Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bất kể khi nào một nhà nước tìm cách bắt các ý kiến bất đồng phải im lặng, tinh thần samizdat sẽ trỗi dậy.
Nhà thơ ấy biết mình sẽ bị bắt. Vội vã, ông giấu hết những trang thơ của đời mình bằng những phương tiện cũng không kém phần sáng tạo – thơ được xếp lại và khâu vào mặt trong những áo chăn vỏ gối, hay mặt trong những đôi giày, hay bên dưới thảm sàn nhà, và bên trong những chiếc nồi.
Cảnh sát tịch thu phần lớn giấy tờ của nhà thơ ấy, một số giấy tờ đã được luồn ra ngoài hoặc lén lút giấu giếm tại những nơi ít người để ý. Những bài thơ quan trọng nhất lại được khảm vào một nơi mà ngay cả những điều tra viên lọc lõi nhất cũng không tìm ra được – trí nhớ của một người đọc thơ nhiệt thành, người sẽ đem bài thơ đi lan truyền ra cho xã hội.
Trong hồi ký “Hy vọng chống lại Hy vọng” của mình, Nadezhda Mandelstam, vợ của nhà thơ Osip Mandelstam, kể lại những nỗ lực của bà trong việc bảo vệ những tác phẩm của chồng mình.
Việc đọc chép lại, và lan truyền các tác phẩm thơ bị nhà nước Xô Viết cấm đoán đã trở thành một phần của văn hóa samizdat – một cách thức xuất bản ngoài luồng để qua mặt chế độ kiểm duyệt gắt gao của Liên Xô.
Chúng ta có thể đọc thơ Mandelstam ngày nay bởi vì một vài cá nhân đã chấp nhận rủi ro rất lớn để sao chép lại và chia sẻ các tác phẩm của ông, thường là bằng những cách đầy sáng tạo.
Từ samizdat (tự xuất bản) được dùng trong thế đối lập với từ gosizdat (nhà nước xuất bản), vốn là từ được đóng dấu trên mọi tác phẩm được xuất bản chính thức trong nước Nga. Samizdat bao gồm một nhóm nhiều tài liệu được lưu hành một cách không chính thức, với nhiều thể loại khác nhau: sách nghị luận chính trị, sách tôn giáo, tiểu thuyết, thơ ca, các bài diễn thuyết và âm nhạc.
Một từ có liên quan là tamizdat (xuất bản ở nước ngoài) – những tài liệu được lén đưa ra khỏi Liên Xô, ví dụ như những đĩa hát được làm thủ công từ các hình chụp x-quang cũ ghi lại những bài nhạc cấm, bao gồm cả nhạc rock’n’roll và những bản nhạc do các nhạc sỹ đang lưu vong ở nước ngoài sáng tác. Những tác phẩm như thế đã sớm xuất hiện trong thị trường chợ đen Liên Xô.
Samizdat được lưu hành rộng rãi ở Liên Xô, tuy nhiên các tác giả luôn nỗ lực giấu giếm danh tính thật của mình. Ảnh: Nkrita/Wikimedia Commons.
Nghề thâu băng đĩa lậu (magnitizdat) thì ít rủi ro hơn, vì người dân Xô Viết được phép sở hữu các đầu thu băng cối, và cũng vì phần lớn các nội dung băng cối không quá mang tính chính trị, chủ yếu là các bài hát do các ca sỹ solo của Nga, hay gọi là các thi sĩ ngâm du, trình diễn.
Trong khi người đọc samizdat hiếm khi vượt quá vài ngàn, có đến cả triệu người dân nghe các cuốn băng cối. Một trong những thi sỹ ngâm du phổ biến và “phản động” nhất, Aleksandr Galich, dùng các bài hát của mình để phê phán “bà tiên cô kiểm duyệt” và ca ngợi vai trò của giới truyền thông không chính thống:
Giả dối rống gào trên những cánh đồng,
Sinh sôi cùng biết bao Giả dối khác,
Nhưng những gì ca rất nhẹ, sẽ nổ vang,
Và những gì đọc khẽ, sẽ sấm rền.
