Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Trước đây, có một quan điểm phổ biến rằng quấy rối tình dục hoàn toàn xuất phát từ ham muốn tình dục. Nhưng suy nghĩ này dần trở nên ngây thơ và lỗi thời.
Nhiều lý thuyết pháp lý và xã hội không còn cho rằng quấy rối tình dục đơn thuần là hành vi có động cơ tình dục.
Trên thực tế, không phải lúc nào quấy rối tình dục cũng xảy ra khi một người bị người khác thu hút về mặt giới tính. Nhiều khi, những trò đùa tình dục khiếm nhã về phụ nữ ở chốn công sở cũng được phái nữ hưởng ứng. Nhiều trường hợp khác, nam giới lại là nạn nhân của quấy rối tình dục, bất kể xu hướng tính dục của họ là gì.
Trong số các hành vi quấy rối tình dục, không phải loại nào cũng mang đến cho kẻ quấy rối lợi ích về mặt tình dục. Loại hành vi phổ biến nhất là quấy rối dựa trên giới tính (sex-based harassment), bao gồm những lời trêu ghẹo thô tục, những nhận xét về giới tính có ý hạ thấp đối phương, những động chạm suồng sã, v.v. - thậm chí còn khiến người bị quấy rối xa lánh họ.
Nhưng tại sao họ vẫn làm vậy? Những động cơ khác đằng sau một hành vi quấy rối tình dục là gì?
Có quan điểm cho rằng đàn ông quấy rối phụ nữ vì họ có nhiều quyền lực hơn. Trong xã hội nam quyền, đàn ông dùng quyền lực để thu hút và yêu cầu phụ nữ tuân thủ tình dục (hoặc những người đàn ông yếu thế hơn, ít tính nam truyền thống hơn). Tuy nhiên, ý tưởng đằng sau cách tiếp cận này vẫn là giả định những kẻ quấy rối tình dục (thường là đàn ông) sử dụng quyền lực để cưỡng ép phụ nữ vì ham muốn tình dục.
Quyền lực là sự kiểm soát kết quả thông qua khả năng rút lại phần thưởng hoặc đưa ra hình phạt. Quấy rối đòi hỏi sự khác biệt về quyền lực thực tế hoặc nhận thức giữa kẻ quấy rối và người bị quấy rối, khiến người bị quấy rối có ít khả năng tự vệ hoặc trả thù.
Do vậy, cách tiếp cận theo hướng quyền lực không sai, nhưng không phải là cách lý giải duy nhất, nhất là khi nó làm trầm trọng thêm định kiến về sự chênh lệch quyền lực xã hội xét theo giới tính và bóp méo sự thu hút giới tính lẽ ra có thể lành mạnh giữa người với người. Có sự tán tỉnh là chân thành và nhiều khi sự hấp dẫn giới tính có thể nảy sinh trong khi làm việc, và điều đó không xấu.
Thông thường, kẻ quấy rối có thể kiểm soát mục tiêu bằng một trong hai hoặc cả hai yếu tố: (1) Quyền lực tổ chức hoặc kinh tế, sự đe dọa thể chất hoặc tinh thần; (2) Các chuẩn mực xã hội xác định quy tắc hòa nhập cộng đồng.
Yếu tố thứ hai ít được nhìn thấy hơn, nhưng điều này không có nghĩa là nó ít có tính đe dọa hay kém hiệu quả.
Trong một nghiên cứu năm 2007 có tên “Harassment Based on Sex: Protecting Social Status in the Context of Gender Hierarchy”, Jennifer L. Berdahl lập luận động cơ chính đằng sau mọi hành vi quấy rối tình dục là mong muốn bảo vệ địa vị xã hội của một người (gồm cả nam giới lẫn nữ giới) khi nó có vẻ bị đe dọa, trong một xã hội phân cấp về giới tính.
Bởi lẽ, thuộc về, được xã hội chấp nhận, tán thành và ngưỡng mộ là nhu cầu cơ bản của con người. Đó có thể là động cơ cốt lõi nhất của chúng ta với tư cách những sinh vật xã hội.
Hơn bất cứ đặc điểm xã hội nào khác, giới tính được sử dụng làm cơ sở để phân biệt các cá nhân, phân công vai trò xã hội và xác định địa vị. Sự phân biệt chủ yếu được tạo ra giữa nam và nữ, trong đó nam có địa vị cao hơn. Ngoài ra thì sự phân biệt cũng xảy ra ở mỗi giới tính. Đàn ông được so sánh với nhau để đánh giá mức độ họ đáp ứng được những lý tưởng nam tính. Tương tự với phụ nữ.
Một xã hội nhấn mạnh đến sự khác biệt giới tính và gán địa vị cao hơn cho một giới tính sẽ tạo động cơ để xác định và bảo vệ địa vị xã hội dựa trên giới tính, thậm chí cho phép các cá nhân bảo vệ địa vị của mình bằng cách hạ thấp địa vị của người khác.
Như vậy, quấy rối tình dục tạo ra môi trường làm việc thù địch bao gồm những trò đùa, bình luận khiếm nhã và phân biệt giới tính nhằm xúc phạm phụ nữ, nhắc nhở họ về địa vị thấp kém của họ so với nam giới và nhắc nhở nam giới về địa vị cao của họ so với nữ giới.
Đối với mỗi giới tính, những người ở nhóm giữa tranh giành địa vị mạnh mẽ hơn những người ở nhóm trên cùng và dưới cùng. Đàn ông hưởng lợi nhiều hơn khi được coi là nam tính và cũng mất nhiều hơn khi bị coi là kém nam tính; còn những người đã chứng tỏ mình nam tính một cách rõ ràng hoặc không có hy vọng làm được điều đó thì ít bị tác động hơn. Tương tự với phụ nữ.
