp lý này đã diễn ra dựa vào một giai đoạn phát triển kinh tế chưa từng có, khi mà sự hội nhập kinh tế khiến cho các biên giới quốc gia dường như biến mất, và cả thế giới thì thu nhỏ lại dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
Cũng như hệ thống kinh tế mà nó gắn kết cùng, phong trào nhân quyền toàn cầu có được một ánh hào quang vô địch. Nhân quyền cùng với triết lý chính trị dân chủ và chủ nghĩa tư bản cổ súy thị trường tự do, trở thành những phần khác nhau bên trong “gói tân tự do chủ nghĩa” đang đắc thắng, vốn được Francis Fukuyama xác định năm 1989 là “điểm cáo chung của quá trình tiến hóa ý thức hệ của loài người.”
Năm 2013, một trong những chuyên gia hàng đầu về luật quốc tế của Mỹ, Peter J. Spiro, tiên đoán rằng các phát triển pháp lý và toàn cầu hóa kinh tế đang đưa chúng ta đến với “hoàng hôn của chủ nghĩa độc lập chủ quyền” (sovereigntism’s twilight).
Fatou Bensouda, công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế, cũng đã tranh luận với ý tương tự, rằng là việc thành lập tòa án này mở ra một thời kỳ chính trị hậu-Westphalia mà trong đó mọi nhà cầm quyền đều có thể bị truy cứu trách nhiệm cho các hành vi đàn áp bóc lột chống lại chính người dân nước họ. (Trong thực tế tới nay chưa có nhà lãnh đạo còn cầm quyền nào bị truy cứu trách nhiệm cả.)
Thế nhưng vào năm 2017, trong một giai đoạn bất ổn dâng cao, khi mà các thành quả được hứa hẹn của toàn cầu hóa đang ngày càng khó trở thành hiện thực cho nhiều người, những thứ vốn dĩ được xem là chắc chắn nói trên đang dần sụp đổ.
Trong “thời đại giận dữ” hiện nay, như cách Pankaj Mishra gọi như vậy, nhân quyền đang vừa trở thành một mục tiêu công kích trực tiếp cho các phong trào dân túy cánh hữu đang nổi lên, vừa trở thành một tổn thất ngoài dự kiến trong các cuộc tấn công của phong trào dân túy này dành cho toàn cầu hóa, các thiết chế chính trị quốc tế, và đám tinh hoa toàn cầu “vô trách nhiệm”.
Một phác họa như thế về viễn cảnh thế giới mới có thể được nhìn thấy từ châu Âu cho đến Trung Đông cho đến Trung Á và châu Đại Dương.
Các chính phủ thường xuyên phớt lờ các nghĩa vụ mà họ có thể theo các hiệp ước nhân quyền toàn cầu. Họ có rất ít e sợ dành cho các hình thức chế tài mạnh mẽ.
Trong sáu năm trời, các tội ác tàn bạo đã diễn ra ở Syria mà không có ai phải chịu trách nhiệm, bất kể việc các chuyên gia đã sáng tạo ra các khái niệm pháp lý mới như nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ dân chúng”. Trong khi đó, các chính phủ Châu Âu thì tỏ ra miễn cưỡng trong việc trân trọng các nghĩa vụ pháp lý của họ trong việc tiếp nhận tỵ nạn đối với hàng trăm ngàn người đang chạy trốn cuộc nội chiến thảm khốc tại Syria.
Chiến dịch xua đuổi người Hồi giáo Rihingya ở Myanmar đã được bị Liên Hợp Quốc gọi đích danh là một cuộc “thanh trừng sắc tộc”, nhưng thế giới gần như không làm được gì để ngăn chặn nó. Ảnh: AFP PHOTO / K.M. ASAD.
Thẳng thắn mà nói thì không phải hiện tượng nào nói trên cũng là hiện tượng mới; các hiệp ước nhân quyền quốc tế đã vẫn luôn đóng vai trò là các tiêu chuẩn mang tính định hướng lâu dài mà các quốc gia trong ngắn hạn thường luôn khó đạt tới.
