Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Dư luận Việt Nam mấy tuần qua đã biết chuyện đại gia nhà đất Đà Nẵng Phan Văn Anh Vũ, hay còn được gọi là Vũ “nhôm”, từ một trong những con người quyền lực nhất tại địa phương của ông ta bỗng nhiên trở thành một trong những nghi phạm bị truy nã gắt gao nhất của Việt Nam.
Các tình tiết như phim trinh thám về việc “trốn thoát” khỏi vòng vây an ninh của ông Vũ được chia sẻ nhiệt tình trên các trang mạng xã hội. Ai ai dường như cũng khấp khởi mong đợi một vụ “Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn” thứ hai.
Tuy nhiên, có vẻ là sẽ khó có chuyện đó.
Như tờ báo hàng đầu Singapore The Straits Time đã đưa tin (trong sự im lặng một cách bất ngờ mà dễ hiểu của truyền thông chính thống Việt Nam), ông Vũ đã bị chặn tại cửa khẩu Singapore khi đang tìm cách rời nước này ngày 28/12 vừa rồi, và hiện nay đang bị nhà chức trách Singapore tạm giữ.
Qua các kênh tin tức phi chính thống trên mạng, ví dụ như Facebooker Nhà Văn (Bùi Thanh Hiếu, tức Người Buôn Gió), người theo dõi vụ việc có thể biết được một số thông tin ly kỳ và thú vị: ông Vũ bị tạm giữ vì lý do “hộ chiếu có vấn đề”, có nguồn tin còn cáo buộc là “cơ quan an ninh Việt Nam đã dùng biện pháp kỹ thuật và thông báo cho Sing hộ chiếu Vũ đang dùng là hộ chiếu giả”.
Ngoài ra, đáng chú ý là phát ngôn của luật sư người Singapore biện hộ cho Phan Văn Anh Vũ, theo đó, chiểu theo hiến pháp của Singapore việc tạm giữ Phan Văn Anh Vũ quá 72 tiếng, như vậy cần phải có một phiên toà xem xét Sing kết tội Vũ mới được trả về Việt Nam.”
Vậy thì cuối cùng xét về mặt pháp lý, Vũ “nhôm” đang ra sao? Việt Nam, Singapore, Vũ “nhôm”, ai sai, ai đúng?
Chúng ta có thể tìm cách trả lời các câu hỏi trên bằng cách tìm hiểu sơ qua luật pháp Singapore để thấy rằng, bên cạnh một vấn đề pháp lý thú vị, vụ việc Vũ “nhôm” gợi lên hai điều trớ trêu của lịch sử.
Công an khám xét nhà Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng ngày 21/12/2017. Ảnh: VietNamNet.
Một vấn đề pháp lý: Singapore đang tạm giữ Vũ “nhôm” trên cơ sở pháp lý nào?
Cho dù ngày nay có tiếng là “khắt khe”, “chuyên chế”, và hay dè chừng các thứ “quyền”, “tự do”, đất nước Singapore thực tế đã thừa hưởng từ cựu mẫu quốc là Vương quốc Anh một hệ thống pháp luật được xây dựng bài bản dựa trên các triết lý tôn trọng tự do và bảo vệ quyền cá nhân con người của nền Thông luật (Common Law) Anh.
Điều này thể hiện rõ nhất qua Điều 9 – Hiến pháp Singapore 1965 (đã sửa đổi), vốn đảm bảo quyền được sống (right to life) và quyền tự do cá nhân (right to personal liberty). Khoản 1 của điều này ghi:
“Không ai có thể bị tước đoạt mạng sống hay tự do cá nhân, trừ phi pháp luật có quy định khác.” (No person shall be deprived of his life or personal liberty save in accordance with law.)
Điều 9 Hiến pháp này có vẻ chính là điều mà luật sư của ông Vũ được cho là đã nhắc đến. Bởi vì khoản 4 điều này có quy định rằng nếu một người bị bắt giữ (arrested) mà không được thả thì trong vòng 48 tiếng từ khi bị bắt giữ, người bị bắt phải được đưa ra trước một thẩm phán tòa vi cảnh (magistrate) để kiểm tra cơ sở pháp lý của việc bắt giữ. Việc tạm giữ người bị bắt đó sẽ chỉ được tiếp diễn nếu có sự cho phép của thẩm phán.
Nếu đúng là Vũ “nhôm” đang bị chính quyền Singapore tạm giữ vì ông ta cầm trong tay một cuốn hộ chiếu “giả” hay hộ chiếu “đã bị chính quyền Việt Nam hủy bỏ”, thì rất ít khả năng Hiến pháp Singapore có thể bảo vệ cho ông Vũ.
Vì tuy Hiến pháp Singapore là văn bản pháp luật nền tảng, nhưng thẩm quyền bắt giữ của nhà chức trách Singapore lại được quy định chi tiết trong các đạo luật (act) khác nhau do Quốc hội Singapore ban hành.
Chính các đạo luật đó quy định chi tiết phần “trừ phi pháp luật có quy định khác” đã nêu trong khoản 1 điều 9 Hiến pháp ở trên.
