‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Trong thời kỳ Hàn Quốc nhiễu loạn dưới thời Chang Myon, nhà hoạt động Ham Sokhon – người được mệnh danh là “Gandhi xứ Đại Hàn” – đã kêu gọi một cuộc cách mạng nhân dân “không đổ máu”.
Trên tờ Sasanggye số ra tháng Tư năm 1961, ở bài báo mang tựa đề “Làm thế nào để xây dựng một dân tộc mới?”, Ham cho rằng nguyên nhân cốt lõi của nỗi thống khổ mà người dân Hàn Quốc đang phải gánh chịu chính là do tính nhược tiểu của dân tộc, và cách duy nhất để thay đổi điều ấy là phải có một cuộc cách mạng nhân dân từ dưới lên để gầy dựng lại quốc gia. [1]
Quả thực, cuộc cách mạng ấy đã xảy ra.
Rủi thay, nó không đến từ nhân dân, mà từ một nhà độc tài khét tiếng. Đó chính là tướng Park Chung Hee, người mà về sau đã cai trị Hàn Quốc trong suốt 18 năm ròng, trước khi bị ám sát bởi một người thân cận.
Vì sao Park Chung Hee được ngưỡng vọng?
“Chúng ta cần một nhà lãnh đạo mạnh”
Vốn dĩ, kỳ vọng tối thiểu của cuộc Nổi dậy Tháng Tư của giới sinh viên khi lật đổ chính quyền Rhee Syng Man năm 1960 là tạo ra “một xã hội ít ra phải có khả năng cung cấp cơm ăn áo mặc cho người dân.” [2]
Thế nhưng chính quyền mới lên Chang Myon đã mang lại những gì?
Hàn Quốc thời hậu chiến vào buổi ấy vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Lạm phát gia tăng, giá gạo đội lên 60% còn dầu tăng 23% chỉ trong vòng bốn tháng, từ tháng 12 năm 1960 đến tháng 4 năm 1961. Số người thất nghiệp lên đến khoảng hai triệu rưỡi. Tỷ lệ tội phạm tăng gấp đôi. [3]
Hàn Quốc năm 1960. Ảnh: Leroy Smothers/Flickr.
Không những vậy, những cuộc đụng độ giữa các phe nhóm tả hữu lẫn cảnh sát thường xuyên xảy ra, trong khi chính quyền hiện thời gần như không giải quyết triệt để được vấn đề nào.
Tờ nhật báo uy tín nhất thời đó, Tonga Ilho, tuyên bố rằng xã hội Hàn Quốc lúc đó buộc phải cải cách toàn diện bởi nó đã chìm trong “nạn tham nhũng, sự kém cỏi, không hiệu quả, và chủ nghĩa phe phái hỗn độn của các chính trị gia”. [4]
Trong tình cảnh ấy, tuy không một trí thức Hàn Quốc nào công khai tỏ ra ủng hộ ý tưởng về một chế độ độc tài kiểu Trung Quốc, song họ bắt đầu đưa ra những diễn ngôn về một “nhà lãnh đạo mạnh”.
Chẳng hạn, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Chang Chunha đã cho rằng cần phải tiến hành tái thiết đất nước dưới một “nhà lãnh đạo mạnh” và một “nền dân chủ được hướng dẫn”, trong bài báo mang tên “Chỉ có sự chăm chỉ mới cứu vớt được Hàn Quốc”. Ông kêu gọi một nhà lãnh đạo chính trị có đạo đức, người có thể dẫn dắt nhân dân trên con đường gầy dựng quốc gia.
Ngoài ra, rất nhiều trí thức tự do hàng đầu khác, như Kim Sanghyop, Sin Sangcho, và Han Taeyon, cũng bắt đầu kết hợp thuật ngữ “nhà lãnh đạo mạnh” đi cùng “dân chủ tự do”. [5]
Nhà lãnh đạo mạnh đã xuất hiện
Cuộc đảo chính của Park Chung Hee ngày 16/5/1961, dẫu xóa sạch dấu vết của nền dân chủ tự do còn đang thai nghén, song đã đem lại cho Hàn Quốc một nhà lãnh đạo mạnh đúng như trông đợi của nhiều người.
