Nghĩa khí Lục Vân Tiên trong xã hội pháp quyền

Nghĩa khí Lục Vân Tiên trong xã hội pháp quyền
“Hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long, chủ trang Facebook “Đội săn bắt cướp TP.HCM”. Ảnh: NVCC/Zing.

Lời người viết: Từ cảm xúc với bài viết “Vân Tiên của con sáng nay đâu?” của Nguyễn Ngọc Tư. Và tôi cũng không muốn sống trong một xã hội mà người xung quanh chặc lưỡi, nhún vai, lắc đầu nuối tiếc bảo người bị nạn chờ lên phường giải quyết.

Xã hội Việt Nam vừa đón nhận thêm một tin buồn (trong hằng hà sa số các tin buồn khác) khi mất đi ba người tốt vì cố gắng ngăn chặn một vụ cướp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số báo và facebookers lên án thái độ vô trách nhiệm và vô cảm của một số cán bộ công an phường khi họ phát ngôn rằng vụ việc xảy ra ở địa bàn phường khác nên không thể tham gia hỗ trợ, cứu giúp người bị nạn. Một số lên án sự tắc trách của hệ thống phòng chống tội phạm dẫn đến tình trạng người dân phải tự nguyện tham gia vào các hội nhóm phòng chống tội phạm địa phương. Đặc biệt thái độ của người đi xe máy bị cướp trong vụ việc này cũng gây phẫn nộ trong cộng đồng.

Đáng chú ý trong số các quan điểm trái chiều là bài báo Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí của tác giả Nguyễn Anh Thi đăng trên tờ Vietnamnet, đang được rất nhiều bạn đọc hưởng ứng. Bài viết dưới đây nhằm tranh luận ngắn gọn một số điểm quan trọng trong bài viết của tác giả Anh Thi.

Người tốt: vẫn nằm trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam

Tác giả Anh Thi là cho rằng “Nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trấn áp tội phạm là của các cơ quan chuyên nghiệp.”

Khó ai có thể phản bác luận điểm này. Các cơ quan chuyên nghiệp là những lực lượng hưởng lương dựa vào nguồn ngân sách công, tức tiền thuế của nhân dân để duy trì trật tự, an ninh xã hội. Họ có trách nhiệm phải làm và có đầy đủ nguồn lực để làm tất cả những “nhiệm vụ” kể trên.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc pháp luật Việt Nam không có chỗ cho người tốt, người tham gia bắt kẻ gian, kẻ phạm tội quả tang.

Điều 10, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của mọi công dân. Tuy nhiên, có hai ngoại lệ quan trọng.

Ngoại lệ đầu tiên là công dân có thể bị xâm phạm đến thân thể, bị tạm giữ, tạm giam nếu có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát.

Ngoại lệ thứ hai, có vẻ như nhắm đến toàn bộ các thể nhân khác trong xã hội, ghi nhận rằng quyền bất khả xâm phạm về thân thể sẽ không có hiệu lực trong trường hợp phạm tội quả tang.

Cụ thể, tại Điều 111 bộ luật này khẳng định rõ “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.”

Đội “Hiệp sĩ” phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, Bình Dương bắt những thanh niên tham gia vào một vụ cướp tại địa bàn. Ảnh: Thanh Hải / Zing.

Nhưng như thế nào là phạm tội quả tang?

Thực tiễn xét xử cũng như căn cứ phát triển pháp lý cho thấy, một trong những trường hợp rơi vào phạm tội quả tang là người đang thực hiện hành vi phạm tội bị phát hiện khi chưa hoàn thành tội phạm hoặc chưa kết thúc việc phạm tội.

Như vậy, trong vụ việc lần này, nhóm trộm cắp là những người đang thực hiện hành vi phạm tội và bị phát hiện ngay lặp tức, nên dù hậu quả vật chất chưa xảy ra (chiếc xe SH không bị mất đi) và tội phạm không đạt, điều này cũng biến họ thành đối tượng phạm tội quả tang và bất kỳ người nào cũng có quyền truy bắt. Vì vậy, các “hiệp sĩ đường phố” không hề vượt quá quyền hạn công dân. Họ chỉ làm điều họ có quyền làm về mặt pháp lý, và nên làm về mặt đạo đức.