Nhìn chung, những cá nhân có địa vị dựa trên giới tính ở mức cao có khả năng quấy rối người khác hơn dựa vào lợi thế quyền lực của họ, nhưng những cá nhân có địa vị dựa trên giới tính ở mức trung bình được cho là có nhiều động lực hơn để làm điều đó, nhằm bảo vệ địa vị của mình khỏi sự đe dọa.
Nghiên cứu của Berdahl cũng phân tích thêm về động cơ quấy rối trong bốn trường hợp: nam đối với nữ, nam đối với nam, nữ đối với nữ, và nữ đối với nam.
Ví dụ, một người phụ nữ cảm thấy địa vị dựa trên giới tính của mình bị đe dọa có thể cố gắng vượt trội hơn người phụ nữ khác về những lý tưởng nữ tính, chẳng hạn như sắc đẹp, ham muốn tình dục, sự ấm áp và tình mẫu tử.
Một người phụ nữ cũng có thể cố gắng hạ thấp địa vị của người phụ nữ khác khi họ thấy mình thất bại trước những lý tưởng nữ tính và có nguy cơ bị xã hội chối bỏ.
Do đó, một hàm ý quan trọng của quan điểm này là chuyển từ việc xem có điều gì không ổn ở kẻ quấy rối sang xem có điều gì không ổn ở bối cảnh xã hội mà họ đang sống.
Dựa trên lý thuyết bảo toàn nguồn lực, Lan Lin và Yuntao Bai xem xét tác động gián tiếp của "sự bất lịch sự trong gia đình" (Family Incivility, sau đây gọi tắt là FI) đối với sự lệch lạc giữa các cá nhân tại nơi làm việc, thông qua một nghiên cứu năm 2022: “The Dual Spillover Spiraling Effects of Family Incivility on Workplace Interpersonal Deviance: From the Conservation of Resources Perspective”.
Theo nhiều nghiên cứu trước đó, khái niệm FI được định nghĩa là “những hành vi lệch lạc cường độ thấp với mục đích không rõ ràng, vi phạm các chuẩn mực tôn trọng lẫn nhau trong gia đình”. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức như chế giễu, đưa ra những nhận xét hạ thấp phẩm giá các thành viên v.v.
Ngoài việc bị coi là một hình thức ngược đãi nhẹ giữa các cá nhân trong gia đình, FI còn bị cho là nguyên nhân gây suy giảm hiệu suất và kết quả công việc. Đồng thời, nó có liên quan đến sự bất lịch sự tại nơi làm việc.
Theo hai tác giả, FI cấu thành một dạng nhu cầu cảm xúc nhỏ nhặt nhưng dai dẳng. Theo thời gian, nó có thể tạo ra sự mất mát thực tế các nguồn lực tình cảm như sự thân mật và tình yêu thương, cảm xúc tích cực về bản thân, khả năng nuôi dưỡng mối quan hệ an toàn, bền chặt; và các nguồn lực nhận thức như bản sắc xã hội, sự quan tâm chú ý, v.v.
Để bảo vệ bản thân trước tổn thất tiềm ẩn hoặc phục hồi sau tổn thất thực tế thì cần sử dụng thêm nguồn lực như thời gian, năng lượng, cảm xúc và sự tập trung. Một khi trở nên dễ bị tổn thương trước sự suy giảm nguồn lực liên tục, người ta phải trích xuất thêm từ miền công việc, khiến nguồn lực không đủ để hoạt động tối ưu, từ đó dẫn đến các sự cố thiếu văn minh.
Một người rơi vào vòng xoáy mất mát có thể trở nên hung hăng, thô lỗ, sẵn sàng đùa cợt, xúc phạm, hạ thấp đồng nghiệp để cân bằng lại nguồn lực bị cạn kiệt.
Do đó, cần một người giám sát có sự nhạy cảm cao với những mối quan tâm liên quan đến gia đình của nhân viên, người sẽ lắng nghe và đưa ra sự hỗ trợ hằng ngày, giúp họ điều chỉnh cảm xúc cũng như giải quyết các vấn đề gia đình.
Khi sự mất mát nguồn lực ít đi, họ sẽ ít có khả năng đi chệch khỏi các chuẩn mực giữa các cá nhân tại nơi làm việc. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh vấn đề áp lực gia đình và khủng hoảng tinh thần của người lao động là nam giới rất hiếm khi được quan tâm tháo gỡ.
***
Việc duy trì định nghĩa được lý tưởng hóa về tính nam không chỉ khiến phụ nữ chịu thiệt thòi mà còn gây bất lợi cho những người đàn ông không thể hoặc sẽ không tuân thủ.
Theo Schultz (1998), mục tiêu của luật quấy rối tình dục phải là xóa bỏ sự phân tầng về giới chứ không phải loại trừ mọi biểu hiện tình dục khỏi nơi làm việc.
Bình đẳng giới có thể đạt được không chỉ khi chúng ta ngừng chỉ trích phụ nữ vì những lỗi lầm không phải của họ, mà còn là khi chúng ta cho phép đàn ông được bộc lộ cảm xúc của họ một cách cởi mở và thành thật.
Về mặt văn hóa, đàn ông Việt Nam thường bị cho phải khẳng định giá trị bản thân trong những công việc có tính nam truyền thống hay trên bàn nhậu. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người còn mong muốn tìm kiếm ý nghĩa và mưu cầu hạnh phúc thực sự khi ở bên gia đình mình.
Trong khi đó, một đời sống tinh thần lành mạnh chỉ có được khi cả nhà lẫn nơi làm việc đều là những môi trường văn minh mà ở đó tất cả mọi người - bất kể tuổi tác, giới tính, vai vế, v.v. - đều cảm thấy được tôn trọng.