Bản Sáu Cam kết của Phe Đảo chính ghi rằng mục tiêu của cuộc đảo chính là: chống cộng sản; tăng cường hợp tác quốc tế; chống tham nhũng; tái thiết kinh tế; thống nhất quốc gia; và trao quyền cho chính phủ dân sự. [6]
Tính chính danh của chế độ Park ban đầu gây nhiều tranh cãi, bởi họ ngần ngừ không chịu trao trả quyền hành cho chính phủ dân sự như đã hứa. Thế nhưng, theo thời gian, Park đã chiếm được chỗ đứng vững vàng trong lòng công chúng nhờ những thành tựu kinh tế trong thời kỳ cai trị của ông, thấy rõ qua chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1967 khi ông giành được 51,4% phiếu, vượt mặt đối thủ Yun Bo Seon – người từng ngồi ghế Tổng thống dưới thời chính quyền Chang Myon – tới hơn 10% số phiếu.
Trong cuốn tự truyện của mình, Park viết: “Tôi muốn nhấn mạnh, liên tục nhấn mạnh, rằng yếu tố then chốt của cuộc Cách mạng Quân đội ngày 16 tháng 5 là nhằm dấy lên một cuộc cách mạng công nghiệp ở Hàn Quốc… Tôi phải nhấn mạnh lần nữa rằng nếu nền kinh tế không hồi phục, sẽ không có những thành quả như chiến thắng chủ nghĩa cộng sản hay giữ được độc lập.” [7]
Quả vậy, trong suốt bốn nhiệm kỳ làm tổng thống của Park, nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục, trung bình 10% mỗi năm, theo số liệu của World Bank.
Nền công nghiệp phát triển thần tốc dưới thời Park cùng với sự xuất hiện của các chaebol (các tập đoàn kinh doanh hàng đầu) và chính sách xuất khẩu chính là đòn bẩy giúp nền kinh tế Hàn Quốc trở nên thịnh vượng hơn bao giờ hết.
Việc Park Chung Hee ký kết hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào những năm 1965 cũng đem lại cho Hàn Quốc nhiều mối lợi. Sau năm 1971, Nhật Bản là quốc gia đổ nhiều tiền nhất vào Hàn Quốc, hơn cả Mỹ.
Nhờ vào nguồn trợ cấp 364 triệu đô-la của Nhật Bản, chính quyền Park đã sử dụng số tiền này để thành lập doanh nghiệp sản xuất thép POSCO (hiện đang là một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới) và xây dựng tuyến đường cao tốc huyết mạch Gyeongbu nối liền Hàn Quốc từ Bắc chí Nam.
Từ trái sang: Park T’aejun – chủ tịch đầu tiên của POSCO, Tổng thống Park, và Kim Hang’yol – quyền Thủ tướng từ 1969 đến 1972. Ảnh trích từ sách Kim Hyung A (ed.); 2003; Korea’s Development Under Park Chung Hee: Rapid Industrialization, 1961-79; Routledge.
Mạnh đến đâu thì vừa?
Giờ đây, khi nhắc về kỷ nguyên Park Chung Hee, người ta dường như chỉ thấy những dấu ấn vàng son. Ít ai biết rằng dưới chế độ độc tài ấy, người dân Hàn Quốc đã phải trải qua không ít cơn thống khổ, từ người giàu cho tới người nghèo, từ giới trí thức cho tới giới công nhân, từ chính khách cho tới thường dân.
Tước đoạt tài sản và sự tự do của các doanh nhân
Trong Kế hoạch 5 năm đầu tiên, Park áp đặt chính sách “kiểm soát hành chính” đối với mọi nhóm doanh nghiệp nhằm loại bỏ mọi thách thức khả dĩ đến từ giới doanh nhân.
