Báo chí Đông Âu hậu cộng sản – Kỳ 1: Chập chững tư nhân hoá

Báo chí Đông Âu hậu cộng sản – Kỳ 1: Chập chững tư nhân hoá

Đầu những năm 1990 là giai đoạn của những thay đổi sâu sắc với các quốc gia Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Các quốc gia này bắt đầu đặt ra một kế hoạch lâu dài để duy trì các giá trị dân chủ trên toàn lãnh thổ. Thời điểm đó, nhiều học giả dân chủ Tây phương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phương tiện truyền thông nhằm củng cố thể chế dân chủ trong khu vực này. Như vậy, công chúng hy vọng rằng các phương tiện truyền thông “lề trái”, vốn vẫn hoạt động bí mật dưới chế độ độc tài, sẽ trở thành một lực lượng quan trọng góp phần cổ suý các giá trị dân chủ trên toàn khu vực.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề dễ dàng.

Tự do báo chí và dân chủ hóa: những bước phát triển ban đầu

Trong vài tháng đầu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, các phương tiện truyền thông ở các quốc gia Đông Âu bắt đầu phát triển theo mô hình Tây phương: hướng tới tư nhân và đa dạng hóa, và tự chủ hơn về thông tin.

Slavko Splichai, giáo sư đại học Ljubljanam, Slovenia nhấn mạnh rằng ở hầu hết các nước cộng sản, luật báo chí đã được ban hành để cho phép một bộ phận tư nhân đầu tư vào và phá bỏ sự độc quyền của nhà nước. Hơn nữa, phương tiện báo chí cũng được tự do hóa hoàn toàn ngay sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.

Năm 1990, các luật mới về tự do ngôn luận và thông tin được thông qua ở Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Czech và Slovakia), trong khi một số điều luật hình sự về “khiêu khích” và “lật đổ” cũng bị bãi bỏ.

Những bước đầu hướng tới tư nhân hoá và đa dạng hóa đã dẫn tới việc sáng tạo ra nhiều ấn phẩm và các chương trình phát thanh và truyền hình mới ở tất cả các nước trong khu vực, từ đó gia tăng một số lượng lớn các nhà báo chuyên nghiệp ở tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, bất chấp những thành công về dân chủ chính trị trong khu vực, những xu hướng về tự do và phát triển truyền thông đã không kéo dài sau những dấu hiệu lạc quan ban đầu. Trong năm 2008 cũng như gần đây, đa số hệ thống truyền thông ở các quốc gia Đông Âu vẫn bị đánh giá là “Bán tự do” hoặc “Không tự do”.

Quyền sở hữu và bàn tay chính phủ

Dưới thể chế dân chủ, nhiều cơ sở truyền thông đã được cổ phần và tư nhân hóa, thậm chí một số chính phủ đã thành lập các chương trình hỗ trợ báo chí nhằm phát triển theo đường lối của các nước phương Tây để phá bỏ độc quyền. Tuy nhiên, chính vấn đề quyền sở hữu đã ngăn cản những nỗ lực phát triển một hệ thống truyền thông đa dạng và tự do.

Hầu hết các chính phủ dân chủ trong khu vực đều nhận ra rằng các phương tiện truyền thông sẽ là một công cụ vô cùng lợi hại nếu nhà nước có thể kiểm soát nhằm định hướng dư luận. Đặc biệt, bởi cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 là những năm có nhiều bất ổn chính trị, các đảng phái dân chủ non trẻ phải kiểm soát báo chí vì chúng được xem là “cây đũa thần” và có khả năng thuyết phục công chúng để có thể tiến hành những cải cách như mong muốn.

Mặt khác, các phương tiện thông tin đại chúng độc lập được xem như là mối đe dọa nghiêm trọng vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng của chính phủ mới khi muốn thông qua một đạo luật. Trong khu vực Đông Âu, một số chính phủ mới đã đi quá xa khi buộc tội báo chí đã làm suy yếu quá trình dân chủ hoá khi liên tiếp chỉ trích các chính sách hay đạo luật mới được đề ra ở quốc hội. Các chính phủ mới được bầu ra trong phần lớn các nước hậu cộng sản đã cố gắng sử dụng quỹ công hoặc các công cụ lập pháp để có thể kiểm soát và định hướng chính trị thông qua báo chí.