Thế nhưng ít ra trong thời đại nhân quyền còn mạnh, cho dù có các bất cập trong việc vươn tới các tiêu chuẩn nhân quyền, cả thế giới vẫn có vẻ là cùng đi về một hướng: vươn tới sự tuân thủ chặt chẽ hơn thay vì là từ bỏ.
Trong thời đại đó, các nhà hoạt động cổ súy nhân quyền và các lãnh đạo thế giới ủng hộ nhân quyền đã phát biểu một cách tự tin rằng họ đang đứng về “đúng bên của lịch sử”, và ngay cả những nhà độc tài chuyên chế cũng phải nói những lời đãi bôi ca ngợi nhân quyền.
Nếu như trong thời đại nhân quyền, chúng ta có thể thấy diễn biến lịch sử rõ ràng, thì ngày nay không còn có thể thấy rõ là lịch sử sẽ như thế nào nữa.
Theo báo cáo Tự Do Trên Thế Giới mới nhất, vừa được tổ chức Freedom House công bố vào tháng 1 vừa qua, năm 2016 đánh dấu năm thứ 11 liên tiếp mức độ tự do trên toàn cầu suy thoái. Đó cũng là năm có 67 nước trên thế giới có mức độ tự do chính trị và dân quyền giảm.
Các thiết chế chính trị quốc tế cũng đang bị bủa vây. Vào tháng 10 vừa qua, ba nước châu Phi – Nam Phi, Burundi và Gambia – công bố là họ rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế, thứ vốn có lẽ là viên ngọc sáng nhất của thời đại nhân quyền. (Gambia đã thay đổi quyết định sau khi vị tổng thống độc tài Yahya Jammeh từ chức vào tháng 1.)
Tức giận vì cho là Tòa Hình sự Quốc tế chỉ lo tập trung truy tố các nghi can người châu Phi một cách không công bằng, các lãnh đạo tại lục địa này bây giờ đang mưu tính một cuộc rút lui đồng loạt khỏi tòa này.
Các phê phán từ châu Phi phản ánh mức độ tự tin đang dâng cao của các chính phủ quốc gia trong việc từ chối nhân quyền, bằng cách xem nhân quyền là những “giá trị phương Tây”, và bằng cách bôi đen các tổ chức cổ súy nhân quyền trong nước là những con rối trong tay các thế lực nước ngoài.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã ban hành các điều luật khắt khe mới nhằm cản trở công tác của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các nhóm dân sự trong nước có nhận tài trợ nước ngoài, bao gồm cả các tổ chức cổ súy nhân quyền.
Tại Nga, một luật “tác nhân ngoại quốc” được ban hành vào năm 2012 đã được sử dụng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền, và để “chụp mũ” mọi hành vi phê phán chính sách của chính phủ là bất trung, nhận tiền ngoại quốc, và “phản-Nga”.
Ở phương Tây, mức độ ủng hộ dành cho nhân quyền cũng đang suy giảm. Trong chiến dịch vận động ủng hộ Brexit thành công của mình, Nigel Farage, lúc đó là lãnh đạo đảng Vương quốc Anh Độc lập (UK Independence Party), đã công kích Công ước Nhân quyền châu Âu. Farage cáo buộc rằng công ước này đe dọa an ninh Anh quốc vì nó đã được sử dụng để ngăn cản Anh quốc từ chối tiếp nhận các tay súng người Anh đã chiến đấu cho ISIS trở về nước này.
Trong cuộc bầu cử tại Mỹ, Donald Trump đã nhục mạ các nhóm dân thiểu số, cổ vũ cho việc tra tấn, và thể hiện sự ngưỡng mộ các nhà độc tài – và vẫn chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong khi đó, một báo cáo gần đây cho thấy rằng mức độ ủng hộ các thiết chế pháp lý quốc tế như Tòa Hình sự Quốc tế tại phương Tây cũng đang lay lắt, chỉ được duy trì “chừng nào tòa này tập trung giải quyết các vấn đề của những nước khác.”
