Mặc dù Mỹ và Canada có hiệp ước dẫn độ từ lâu nhưng có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để có thể dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu – Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei sang Mỹ, tờ Bloomberg đưa tin.
Theo các chuyên gia và luật sư dẫn độ, việc yêu cầu một quốc gia khác bắt giữ một công dân của nước thứ ba về các vi phạm lệnh trừng phạt là rất hiếm, và điều này có thể làm các thủ tục tố tụng phức tạp thêm.
Bà Mạnh Vãn Chu – con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei của Trung Quốc, bị bắt tại Vancouver, Canada hôm 1/12 và đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.
Bà bị cáo buộc là đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua việc âm thầm bán công nghệ cho Iran. Bà Mạnh có thể phải đối mặt với bản án tối đa 30 năm tù cho mỗi tội danh nếu bị dẫn độ tới Mỹ và bị kết án.
Phiên xử diễn ra hôm thứ Sáu (7/12) tại Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia chỉ là sự khởi đầu của một quá trình pháp lý tại Canada nhằm kiểm tra kỹ lưỡng việc tuân thủ Hiệp ước dẫn độ giữa Canada và Hoa Kỳ (1971). Quá trình này có thể kết thúc bằng việc dẫn độ phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của Huawei sang Mỹ.
(Hình ảnh phác thảo phiên toà xét xử bà Mạnh Vãn Chu vào ngày 8/12 tại Vancouver. Người mặc áo màu xanh lá cây là bà Mạnh Vãn Chu.)
Việc dẫn độ tội phạm từ Canada về Mỹ diễn ra như thế nào?Theo luật pháp về dẫn độ của Hoa Kỳ, việc yêu cầu dẫn độ sẽ do Văn phòng Phụ trách Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Tư pháp (OIA) tiến hành.
OIA duy trì liên lạc với các nước và chịu trách nhiệm thực hiện các bước đi tiếp theo dẫn tới việc bắt giữ và dẫn độ tội phạm.
Cũng cần lưu ý là quyết định yêu cầu lệnh bắt giữ đối với một đối tượng nào đó, nhất là đối với những nhân vật quan trọng và có tầm ảnh hưởng như bà Mạnh Vãn Chu cần có một loạt chỉ thị được xem xét kỹ lưỡng tại Bộ Tư pháp và tại các cơ quan cấp cao trong chính phủ Mỹ.
Canada là một trong số hơn 100 quốc gia ký hiệp định dẫn độ tội phạm với Mỹ.
Hiệp ước dẫn độ lâu năm giữa Mỹ và Canada quy định cá nhân bị dẫn độ phải bị xem là tội phạm ở cả hai quốc gia.
Canada có chính sách trừng phạt Iran, nhưng chưa có kết luận liệu bà Mạnh có vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Canada hay không.
Cần biết rằng việc vi phạm lệnh trừng phạt không nằm trong số các tội phạm có thể dẫn độ được mô tả trong hiệp ước với Mỹ, mặc dù trong đó có các điều khoản về gian lận và nhận tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp.
“Một trong những khái niệm chính của bất kỳ hiệp ước dẫn độ nào giữa hai quốc gia là vấn đề tội phạm kép”, ông Kan Nawaday, một luật sư tại hãng Venable và cựu công tố viên liên bang ở New York, nói.
“Quốc gia nơi ai đó bị bắt giữ sẽ không dẫn độ người đó sang nước khác nếu những gì họ làm là không phạm tội ở quốc gia bị bắt.”
Công tố viên John Gibb-Carsley của Canada hôm 7/12 nói với Tòa án Tối cao British Columbia rằng Mỹ đang nghi ngờ bà Mạnh Vãn Chu có âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính để né lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Iran. Từ năm 2009 đến 2014, Huawei bị cáo buộc sử dụng công ty con Skycom để tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Iran. “Đây là mấu chốt của hành vi gian lận”, Gibb-Carsley nói.
Cũng theo công tố viên Gibb-Carsley, những nỗ lực nhằm đánh lừa các tổ chức tài chính về bản chất mối quan hệ của Huawei với Skycom chính là tội gian lận theo luật pháp Canada.