Các chính phủ mới ở Đông Âu có thể sở hữu một phần các tổ chức báo chí là do trong những năm 1990, khu vực này không có một xã hội dân sự phát triển để tranh giành ảnh hưởng với chính quyền. Các công ty phát thanh và truyền hình, mặc dù ở mức độ thấp hơn, cũng nằm trong sự ảnh hưởng của các tầng lớp lãnh đạo.

Chính phủ củng cố sự kiểm soát đối với các công ty truyền thông thông qua một số chính sách linh hoạt.

Ở Ba Lan, Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia (KRRiT) được thành lập để phân bổ và giám sát sóng vô tuyến. Theo Hiến pháp Ba Lan, phương tiện truyền thông phải là một cơ quan độc lập và không bị chính phủ can thiệp nhưng KRRiT đã được lập chỉ để duy trì hình ảnh tích cực của giới tinh hoa chính trị với công chúng.

Ở Slovakia, một phương pháp tương tự cũng được áp dụng để khẳng định quyền kiểm soát phương tiện truyền thông; trong khi luật pháp nhà nước định nghĩa từ “tự do và độc lập” của truyền thông rất mơ hồ. Từ đó, Quốc hội có thể sửa đổi nhiều lần để có thể thành lập một Ủy ban giám sát truyền hình và phát thanh.

Ở Hungary, Diễn đàn Dân chủ Hungary, đảng cầm quyền từ 1990 đến 2010, đã tận dụng nhiều phương pháp khác nhau để chống lại báo chí độc lập khi cáo buộc những phương tiện truyền thông còn giữ lại tàn dư cộng sản. Chính quyền dân chủ non trẻ này đã quốc hữu hóa các tờ báo độc lập cũng như lập ra hàng loạt các tờ báo mới, mặc dù không thuộc sở hữu nhà nước nhưng vẫn do những người ủng hộ liên minh cầm quyền kiểm soát

Thêm vào đó, có một ví dụ đặc biệt thú vị về ảnh hưởng của giới tinh hoa “lão làng” đến các phương tiện truyền thông ở Ba Lan, nơi có Giáo hội Công giáo – một lực lượng mạnh mẽ trong phong trào dân chủ hóa của Ba Lan, nhưng cũng là một thành phần bảo thủ. Giữa năm 1989, Giáo hội thành lập một kênh truyền hình riêng để thúc đẩy các nghị trình của mình. Giáo hội gây áp lực lên một số cơ sở truyền thông độc lập bằng cách thúc đẩy việc thông qua các luật lệ chống lại chương trình tục tĩu và khiêu dâm. Bên cạnh đó, họ cũng thường cáo buộc các nhà báo về việc “phỉ báng những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của quốc gia”.

Ngay cả trong trường hợp nhà nước không thể trực tiếp kiểm soát báo chí hay truyền hình, hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến nội dung phát sóng bằng cách thành lập các cơ quan kiểm duyệt, một số yếu tố khác đã ngăn cản việc tư hữu hoá truyền thông ở các nước trong khu vực.

Tình trạng kinh tế của các quốc gia hậu cộng sản thường rất bấp bênh, khiến nhiều công ty truyền thông không thể duy trì được sự độc lập của mình. Chính phủ cũng làm tình hình xấu thêm khi áp dụng các khoản thuế bổ sung đối với các công ty truyền thông mới nổi như trường hợp ở Albania, Bulgaria và Slovakia. Trong khi đó, một số chính phủ tài trợ cho các công ty truyền thông non trẻ để từ đó có thể kiểm soát được họ – đơn cử là Slovakia, nơi có bốn đài phát thanh quốc gia được nhà nước tài trợ.

Trong tình trạng tài chính thiếu hụt, các cơ quan báo chí có hai lựa chọn: xin hỗ trợ từ nhà nước và mất quyền tự chủ, hoặc tìm kiếm các nhà đầu tư Tây phương.

Tuy nhiên, lựa chọn thứ hai cũng không phải là một cách hay, bởi vì các công ty truyền thông sẽ phụ thuộc vào các tập đoàn thương mại Tây phương và hạn chế nguồn nhân lực, tính đa dạng, và sự độc lập về các bản tin. Hơn nữa, bởi vì các tập đoàn nước ngoài chỉ hoạt động để kiếm lời, các tờ báo thông thường phải đưa ra các tin tức đứng về phía đảng cầm quyền và các chính sách của nhà nước. Điều này dĩ nhiên làm suy yếu khả năng của báo chí khi không thể giữ vững lập trường khách quan.

