Iceland trở thành nước đầu tiên bắt buộc chủ lao động chứng minh trả lương bình đẳng giữa nam và nữ

Iceland trở thành nước đầu tiên bắt buộc chủ lao động chứng minh trả lương bình đẳng giữa nam và nữ
Biểu tình đòi xoá khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ ở Iceland. Ảnh: India Times.

Đêm giao thừa 1/1 vừa qua, trong khi cả thế giới chỉ có được vài phút ngắn ngủi để mừng một năm mới đến, phụ nữ Iceland lại có lý do để ăn mừng cả năm: kể từ nay trở đi, tất cả các chủ sử dụng lao động, kể cả tư nhân lẫn nhà nước, có từ 25 nhân viên trở lên, bắt buộc phải chứng minh rằng họ trả lương bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông.

Tờ Fortune cho biết, quy định này xuất phát từ một đạo luật được thông qua đúng ngày Quốc tế Phụ nữ năm ngoái, 8/3. Theo đó, chủ sử dụng lao động phải chứng minh với nhà nước là họ có cơ chế, chính sách trả lương “không phân biệt giới tính, sắc tộc, xu hướng tình dục, và quốc tịch”. Nếu chứng minh được thì họ sẽ được nhà nước cấp một giấy chứng nhận. Ai không tuân thủ quy định này sẽ bị phạt, theo Al Jazeera.

Năm 2015, chênh lệch mức lương giữa phụ nữ và đàn ông ở Iceland nằm ở mức 9,9%.

Đạo luật này bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2018. Các giấy chứng nhận sẽ phải được gia hạn mỗi ba năm.

Vị trí Iceland (góc trên, bên trái) trên bản đồ Bắc Âu. Ảnh: Pinterest.

Iceland là một đảo quốc nhỏ ở Bắc Âu. Tuy chỉ có 323 nghìn dân, họ lại có một nền kinh tế rất mạnh mẽ dựa trên ngành du lịch và đánh bắt cá. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của họ đạt 18 tỷ USD năm 2017, tương đương với thu nhập đầu người là hơn 52 nghìn USD, cao thứ 18 thế giới. Để so sánh, GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 là khoảng gần 2.400 USD.

Dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho hay, trong chín năm qua, Iceland luôn nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về mức độ bình đẳng giới, cùng với Norway (Na-uy), Finland (Phần Lan), Rwanda, và Sweden (Thuỵ Điển). Bản thân đạo luật nêu trên cũng được thông qua bởi một Quốc hội có đến gần 50% là phụ nữ.

Trong một báo cáo đưa ra vào năm 2015, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ trong một khảo sát ở Việt Nam là khá thấp so với mặt bằng thế giới, ở mức 9,4%. Tuy nhiên, việc phân biệt giới tính trong tuyển dụng vẫn diễn ra phổ biến và nam giới thường được ưu tiên hơn. Trong khi đó, tỉ lệ phụ nữ trong Quốc hội chỉ là 26,72%, với 132 đại biểu.

Nhiều ý kiến cho rằng, phân biệt nam nữ là nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Tuy nhiên, tờ The Economist thì phân tích rằng, ở các nước có thu nhập cao và trung bình thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sở dĩ thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn đàn ông không phải vì chủ lao động trả lương cho phụ nữ thấp hơn đàn ông cho cùng một vị trí. Lý do chính là phụ nữ chiếm số lượng cao hơn đàn ông trong các vị trí có lương thấp hơn và có ít cơ hội thăng tiến hơn; đồng thời, phụ nữ thường làm việc trong các ngành nghề được trả lương thấp hơn. Việc sinh con và nuôi con là cản trở chính khiến phụ nữ rơi vào tình trạng này.

___

Chú thích sửa bài (6/10/2018):

  • Tiêu đề bài gốc không chính xác khi được đặt là “Iceland trở thành nước đầu tiên bắt buộc trả lương bình đẳng giữa nam và nữ”. Chúng tôi đã sửa lại thành “Iceland trở thành nước đầu tiên bắt buộc chủ lao động chứng minh trả lương bình đẳng giữa nam và nữ” cho đúng với bản chất vấn đề.
  • Chúng tôi cập nhật thông tin ở cuối bài để giải thích lý do chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ với hai luồng quan điểm khác nhau.
  • Chúng tôi xoá đoạn sau đây để tránh gây hiểu nhầm khi chưa có phân tích thấu đáo hơn về các thông tin này: “Nhiều người tưởng mức lương giữa nam giới và nữ giới trong cùng một công việc ở cùng một cơ quan là như nhau. Hoá ra mọi chuyện không phải như vậy. Ở gần như khắp nơi trên thế giới, phụ nữ thường nhận lương thấp hơn đàn ông.
Tỉ lệ chênh lệch cụ thể thì tuỳ từng nước, ví dụ ở Mỹ là 18,1%, Hàn Quốc tới gần 37%, trong khi New Zealand lại chỉ có 7,8%, theo số liệu năm 2016. Ngay cả hãng truyền thông BBC của Anh cũng trả cho nam giới nhiều hơn nữ giới tới 9%.”

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.