“Bà Mạnh đã lừa dối các tổ chức tài chính, khiến cho lợi ích tài chính và tiền của họ gặp rủi ro”, ông nói.
Các hiệp ước dẫn độ quy định từng loại hình tội phạm sẽ bị xem xét dẫn độ và một số hiệp ước loại trừ dẫn độ các cá nhân đang đối mặt với bản án tử hình.
Một khi yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ được gửi đi và tiếp nhận, tòa án Canada sẽ phải xác định liệu có đủ bằng chứng để hỗ trợ quá trình dẫn độ hay không và Bộ Tư pháp Canada sẽ chịu trách nhiệm đưa ra chỉ thị chính thức.
Với các quốc gia không ký hiệp ước dẫn độ với Mỹ thì sao?Nếu nghi can mà Mỹ muốn dẫn độ đang có mặt ở những quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, họ sẽ phải chờ cho nghi can nhập cảnh vào một nước có hiệp ước dẫn độ với Mỹ mới có thể bắt giữ.
Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia nằm trong số những quốc gia không có hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ.
Để làm việc đó, một lựa chọn cho OIA là liên lạc với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) để ban hành “cảnh báo đỏ” cho thấy rằng đang có lệnh truy nã đối với đối tượng đó.
Cảnh báo đỏ thường không thông báo công khai mà sẽ là thông báo ngầm đến các quốc gia, và một cá nhân có thể bị bắt giữ căn cứ vào cảnh báo này ngay khi đến biên giới hoặc sân bay ở một nước có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay Vancouver, nhưng không nêu rõ liệu giới chức Canada có thực hiện vụ bắt giữ này dựa trên cảnh báo đỏ hay không.
Bà Mạnh Vãn Chu có thể chống lại yêu cầu dẫn độ của Mỹ?Yêu cầu dẫn độ của Mỹ nhìn chung đòi hỏi nhà chức trách Mỹ phải trình ra các cáo buộc và bằng chứng thuyết phục.
Thông thường, các bị cáo sẽ chống lại việc bị dẫn độ với lý do quyền lợi của họ tại quốc gia bị bắt giữ sẽ bị vi phạm nếu họ bị đưa tới quốc gia yêu cầu dẫn độ.
Trong trường hợp này, bà Mạnh có thể chống lại yêu cầu trên của Mỹ bằng việc chứng minh với Canada rằng bà sẽ không được luật pháp Hoa Kỳ bảo đảm quyền lợi như ở Canada.
Hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada cũng đặc biệt nghiêm cấm dẫn độ về tội danh chính trị. Bà Mạnh hoàn toàn có thể lập luận rằng bà đang bị sử dụng như một con tốt trong tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 11/12, toà án đồng ý để bà Mạnh Vãn Chu nộp khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD đi kèm một số điều kiện khắt khe khác để được tại ngoại, Reuters đưa tin.
Các điều kiện đi kèm yêu cầu bà Mạnh phải nộp lại hộ chiếu, đeo vòng định vị và có nhân viên an ninh giám sát mỗi khi rời khỏi tư gia tại Vancouver. Năm người bạn của bà cũng phải thế chấp nhà cửa và tài sản để đảm bảo bà không bỏ trốn.
Trung Quốc đang gây áp lực lên Canada bằng cách bắt giữ hai công dân Canada.
Về phía Hoa Kỳ, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 11/12 tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết ông để ngỏ khả năng can thiệp với Bộ Tư pháp Mỹ về vụ bắt giữ này nếu việc đó giúp ông đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Hiện vẫn chưa rõ hiện bà Mạnh sẽ bị dẫn độ tới Mỹ hay không. Các công tố viên Mỹ có 60 ngày để đưa ra đề nghị chính thức về việc này.
—
Từ khóa:
dẫn độ: to extradite (động từ), extradition (danh từ)
vi phạm: to violate
trừng phạt: to sanction
trả tự do, phóng thích: to release
điều tra: to investigate
toà án tối cao, tối cao pháp viện: supreme court