Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Tối thứ bảy ngày 11/11, cô ca sỹ Mai Khôi bước xuống phố Hà Nội, giương trên tay tấm biểu ngữ “Piss on you, Trump” (tạm dịch: Đái lên Trump) như một lời chào đón vị tổng thống Mỹ mà theo Mai Khôi thì ông này bất chấp nhân quyền khi đến Việt Nam chỉ để diễn thuyết đôi ba câu chuyện kinh tài.
Ngay sau đó, chính quyền Việt Nam đã lập tức cắt cử một số nhân viên an ninh đến tận nhà chặn cửa, rồi buộc cô phải rời khỏi căn hộ của mình. Còn trên mạng xã hội, 500 anh em miệt mài bàn ra tán vào chỉ trích cô thậm tệ.
Bị chính quyền đàn áp vốn dĩ là chuyện không xa lạ gì đối với giới bất đồng chính kiến. Nhưng lạ kỳ thay, lần này Mai Khôi còn bị đàn áp tinh thần bởi chính những người trước nay vẫn kêu gọi dân chủ, tự do. Kẻ phán rằng muốn dân chủ trước hết phải văn minh, người thốt lên sao lại có thứ tự do nào cho người ta cái quyền xúc phạm nhân phẩm, mà lại là nhân phẩm của một vị tổng thống Mỹ! Theo họ, Mai Khôi đang làm người ta có cái nhìn xấu xí về những người đấu tranh cho dân chủ, tự do. Song có phải vậy không?
Chuyện ngoài kia
Việc giễu cợt, châm biếm các chính trị gia luôn là chuyện thường, mà đến cả tổng thống Mỹ dù Obama hay Trump cũng không là ngoại lệ.
Tranh biếm họa Tổng thống Obama của họa sỹ Steve Breen, người đã đạt giải Pulitzer năm 2009 nhờ những bức tranh châm biếm đầy quyền năng, rõ ràng và hài hước của mình.
Không ai gọi những hành vi kiểu này là “báng bổ” hay “hạ cấp”. Nó đơn thuần là một cách biểu đạt sự yêu ghét cá nhân hết sức ôn hòa, mà chẳng hạn như trong bức ảnh trên là cách thể hiện quan điểm chính trị của họa sỹ Steve Breen về cái kiểu Tổng thống Obama “bợ đỡ truyền thông” hồi còn tại vị.
Cũng phải nhắc tới một trường hợp nổi tiếng hơn nhưng cũng tàn khốc hơn: chính là vụ xả súng ở tòa soạn tờ Charlie Hebdo bên nước Pháp hai năm trước. Xưa nay, Charlie Hebdo luôn đặt tinh thần tự do biểu đạt lên trên tánh phải đạo chính trị, nó sẵn sàng vẽ tranh chế giễu mọi chính trị gia, mọi tôn giáo, hay tất tần tật các chủ thuyết trên đời. Bất chấp vụ khủng bố làm chết mười hai người, bảy ngày sau Charlie Hebdo vẫn cho ra số báo mới với trang bìa là một bức biếm họa tư tưởng tôn giáo cực đoan.
Trang bìa của tờ Charlie Hebdo số ra ngày 14/1/2015 sau vụ khủng bố. Ảnh: Pascal Guyot/Huffington Post/Getty Images
Không thiếu gì ý kiến phản đối. Và đâu phải ai cũng ưa quan điểm, khoái cách làm của Steve Breen hay Charlie Hebdo. Nhưng không hề có một chính quyền dân chủ nào lại đi đàn áp những tiếng cười ôn hòa. Và khó mà kiếm đâu ra một lời chỉ trích những bức tranh ấy rằng chúng bêu xấu nền dân chủ hay làm bẩn hai chữ tự-do, như cái cách mà cộng đồng mạng Việt Nam đang công kích Mai Khôi hiện tại.
Sắc màu của tự do
Những người Việt Nam quen sống trong cảnh độc tài có lẽ cảm thấy ngượng ngùng khi nhìn cảnh một cô gái giương biểu ngữ đòi “đái” lên ai đó (cổ lại còn không bận áo ngực!), rồi ngỡ ngàng khi coi những vũ công bận đồ hở hang in những hình ảnh linh thiêng của một tôn giáo nào đó mà nhảy giữa quán bar. Họ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, bởi lẽ tâm thức của một dân tộc chuộng lễ nghĩa khó làm họ thấy ổn với những điều coi có vẻ lạ thường.