Tài liệu tham khảo:

Bernhard, Michael. “Civil Society and Democratic Transition in East Central Europe.” Political Science Quarterly 108.2 (1993): 307-326.

Freedom in the World Comparative and Historical Data. “Freedom in the World Country Ratings, 1973-2009.” Freedom House. http://www.freedomhouse.org/template.cfm?page=439 (accessed January 18, 2018).

Freedom of the Press Historical Data. “Freedom of the Press: Central and Eastern Europe/Former Soviet Union.” Freedom House. http://www.freedomhouse.org/template.cfm?page=274 (accessed January 18, 2018).

Goban-Klas, Tomasz. “Politics versus the Media in Poland: A Game without Rules.” In Post-Communism and the Media in Eastern Europe, ed. Patrick H. O’Neil, 24-41. London: Frank Cass and Co. Ltd, 1997.

Gross, Peter. Entangled Evolutions: Media and Democratization in Eastern Europe. Washington: Woodrow Wilson Center Press, 2002.

Gurevitch, Michael and Blumler, Jay G. “Political Communication Systems and Democratic Values.” In Democracy and the Mass Media, ed. Judith Lichtenberg, 269-289. Cambridge: Cambridge University Press, 1990.

Jakubowicz, Karol. “Media Within and Without the State: Press Freedom in Eastern Europe.” Journal of Communication 45 (1995): 125-139.

Jakubowicz, Karol and Miklós Sükösd. “Twelve Concepts Regarding Media System Evolution and Democratization in Post-Communist Societies.” In Finding the Right Place on the Map: Central and Eastern European Media Change in a Global Perspective, ed. Karol Jakubowicz and Miklós Sükösd, 9-40. Chicago: Chicago University Press, 2009

Kaldor, Mary and Ivan Vejvoda. “Democratization in Central and East European Countries.” International Affairs 73.1 (1997): 59-82.

Kettle, Steve. “The Development of the Czech Media since the Fall of Communism.” In Post-Communism and the Media in Eastern Europe, ed. Patrick H. O’Neil, 42-60. London: Frank Cass and Co. Ltd, 1997.

Lánczi, András and Patrick H. O’Neil. “Pluralization and the Politics of Media Change in Hungary.” In Post-Communism and the Media in Eastern Europe, ed. Patrick H. O’Neil, 82-101. London: Frank Cass and Co. Ltd, 1997.

Man Chan, Joseph. “Media, Democracy and Globalisation: A Comparative Framework.” The Public 8.4 (2001): 103-118.

Milton, Andrew K. “New Media Reform in Eastern Europe: A Cross-National Comparison.” In Post-Communism and the Media in Eastern Europe, ed. Patrick H. O’Neil, 7-23. London: Frank Cass and Co. Ltd, 1997.

Norris, Pippa. “The role of the free press in promoting democratization, good governance, and human development” (paper presented at the Annual National Conference of the Midwest Political Science Association, Chicago, 20-22 April 2007).

O’Neil, Patrick. H. “Introduction: Media Reform and Democratization in Eastern Europe.” In Post-Communism and the Media in Eastern Europe, ed. Patrick H. O’Neil, 1-6. London: Frank Cass and Co. Ltd, 1997.

Price, Monroe. “Media Transitions in the Rear-View Mirror: Some Reflections.” International Journal of Politics, Culture and Society 22:4 (2009): 485-496.

Sachs, Natan. “Freedom of the Press, Democracy & Democratization” (paper presented at the Annual National Conference of the Midwest Political Science Association, Chicago, 20-April 22, 2007).

Sen, Amartya. Development as Freedom. New York: Anchor Books, 1999.

Školkay, Andrej. “Journalists, Political Elites and the Post-Communist Public: The Case of Slovakia.” In Post-Communism and the Media in Eastern Europe, ed. Patrick H. O’Neil, 61-81. London: Frank Cass and Co. Ltd, 1997.

Splichal, Slavko. “Imitative Revolutions: Changes in the Media and Journalism in East-Central Europe.” The Public 8.4 (2001): 31-56

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.