Nôm na là, nhà nước Singapore tôn trọng quyền được sống và quyền tự do cá nhân của người dân, nhưng khi các đạo luật do Quốc hội (đại diện người dân) ban hành cho phép việc xâm phạm vào các quyền đó (vì lý do bảo vệ an ninh, lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia) thì nhà nước Singapore vẫn có quyền xâm phạm các quyền đó.
Ở đây, ông Vũ bị bắt ở cửa khẩu Singapore và việc bắt giữ có liên quan đến giấy tờ tùy thân của ông ta. Như vậy, nhà chức trách có liên quan là Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (Immigration and Checkpoints Authority) và đạo luật có liên quan là Đạo luật Nhập cư 2008 (Immigration Act 2008).
Điều 35 – Đạo luật Nhập cư 2008 của Singapore quy định:
“Bất kỳ ai mà nhà chức trách có lý do hợp lý để tin là người phải bị tống khứ khỏi Singapore (liable to removal from Singapore) chiếu theo đạo luật này thì đều có thể bị bắt giữ mà không cần lệnh bắt giữ (warrant) bởi bất kỳ sỹ quan quản lý nhập cư nào… và có thể bị tạm giữ trong bất kỳ nhà tù, sở cảnh sát, hay trụ sở quản lý nhập cư nào trong một khoảng thời gian tối đa là 14 ngày trong khi chờ quyết định có nên đưa ra lệnh tống khứ người đó (order for his removal) hay không.”
Định nghĩa “người mà nhà chức trách có lý do hợp lý để tin là người phải bị tống khứ khỏi Singapore” có thể được tìm thấy trong nội dung Điều 8 của cùng đạo luật, vốn liệt kê các dạng người nhập cư bị cấm (prohibited immigrants).
Trong đó, Khoản 3(m) – Điều 8 ghi:
“Bất kỳ ai mà, theo quy định của luật pháp thành văn hiện hành, phải sở hữu giấy tờ đi đường có hiệu lực (valid travel documents) nhưng lại không sở hữu các giấy tờ đi đường đó hoặc sở hữu các giấy tờ đi đường giả mạo, hay giấy tờ đi đường đã bị sửa đổi, hay giấy tờ đi đường không tuân thủ đầy đủ luật thành văn.”
Nghĩa là một người sở hữu giấy tờ đi đường hết hiệu lực (một hộ chiếu đã bị hủy bỏ) hay giấy tờ đi đường giả mạo (một hộ chiếu giả mạo) đều có thể được liệt vào Khoản 3(m), Điều 8 kể trên, và được xem là một “người mà nhà chức trách có lý do hợp lý để tin là người phải bị tống khứ khỏi Singapore”.
Như vậy, khả năng cao là nhà chức trách Singapore đã có cơ sở pháp lý vững chắc để bắt giữ và tạm giữ ông Vũ khi chặn ông này tại cửa khẩu Singapore vào ngày 28/12 vừa rồi: ông Vũ là một người nhập cư trái phép vì đang dùng một hộ chiếu hết hiệu lực, hoặc là hộ chiếu giả.
Cơ sở này có thể được nhà chức trách Singapore dùng để biện minh trước các cáo buộc xâm phạm quyền tự do cá nhân chiếu theo Điều 9 Hiến pháp: nhà chức trách Singapore đơn giản là đang làm công tác bảo vệ biên giới, cửa khẩu, kiểm soát những người nhập cư trái phép có khả năng gây hại cho an ninh xã hội Singapore, theo đúng quy định chi tiết trong một đạo luật do Quốc hội Singapore ban hành.
Ông Vũ bị tạm giữ ngày 28/12, như vậy, nhà chức trách Singapore có thẩm quyền hợp pháp để tạm giữ ông ta ít nhất tới ngày 11/01 tới đây.
Khoảng thời gian tối đa 14 ngày tạm giữ này do luật quy định là để nhà chức trách Singapore có thời gian xem xét xem có nên đưa ra lệnh tống khứ ông Vũ khỏi Singapore luôn không. Nếu nhà chức trách Singapore sau khi xem xét thông tin, tiếp nhận phản hồi từ ông Vũ và luật sư ông này rồi mà vẫn quyết định đưa ra lệnh tống khứ ông ta, thì họ không cần chờ đến ngày 11/01.
Cán bộ quản lý nhập cư Singapore. Ảnh: ica.gov.sg.
Sau khi lệnh tống khứ đã được đưa ra mà không cản được thì ông Vũ sẽ phải bị “tống” về nước nguyên quán là Việt Nam.
Hộ chiếu ông ta cầm tuy là giả/vô hiệu nhưng quốc tịch ông ta thì vẫn là Việt Nam – nhà chức trách Việt Nam nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh điều này với phía Singapore. Đây có vẻ là cách ít tốn kém nhất để đưa được ông Vũ về trong bối cảnh giữa Việt Nam và Singapore không có hiệp định dẫn độ nghi phạm riêng. Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể “mượn gió bẻ măng”, trông cậy vào luật quản lý nhập cư hiện hành của Singapore.