Theo đó, Hội đồng Tái thiết Quốc gia Tối cao (Supreme Council for National Reconstruction – SCNR) đã bắt giữ 51 doanh nhân giàu có với cáo buộc rằng họ phạm tội “trục lợi bất hợp pháp” và do đó tịch thu tài sản của họ, dựa trên sắc lệnh “Giải pháp Đặc biệt để Kiểm soát việc Trục lợi Bất hợp pháp” ban hành sau khi đảo chính thành công, vào 28/5/1961. [8]
Hơn một tháng sau họ mới được thả ra, chỉ sau khi họ ký một thỏa thuận tuyên bố rằng: “Tôi sẽ hiến tặng tất cả tài sản của tôi khi chính phủ yêu cầu dùng đến để xây dựng quốc gia”. [9]
Trên thực tế, cả con đường làm ăn lẫn sinh mạng của các doanh nhân này hoàn toàn phụ thuộc vào việc hợp tác với SCNR, và phải phù hợp với quan điểm “phụng sự quốc gia” của Park.
Bên cạnh việc buộc tội các doanh nhân để cưỡng ép lòng trung thành của họ, Park còn tiến hành quốc hữu hóa năm ngân hàng lớn và tuyên bố cải cách hệ thống tiền tệ, nhờ đó dễ dàng áp đặt các phương pháp kiểm soát của chính quyền lên các thiết chế chủ chốt của nền kinh tế. [10]
Đẩy người dân ra chiến trận Việt Nam
Để có được những thành tựu kinh tế mà đến nay vẫn nhiều người ngưỡng vọng, bên cạnh các Kế hoạch 5 năm chủ yếu dựa trên việc làm ăn với các chaebol và chiến lược phát triển công nghiệp thần tốc, còn phải kể tới đóng góp không nhỏ của việc đưa quân sang tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam những năm 1960.
Rõ ràng, việc triển khai quân đội Hàn Quốc sang Việt Nam là một trong những chiến lược chủ chốt của Park. Nó không chỉ nhằm bảo đảm Mỹ sẽ ngó lơ kiểu cai trị độc tài của chế độ Park, mà còn giúp tối đa hóa các cơ hội kinh tế và an ninh từ Mỹ.
Binh lính Hàn Quốc tại Việt Nam trong một cuộc tấn công gần Nha Trang vào năm 1972. Ảnh: David Hume Kennerly/Getty Images.
Theo chính trị gia Se Jin Kim, nguồn thu từ cuộc chiến lên đến hơn 380 triệu đô la vào cuối năm 1968, “chiếm 16% trong tổng số nguồn quỹ nước ngoài và 2,8% GNP của Hàn Quốc”, đóng góp rất lớn trong việc dự trữ ngoại tệ. [11]
Dẫu chính quyền Hàn Quốc luôn tuyên bố rằng việc đưa quân đội vào Việt Nam là một hành động yêu nước nhằm “chống lại sự bành trướng của cộng sản”, song nhiều nhà quan sát đã gọi lực lượng quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam là “lính đánh thuê”. [12]
Tính tới khi Hàn Quốc rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973, có tổng cộng hơn 300.000 binh lính nước này đã bị đẩy sang chiến trường Việt Nam, trong đó khoảng 5.000 người đã bỏ mạng, trong khi tiền lại đổ về túi chính phủ.
Làn sóng phản đối quyết định đưa quân đội Hàn Quốc tham chiến đã bùng lên từ cuối năm 1965. Một loạt các cuộc biểu tình phản chiến của sinh viên nổ ra, nhằm phản đối chế độ Park đã đem sinh mệnh người dân ra đánh đổi lấy sự phát triển về kinh tế.
Triệt tiêu các phe đối lập bằng cách đặt mình lên trên hiến pháp
Mặc dù Park chính là người đã đặt nền móng cho sự thành công về kinh tế của Hàn Quốc, nhưng tự do hóa nền chính trị và dân chủ hóa lại là vấn đề khác.
Được thành lập vào tháng 6 năm 1961 ngay sau cuộc đảo chính, Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (Korean Central Intelligence Agency – KCIA, Chungang chbbobu) đã được trao quyền hành vượt xa hơn hẳn CIA của Mỹ.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của KCIA là sàng lọc 41.000 nhân viên chính phủ, cho ra gần 3.000 người bị coi là tham nhũng và “phản cách mạng”. Trong vòng ba năm, KCIA đã thành lập một mạng lưới rộng khắp cả trong nước lẫn nước ngoài. Chính tổ chức này đã trở thành biểu tượng cho sự đàn áp tinh vi và có hệ thống của Park. [13]
Chủ tịch Hội đồng Tối cao Tái thiết Quốc gia, Park Chung Hee, gặp Kim Jong-pil, quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc KCIA, trong chuyến thăm trụ sở của cơ quan vào ngày 31/8/1961. Ảnh: National Archives of Korea.