Không chỉ vậy, khoản 2 cùng điều 111 của bộ luật này cũng nhấn mạnh: ‘Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.’ Nội hàm quy định cho thấy, những người tham gia bắt giữ tội phạm quả tang được sử dụng một mức độ vũ lực cần thiết để có thể tước vũ khí, hung khí của người phạm tội quả tang.

Ngay cả trong trường hợp thủ phạm sử dụng vũ lực đe dọa tính mạng người tham gia bắt giữ, các ‘Hiệp sĩ đường phố’ cũng được ủy quyền sử dụng quyền phòng vệ chính đáng được ghi nhận trong Điều 22 Bộ Luật Hình Sự.

Từ các quy định pháp lý, ta thấy rằng đại đa số “Hiệp sĩ đường phố” vẫn đang hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Cái yếu kém của “Hiệp sĩ đường phố”, có chăng, cũng là cái sai của chính quyền địa phương khi họ cổ xúy vô độ mà không đi kèm hỗ trợ nghiệp vụ, kỹ thuật; không đưa ra cảnh báo hay hướng dẫn ứng xử. Riêng bản thân các “Hiệp sĩ”, họ không làm gì đáng để chúng ta dè bỉu, phủ nhận và lên án, để rồi dẫn đến dập tắt nghĩa khí Lục Vân Tiên vốn đã hiếm hoi trong xã hội ngày nay.

Người tốt: Vẫn nằm trong khuôn khổ pháp luật thế giới

Không chỉ vậy, bài báo của tác giả Anh Thi còn khiến cho bạn đọc có cảm tưởng rằng Hiệp sĩ đường phố không xảy ra ở nước ngoài, thông qua câu chuyện được kể lại:

“Một người bạn của tôi là người Canada gốc Việt kể rằng, có một người Canada gốc Việt mà anh biết, một lần ra ngân hàng giao dịch bằng chi phiếu. Đang giao dịch dang dở thì có bọn cướp xông tới. Anh bèn giữ chặt một tên cướp để bảo vệ mấy tấm chi phiếu, mặc cho cướp bắn anh trúng vai. Khi cảnh sát tới, cướp bị bắt, nhưng cảnh sát không khen anh mà nói ‘Lần sau ông đừng làm vậy, nguy hiểm lắm. Việc bắt cướp là của chúng tôi.'”

Tôi cho rằng cái nhìn này có phần phiến diện, lấy đơn lẻ vụ việc để mô tả tình hình chung và không thể hiện đúng vai trò quan trọng của người dân các cộng đồng nước ngoài trong việc ngăn chặn tội phạm.

Tại Anh, có đến hàng chục cách thức khác nhau để người dân có thể tham gia các hoạt động nghiệp vụ cảnh sát, hỗ trợ phòng chống tội phạm tình nguyện.

Một trong số đó là Special Constabulary. Đây là chương trình cho phép các cá nhân đến từ mọi nền tảng xã hội, nghề nghiệp có thể được đào tạo cơ bản và tham gia bán chuyên vào lực lượng cảnh sát địa phương, thực hiện nghiệp vụ cảnh sát cơ bản. Họ là mối liên kết quan trọng giữa lực lượng cảnh sát với cộng đồng dân cư của Vương Quốc Anh.

Hay cũng có thể kể đến Neighbourhood & Home Watch Network (NHWN), một tổ chức hợp pháp và được hỗ trợ của Chính phủ Anh. Đây là nơi tập hợp cá nhân, hàng xóm láng giềng của một cộng đồng làm nhiệm vụ tuần tra, chuyển giao thông tin cho cảnh sát hay phản ứng nhanh đối với các tội phạm đặc trưng, có tính chất địa phương và ít nghiêm trọng.

Vương Quốc Anh thời kỳ Trung Cổ cũng là nơi khơi nguồn khái niệm ‘Citizen’s Arrest’, trong đó cho phép cảnh sát, người bảo vệ trật tự công dựa vào các công dân bình thường để ngăn chặn, tạm giữ tội phạm. Khái niệm này hiện nay được pháp điển hóa vào hệ thống Luật của hầu hết các quốc gia từng là thuộc địa của Anh.