Nếu cơ sở pháp lý của việc bắt và tạm giữ Vũ “nhôm” đúng theo phân tích như trên, thì luật sư của ông Vũ có rất nhiều việc để làm trong những ngày ít ỏi sắp tới để bảo vệ cho thân chủ mình.
Mấu chốt là phải cản được nhà nước Singapore đưa ra “lệnh tống khứ” (order to remove) ông Vũ chiếu theo Đạo luật Nhập cư 2008.
Họ sẽ phải chứng minh rằng chiếc hộ chiếu của ông Vũ là một hộ chiếu có hiệu lực đàng hoàng, nhưng đã bị nhà cầm quyền Việt Nam dùng “chiêu trò” hủy bỏ, hay đưa thông tin sai lệch cho phía Singapore là hộ chiếu đã bị làm giả.
Họ sẽ phải cung cấp nhiều hồ sơ, bằng chứng, giấy tờ để cho thấy là nhà nước Việt Nam đang có một động cơ rất lớn trong việc dùng các “chiêu trò” sai trái để đưa được ông Vũ về Việt Nam, trong khi ông Vũ có cơ sở để xin tỵ nạn chính trị chiếu theo luật quốc tế, và chiếu theo luật tại “nước Phương Tây” mà ông đã nộp đơn xin tỵ nạn.
Thông thường, trong một nền thông luật, ngay cả khi cơ quan hành pháp đã đưa ra một lệnh tống khứ rồi thì các luật sư của người bị tống khứ vẫn có thể tính tới các giải pháp khác.
Tồn tại trong các nền thông luật cơ chế tài phán hiến pháp (judicial review) cho phép công dân yêu cầu tòa án thẩm tra tính hợp pháp và tính hợp lý của các quyết định hành pháp, bao gồm cả quyết định trục xuất hay tống khứ người ngoại quốc.
Tuy nhiên, nhà nước Singapore trong trường hợp Đạo luật Nhập cư 2008 đã thể hiện rằng họ tuy có thể thừa hưởng nhiều di sản văn hóa, pháp lý của mẫu quốc Anh, nhưng lại rất biết điều chỉnh cho phù hợp với các nhu cầu quản lý đất nước hiện đại “khắt khe” của họ:
Điều 39A của Đạo luật Nhập cư 2008 loại trừ việc dùng cơ chế tài phán hiến pháp để yêu cầu tòa án Singapore xem xét lại các quyết định liên quan đến nhập cư của bên hành pháp. Trừ phi bản thân bên hành pháp Singapore làm sai quy định của chính Đạo luật Nhập cư 2008, còn không thì luật sư của ông Vũ không thể dùng cơ chế tài phán hiến pháp để giúp thân chủ mình.
Hai điều trớ trêu
Điều trớ trêu thứ nhất: Từng tác động để cấm xuất cảnh một nhà báo “chống” mình, nay Vũ “nhôm” lại đang bị kẹt vì luật xuất nhập cảnh.
Bạn đọc của Luật Khoa chắc vẫn nhớ trường hợp nhà báo Dương Thị Hằng Nga của tạp chí Giao thông – Vận tải bị ngăn chặn xuất nhập cảnh bởi văn bản của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh thuộc Bộ Công an cách đây ít lâu.
Theo Công an Đà Nẵng, việc cấm xuất cảnh đối với nữ nhà báo Dương Hằng Nga xuất phát từ đơn tố giác của chính ông Vũ. Ông đã khiếu nại rằng bà Nga viết bài xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và cá nhân ông.
Cho dù việc ông Vũ dùng cơ chế pháp lý để tự bảo vệ quyền lợi bản thân có chính đáng đến đâu đi nữa, thì việc cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền quá rộng trong việc dùng công tác điều tra để kiểm soát quyền xuất nhập cảnh của người dân Việt Nam vẫn là một vấn đề lớn mà luật pháp Việt Nam cần giải quyết.
Bài học của Vũ “nhôm” là: Mượn dao giết người, có ngày mình đứt tay!
Điều trớ trêu thứ hai: Một người cộng sản nổi tiếng khác cũng từng gặp phải tình huống gần giống của ông Vũ, nhưng ông ta đã thoát nhờ vào một hệ thống luật pháp tự do và tôn trọng nhân quyền hơn hệ thống của Singapore rất nhiều. Người đó là ông Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Không giống như luật pháp Singapore ngày nay, luật pháp thời ông Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong những năm 1930 đã không hề có điều khoản loại trừ cơ chế tài phán hiến pháp. Do đó, việc cảnh sát bắt giữ Nguyễn Ái Quốc khi đó đã bị thưa ra toà theo thủ tục habeas corpus và sau cùng chính quyền Hong Kong đã phải nhượng bộ ông với một lệnh trục xuất đến nơi ông muốn thay vì bị trục xuất về Việt Nam như kế hoạch ban đầu.
Chuyên đề dài kỳ: Nguyễn Ái Quốc – Thoát nạn ở Hong Kong