Ngoài ra, Luật An ninh Quốc gia được Park tăng cường và áp dụng triệt để. Theo đó, các đảng chính trị đã bị trừng trị với cáo buộc “khuyến khích và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản” và “chống đối nhà nước”.
Chẳng hạn, Đảng Cách mạng Nhân dân (Inmin hyongmyongdang) gồm 57 chính trị gia, nhà báo, giáo sư và sinh viên; cùng với Đảng Cách mạng Thống nhất (T’ongil hyongmyongdang) gồm các trí thức và sinh viên Đại học Quốc gia Seoul đều bị đàn áp giữa những năm 1960.
Không chỉ mỗi KCIA tham gia vào việc đàn áp giới xã hội dân sự, mà chính Hội đồng Tái thiết Quốc gia (SCNR) của Park cũng nhanh chóng tiến hành công cuộc thanh lọc chính trị trong bộ máy.
Vào ngày 22/5/1961, tròn một tuần sau cuộc đảo chính, SCNR bắt đầu “nhổ cỏ tận gốc” bằng cách bắt giữ 2.100 người bị tình nghi là gián điệp Cộng sản. Hai tháng sau, có tới 6.900 công chức bị bãi nhiệm trong một cuộc thanh trừng.
Nghiêm trọng hơn, SCNR còn cấm hơn 4.000 chính khách không được hoạt động chính trị trong vòng sáu năm theo bộ luật thanh lọc chính trị ban hành từ tháng 3 năm 1962. [14]
Sở dĩ những biện pháp cực đoan này có thể thực hiện được vì SCNR đã tự trao cho nó quyền lực tối cao khi có quyền xóa bỏ hiến pháp nếu hiến pháp “mâu thuẫn với Luật về các Biện pháp Đặc biệt nhằm Tái thiết Quốc gia”, một bộ luật được ban hành ngay sau khi đảo chính. [15]
Tham vọng độc tài trọn đời
Trong cuốn “Con đường cho Đất nước Chúng ta: Ý thức hệ về Tái thiết Xã hội”, Park khẳng định rằng “cuộc cách mạng quân sự” là cần thiết để thiết lập một “nền dân chủ thật sự, tự do tại Hàn Quốc – chứ chắc chắn không phải để thành lập một nền độc tài và chủ nghĩa độc tài toàn trị mới”. [16]
Thế nhưng, Park lại sửa đổi hiến pháp vào năm 1969 để cho phép bản thân có thể ứng cử tới nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp những cuộc biểu tình chống chính phủ của các nhóm sinh viên và các chính trị gia phe đối lập.
Vào thời điểm đầu những năm 1970, tăng trưởng kinh tế – thứ vốn tạo nên tính chính danh cho Park xưa nay – bắt đầu chững lại, khiến Park lo ngại rằng bản thân khó lòng tiếp tục giữ ghế nếu hiến pháp giới hạn chỉ ba nhiệm kỳ.
Một buổi diễu hành vào ngày Lực lượng Quân đội Hàn Quốc 1/10/1973. Ảnh: Wikipedia.
Bởi vậy, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Park ban bố tình trạng khẩn cấp do “tình hình quốc tế chứa nhiều hiểm họa”. Giờ đây, để dọn đường cho tham vọng độc tài của mình, Park lại một lần nữa tiến hành cuộc “chính biến” về mặt lập pháp: ông giải tán Quốc hội và thay thế nó bằng một nội các khẩn cấp, đình chỉ bản hiến pháp hiện tại, cấm tất cả hoạt động của các đảng phái chính trị, đồng thời siết chặt không gian tự do dân sự.
Hiến pháp mới – Hiến pháp Yusin (Hồi Sinh) – ra đời năm 1972 đã cho phép bầu cử tổng thống gián tiếp và bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Ngoài ra, Tổng thống được trao quyền chỉ định một phần ba số thành viên của cơ quan lập pháp. Do đó, quyền lực chính trị gần như tập trung hoàn toàn trong tay Park Chung Hee (và đây cũng là lý do khiến nền chính trị Hàn Quốc thời kỳ này được gọi là độc tài cá nhân).