Ví dụ, Đạo Luật Hình Sự Tiểu bang California quy định: ‘Một thể nhân có thể thực hiện việc bắt giữ một thể nhân khác nếu: (1) Người bị bắt giữ thực hiện hoặc đang thực hiện tội phạm bất kỳ trước sự hiện diện của người bắt giữ; (2) Người bị bắt giữ đã thực hiện một trọng tội (Tội đại hình), dù người bắt giữ không hiện diện khi tội phạm xảy ra; (3) Một trọng tội đã được hoàn thành, và người bắt giữ có lý do hợp lý để tin rằng người bị bắt giữ đã thực hiện nó.

Hầu hết các chuyên gia pháp lý nước ngoài không khuyến khích người dân chủ động tham gia bắt giữ hay trực tiếp ngăn cản tội phạm bởi tính chất nguy hiểm của nó, đặc biệt đối với các tội đại hình. Tuy nhiên, điều này không tương đồng với việc yêu cầu người dân trở nên vô cảm, thờ ơ với những tội phạm đang xảy ra và không cứu giúp người bị nạn.

Không khó để tìm thấy các thông tin về chính quyền địa phương các nước khen ngợi và hỗ trợ những cá nhân can đảm trực tiếp tham gia phòng chống tội phạm.

“Hiệp sĩ” Stephen Willeford được phỏng vấn trên đài KHBS. Ảnh: Chicago Tribune.

Mới năm nay, anh Jame Shaw Jr. được cảnh sát Tennessee, Hoa Kỳ, ca ngợi là anh hùng khi anh này vật lộn và hạ đo ván kẻ dùng súng tấn công vào một quán bar đông đúc tại địa phương, cứu được hàng chục thực khách dừng chân tại đây.

Tại Anh, một nhân viên pha chế quán bar cũng được cảnh sát hết lời khen ngợi khi anh phát hiện và ngăn chặn thanh niên khác đang hành hung một phụ nữ với ý định bắt cóc cô này lên xe van riêng của mình.

Hay trong vụ xả súng khét tiếng tại Nhà thờ Sunderland, Texas khiến 26 người chết, ông Stephen Willeford đã can đảm dùng súng riêng của mình để chiến đấu ngăn cản kẻ thủ ác tiếp tục sát hại thêm người vô tội. Willeford được người Mỹ tung hô là một ‘người Samaritan nhân lành’ ngay sau đó, cũng như nhận được lời cảm ơn của chính phủ địa phương rằng ông đã giúp pháp luật được thực thi.

Đây chỉ là con số nhỏ trong hằng hà sa số những câu chuyện Lục Vân Tiên được truyền tụng bởi báo chí và chính phủ nhiều nước, khác hẳn với cái quan điểm rằng, ở nước ngoài, đấu tranh ngăn ngừa tội phạm chỉ là chuyện của cảnh sát.

Hiển nhiên, người viết nhận thức được rằng hệ thống pháp quyền Việt Nam cần phải được hoàn thiện, rằng hệ thống thi hành pháp luật Việt Nam đang vô cảm, đang chọn việc nhẹ nhàng. Ngay cả cái cách chính quyền quản lý lực lượng “Hiệp sĩ đường phố” cũng có phần không ổn. Để cải thiện hệ thống này, chúng ta cần những Lục Vân Tiên vĩ mô, những Lục Vân Tiên tầm vóc. Nhưng cho đến khi đó, hãy ủng hộ những Lục Vân Tiên đời thường, những cá nhân can đảm sẵn sàng lao vào nguy hiểm giúp đỡ người bị nạn.  

Đôi khi trong những tình huống ngàn cân treo sợi tóc, điều chúng ta cần chính là một người lạ qua đường, một Lục Vân Tiên thấy chuyện bất bình chẳng tha. Chúng ta cần gìn giữ lòng tốt quý giá ấy trong cái xã hội Việt Nam dường như đang mai một.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.