Trong khi từ samizdat thường chỉ chính xác tới các tác phẩm được xuất bản tại Xô Viết trong một giai đoạn nhất định, giai đoạn sau cái chết của Stain năm 1953, thực tế là việc xuất bản không xin phép đã có một truyền thống lâu đời ở Nga.
Vào gần cuối thế kỷ 19, sinh viên Nga từng lưu truyền các cuốn sách khổ nhỏ mang tư tưởng cấp tiến lên án Sa hoàng, và sau cuộc cách mạng dân chủ thất bại năm 1905, khi các quyền dân sự bị đàn áp, các tác phẩm được xem là phản động vẫn đã được lan truyền rộng rãi.
Từ thời Thế chiến thứ Nhất, qua Cách mạng tháng Mười năm 1917, và cuộc nội chiến sau đó kéo dài đến năm 1922, càng ngày càng có nhiều quy định kiểm soát khắt khe đối với các tài liệu in ấn.
Dấu ấn văn hóa
Samizdat phản ánh bức tranh chính trị, văn hóa và địa lý thay đổi qua các thời kỳ tại Liên Xô.
Một số các tài liệu đó phản đối việc đàn áp các nhóm theo đạo Thiên chúa (Chính thống giáo, Công giáo, và Báp-tít). Một số khác cổ vũ cho việc giành quyền tự trị cho các nhóm thiểu số (người Do Thái, người Tartar ở Crimea, người Đức vùng sông Volga).
Các samizdat theo tư tưởng thân chủng tộc Slav thì chống đối chế độ hòa hợp chủng tộc của Liên Xô, trong khi ủng hộ xây dựng nhà nước Nga chuyên chế với chủng tộc Slav đứng đầu. Các tác phẩm đó luôn chứa đầy tinh thần phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái – và luôn chống đối các khái niệm phương Tây như dân chủ hay chủ nghĩa xã hội.
Toàn bộ quá trình xuất bản samizdat được nhà bất đồng chính kiến Bukovsky thuật lại một cách xúc tích đến cay nghiệt: “Samizdat: tôi tự viết, tôi tự biên tập, tôi tự kiểm duyệt, tôi tự xuất bản, tôi tự phân phối và tôi cũng tự ngồi tù vì nó.”
Cách định nghĩa nổi tiếng này đã khiến cho việc xuất bản samizdat nghe có vẻ là một công tác đơn độc, nhưng luôn có nguy hiểm mỗi khi một cá nhân sao lại một bản cho những người khác.
Nếu bị nhà chức trách bắt được, các tác phẩm samizdat thường sẽ được đem ra mổ xẻ để lần về tác giả, bởi vì mỗi máy đánh chữ cá nhân đều phải được đăng ký với chính quyền. Các bản sao chép dự phòng thường được chụp lại vào vi phim, sau đó được lén đưa ra nước ngoài xuất bản trước khi lại được lén đưa trở lại vào trong nước.
Nhà nước Xô Viết cổ xúy cho tầm quan trọng của việc biết đọc biết viết bằng các bích chương như thế này. Tấm này châm biếm là không biết đọc thì cũng giống như người mù đi ra miệng vực. Ảnh: Alamy.
Sách và sách khổ nhỏ thường được sao chép trên giấy than, với chín tấm giấy than xen kẽ với các tấm giấy trắng, góp lại tổng cộng mười tấm giấy than – số lượng giấy than lớn nhất mà luật pháp cho phép. Để tận dụng diện tích trang giấy, chữ thường được kéo đến tận viền trang cả chiều ngang và chiều dọc. Việc khan hiếm giấy thường hay xảy ra và những ai mua quá nhiều giấy thường có thể bị đem khai báo.
Mỗi người trong cả đường dây chuyền samizdat thường được trông đợi là sẽ tự sao ra ít nhất là bốn bản sao, nhưng họ cũng được cảnh báo rằng không nên tìm cách lần ra tác giả gốc, nếu không thì họ sẽ bị cả đường dây cho là mật vụ.
Cách xuất bản và phân phối không chuyên nghiệp, lại gấp gáp đó cho ra đời những tác phẩm trông không được trang nhã: chữ mờ, giấy nhăn, và bìa không trang trí.