Cái giá của việc lệ thuộc nước ngoài
Một trong những lý do khiến Park lo ngại cho chiếc ghế của mình, để mà phải ban hành bản Hiến pháp Yusin, chính là bởi tình hình quốc tế lúc bấy giờ.
Cơn phấn khởi buổi đầu về tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng của chế độ Park đã trở nên lay lắt khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn hồi đầu những năm 1970.
Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ Học thuyết Nixon ra đời vào tháng 7 năm 1969, rằng các đồng minh châu Á từ đó trở đi phải tự chịu trách nhiệm cho tình trạng an ninh quốc gia của chính họ. Theo đó, Hàn Quốc không những phải rút quân ra khỏi Việt Nam vài năm sau đó và mất đi nguồn thu lớn từ cuộc chiến tranh này, mà nguồn viện trợ đến từ Mỹ cũng bị cắt giảm, đồng thời chính Nixon cũng tuyên bố rút Sư đoàn Bộ binh số Bảy ra khỏi Hàn Quốc.
Vốn dĩ trong những năm đầu khi Park lên nắm quyền, viện trợ từ Washington chiếm hơn 50% ngân sách Hàn Quốc và 72.4% ngân sách quốc phòng. [17] Vậy nên, giờ đây, Hàn Quốc bắt đầu phải trả giá cho một nền chính trị lệ thuộc.
Riêng trong năm 1969, có khoảng 45% các doanh nghiệp ở Hàn Quốc đã tuyên bố phá sản. Nợ nước ngoài đã lên đến 26,5% tổng GNP. [18]
Để đối phó với tình trạng bấp bênh này, bên cạnh việc ban hành bản hiến pháp Yusin phi dân chủ, Park lại càng siết chặt luật lao động theo chính sách thắt lưng buộc bụng.
Đàn áp giới trí thức
Trớ trêu thay, trong những khoảnh khắc đen tối dưới thời Yusin lại xuất hiện nhiều cuộc phản kháng hơn bao giờ hết.
Bản Hiến pháp Yusin vẽ ra một tương lai khắc nghiệt, đẩy các nhóm trong xã hội dân sự Hàn Quốc vào trong một tình cảnh chưa từng thấy, khiến họ cảm thấy buộc phải chống lại.
Chiến dịch “Một triệu chữ ký để Thay đổi Hiến pháp” khởi động vào tháng 12 năm 1973 đã đặt ra một thách thức lớn cho chế độ độc tài. Thông qua các tuyên bố và chiến dịch, các tổ chức xã hội dân sự đòi hỏi đình chỉ bản hiến pháp Yusin, khôi phục Quốc hội, bãi bỏ các biện pháp khẩn cấp của Tổng thống, thả các tù nhân chính trị, bảo đảm tự do báo chí, và kêu gọi sự độc lập của ngành tư pháp.
Trong bối cảnh đó, Park đã ban bố sắc lệnh khẩn cấp đầu tiên của mình vào tháng 1/1974 nhằm cấm mọi chiến dịch phản đối hiến pháp. Biện pháp khắc nghiệt nhất phải kể đến là Sắc lệnh Khẩn cấp Số Chín, ban hành tháng 5/1975, quy định rằng các hoạt động chỉ trích Hiến pháp Yusin hoặc đăng đàn phê phán Yusin trên báo đều có thể bị phạt tù.
Kết quả là những vụ bắt bớ tùy tiện ở khắp nơi.
Lee Myung Bak (thứ tư từ trái sang) – tổng thống trong thời kỳ 2008-2013 của Hàn Quốc, thời trẻ từng bị bắt giam ba tháng trong một cuộc biểu tình chống chính quyền Park. Ảnh: Grand National Party/Reuters.
Nhưng giờ đây, giới trí thức không còn đơn độc đấu tranh như cái thời chống chính quyền Rhee Syng Man nữa. Theo thời gian, ngày càng có nhiều thành phần trong xã hội dân sự Hàn Quốc bắt đầu thể hiện sự bất mãn của họ với chế độ độc tài.