Họ tưởng rằng dân chủ phải là thứ gì đó thanh tao lắm. Quả là một ý nghĩ không thể sai lầm hơn. Đi cùng với dân chủ luôn là quyền tự do biểu đạt, mà đã là tự do thì mang đủ sắc màu. Như tranh Steve Breen. Như tờ Charlie Hebdo. Hoặc như bức biếm họa “Trump làm tình với Bannon” của họa sỹ người Áo Marian Kamensky dưới đây.
“Trump làm tình với Bannon”, tranh của Marian Kamensky.
John Stuart Mill, một triết gia của Kỷ nguyên Khai Sáng, viết trong cuốn “Luận về tự do” nổi tiếng của mình rằng: “Sự tự do của con người bao hàm quyền tự do làm những gì mình thích mà không gặp phải trở ngại từ phía đồng loại, miễn sao điều ta làm không gây hại cho họ, dẫu rằng họ có nghĩ hành vi của ta là xuẩn ngốc, vô lý hay sai lầm”. Đối với Mill, “không một xã hội nào, mà trong đó các quyền tự do này không được tôn trọng, lại được xem là có tự do”.
Vậy mà ngay ở ta, cái việc giương một dòng chữ thôi (chưa làm hại tới ai) cũng đã làm người người nhà nhà phẫn nộ và thậm chí họ còn ủng hộ cho hành vi chèn ép của nhà cầm quyền. Một xã hội tự nhận mình là tự do song lại muốn tước đi của cá nhân những quyền tự do cơ bản nhất, chỉ vì khát chút thanh tao.
Hơi thở của dân chủ
Alexandre Dumas (con), đại văn hào nước Pháp thế kỷ mười chín.
Hãy nghe Alexandre Dumas con (tác giả cuốn Trà hoa nữ, xin phân biệt với Alexandre Dumas cha, tác giả cuốn Ba chàng lính ngự lâm) của Viện hàn lâm Mỹ thuật Pháp từng dùng những lời lẽ chua ngoa đến thế nào: “Từ cuộc gặp gỡ hoang đường nào của một con ốc sên với một con công, từ cặp phản đề sinh dục nào, từ đám nước rỉ ra béo mỡ nào lại có thể nảy vòi một vật có tên là tiên sinh Gustave Courbet? Dưới cái chụp dưỡng cây nào, được loại phân nào bón tưới, là kết quả của một hỗn hợp nào giữa rượu, bia, đờm dãi và những mụn nhọt kếch sù, đã mọc lên cái quả bí ngô lông lá và rỗng tuếch này, cái bụng mượt mà này, hiện thân ngu ngốc và bất lực về sinh lý này của Cái Tôi?”*
Giới nghệ sỹ tinh hoa của nước Pháp khi xưa còn xài những lời lẽ đả phá sâu cay đến vậy, thì một chữ “đái” của Mai Khôi đã bõ bèn gì, mà lại khiến người ta ra sức mạt sát về tầm vóc, về đạo đức của cô?
Những người miệt thị Mai Khôi vì mấy lẽ thuần phong mỹ tục chắc hẳn không hiểu rằng, dân chủ đâu phải chỉ cần mỗi quyền tự do biểu đạt là đủ. Con người là đa dạng và khác biệt, họ cần phải được tự do theo đuổi và thử nghiệm lối sống của mình. Mai Khôi cũng chỉ đơn thuần đang thực hành cái quyền ấy của cô. Thử nghĩ mà coi, giả như tất cả đều quy phục dưới cái gọi chuẩn mực hành vi đạo đức truyền thống, thì xã hội Việt Nam khác gì một đám đông đồng nhất hết sức tẻ nhạt?
Một lần nữa lại phải nhắc nhớ quan điểm của Mill, người đi đầu trong các triết gia bàn về tự do biểu đạt: “Ví như người ta cảm nhận được sự phát triển tự do của cá tính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của sự an sinh; đó không chỉ là yếu tố ngang bằng với mọi yếu tố được định rõ bằng các danh từ như văn minh, truyền bá, giáo dục, văn hóa, mà tự thân còn là một bộ phận và điều kiện quan yếu của tất cả những thứ ấy; thì tự do sẽ không lâm vào tình trạng bị rẻ khinh.”
Không nghi ngờ gì nữa, tự do biểu đạt chính là hơi thở của nền dân chủ lành mạnh. Hành động của Mai Khôi, vì thế, là một tiếng thở phập phồng can đảm trong cái xã hội vốn bị bóp nghẹt tự do đã quá lâu.
—
Chú thích:
Những trích đoạn của John Stuart Mill trong bài viết này được trích từ bản dịch “Luận về tự do” của dịch giả Cao Hùng Lynh.
* Trích trong cuốn Leonard Shlain (bản dịch của Trần Mạnh Hà và Phạm Văn Thiều), Nghệ thuật và vật lý, NXB Tri Thức, 2013.