Qua thời gian, việc xuất bản trái phép này đã tạo ra cả một dấu ấn văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh thần xuất bản “thật” đối lập với các tác phẩm xuất bản chính thống, vốn thường sạch sẽ nhưng nhàm chán, và thường kém sức hút chính vì trên chúng có đóng dấu chấp thuận của cơ quan kiểm duyệt.
Nhà chức trách Xô Viết cho rằng các tác phẩm tự xuất bản không thể hiện sự công bằng vì bản thân người viết không được trả công
Hành vi sao chép cho phép những người sao chép được đắm mình vào các tác phẩm theo một cách sâu sắc hơn là việc đọc thông thường. Một số người sao chép còn tự cho mình quyền chỉnh sửa hay xóa bỏ một số phần trong tác phẩm gốc. Việc viết lách trơn tuột qua nhiều người như thế càng dễ xảy ra bởi vì nhiều người viết vì lo ngại cho an toàn của bản thân nên phải dùng bút danh và thường không tự nhận tác phẩm là của mình.
Tình thế này được chính đảng Cộng sản Liên Xô lợi dụng. Họ tranh cãi rằng việc thiếu bảo vệ sở hữu trí tuệ khiến cho việc phân phối các tác phẩm samizdat về bản chất là không công bằng. Chiến thuật mang màu sắc đạo đức giả đầy sáng tạo này thể hiện ra rằng nhà nước đang cố gắng bảo vệ các nhà văn khỏi việc bị bóc lột, rằng chỉ có một tay tác giả “tiểu tư sản” mới có điều kiện cho đi công lao của mình miễn phí.
Aleksandr Galich (bên trái) là một nhà thơ, nhà biên kịch, và nhạc sỹ có những bài ngâm du phê phán chính quyền Liên Xô – ông phải rời đất nước vào những năm sau đó. Ảnh: Alamy.
Có lẽ tài liệu chính trị đầu tiên xuất hiện trên samizdat là “bài phát biểu bí mật” của Khruschev năm 1956. Bài phát biểu trong nội bộ đảng đó công kích Stalin và đánh dấu việc nhà nước Xô Viết bắt đầu cởi mở hơn về chính trị và văn hóa.
Quá trình đó đã cần nhiều thời gian nhưng cuối cùng cũng hiện lên rõ nhất vào năm 1962 khi tác phẩm “Một ngày trong cuộc đời Ivan Denisovitch” của Aleksandr Solzhenitsyn được nhà nước cho phép xuất bản.
Tác phẩm xuất hiện lần đầu trên tờ tạp chí văn học Novy Mir (Thế Giới Mới) và cung cấp một bản khắc họa cuộc sống thường nhật bên trong các trại giam (gulag) dưới thời Stalin – một chủ đề trước đó còn chưa ai dám thảo luận công khai.
Hai bước lùi
Hệ thống gulag của chính quyền Xô Viết được Khrushchev xóa bỏ. Ông này cũng làm suy yếu lực lượng cảnh sát mật và thúc đẩy các trao đổi văn hóa xuyên biên giới.
Chính vào thời Khruschev mà samizdat bắt đầu phổ biến tại Liên Xô, bởi vì việc xuất bản các tài liệu không đi theo ý thức hệ chính thống không còn là một tội phải chịu án tử hình.
Nhưng các cải cách tự do của Khruschev đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt từ những người bảo thủ cứng rắn, và vào năm 1964, Khrushchev bị đẩy khỏi chức vị cao nhất bởi chính người đồ đệ cũ của ông ta là Leonid Brezhnev.
Gần như ngay lập tức, dưới quyền điều hành của Yuri Andropov (người lên lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia (KGB), và sau này là người kế nhiệm Brezhnev), chế độ kiểm duyệt lại hoạt động mạnh trở lại và giới bất đồng chính kiến lại bị tống giam hay phải trốn ra nước ngoài.
Năm 1965, hai nhà văn – Yuli Daniel và Andrei Sinyavsky – bị bắt vì tamizdat, xuất bản truyện ở nước ngoài dùng bút danh. Một bản tốc ký ghi lại nội dung phiên tòa xử kín hai nhà văn này được gửi đến cho hai nhà văn Alexander Ginzburg và Yuri Galanskov. Hai người này đã xuất bản một cuốn Sách Trắng tường thuật lại phiên tòa.