Đàn áp người lao động
Mặc dù hiệu suất kinh tế của Hàn Quốc tăng cao dưới sự lãnh đạo của Park, nhưng giá cả cũng tăng theo. Buổi đầu, mhiều người Hàn Quốc đã làm việc bền bỉ với mức lương thấp, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn vì hy vọng về tương lai tươi sáng hơn và tự hào về sự tiến bộ của đất nước.
Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua và điều kiện làm việc cứ tệ thêm, một số người lao động đã cố gắng thành lập các liên hiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng chính quyền Park chỉ cho phép các hiệp hội lao động do nhà nước bảo trợ, còn các tổ chức độc lập bị đàn áp thẳng tay.
Trong suốt những năm 1970, giới công nhân liên tục đình công và biểu tình nhằm phản đối điều kiện lao động khắc nghiệt. Trước tình trạng ấy, chính quyền Park đã mạnh tay trấn áp khiến các cuộc phản kháng bùng nổ thành bạo lực.
Tiêu biểu nhất phải kể đến vụ cả nghìn cảnh sát vây ráp và hành hung các nữ công nhân của nhà máy tóc giả YH, làm chết một người và gây thương tích cho gần 100 người. Chính trị gia đảng đối lập là Kim Young Sam – người mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ giới công nhân – đã bị chính quyền Park trục xuất ra khỏi Quốc hội.
Chính khách Kim Young Sam, người về sau trở thành Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 1993-1998. Ảnh: Kim Jae Hwan/AFP/Getty Images.
Vụ việc này đã làm bùng nổ các cuộc nổi dậy khác ở nhiều thành phố lớn nhỏ. Tại Pusan, quê của Kim, các cuộc nổi dậy đòi phế truất Park lan rộng khắp thành phố. Đáp lại cơn giận dữ của dân chúng, chính quyền Park đã ban bố thiết quân luật tại Pusan và Masan, dùng tới quân đội và súng ống để đàn áp dân thường.
Cái kết của Park Chung Hee
Bên bàn tiệc bữa tối ngày 26/10/1979, một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra khi Kim Jae Kyu, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA), bị chỉ trích nặng nề vì đã không giải quyết được các cuộc biểu tình.
Kim Jae Kyu xông ra khỏi phòng và quay lại sau vài phút với một khẩu súng lục trong túi. Đột nhiên, Kim Jae Kyu đứng dậy, chĩa súng vào Cha Ji-chul, người đứng đầu đội an ninh bảo vệ Park và hét lên với Park: “Loại giòi bọ này mà làm cố vấn cho ông được sao?” [19] Kim bắn hai phát vào Cha Ji Chul rồi tới Park, trước khi súng bị kẹt đạn. Khi Park gục xuống sàn nhà, Kim lấy khẩu súng từ một thành viên KCIA và bắn thêm một phát súng nữa, kết liễu cuộc đời nhà độc tài.
Về sau, trong phiên tòa luận tội, Kim khẳng định rằng ông giết Tổng thống Park hòng chấm dứt chế độ độc tài và đưa Hàn Quốc quay lại nền dân chủ. [20]
Cái chết của Park đã mang lại một kết thúc đột ngột cho 18 năm thống trị quân sự, cũng là cái kết thảm khốc của một nhà lãnh đạo dẫu cai trị như một nhà độc tài nhưng đã đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, dấu chấm hết này đã mở ra cho nhiều người Hàn Quốc một niềm hy vọng khấp khởi về đất nước dân chủ tự do trong tương lai.
Giờ đây, có khá nhiều người Việt Nam vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với kỷ nguyên Park Chung Hee, thậm chí trông đợi một nhà lãnh đạo tài năng như ông xuất hiện trên đất nước mình.
Thế nhưng, trong tư cách công dân của một quốc gia, có lẽ không ít người sẽ băn khoăn rằng liệu ta có sẵn sàng đánh đổi sinh mạng của mình trong một cuộc chiến tranh ở đâu đó xa xôi như một tay lính đánh thuê để mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; liệu có muốn dâng hiến toàn bộ tài sản khi vị tổng thống nói rằng quốc gia đang cần; hay liệu có cam chịu sống trong cảnh bị đàn áp cả về thể xác lẫn tinh thần như hàng triệu người Hàn Quốc đã chịu hay không.
Tài liệu tham khảo và trích dịch:
Trích dẫn và chú thích