Trong thời đại nhân quyền suy thoái trên thế giới, các tiêu chuẩn nhân quyền toàn cầu và các thiết chế chính trị quốc tế sẽ vẫn tồn tại nhưng càng ngày càng trở nên kém hiệu quả.
Đây sẽ là thời đại mà các cuộc tranh đấu giữa các siêu cường trên thế giới được làm nóng lại, trong một không gian mà Robert Kaplan đã miêu tả là “một thế giới càng ngày càng đông đúc, đầy bồn chồn và lo lắng.”
Hơn lúc nào hết, các cộng đồng cơ sở đang cần các nhà hoạt động. Ảnh: Human Rights Watch.
Tuy vậy, thế giới trong thời đại nhân quyền suy thoái sẽ không vắng bóng các cuộc đấu tranh chính trị ở cấp cơ sở (grassroots). Trái lại, các cuộc đấu tranh này có thể sẽ dâng cao khi mà chính quyền thu hẹp lại các không gian dành cho bất đồng chính kiến và tư tưởng. Thật vậy, làn sóng chống đối các chính sách của Trump trong nước Mỹ là một dấu hiệu sớm cho thấy tinh thần hoạt động chính trị đang bước vào một giai đoạn nảy nở mới, và sẽ ngày càng có ý nghĩa.
Vậy thì chúng ta phải làm gì đây? Như các nhà hoạt động nhân quyền đã xác nhận, cần có các cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề.
Trong tháng 12 vừa qua, RightStart, một trung tâm tư vấn nhân quyền mới, đã khai trương bằng cách công bố năm chiến lược mà các tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cần sử dụng để thích ứng với giai đoạn “khủng hoảng hiện sinh” hiện nay của phong trào nhân quyền. (Công khai minh bạch luôn: Tôi đã từng làm việc với một trong những người sáng lập RightStart.)
Trong năm chiến lược nói trên có nhắc đến việc các tổ chức nhân quyền phải “truyền bá một cách hiệu quả hơn” tầm quan trọng của nhân quyền, và sử dụng công tác vận động quốc tế nhằm tạo điều kiện hơn cho tiếng nói của các cộng đồng địa phương.
Philip Alston, một nhà hoạt động nhân quyền lâu năm và là một giáo sư luật tại đại học New York, đã lập luận là phong trào nhân quyền sẽ phải đối mặt với một sự thật rằng bản thân phong trào này đã chưa hề bao giờ đưa ra được một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề cốt lõi là nguyên nhân cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy hiện nay: tình trạng bất bình đẳng kinh tế toàn cầu.
Nói một cách rộng nhất, phong trào nhân quyền toàn cầu cần phải thôi ra vẻ rằng lịch sử thế giới thuộc về họ, và phải xắn tay áo lên mà bắt đầu chứng minh với mọi người dân bình thường rằng tại sao phong trào đó phải tiếp tục.
Trong khi chính trị chuyên chế độc đoán đang ngày càng mạnh lên, đây là lúc chúng ta phải dấn thân vào chính trị và phải áp dụng các chiến thuật uyển chuyển và thực tế hơn để làm cho xã hội con người trở nên tốt đẹp hơn.
Công tác vận động pháp lý sẽ vẫn quan trọng, nhưng nên tập trung nỗ lực hướng xuống phía dưới, về phía các tòa án và quốc hội quốc gia hơn. Chính tại những nơi này phong trào dân túy cánh hữu đang giành được những chiến thắng vang dội. Cũng chính tại những nơi này, cuộc tranh đấu chống lại chủ nghĩa Trump và những hiện thân khác nhau của thứ chủ nghĩa đó sẽ được quyết định thắng bại cuối cùng.
Tác giả Sebastian Strango là một nhà báo chuyên viết về khu vực Đông Nam Á. Ông đã có hơn 30 bài báo được xuất bản trên các báo và tạp chí hàng đầu trên thế giới.