Sau khi tác phẩm “Bác sỹ Zhivago” của ông bị nhà nước Xô Viết cấm xuất bản, Boris Pasternak lén đưa tác phẩm này tới Ý nơi nó được xuất bản lần đầu tiên, và sau đó, với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Mỹ CIA, tác phẩm này được xuất bản thêm tại nhiều nơi khác. Ảnh: Alamy.
Cuộc đàn áp mới của Brezhnev được đáp lại bằng các cuộc biểu tình – những cuộc tuần hành chính trị đầu tiên tại Liên Xô sau 30 năm. Hai bức thư ngỏ được lưu truyền bằng samizdat cũng xuất hiện.
Một bức kêu gọi Brezhnev từ chối việc quay trở lại với chủ nghĩa Stalin. Lá thư đó được ký bởi nhiều nghệ sỹ lớn, bao gồm nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich. Nhưng không lâu sau đó, chính hai nhà văn Ginzburg và Glanskov cũng bị bắt ra tòa vì tội xuất bản và phân phối samizdat.
Việc kiểm duyệt khắt khe trở lại càng thúc đẩy việc xuất bản samizdat, bởi vì các tác phẩm từng được cho phép dưới thời Khrushchev bấy giờ lại bị buộc phải nhảy ra ngoài luồng chính. Năm 1968, một nhóm trí thức tại Moscow bắt đầu xuất bản một trong những tạp chí samizdat xuất bản định kỳ lâu dài nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử, tờ “Biên niên Sự kiện Đương thời” (Chronicle of Current Events).
Với 65 số trong vòng 15 năm, tờ Biên niên tường thuật lại chi tiết tất cả các hành vi xâm phạm dân quyền và thực hiện trái thủ tục pháp lý của nhà nước Xô Viết trong 424 phiên tòa vốn đã kết án 735 người. Không ai trong số đó thoát tội.
Các biên tập viên của tờ Biên niên không vận động cho việc lật đổ chế độ. Họ khẳng định rằng theo Hiến pháp Xô Viết năm 1936, việc xuất bản của họ hoàn toàn hợp pháp.
Nhà chức trách lại không đồng ý: các biên tập viên và cộng tác viên của tờ tạp chí này bị bắt và tống vào các trại lao động khổ sai, bệnh viện tâm thần, hay bị buộc phải trốn ra nước ngoài.
Biên tập viên đầu tiên của tờ Biên niên, Natalya Gorbanevskaya, bị bắt khi đang tham gia cuộc biểu tình năm 1968 tại Quảng trường Đỏ nhằm phản đối việc chính quyền Liên Xô đàn áp phong trào đòi tự do chính trị Mùa xuân Prague tại Tiệp Khắc. Gorbanevskaya trở thành một người nổi tiếng trên thế giới: nữ ca sỹ Joan Baez ca ngợi bà trong các buổi hòa nhạc của mình.
Phong cách xúc tích, lãnh đạm của tờ Biên niên được áp dụng một cách có chủ đích để tạo tương phản với giọng văn công kích lên án của tờ báo nhà nước, báo “Sự thật” (Pravda). Cho dù tường thuật lại các lời kể đầy đau khổ, tờ Biên niên luôn cố gắng “nỗ lực hết sức để giữ một giọng bình thản, kiềm chế” và “một phong cách chú trọng tường thuật dữ kiện nghiêm khắc” – thể hiện qua các tiêu đề mang màu sắc pháp lý của báo này (“Bắt giữ, Khám xét, Hỏi cung”, “Trong Nhà Giam và Trại Lao Động”), và qua cả các đính chính dành cho những lỗi dù là nhỏ nhất.
Samizdat thường trông có vẻ không có gì đặc biệt – thậm chí trông giống một tập thư từ cá nhân lộn xộn – đây là để qua mắt các nhà chức trách vốn luôn lần tìm các tác phẩm trông có vẻ chuyên nghiệp. Ảnh: Alamy.
Tới năm 1985, có đến hơn một triệu các tài liệu bị cấm trong Thư viện Quốc gia Lenin – đây là spetskhran (gian sách bị hạn chế tiếp cận) lớn nhất cả nước. Nhưng tình trạng đó không còn được kéo dài lâu nữa: bộ máy chính quyền Xô Viết đang bị xơ cứng, nền kinh tế thì trì trệ và giới cầm quyền bảo thủ đang chết dần – ba nhà lãnh đạo liên tục thay phiên nhau lên nắm quyền.
Tình trạng đó dẫn đến sự thăng tiến của một viên chức 54 tuổi, Mikhail Gorbachev, người xác nhận rằng đảng Cộng sản không còn có thể duy trì đàn áp trong nước. Gorbachev tiến hành các chính sách tái cấu trúc (perestroika), và cởi mở (glasnost) – chính sách thứ hai trở thành tên một trong những tác phẩm samizdat nổi tiếng nhất của thời kỳ này.
Rất khó cân đo được ảnh hưởng của samizdat, tuy nhiên nhiều người tin rằng samizdat đã đóng một vai trò nhất định trong việc làm xói mòn uy quyền của nhà nước Xô Viết.
Với nhà báo người Ukraine Vitaly Korotich, “Liên Xô đã bị hủy diệt bằng thông tin – làn sóng thông tin đó đã bắt đầu với tác phẩm ‘Một Ngày…’ của Solzhenitsyn”.
Cho dù lượng người đọc được các ấn phẩm samizdat không nhiều, nhiều người đọc đã là những con người có tầm ảnh hưởng về văn hóa. Một số trong những người đọc đó còn có cả quyền lực: thật sự là nhiều quan chức chính quyền Liên Xô lại là những người đọc samizdat thường xuyên, bởi vì họ chỉ có thể kiểm duyệt những gì họ hiểu được.
Chính samizdat đã đưa thêm thông tin vào tư duy của những quan chức đó – và những lựa chọn cấm đoán của các quan chức này giúp định hình ranh giới những được cho phép trong ngôn luận chính trị.
Một thế kỷ sau Cách mạng tháng Mười, tính dân chủ hóa của Internet có vẻ là đã làm cho nhu cầu phải có một giới truyền thông xuất bản ngoài luồng trở nên ít đi. Nhưng samizdat vẫn được quan tâm vào năm 2014. Khi đó, nhằm phản ứng lại các cuộc biểu tình phong trào Maiden ở Ukraine, chính quyền Nga đã đẩy mạnh việc kiểm soát các nội dung trên mạng. Nhiều trang web chuyên ghi nhận lại các hành vi lạm dụng quyền lực của chính phủ Nga đã bị chặn. Email và tài khoản mạng xã hội của nhà chính trị đối lập hàng đầu của Nga là Alexei Navalny đã bị xâm nhập.
Năm 2015, một phiên bản Internet của tờ “Biên niên Sự kiện Đương thời Mới” đã được đưa vào hoạt động với phương châm giải quyết vấn đề các công dân Nga đang phải nhận những thông tin không đúng sự thật do truyền thông đại chúng bị thao túng. Tờ “Biên niên Mới” đã xuất bản danh sách 217 nhà bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù ở Nga, bao gồm các chính trị gia đối lập và các nhà hoạt động vì môi trường.
Những người sở hữu các trang web phê phán chính quyền Nga đang di chuyển đến các vùng lãnh thổ nước ngoài – nhưng thử thách thật sự không phải chỉ là của riêng nước Nga.
Blogger nổi tiếng Anton Nosic cho rằng có một hiện tượng toàn cầu đang diễn ra: “Wikileaks chính là sự tiếp nối trực tiếp truyền thống samizdat.”
Các chính quyền Mỹ và Anh đang tìm cách “tịch thu máy tính, thiết bị, gây sức ép lên các biên tập viên, đòi hỏi một số tài liệu không được xuất bản… Những cơ chế và động cơ này giống y như 45 năm về trước.”
Bất kể khi nào một nhà nước tìm cách bắt các ý kiến bất đồng phải im lặng, tinh thần samizdat sẽ trỗi dậy.